Cụ ông Quảng Trị làm cối xay lúa, nhiều nơi đặt mua với mục đích bất ngờ

Đức Việt |

Trải qua mọi công đoạn hoàn toàn được làm thủ công, từ đôi tay tài hoa, tỉ mẩn của ông lão đã bước sang tuổi 82, những chiếc cối xay lúa trong ký ức xa xưa thành hình đầy sống động. Gần suốt cuộc đời miệt mài đam mê, gắn bó với nghề xưa, có thể nói rằng hiện nay ông là một trong số ít những “nghệ nhân” còn chế tác ra những chiếc cối xay lúa cầu kỳ và chan chứa kỷ niệm của một thời thương khó.

Một đời với nghề xưa cũ

Trong khuôn viên căn nhà rường cũ kỹ dựng lên trên nền đất nện, phía ngoài là mảnh sân nhỏ được lát gạch vồ kiểu xưa và trước nữa là rặng tre già đong đưa theo gió - khung cảnh yên ả của ngôi nhà ông Nguyễn Trường ở đội 2, thôn Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) gợi lên nhiều hoài niệm về một thời xưa cũ. Vợ mất đã 10 năm, các con đều đi làm ăn và sinh sống xa quê, ngày ngày ông Trường chỉ còn thú đam mê làm cối xay lúa và đan lát các vật dụng rổ rá. “Nghề làm cối xay lúa của gia đình tôi được trao truyền từ đời ông nội, đời ông già tôi và đến tôi bây giờ. Tôi theo ông, theo cha cầm đục đẽo học nghề từ thuở khoảng 10 tuổi, đến nay gần cả đời người vẫn gắn bó với nghề xưa cũ này”, ông Trường bộc bạch.

Ông Trường “biểu diễn” công việc xay xát từ chiếc cối xay lúa thủ công. Ảnh: Đ.V
Ông Trường “biểu diễn” công việc xay xát từ chiếc cối xay lúa thủ công. Ảnh: Đ.V

Thời tuổi trẻ, cũng như bao thanh niên trai tráng, ông lập gia đình rồi cùng vợ tần tảo ruộng nương lần hồi nuôi con. Khi đàn con đã trưởng thành, được dựng vợ gả chồng rồi thì chúng lần lượt tứ tán làm ăn, sinh sống ở xa quê bởi ở vùng quê chiêm trũng này khó mà khá khẩm. Nhấp ngụm trà ấm nóng, ông Trường cho hay nghề này ngày xưa thịnh hành vì công dụng của cối xay là phục vụ xay xát cho cư dân chủ yếu sống bằng nghề nông trong vùng. Nay thì các loại máy xay xát hiện đại nơi nào cũng có nên cối xay thủ công chỉ được làm cho khách hàng trưng bày, lưu niệm…

“Ngày xưa nghề làm cối xay lúa cũng có của ăn của để, nhưng mười lăm hai mươi năm nay nghề dần rơi vào quên lãng bởi chả ai màng tới chiếc cối xay lúa thủ công này. Nhiều chiếc cối xay cũ trong dân giờ cũng đã mục nát vì bị bỏ xó, chẳng ai còn ngó ngàng. May thay vài năm lại đây, bỗng nhiên nhiều khách hàng lại quan tâm trở lại chiếc cối xay lúa này như là một loại nông cụ lưu niệm và đặt hàng tôi làm. Đó là các công ty du lịch, bảo tàng, di tích lịch sử, chùa chiền, một số ngân hàng và nhiều đơn vị khác… Nhờ vậy nên giờ tôi cũng có việc làm lai rai, vừa có thêm thu nhập, vừa thỏa niềm đam mê”, ông Trường nói.

Vừa trò chuyện, ông vừa tranh thủ khệ nệ bê ra sân chiếc thúng đựng đầy đủ những dụng cụ làm nghề mộc thủ công có thể bây giờ đã ít ai dùng đến như: Đục, chàng, bào, dùi cui, rìu, cưa tay… Từ những dụng cụ thô sơ này kết hợp với những loại vật liệu tre, gỗ có sẵn ở làng, dưới đôi tay chai sần đầy kinh nghiệm của ông, trải qua nhiều công đoạn đã cho ra đời những chiếc cối xay lúa của một thời hoài niệm. Theo ông Trường, nghề này nhìn đơn giản vậy nhưng khó học, khó theo đuổi được bởi sự tỉ mẩn, kiên nhẫn được đặt lên hàng đầu. Hồi trước cũng có nhiều người làm nghề này nhưng dần bỏ ngang chuyển nghề khác dễ sống hơn. “Ai có tính bay nhảy, thích nghề mới hoặc để kiếm thu nhập nhiều hơn thì rất khó có thể theo được hoặc trụ lại với nghề này. Xác định làm nghề này thì xem như an phận, làm nghề chủ yếu vì đam mê là chính. Có lẽ nghề làm cối xay lúa đã vận vào số phận của tôi mất rồi”, ông Trường tâm sự.

