Gia đình người Vân Kiều “hai tốt”

Ngọc Trang |

Không chỉ gương mẫu trong làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, gia đình anh Hồ Xuân Hà - chị Hồ Thị Lành, người dân tộc Vân Kiều ở khóm Khe Đá, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) còn đi đầu trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở địa phương. Người dân địa phương xem đây là mô hình gia đình “hai tốt” để học tập và làm theo.

Hơn 10 năm trước, khi mới lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng anh Hà rất khó khăn. Mặc dù còn trẻ, có sức khỏe nhưng thu nhập của họ rất ít ỏi do chỉ biết bám vào nương rẫy với tập quán canh tác lạc hậu, hiệu quả sản xuất không cao. Với suy nghĩ, nếu cứ an phận như vậy thì cuộc sống sẽ luôn thiếu trước hụt sau, mãi mãi không khá lên được, năm 2008, anh Hà quyết định đến một cơ sở mộc mỹ nghệ ở thị trấn xin vừa học nghề vừa làm công, còn chị Lành ở nhà khai hoang trồng chuối.

Cơ sở xay xát lúa gạo của gia đình anh Hà - chị Lành - Ảnh: N.T
Cơ sở xay xát lúa gạo của gia đình anh Hà - chị Lành - Ảnh: N.T

Để có điều kiện phát triển kinh tế, anh chị vay vốn ngân hàng chính sách đầu tư nuôi thêm bò sinh sản. Nhận thấy ở khóm nhiều hộ trồng lúa rẫy và lúa nước sau thu hoạch phải mất công đi xa để xay lúa, anh chị mua một máy xay xát trị giá gần 16 triệu đồng để phục vụ bà con. Từ hai bàn tay trắng, giờ anh chị có đàn bò 5 con, 1 máy xay xát và 100 gốc chuối. Chỉ riêng mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi và xay xát lúa này đã mang lại cho gia đình thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Bên cạnh chăm chỉ làm ăn, anh chị còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua ở khóm, thị trấn nên có thêm điều kiện tiếp thu kiến thức phục vụ phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình bền vững. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng mô hình gia đình ít con, anh chị áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, thường xuyên đến cơ sở y tế thăm khám sức khỏe sinh sản và quyết tâm dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Hiện con gái đầu của anh chị đã trưởng thành, lập gia đình; con trai thứ hiện đang học lớp 12.

Chị Lành chia sẻ: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vợ chồng tôi vẫn luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ việc nhà với nhau. Nhờ vậy, việc phát triển kinh tế của gia đình thuận lợi hơn. Đặc biệt, nhờ sinh ít nên chúng tôi có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đầy đủ hơn. Các cháu phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần, hiếu thảo với ông bà, bố mẹ, tích cực học tập và lao động để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi có thời gian để chăm lo cho sức khỏe bản thân, ngoài giờ lao động về nhà còn được nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương”.

Gương mẫu trong phát triển kinh tế và KHHGĐ, anh Hà được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, còn chị Lành được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khóm Khe Đá. Với nhiệm vụ được giao, anh chị tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân, phụ nữ trong khóm nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chú trọng các chính sách về phát triển kinh tế, các mô hình hay, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, giúp nhau làm giàu chính đáng; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới; chính sách dân số - KHHGĐ, hiệu quả của mô hình “Khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên”, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh…

Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Lao Bảo Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Gia đình anh Hà - chị Lành là một điển hình về cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế và thực hiện tốt việc sinh đẻ có kế hoạch, góp phần tích cực trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương. Để trên địa bàn thị trấn có thêm nhiều gương gia đình người dân tộc thiểu số điển hình như vậy, thời gian tới, Hội LHPN thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia thực hiện tốt các phong trào mà hội đã đề ra. Đặc biệt, tập trung thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… Qua đó, tạo động lực cho chị em ngày càng tự tin vượt khó vươn lên xây dựng gia đình phát triển toàn diện”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Niềm đam mê bóng đá của các em nhỏ người Vân Kiều

Trường Sơn |

Mặc cho sân chơi không được êm cùng quả bóng đá không hơi, các em nhỏ nơi miền núi Quảng Trị với đôi chân trần đã thỏa sức thể hiện, biểu diễn các trận bóng đá làng với đầy đam mê.

Bảo tồn và phát huy lễ hội dân tộc Vân Kiều, Pa Cô phục vụ phát triển du lịch

Hồ Phương |

Lễ hội của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô miền Tây Quảng Trị, cho đến nay hầu hết vẫn giữ được những nét truyền thống đặc sắc. Chính điều đó đã tạo nên một sức hút lớn đối với du khách.

Câu chuyện tình yêu của người Vân Kiều (*)

Hoàng Hải Lâm |

Một trăm trang thơ, với gần trăm bài thơ. Đủ để cố nhà thơ Hồ Chư viết lên câu chuyện tình yêu của người Vân Kiều. Sáng trong, mộc mạc nhưng lấp lánh như ánh bình minh, róc rách như tiếng suối, mênh mang như tiếng sáo… và hồn nhiên như điệu cười của nhà thơ.

Hướng Hoá: Tích cực thực hiện chương trình phát thanh tiếng Bru - Vân Kiều

Kim Huệ - Ta Tép |

Là một huyện miền núi với gần 50% đồng bào dân tộc thiểu số, để phát huy vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của việc tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, thời gian gần đây, Trung tâm Văn hóa Thông tin – Thể dục Thể thao huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tích cực thực hiện chương trình phát thanh tiếng Bru - Vân Kiều. Qua đó, đã góp phần quan trọng phục vụ nhu cầu thông tin cho bà con đồng bào, mang lại nhiều lợi ích, tác động tích cực đến quá trình xây dựng nông thôn mới vùng sâu vùng xa.