Đại sư phụ

HOÀNG VĂN MINH |

Trước khi bén duyên nghề báo vào những năm 1990 của thế kỷ trước, Mệ Quyền là nhà văn đã thành danh với gần mười đầu sách. Cùng với những Huỳnh Dũng Nhân, Trần Chinh Đức, Ngô Mai Phong, Ngô Hoàng Giang…, Mệ Quyền là một trong những người xây dựng nên thương hiệu “Phóng sự Báo Lao Động”. Nhiều phóng sự của Mệ Quyền thời kỳ đó như “Đêm Bích Đầm”, “Mắt biển”, “Thương hồ”… đã được đưa vào giảng dạy trong trường báo chí cả nước. 

Hôm nọ ngồi với đám bạn “giang hồ” nói chuyện ước mơ, tôi bảo ước trong nghề của mình nhiều năm nay là gởi đi một bản thảo phóng sự cho nhà văn – nhà báo Vĩnh Quyền –  nguyên Trưởng Văn phòng đại diện báo Lao Động tại miền Trung- Tây Nguyên và hiện là tư vấn cho chuyên mục phóng sự của báo Lao Động–  đọc lần cuối và sau đó nhận lại một bản không có bôi xanh bôi đỏ. Ai cũng há hốc mồm nói “ước mơ như thằng ni chưa nghe thấy bao giờ”. Là tụi hắn không hiểu, hai chữ Vĩnh Quyền là nỗi ám ảnh của tôi bởi trong suốt 15 năm làm việc tại Báo Lao Động, tôi chưa thấy có biên tập viên nào khó tính và “nhiều chuyện” như ông này.    

Lá thư “lịch sử”

Chuyện bắt đầu từ những ngày tháng 7 năm 1999, tôi lúc đó là một sinh viên văn khoa vừa tốt nghiệp và xin về thử việc tại Văn phòng Huế của Báo Lao Động. Tác phẩm báo chí đầu tiên mà tôi gởi về Văn phòng miền Trung là một bài… tản văn kể chuyện hoan lạc trên một triền cát đêm trăng! Hai hôm sau, tôi nhận được một bức thư phát nhanh của Mệ Quyền (anh em Báo Lao Động ở miền Trung quen gọi “sếp” theo cách triều Nguyễn gọi quý ông trong Hoàng tộc). Đó là một bức thư viết tay bằng mực xạ, chữ to như con gà mệ. Mệ viết: “Kính gởi anh Hoàng Văn Minh, tôi là Vĩnh Quyền, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại miền Trung. Tôi đã nhận và đọc bài tản văn của anh. Đây là một tản văn rất hay, nhưng không phù hợp để đăng trên Báo Lao Động…”. Lúc đó tôi vừa xấu hổ vừa cảm động. Tôi đã từng gởi bài cộng tác với nhiều báo trong Nam ngoài Bắc, nhưng Mệ Quyền là biên tập viên đầu tiên và duy nhất đến thời điểm đó viết thư trả lời tôi – người chưa bao giờ thấy mặt, nghe tên, một cách trân trọng và có trách nhiệm như vậy.

Với tôi, đó là một lá thư có tính “lịch sử”, khởi đầu cho những mối quan hệ “sếp” – lính; đồng nghiệp và sau đó là sư – đồ, như thể duyên tiền định. Sau này mỗi dịp ôn chuyện cũ, lần nào tôi thắc mắc về lá thư, Mệ Quyền cũng đều không nói lý do mà chỉ cười: “Mong rằng sau này khi làm việc với đồng nghiệp, đặc biệt là đàn em trên cương vị một biên tập viên, Minh phải ứng xử như vậy”. Mà đâu chỉ có sự trân trọng. Khoảng năm 2001, Mệ Quyền “điều” tôi về Văn phòng Đà Nẵng một thời gian để “rèn nghề”. Thế là sáng chiều hai bận, mỗi khi duyệt tin bài chuyển tòa soạn, Mệ lại gọi tôi và Thanh Hải (về báo trước tôi 1 năm) lên ngồi cạnh để “xem mà rút kinh nghiệm”. Và mỗi khi tôi hoặc Thanh Hải viết sai, Mệ lại cú lên đầu hai đứa rất đau rồi “chì chiết”: “Ngu quá, viết ri mà cũng viết được!”. Nhiều lần, Mệ đang đọc bài của các phóng viên khác, đến đoạn không vừa ý, Mệ lại… cú lên đầu tôi và mắng “ngu”! Xong, Mệ giật mình quay lại cười rất hiền lành: “Mệ nhầm”…

