Đưa thông tin về tận bản làng

Lê Minh |

Những năm qua, hệ thống đài truyền thanh xã trên địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị) đã phát huy hiệu quả trong việc chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận các thôn, bản, góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đakrông Phan Xuân Liệu cho biết: Đakrông là huyện miền núi có 13 xã, thị trấn, với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện dân trí chưa cao, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, với địa hình miền núi, điều kiện kiện giao thông cách trở, đi lại khó khăn, việc chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận người dân ở các thôn, bản gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn huyện là cầu nối giúp người dân địa phương tiếp cận một cách hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hướng Hiệp Hồ Văn Cường phụ trách đài truyền thanh xã đọc thông báo của UBND xã về xóa đói giảm nghèo bền vững - Ảnh: L.M
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hướng Hiệp Hồ Văn Cường phụ trách đài truyền thanh xã đọc thông báo của UBND xã về xóa đói giảm nghèo bền vững - Ảnh: L.M

Nhiệm vụ của hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn huyện Đakrông tập trung phản ánh các thông tin thời sự; thông báo các sự cố, tình huống đặc biệt khẩn cấp về thiên tai, phòng, chống dịch bệnh, phát triển sản xuất... đến người dân.
Tuy nhiên, trước đây cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác truyền thanh trên địa bàn huyện tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của Nhân dân.

Thực trạng cho thấy, thiết bị kỹ thuật, máy móc các xã có đài truyền thanh được đầu tư từ nhiều chương trình, dự án khác nhau nên không đồng bộ; một số đài bị hư hỏng chưa được sửa chữa, đầu tư nâng cấp kịp thời, các cụm loa tại các thôn, bản chỉ hoạt động được 1/2 công suất, chủ yếu hư hỏng do sét đánh và thiếu kinh phí sửa chữa, thay thế.
Các đài truyền thanh cơ sở có ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, chủ yếu là trong công tác biên soạn tin, bài, chưa ứng dụng được các công nghệ mới trong phát thanh, truyền dẫn, sản xuất, lưu trữ tin, bài...

Để phát huy hiệu quả của hệ thống thông tin cơ sở, Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững đã đầu tư hệ thống đài truyền thanh các xã trên địa bàn huyện Đakrông. Từ năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đầu tư mới hệ thống đài truyền thanh tại 11 xã, thị trấn, với 121 cụm loa. Tất cả hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn được đầu tư đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, đưa thông tin đến các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp Hồ Văn Sinh cho biết, trong năm 2023, địa phương được đầu tư hệ thống đài truyền thanh xã với 13 cụm loa đặt tại 7 thôn gồm: Gia Giã, Khe Hà, Ra Lu, Ruộng, Xa Vi, Xa Rúc, Phúc An, mỗi thôn có từ 1 đến 3 cụm loa tùy theo địa bàn, số lượng dân cư như thôn Gia Giã có 3 cụm loa.

Sau khi lắp đặt hệ thống loa phát thanh không dây tại các thôn trên địa bàn xã, UBND xã đã ra quyết định thành lập, quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của đài truyền thanh xã; ban hành nội quy hoạt động của đài truyền thanh xã; quy định cụ thể nội dung chương trình, thời điểm phát sóng, địa điểm đặt cụm loa, thời lượng, âm lượng phát thanh, truyền thanh phù hợp với đặc điểm riêng của địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hướng Hiệp Hồ Văn Cường được giao nhiệm vụ phụ trách đài truyền thanh xã. Ông Cường cho biết, lịch trình phát sóng của đài truyền thanh xã Hướng Hiệp gồm buổi trưa và buổi tối tiếp sóng đài phát thanh - truyền hình Quảng Trị; buổi trưa chuyển tải thông tin của huyện Đakrông và các thông tin tuyên truyền của xã.

Các thông tin của xã được chuyển tải đến với người dân như: các văn bản, thông báo của Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các đơn vị, đoàn thể trên các lĩnh vực chính trị, KT - XH, QP - AN. Ngoài ra, các thôn có nhu cầu thông tin riêng cho người dân trong thôn vẫn được thực hiện tại đài truyền thanh xã.

