Câu chuyện tình yêu của người Vân Kiều (*)

Hoàng Hải Lâm |

Một trăm trang thơ, với gần trăm bài thơ. Đủ để cố nhà thơ Hồ Chư viết lên câu chuyện tình yêu của người Vân Kiều. Sáng trong, mộc mạc nhưng lấp lánh như ánh bình minh, róc rách như tiếng suối, mênh mang như tiếng sáo… và hồn nhiên như điệu cười của nhà thơ.

 
 Nam nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện ĐakRông rạng rỡ đầu xuân. Ảnh: Hưng Thơ.

Không chỉ riêng tôi, mọi người vẫn nhớ về nụ cười và hình dáng ông, khi cuộc sống như trang thơ khép lại rồi mà mênh mông những trong trẻo ở đời. Nhà thơ Hồ Chư cười, cũng đồng nghĩa với việc ông đem cả núi rừng Trường Sơn vào trong điệu cười ấy. Có thể ví thơ Hồ Chư như tiếng chim, khi cất tiếng hót thì núi rừng chao đảo. Không phải vì yếu tố nghệ thuật, thơ Hồ Chư là tiếng lòng yêu, của người Vân Kiều giữa mùa xuân đầy hương thơm sắc thắm.

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân

Lật từng trang từng trang, trong tập “Hoa trên đá”, chỉ muốn chép lại, chép ngay để người đọc khỏi đợi chờ:

“Những ngôi nhà đơn lẻ

Mọc lên như nấm như măng

Nhà mang tuổi đời già, trẻ

Ngổn ngang sắt, đá, xi măng”

(Ngổn ngang những ngôi nhà)

“Mùa lúa rẫy đã xong từ trước

Mà bông lau lại nở muộn màng”

(Hẹn ước)

Rất mộc mạc, chân thành, đầy dự cảm và cũng vô khối đa cảm. Có lúc, nhà thơ thấy lẻ loi, giữa lòng thành phố:

“Gió thổi cuối mùa ướt hương hoa

Trời đem sắc nắng lúc chiều tà

Mây trôi bảng lảng trong vô định

Tìm bạn tri âm biết sao mà…”

(Vô đề)

Cũng chẳng cần võ đoán. Và lẽ dĩ nhiên ở lúc này, thời điểm này, vị trí này… nhà thơ Hồ Chư - người con của bản thấy mình lạc trong thành phố. Chim bay về núi, người nhớ nguồn cội. Trong tiềm thức, giữa sự xô bồ của phố thị, một khe cửa nhỏ đã để chút nhớ nhung của nhà thơ về núi rừng, về bản làng, về con người ở đó. Trong từ ngữ của người Vân Kiều, có một từ rất phổ biến nghĩa là bạn bè – “dầu bầy”. Mà “dầu bầy” ở bản đồng nghĩa với từ “tri âm” của nhà thơ. Đọc mấy câu này, tôi chợt thấy mình cô đơn với nỗi cô đơn của nhà thơ, thật khó khăn, nhất là khi không tìm được tri kỷ.

“Chiều về tím cả tiếng chim

Cuốc kêu tìm bạn tím tim héo mòn…”

(Tím)

Trong những ngôi nhà của người Vân Kiều có khung cửa nhỏ. Tôi thường hay gọi đó là nơi để người ta buồn! Vì hầu hết những cảnh đời đơn lẻ, có khi cả chục người trong một căn nhà. Nhưng khung cửa nhỏ đó đủ để một người ngồi. Và chỗ ấy người ngồi trông thăm thẳm lắm. Nhà thơ Hồ Chư cũng là người con Vân Kiều, cũng có lúc lọt thỏm vào khung cửa ấy, để buồn, để yêu, để day dứt:

“Em ơi nỗi nhớ là vô hạn

Tình yêu như ngọc mãi sáng ngời

Không phải dấu chân trên bãi cát

Đâu dễ xóa đi một dáng người”

(Khung cửa buồn)

Cái tưởng khôn khéo của con người trong nhân gian thực ra rất khờ khạo. Đã yêu, đang yêu và sẽ yêu nhưng lại tìm cách quên đi người mình yêu. Nhà thơ hay ai cũng thế thôi, không còn tay trong tay nữa thì người ta thường tìm cách quên bằng mọi giá. Tôi nghĩ đó là điều duy nhất mà người ta có thể làm… khổ mình. Có khi đau thế mới đủ lòng dứt bỏ.