Ông Nguyễn Trường tỉ mỉ với từng công đoạn làm cối xay lúa thủ công. Ảnh: Đ.V
Ông Nguyễn Trường tỉ mỉ với từng công đoạn làm cối xay lúa thủ công. Ảnh: Đ.V

“Thợ mộc ăn ngay, thợ xay ăn cối”

Chỉ vào một chiếc cối xay đã hoàn thiện nằm bên hiên nhà, ông giới thiệu kết cấu chính của chiếc cối bao gồm: Dàn đế gỗ; đế chân; máng xay; thân buồng xay. Tất cả các bộ phận này được kết nối với nhau bằng mộng gỗ hoặc tre để tạo nên một chiếc cối xay hoàn chỉnh. Để vận hành chiếc cối xay thì một bộ phận không thể thiếu là chiếc giàng xay (mỗi khi xay lúa thì tra vào lỗ của phần “tai” cối xay). Theo ông Trường để làm ra một chiếc cối xay lúa hoàn chỉnh có nhiều công đoạn. Nhưng muốn cối chắc chắn, bền đẹp thì điều quan trọng là phải chọn được vật liệu tốt. Gỗ thì phải là loại gỗ đắng, chát để chống mối mọt và bền như: Phi lao, xoan, trâm bầu, mít… tre thì phải là tre già và trước đó được ngâm chua dưới ao bùn từ 10-15 ngày. “Phần đan lát máng xay, thân xay hay đế xay thì đơn giản hơn. Phần khó nhất là phải đục đẽo phần khung gỗ sao cho khi ghép vào các phần tre đan phải khớp chính xác gần như tuyệt đối. Bởi vì tre, gỗ dễ co ngót và việc ráp hoàn toàn thủ công nên nếu không đục đẽo cho chính xác thì cối, máng ghép vào bị lệch, cong vênh dẫn đến cối không bền, xiêu vẹo”, ông Trường bật mí.

Một phần quan trọng nhất trước khi hoàn chỉnh chiếc cối xay đó là phần thân cối xay phải được lèn bằng đất. Đất được lèn vào thân cối phải là đất thịt khô, được tán mịn kết hợp với muối hạt theo tỉ lệ 10 kg đất+1 kg muối. Theo ông, đất với muối thì tùy cối lớn nhỏ nhưng phải tuân theo tỉ lệ 10+1. Mục đích của việc trộn muối vào vừa giữ được độ ẩm của đất để đất không rơi ra ngoài trong quá trình xay sau này, vừa có tác dụng gia tăng sức chống mối mọt. Thân cối sau khi được lèn chặt đất muối thì còn được trét 2 lần hỗn hợp giữa dây tơ hồng giã nhỏ+phân trâu (như kiểu trét phên nhà ngày trước). Sau khi lèn đất, phần mặt thân cối sẽ được đóng lèn chặt bằng hàng chục tấm gỗ phi lao nhỏ mỏng theo phương thẳng đứng. Khi hoàn thiện, mặt phẳng trên thân cối tựa như hình chiếc đồng tiền xu ngày xưa… “Làm phần thân cối kỳ công vì đây là bộ phận đặc biệt quan trọng của cả chiếc cối xay, quyết định cho quá trình vận hành trơn tru, hiệu quả. Bởi vậy người xưa hay nói “thợ mộc ăn ngay, thợ xay ăn cối” là vì thế.

Cụ thể, nếu thợ xay dù làm xong chiếc cối xay lúa mà phần thân cối xay hoạt động kém hiệu quả thì khó mà lấy được tiền của khách, trong khi thợ mộc có thể được thanh toán theo từng phần việc đã xong”, ông Trường lý giải. Ông cho biết, hồi còn trẻ chỉ mất khoảng 3 ngày là hoàn thành một chiếc cối xay lúa. Nay thì mất khoảng 1 tuần ông mới làm xong mỗi chiếc cối xay hoàn chỉnh. Ông khoe từ giữa năm 2019 đến nay làm được khoảng 15 chiếc, đa số do khách ở xa đặt. Mỗi chiếc hoàn thiện có giá 3,5-4 triệu đồng chưa trừ công. “Cứ rảnh lúc nào thì tôi làm lúc ấy thôi. Thời buổi bây giờ tính ra làm nghề cũng vì đam mê chứ công cán cũng chả được mấy, may ra chỉ đủ tiền trà nước thú vui tuổi già”, ông Trường nói thêm.

