Mâm cơm ngày giỗ Tổ

Tây Long |

Cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lại quây quần, thành kính làm mâm cơm dâng lên bậc tiền nhân có công dựng nước. Việc làm giản dị, mang nhiều ý nghĩa này đã trở thành nét đẹp văn hóa của cư dân địa phương, được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Những ngày đầu tháng 3 âm lịch, ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Được dường như vui tươi, rộn ràng hơn. Trong khi vợ sửa soạn cửa nhà, ông Được liên lạc với con cháu bảo thu xếp việc cơ quan, học tập để trở về cùng làm mâm cơm giỗ Tổ Hùng Vương. Ông Nguyễn Văn Được sinh ra và lớn lên ở xã Thanh Xá, nay là xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Nhiệm vụ của người lính ra đa đã khởi duyên, đưa ông đến và gắn bó với mảnh đất Quảng Trị. Luôn hướng về nguồn cội nên trái tim ông dấy lên cảm xúc khó tả mỗi khi đến ngày 10/3 âm lịch. “Lúc còn bé, tôi đã thấy ông bà, ba mẹ làm mâm cơm dâng lên các vua Hùng. Năm 9 tuổi, tôi cùng các bạn được thầy cô đưa đi thăm Đền Hùng vào dịp giỗ Tổ. Bấy giờ, đường sá còn cách trở. Chúng tôi phải bới cơm nắm theo để ăn. Đến nơi, thấy mọi người hào hứng thi làm bánh chưng, bánh giầy để dâng lên vua Hùng, rồi hối hả chuẩn bị cho lễ chính, mọi mỏi mệt trong tôi dường như tan biến. Sau này, tôi đã nhiều lần đến Đền Hùng đúng vào ngày chính lễ nhưng cảm xúc lần đầu tiên ấy vẫn nguyên vẹn”, ông Được kể.

Ông Nguyễn Văn Được chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ Hùng Vương - Ảnh: T.L​
Ông Nguyễn Văn Được chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ Hùng Vương - Ảnh: T.L​

Hầu như năm nào, đại gia đình ông Được cũng thu xếp ra Phú Thọ thăm quê cha, đất tổ. Bao giờ cũng vậy, Đền Hùng luôn là điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình. Điều khiến ông Được vui nhất là trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các công trình trong quần thể Đền Hùng vẫn giữ nét cổ kính, tôn nghiêm. So với ngày xưa, lễ giỗ Tổ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về nguồn cội. Những năm không có điều kiện ra Phú Thọ, lên núi Nghĩa Linh thắp nén hương tri ân vua Hùng, vợ chồng ông Được và con cháu lại quây quần bên nhau làm mâm cơm giỗ Tổ. Bao giờ cũng vậy, sau bữa ăn, ông lại dành thời gian kể cho con, cháu nghe về sự tích vua Hùng; những câu chuyện liên quan đến ngày giỗ Tổ; bài học dựng nước và giữ nước… Ông Được chia sẻ: “3 đứa con, 5 đứa cháu của tôi đều đã đến Đền Hùng. Ngay đứa bé nhất mới 3 tuổi cũng từng được ba mẹ bồng bế đi. Vậy mà, chúng vẫn say mê khi nghe kể chuyện về vua Hùng, về ngày giỗ Tổ”.

Cũng đi qua chiến tranh như ông Được, cựu chiến binh Trần Văn Yến (sinh năm 1945), trú tại Khu phố 8, Phường 1, thành phố Đông Hà rất trân quý công lao của lớp người đi trước. Chính lời căn dặn của Bác Hồ trong lần về thăm Đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” đã thôi thúc ông Yến lên đường theo tiếng gọi non sông. Sau ngày hòa bình, hầu như năm nào, ông Yến và người thân cũng làm một mâm cơm trong ngày giỗ Tổ. Thành kính dâng hương, ông Yến kính báo về kết quả lao động, học tập của gia đình trong năm vừa qua, đồng thời cảm tạ công lao tiên tổ đã tạo nền cho dân tộc có một cuộc sống an vui, hạnh phúc. “Tôi chỉ mới đến Đền Hùng một lần nhưng những hình ảnh, câu chuyện về đất Tổ, vua Hùng hiện diện rất sớm và luôn ở trong trái tim tôi”, ông Yến khẳng định.

Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, nguồn cội của tổ tiên. Qua đó mỗi người không ngừng học tập, rèn đức luyện tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước.​

Cũng như người con đất Phú Thọ Nguyễn Văn Được và cựu chiến binh Trần Văn Yến, dù không ai tuyên truyền, vận động nhưng cứ đến ngày giỗ Tổ 10/3 âm lịch, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh lại dọn dẹp cửa nhà; chuẩn bị nhang đèn, hoa quả; sửa soạn mâm cúng vua Hùng. Từ phương xa, những người con rời quê hương đi học tập, làm ăn xa cũng thu xếp thời gian trở về trong ngày Quốc lễ. Đây cũng là dịp để gia đình sum họp, đoàn viên, giáo dục con cháu về nguồn cội, niềm tự hào dân tộc.