Theo ông Cường, khi thông tin riêng từng thôn, thiết bị sẽ được ngắt tại các thôn khác, người đưa thông tin có thể là thôn trưởng hoặc cán bộ phụ trách đài. Ngoài các thông tin chung, một số chuyên đề về phát triển kinh tế, các mô hình làm kinh tế miền núi hiệu quả để người dân học tập nhân rộng; các chuyên đề về phòng, chống tội phạm, lừa đảo qua mạng, tệ nạn ma túy... được phát thường xuyên để người dân nắm bắt.

Từ đó, đã giúp cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin mang tính thời sự ở trong nước cũng như trên thế giới, đồng thời, Nhân dân trong xã cũng được tiếp cận với sự phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất, từ đó áp dụng vào tình hình thực tế tại địa phương để nâng cao năng suất lao động.

Ông Hồ Văn Phi, 38 tuổi, ở thôn Ra Lu cho biết, hằng ngày ông đều lắng nghe các thông tin được phát trên cụm loa của thôn. “Qua thông tin tiếp cận từ đài truyền thanh xã, mình nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các thông tin của xã về việc phát triển các mô hình làm kinh tế để xóa đói giảm nghèo, đặc biệt khi có thiên tai mình cũng chủ động để phòng, chống”, ông Phi chia sẻ.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đakrông Phan Xuân Liệu nhấn mạnh: Có thể nói, hệ thống đài truyền thanh trên địa bàn huyện Đakrông bước đầu đã phát huy vai trò cầu nối cung cấp, truyền tải và phản hồi thông tin giữa người dân với Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần không nhỏ vào phát triển KT - XH, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện này là việc vận hành hệ thống đài truyền thanh xã vì kinh phí bố trí sửa chữa, thay mới hệ thống loa truyền thanh thôn, khóm và đài truyền thanh xã khi bị hư hỏng (sau thời gian bảo hành hoặc bị sét đánh) còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hệ thống các cụm loa cần sim kết nối internet của các nhà mạng để hoạt động nhưng kinh phí cấp cho xã để duy trì hằng năm không có. Chính vì vậy, để phát huy hiệu quả lâu dài hệ thống đài truyền thanh xã, những khó khăn trên cần kịp thời được tháo gỡ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nghệ nhân ...cà phê bia và lối đi “lạ” giữa bản làng

Thiên Phong |

Người ta gọi anh là nghệ nhân. Vì ở thủ phủ cà phê Hướng Hóa không ai sở hữu được kỹ năng pha cà phê ...bia “đỉnh” như anh. Nhưng anh thì lại không mặn mà với tên gọi này. Vì anh ấp ủ một giấc mơ lớn hơn. Đó là biến cà phê bia thành một đặc sản riêng biệt của xứ cà phê Hướng Hóa. Để khi khách du lịch đến với vùng đất này, họ có cái để “mang về”. Cái “mang về” anh nói đó chính là ấn tượng của vùng đất được gửi gắm qua mùi vị thơm nồng ấm áp, lạ lẫm mà đậm đà cảm xúc của cốc cà phê bia.

Hồ Văn Ngởi - Người đa tài của bản làng

Hồ Thị Hương |

Chúng tôi may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong thời bình, giai đoạn đất nước đổi mới từng ngày và thế hệ trẻ đang có nhiều cơ hội phát triển. Nhiều bạn trẻ chọn rời quê hương để đi làm xa, xây dựng cuộc sống, nhưng bên cạnh đó, cũng có người chọn ở lại để cống hiến cho quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Trong đó, có anh Hồ Văn Ngởi, một trong những thanh niên đã chọn ở lại quê hương mình. 

Nữ trưởng thôn người Vân Kiều hết lòng với bản làng

Mỹ Hằng |

Năng động, nhiệt tình, luôn dốc sức mình vì sự đổi mới của quê hương là những gì người dân thôn Xóm Mới, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nói về trưởng thôn Hồ Thị Hiếu (sinh năm 1989). Không chỉ là điểm tựa vững chắc của người dân nơi miền sơn cước, chị còn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương. Tháng 8/2024, chị Hiếu vinh dự nhận Giải thưởng “Bông Sen Hồng” của huyện Vĩnh Linh.

Ông Hồ A Keng - Tấm gương tận tụy vì bản làng ở xã Thuận

Lê Thị Huyền |

Ông Hồ A Keng là người dân tộc Vân Kiều, hiện đang cư trú tại thôn Thuận 2, xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo tại địa phương.