Cô hiệu trưởng mầm non tâm huyết với giáo dục vùng bản

Thanh Hải |

Gương mẫu, trách nhiệm, tâm huyết và sáng tạo không ngừng…, đó là nhận xét, khen ngợi của đồng nghiệp và lãnh đạo cấp trên dành cho cô Đỗ Uyên Thiên Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xy, xã Xy, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). 12 năm làm quản lý ở một trường mầm non vùng bản, trong đó có 8 năm là hiệu trưởng, cô giáo Minh luôn xem trường như nhà, yêu trẻ như con, nỗ lực phấn đấu hết mình đưa Trường Mầm non Xy trở thành trường mầm non đầu tiên ở vùng bản huyện Hướng Hóa đạt trường chuẩn quốc gia vào năm 2019, là “điểm sáng” về huy động các nguồn lực dành cho giáo dục vùng bản.

Tốt nghiệp Khoa Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị năm 1999, cô Minh về nhận công tác tại Trường Mầm non Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Sau một thời gian nỗ lực phấn đấu và tự học thêm hoàn thiện bằng đại học sư phạm mầm non, năm 2010 cô Minh được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xy, đến năm 2014 cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Xy.

Cô Đỗ Uyên Thiên Minh có nhiều đóng góp tích cực cho giáo dục vùng bản - Ảnh: N.T.H
Cô Đỗ Uyên Thiên Minh có nhiều đóng góp tích cực cho giáo dục vùng bản - Ảnh: N.T.H

Công tác tại một ngôi trường vùng rẻo cao biên giới cách xa nhà hơn 100km, từ ngày gắn bó với Trường Mầm non Xy, cô đã xem trường như ngôi nhà của mình, làm việc và ở lại sinh sống cùng với bà con dân bản, nhờ đó càng hiểu hơn những thiếu thốn, thiệt thòi của học sinh vùng cao.

“Chứng kiến những khó khăn, vất vả mưu sinh của phụ huynh và khát khao vượt khó đến trường tìm con chữ của các em học sinh, trong tôi luôn thôi thúc tâm nguyện làm được điều gì đó đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao, phải làm sao để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui của các em. Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể sư phạm nhà trường, đến nay Trường Mầm non Xy đã duy trì và phát triển tốt chất lượng trường trọng điểm của vùng bản, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2, xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - thân thiện”, cô Minh chia sẻ.

Xác định vấn đề “nan giải” đối với sự nghiệp “trồng người” ở xã đặc biệt khó khăn vùng cao biên giới là huy động học sinh ra lớp và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy - học, cô Minh cùng với cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Xy không quản ngại khó khăn bám bản, bám dân, bám trường, bám lớp để tổ chức lớp học và giảng dạy hiệu quả; đồng thời làm tốt công tác vận động xã hội hóa để bổ sung thêm cơ sở vật chất, đồ chơi, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ vui chơi và hoạt động, đáp ứng yêu cầu của ngành học.

Hằng năm, từ cán bộ quản lý đến giáo viên phụ trách các điểm trường đều chủ động phối hợp với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, các già làng, trưởng bản để nắm bắt kịp thời số lượng các cháu trong độ tuổi đến trường, từ đó có biện pháp tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh cho con đi học đúng độ tuổi. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, kinh tế - xã hội của địa phương đặc biệt khó khăn, để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy học hiệu quả, cô Minh cùng tập thể sư phạm nhà trường đã có nhiều cách làm sáng tạo tìm kiếm vận động, huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa tu sửa, xây dựng phòng học, sân chơi, tường rào, khuôn viên trường ngày một khang trang.

Vận động các tổ chức phi chính phủ như Plan, Cây Hòa bình hỗ trợ mua sắm thêm trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các cháu. Động viên phụ huynh góp sức cùng với giáo viên làm đồ chơi cho trẻ từ các vật dụng sẵn có ở địa phương; trồng thêm vườn rau quả xanh hóa trường lớp và cải thiện bữa ăn cho trẻ để tăng tính trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Kết nối với người, thân, bạn bè để vận động cho trẻ thêm tấm áo, đôi dép…

Đồng thời, phong trào thi sáng kiến kinh nghiệm, thi giảng, thi hồ sơ giáo án, tự làm đố dùng, đồ chơi trong trường học, thiết kế bài giảng điện tử vào giảng dạy được nhà trường tổ chức sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo hứng thú cho người học. Thông qua chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, nhà trường đã thu hút được sự tham gia của các bậc phụ huynh và cộng đồng, sự tin tưởng của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương hỗ trợ triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học.

Nhờ đó, tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ở xã Xy luôn đạt cao, trẻ bán trú 100%. Năm học 2022- 2023, tỉ lệ huy động độ tuổi nhà trẻ đạt 22,7%; tỉ lệ huy động độ tuổi mẫu giáo đạt 98,2%, trong đó mẫu giáo 5 tuổi huy động đạt 100%, đứng đầu các trường vùng bản và cao hơn nhiều so với một số trường ở vùng có điều kiện thuận lợi. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày một nâng cao. Kết quả đánh giá cuối năm, có trên 95% trẻ đạt các chỉ số đánh giá, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100% các chỉ số theo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.

Đến thăm Trường Mầm non Xy nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước diện mạo đổi thay khang trang, sạch đẹp của ngôi trường ở vùng bản này.

Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa Hoàng Văn Sơ cho biết: “Trường Mầm non Xy là đơn vị điển hình vượt khó xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của ngành giáo dục huyện Hướng Hóa. Đây là ngôi trường vùng bản ở xã biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục vùng khó, cô hiệu trưởng Đỗ Uyên Thiên Minh cùng với tập thể sư phạm nhà trường đã luôn sáng tạo không ngừng, xây dựng ngôi trường trở thành trường mầm non đầu tiên của huyện ở vùng bản đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 2.

Bản thân cô Minh năm nào cũng có sáng kiến kinh nghiệm xếp loại A, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017”; Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh từ năm học 2014-2015 đến năm học 2016-2017 và nhiều bằng khen, giấy khen khác của các cấp, các ngành”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xứng danh lá cờ đầu của ngành giáo dục Hướng Hóa

Lê An |

Nằm ở địa bàn miền núi, chỉ hơn 25 năm hình thành và phát triển, nhưng với sự nỗ lực của tập thể giáo viên và học sinh, Trường THCS Khe Sanh, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã từng bước vươn lên trở thành một trong những ngôi trường trọng điểm, lá cờ đầu cấp THCS của ngành giáo dục huyện và tỉnh, là nơi "chắp cánh" cho nhiều thế hệ học sinh trưởng thành.

Giáo dục Hướng Hóa, những bước tiến vững chắc

Khánh Ngọc |

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng với sự nỗ lực vượt khó bám bản, bám dân, bám trường, bám lớp để tổ chức lớp và dạy học hiệu quả của các thế hệ nhà giáo, giáo dục huyện miền núi Hướng Hóa đã có những bước tiến khá vững chắc.

Nỗ lực với giáo dục vùng khó

Phan Văn Đức |

Gặp thầy giáo Trần Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị) ngay ở cổng trường, bằng cái bắt tay ấm áp, nghĩa tình và nụ cười trìu mến, chúng tôi nhận thấy sự thân thiện của thầy ngay khi gặp mặt. 

Quan tâm nội dung giáo dục địa phương cho học sinh

Tú Linh |

Giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương mình (được hiểu là địa phương cấp tỉnh). Học sinh trên toàn tỉnh rất hứng thú khi được tiếp cận với nội dung giáo dục này.