Tùy theo quan niệm, hoàn cảnh mà các gia đình ở Quảng Trị chuẩn bị mâm cơm ngày giỗ Tổ Hùng Vương theo cách riêng. Tuy nhiên, mâm cơm cúng thường có ba món cơ bản là bánh chưng, bánh giầy và cơm. Theo quan niệm của bà con, bánh chưng, bánh giầy là hai sản vật thời kỳ Hùng Vương, tượng trưng cho trời đất, sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Cơm cũng do vua Hùng dạy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hằng ngày. Trong mâm cỗ có nếp, có cơm cũng như có âm, có dương, đầy đủ ắt sẽ sinh sôi. So với mâm cơm thường ngày, mâm cơm cúng giỗ vua Hùng thường được các gia đình chăm chút hơn. Sau khi phụ nữ trong nhà nấu nướng xong, chủ hộ sẽ thành kính dâng lên các bậc tiền nhân. Từ lâu, người dân Quảng Trị xác định rằng, việc dâng lễ vào ngày giỗ Tổ tùy vào duyên cảnh của mỗi gia đình. Điều quan trọng nhất chính là gia chủ thực sự thành tâm.

Mâm cơm ngày giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ có ý nghĩa đối với những người đã từng trải mà cả nhiều bạn trẻ trên địa bàn cũng như con em xa quê. Nhiều năm sang Mỹ định cư, chị Trương Thị Diễm Phương, một người con của quê hương Quảng Trị vẫn nhớ như in những bữa cơm thơm phức khói bếp, khói nhang cùng ba mẹ, anh chị vào ngày giỗ Tổ. Thương nhớ quê nhà, hằng năm, cứ đến ngày 10/3 âm lịch, chị Phương lại nấu những món ăn truyền thống, mời bạn bè quây quần. Từ lâu, các con của chị đều đã được dạy và thuộc nằm lòng câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3”. Cũng từng có thời gian học tập xa quê hương, em Trần Đình Tân Xứ, cựu sinh viên Đại học Bách khoa Tomsk (Nga) kể, cứ đến ngày giỗ Tổ, nhìn thấy các bạn chia sẻ hình ảnh về nhà đoàn viên bên mâm cơm cúng vua Hùng, trong lòng lại dâng lên những cảm xúc khó tả. “Khi đi thật xa, ta mới mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa của thành ngữ “quê cha, đất tổ”. Mỗi ngày giỗ Tổ hay lễ hội lớn của dân tộc, dù tổ chức hay không, em và các bạn đều hướng trái tim về quê hương. Đó cũng chính là một trong những lý do thôi thúc em trở về Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Tomsk”, Tân Xứ chia sẻ.

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có cách lý giải khác nhau về sự ra đời của dân tộc mình. Thế nhưng, hiếm ở đâu như Việt Nam, cả dân tộc có chung ngày giỗ Tổ. Không trống mở, cờ giong, không phô trương, cầu kỳ nhưng mâm cơm ngày giỗ Tổ mà nhiều hộ dân ở Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng dâng lên vua Hùng vào ngày 10/3 âm lịch đã thể hiện đậm sâu tấm lòng của thế hệ hôm nay với bậc tiên tổ. Ai cũng khắc ghi câu ca dao cũng chính là thông điệp thế hệ trước gửi gắm cho con cháu hôm nay và mai sau: “Cây có cội, nước có nguồn, con chim có tổ, con người có tông”.

 (Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tour du lịch đêm Đền Hùng - lựa chọn mới trong dịp Giỗ Tổ

Tạ Văn Toàn |

Theo chương trình, sau khi tham quan đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy), khách sẽ tham quan đồi chè Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn) và đến 20 giờ 30 bắt đầu tham gia tour đêm Đền Hùng...

Cam Lộ: Nỗ lực xây dựng Đền thờ Vua Hàm Nghi trở thành điểm du lịch

Lê Trường |

Đền thờ vua Hàm Nghi được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 7/2020, song song với đó, huyện Cam Lộ cũng đã tổ chức lễ rước Long vị của Vua Hàm Nghi, Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết và Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường về an vị tại đền thờ theo phong tục của địa phương. Công trình nằm trên Di tích căn cứ Thành Tân Sở, ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính (Cam Lộ, Quảng Trị). Đây được xem là điểm đến quan trọng trên chuỗi du lịch tâm linh như: chùa Cam Lộ, Nhà Tằm Tân Tường, Cao điểm 241… mà huyện Cam Lộ đang nỗ lực xây dựng.

Giỗ Tổ Hùng Vương 2021 chỉ tổ chức các nội dung phần lễ

Trung Kiên |

Do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay sẽ chỉ tổ chức các nội dung phần lễ, không tổ chức các nội dung phần hội.

Đền thờ vua Hàm Nghi - Điểm đến mới của du khách trong ngày Tết

Anh Vũ |

Ngoài các điểm tham quan, du lịch tâm linh như chùa Cam Lộ, Nhà Tằm Tân Tường, Cao điểm 241… thì năm nay huyện Cam Lộ có thêm một điểm đến mới cho người dân và du khách trong những ngày Tết đó là Đền thờ vua Hàm Nghi vừa mới được xây dựng tại di tích lịch sử Quốc gia thành Tân Sở, ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính (Cam Lộ, Quảng Trị).