“Trong lòng anh nỗi nhớ

Về em không phôi pha

Một tình yêu nồng cháy

Suốt đời anh thiết tha”

(Nỗi nhớ)

 

Nói chuyện không cùng, cũng chẳng phải vơ đũa cả nắm. Người nghệ sĩ có một mối tình hay mười mối tình cũng vậy thôi. Cũng hạnh phúc, khổ đau, cũng thiết tha nồng cháy… trái tim đa cảm hình thành những nỗi nhớ khác nhau, về những con người khác nhau. Nhà thơ có thể yêu thương, nhung nhớ mười, thậm chí một trăm con người, một ngàn ngọn đồi, vạn cái cây... Những gì liên quan đến người, đến tình yêu, đến dở dang thì tuồng như da diết lắm. Chẳng phải là chuyện “lăng nhăng” như người ta thường nghĩ. Đó là tình cảm của nhà thơ, của người nghệ sĩ đối với người mình yêu, tại thời điểm ấy. Nhưng, nó không phải là thứ tình cảm nhất thời.

“Thép tan chảy bởi độ cao ngọn lửa

Người yếu mềm trước một đóa hoa xinh

(Tâm thức)

“Ôi con thuyền tình ái

Ngược xuôi suốt cuộc đời

Qua tháng năm rong ruổi

Không bao giờ buông xuôi”

(Con thuyền)

“Anh ôm một chiếc vĩ cầm

Xót xa tiếng nhạc âm thầm nỗi đau

Bây giờ đã cách xa nhau

Ta mang một nửa nỗi sầu thiên thu”

(Buồn thiên thu)

Thật lạ lẫm, và nghi vấn “Ta mang một nửa nỗi sầu thiên thu” vậy nửa kia ở đâu? Ở bên em, hay chính nhà thơ tâm trạng quá nên cố ngờ vực nó nằm ở đâu đó, giữa cuộc đời…

(*) Nhân đọc tập thơ “Hoa trên đá” của cố nhà thơ Hồ Chư – Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành năm 1999)

TAGS

Mạ

Hoàng Hải Lâm |

Chiều về, tôi nằm ở cánh võng, ngó nghiêng khu vườn đầy lá lộc vừng trút xuống giữa những ngày xuân. Nhiều người đi ngang kêu răng không quét lá vàng, tôi cười, để rứa cho bui cửa bui nhà. 

Có những ngày thèm quê như thế

Thùy Hương |

Tuổi thơ tôi gắn liền với miền quê êm đềm, ngọt ngào như lời ru của mẹ. Ấy là lũy tre xanh, là tiếng gà gáy buổi sáng bình minh chẳng cần đồng hồ báo thức cũng biết đến giờ đi học, ấy là những ngày chăn trâu cắt cỏ cùng lũ bạn nghêu ngao câu hát "ai bảo chăn trâu là khổ... chăn trâu, sướng lắm chứ"....

Thương lắm tháng Tư về

Thùy Hương |

Yêu sao những ngày tháng Tư như những gì nhạc sĩ Dương Thụ từng say đắm: “Tháng Tư về, gió hát mùa hè/ Có những chân trời xanh thế/ Mây xa vời, nắng xa vời/ Con sông lững lờ trôi...” (Tháng Tư về). Tháng Tư về tôi muốn mình chậm lại để cảm nhận những âm thanh trong trẻo mà thấm thía của khúc giao mùa tinh khôi, lại nao nao nhớ về những ngày tháng Tư xưa... 

Mâm cơm ngày giỗ Tổ

Tây Long |

Cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lại quây quần, thành kính làm mâm cơm dâng lên bậc tiền nhân có công dựng nước. Việc làm giản dị, mang nhiều ý nghĩa này đã trở thành nét đẹp văn hóa của cư dân địa phương, được lưu truyền từ đời này sang đời khác.