Đến giờ, hình ảnh đóng đinh của Mệ Quyền trong tôi vẫn là người đàn ông tầm 50 tuổi có đôi mắt sắc lạnh, trông chẳng ăn nhập gì với mái tóc để dài bồng bềnh, đặc biệt là nụ cười nghiêng nghiêng đầu vô cùng ấm áp khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2000 tại Đà Nẵng. Đó cũng là cuộc gặp tôi không bao giờ quên được khi chưa kịp “làm quen”, Mệ đã chở tôi lên khách sạn Faifo ở đường Hải Phòng uống bia. Mới cụng ly là Mệ đã nói. Thật ra là Mệ kể chuyện và tôi há mồm ngồi nghe. Trời ạ, từ ngày cha sinh mẹ đẻ, tôi chưa thấy người đàn ông nào lại kể chuyện hay và cuốn hút, lớp lang đến như vậy. Cụng ly - uống - kể - nghe… Quy trình cứ lặp lại như vậy từ 6 giờ chiều cho đến 10 giờ tối mới tạm kết thúc bằng một câu nói của Mệ: “Đây là cuốn tiểu thuyết Mệ mới viết xong”. Nghĩa là gần 4 giờ đồng hồ vừa rồi, Mệ vừa “xuất bản” một cuốn tiểu thuyết! Quá choáng! Sau này mới biết, kể tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn… trước hoặc sau khi viết xong là “đặc sản” của Mệ Quyền. Vậy mới có chuyện nhà báo Vũ Mạnh Cường, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Lao Động trong một lần công tác tại Đà Nẵng, sau khi được Mệ Quyền mời đi nhậu về đã hối hả gọi điện hỏi “giờ đi ăn tối ở đâu?”. Hỏi “anh vừa đi ăn tối với Mệ Quyền mà?”. Trả lời: “Đúng là vừa đi ăn, nhưng Mệ cho ăn những… 3 truyện ngắn và 1 truyện dọc đường nên giờ đang hoa mắt vì đói!”.

Là nói thế thôi chứ được ngồi với Mệ, được nghe Mệ nói chuyện nghề văn, nghề báo là một niềm hạnh phúc, nhất là với những người lúc nào cũng trong trạng thái lơ ngơ như tôi. Hôm rồi Thanh Hải chuẩn bị viết một đề tài lý giải tình trạng ngày càng nhiều cặp đôi yêu nhau bất thành thì quay sang giết nhau ở Đà Nẵng nhưng chưa biết triển khai thế nào nên hỏi tôi. Tôi cũng bí nên gợi ý từ kinh nghiệm của chính mình: “Tốt nhất là mời Mệ đi uống bia, sau đó chắc chắn sẽ có bài”. Và hôm sau Thanh Hải có bài thật, một phóng sự rất hay đăng trên Lao Động. Mệ là vậy, luôn có mặt đúng lúc khi đàn em cần. Mà đã giúp là giúp tận tình, thấu đáo mọi lẽ. Đôi khi tôi có cảm giác Mệ như một cuốn từ điển sống về nghề báo mà mỗi khi mở ra, đầu óc của tôi lại được khai sáng thêm một chút.

Chuyện – truyện và viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh

Trước khi bén duyên nghề báo vào những năm 1990 của thế kỷ trước, Mệ Quyền là nhà văn đã thành danh với gần mười đầu sách. Cùng với những Huỳnh Dũng Nhân, Trần Chinh Đức, Ngô Mai Phong, Ngô Hoàng Giang…, Mệ Quyền là một trong những người xây dựng nên thương hiệu “Phóng sự Báo Lao Động”. Nhiều phóng sự của Mệ Quyền thời kỳ đó như “Đêm Bích Đầm”, “Mắt biển”, “Thương hồ”… đã được đưa vào giảng dạy trong trường báo chí cả nước. Nhưng đó đã là chuyện cũ, bởi nhiều năm rồi, Mệ Quyền gần như thôi không viết bút ký – phóng sự nữa. Mệ tâm sự: “Phải đi, phải nuôi cảm xúc viết bút ký-phóng sự mới hay. Mệ giờ chẳng đi được đâu nhiều, nếu cố viết thì chỉ phô diễn kỹ thuật chứ hơi thở cuộc sống không bằng lớp trẻ…”.   