Ông Nguyễn Trường lắp ráp cối xay. Ảnh: Đ.V
Ông Nguyễn Trường lắp ráp cối xay. Ảnh: Đ.V

Cuối buổi trò chuyện, ông Trường lại khệ nệ di chuyển chiếc cối xay đã hoàn thành ra sân, giải thích: “Đây là chiếc cối xay được một đơn vị ngân hàng ở Huế đặt, ít ngày nữa họ sẽ ra lấy”. Nói rồi ông xỏ chiếc giàng xay vào cối “biểu diễn” động tác xay lúa cho chúng tôi xem. Sau những vòng xoay thuần thục, chỉ vài phút sau, những hạt gạo lứt trộn lẫn trấu đã chảy xuống máng. “Đó, cháu cứ hình dung ngày xưa cha ông mình xay xát như vậy đó. Gạo này sau khi đãi vỏ trấu và đưa vào cối đá giã rồi sàng sảy lọc cám, tấm đi là có thể thổi cơm”.

Ông Lê Đức Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Ba cho biết, nghề làm cối xay lúa của ông Trường chẳng được nhiều người biết đến nếu như 1-2 năm trước không có một số đài truyền hình về làm phóng sự phát và sau đó được chia sẻ trên mạng xã hội. Khi biết được về lão “nghệ nhân” Nguyễn Trường chuyên làm cối xay lúa, nhiều khách hàng ở tận các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số đơn vị cần chiếc cối xay lúa thủ công này đã liên hệ đặt hàng. Một số khách du lịch gần xa hiếu kỳ cũng tìm đến nơi để tận mắt chứng kiến ông Trường làm cối xay.

Khi tâm sự về tương lai của nghề làm cối xay lúa, ông Trường ngậm ngùi: “Tôi nay cũng đã gần đất xa trời, chưa biết theo tổ tiên lúc nào. Điều trăn trở nhất của tôi là sợ chỉ không lâu nữa thôi nghề này sẽ mai một và có thể bị thất truyền bởi theo tôi biết thì ở làng và những vùng lân cận bây giờ chẳng còn ai mặn mà theo nghề này. Thôi thì tới đâu hay tới đó, còn khỏe thì tôi cứ làm cối xay lúa, mong là làm được càng nhiều càng tốt để giữ lại cho thế hệ mai sau còn biết đến một loại nông cụ thân thương, bình dị của cha ông ngày xưa”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

"Ông tổ" nền nông nghiệp sạch nước nhà

Nguyễn Quang Lập |

Ngày nay nông dân ta đã quá quen với phân vi sinh, đã biết thế nào là nông nghiệp sạch và tác dụng to lớn của nó. Nhưng ít ai biết ông tổ phân vi sinh và nền nông nghiệp sạch nước nhà, ấy là giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Hữu.  Nông dân không biết đã đành, các nhà quản lý cũng không biết. Tra google tiếng Việt cái tên Giáo sư Phạm Văn Hữu không xuất hiện một lần.  Thật đáng buồn.

Đường về của Nhung

Thanh Trúc |

35 tuổi, Nguyễn Thị Kim Nhung, ở đội 2, thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) hiện là chủ xưởng may nhỏ với 20 máy may, giải quyết công việc cho 20 lao động, trong đó có nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Với Nhung, ngày hôm nay giống như một giấc mơ có thật, bởi cho dù đã ở bên cạnh mẹ, được ôm ấp các con mình mỗi ngày nhưng nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng khi còn là một lao động bất hợp pháp tại Nga, cô không nghĩ mình còn con đường sống để trở về.

Trưởng thôn tâm huyết với quê hương

Hiếu Giang |

Trong thành công chung của phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), trưởng thôn Nguyễn Văn Hiếu với sự nhiệt huyết và trách nhiệm của mình đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận.

Thầy giáo ngăn kênh thủy lợi dạy bơi miễn phí cho học sinh

Thục Quyên |

Sinh ra ở vùng “rốn lũ” của huyện Hải Lăng, từng chứng kiến nỗi đau của nhiều gia đình mất con vì đuối nước, thầy Nguyễn Viết Tước, giáo viên thể dục tại Trường Tiểu học và THCS Hải Vĩnh, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã nảy ra ý tưởng mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh. Từ ý tưởng này, suốt 8 năm qua, cứ vào mùa hè, thầy Tước lại ngăn kênh thủy lợi, miệt mài dạy bơi cho cả ngàn em học sinh.