Cuối năm 2011, Mệ Quyền nghỉ hưu. Cứ ngỡ từ đó Mệ có nhiều thời gian rảnh. Ai ngờ hẹn đi uống bia lúc nào cũng gặp câu “bận quá Minh ơi”. Thắc mắc thì Mệ tủm tỉm: “Mệ đang viết truyện”. Nói “tưởng chi chứ viết truyện thì Mệ đã viết mấy chục năm nay, hay bữa ni già rồi nên chữ nghĩa mất hết?”. Mệ nói: “Trước đây chuyện hay nó “ám” Mệ, viết cứ như kể, chừ phải từ “chuyện” viết cho ra “truyện”, làm mới truyện ngắn như vậy mất nhiều thời gian lắm”. Và “hậu quả” của hơn một năm “viết truyện” của Mệ là tập truyện ngắn có cái tên nghe rất “mệt” là “Chiều hoang đường đứt gãy” (NXB Trẻ, 2013), ngoài sự “không thể nào thoát được chất Huế Mệ” như nhận xét của nhà văn Trần Kiêm Đoàn thì bút pháp gần như khác hẳn với phong cách truyện ngắn Vĩnh Quyền trước kia. “Hậu quả kép” là Mệ Quyền “đứt gãy” một lượng lớn bạn đọc lâu năm bởi “Vĩnh Quyền dạo này viết truyện ngắn đọc chẳng hiểu gì”…    

Trước đó năm 2009, Mệ Quyền khiến giới cầm bút cả nước “bàng hoàng” khi ra mắt tiểu thuyết “Debris of Debris” (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) nguyên bản bằng tiếng Anh tại Đại học Saint Benedict, Minnesota, Hoa Kỳ. Mệ viết về những trí thức trẻ miền Nam phải loay hoay, phải lột xác để trở thành những “con người mới” của một xã hội mới sau năm 1975. Và đến tháng 2.2014 “Debris of Debris” lại được NXB Austin Macauley (London) in bản thương mại, phát hành ở các nước nói tiếng Anh và trên amazon.com. Chưa bàn đến nghệ thuật tiểu thuyết, chỉ nói rằng, một người cho đến khi rời ghế Đại học Văn khoa Huế học ngoại ngữ chính là Pháp văn, rồi Hán văn, Anh văn chỉ là “sinh ngữ phụ” thời trung học, nhưng sau đó đã tự học để viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh, xuất bản tại Mỹ, tại Anh, thì nhà văn Việt Nam sống trong nước, trước Mệ Quyền chưa ai làm được!

Dành rất nhiều thời gian cho văn chương, nghe đâu đang “đầu tư” vài năm cho tiểu thuyết tiếng Anh thứ hai có cái tựa không đoán được là cái gì, “Sorry, Holden”, nhưng Mệ Quyền vẫn không quên báo chí, đặc biệt là bút ký – phóng sự, bởi như có lần Mệ tâm sự với tôi sau nhiều “trận” khó tính về chữ nghĩa tôi viết: “Mệ rất yêu nghề báo, đặc biệt là phóng sự nên Mệ luôn ứng xử với nó một cách nghiêm túc và trân trọng”. Nhiều lần Mệ trăn trở: “Ở nước mình, khi báo chí đổi mới thì văn chương còn “bảo thủ” lắm. Vậy mà giờ văn chương đang chuyển mình cách tân thì báo chí lại chững lại. Từ bản tin, bài điều tra, đến phóng sự trên báo bây giờ so với 20 năm trước chẳng khác gì, thậm chí là còn thụt lùi…”. Ngày tôi được Ban biên tập Báo Lao Động giao nhiệm vụ cầm trang phóng sự, Mệ nhắc lại chuyện này kèm theo hi vọng tôi sẽ làm được điều gì đấy để làm mới chuyên mục phóng sự của báo…

Nhớ có lần trong một tin nhắn, tôi gọi Mệ Quyền là “đại sư phụ”. Những thành công mà tôi đạt được với nghề viết, sự trưởng thành của tôi trong nghề báo và trường đời… đều có dấu ấn của Mệ Quyền. Thật ra, Mệ không chỉ là người thầy lớn của tôi, mà còn là thầy của nhiều cây bút thành danh khác ở miền Trung đã và đang làm việc tại Báo Lao Động.

TAGS

Quảng Trị và giấc mơ 60 vạn bước đường hoa

HOÀNG HẢI LÂM |

Mảnh đất với con người Quảng Trị được nhiều người trong nước, thậm chí nhiều nơi trên thế giới biết đến bởi… khói lửa chiến tranh. Hơn 40 mươi năm bước ra khỏi cuộc chiến, người ta vẫn nhắc đến Quảng Trị bởi… khói lửa chiến tranh! 

GS - TS Nguyễn Văn Minh: Hãy khởi đầu bằng tình yêu thương và lòng bao dung cao cả!

GS - TS NGUYỄN VĂN MINH (Nguồn: FB Van Nghiepchuc) |

GS - TS Nguyễn Văn Minh quê Cam Lộ, Quảng Trị. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế. Hiện là Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội. Dưới đây là bài phát biểu của ông tại lễ ra trường của sinh viên năm 2019. 

Phụ mẫu chi dân

Lâm Chí Dũng (Nguồn: FB Lam Chi Dung) |

Không ai là phụ mẫu của dân cả. Và ngay cả phụ mẫu cũng không thể độc quyền chân lý.