“Giữ lửa” cho đại ngàn

Đức Việt |

Miền đất xa xôi A Vao, Tà Rụt của huyện Đakrông (Quảng Trị) hiện vẫn còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội, nghề truyền thống độc đáo của người Pa Kô. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển nhanh chóng của xã hội ngày nay, một số giá trị văn hóa đặc sắc dần bị mai một, thậm chí có thể biến mất. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần sớm có những chính sách phù hợp, kịp thời để giúp công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số Pa Kô đạt được hiệu quả tốt nhất.

Gìn giữ cho mai sau

Với mong muốn trao truyền những làn điệu dân ca đặc sắc của dân tộc Pa Kô cho mai sau để tránh bị thất truyền, thời gian qua nghệ nhân ưu tú Kray Sức đứng ra thành lập CLB Đàn hát dân ca thôn A Liêng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông) và đã tập hợp được 25 nam, nữ thanh niên trong thôn tham gia. Ông đã miệt mài truyền thụ những đam mê và vốn hiểu biết của mình về đàn, hát các làn điệu dân ca Pa Kô cho những người trẻ. Điều đáng mừng là đến nay, nhiều bạn trẻ tham gia đã biết chế tác một số loại dụng cụ biểu diễn, nhạc cụ và hát được các làn điệu dân ca của dân tộc mình.

Nghệ nhân ưu tú Kray Sức biểu diễn đàn Ta Lư - Ảnh: Đ.V
Nghệ nhân ưu tú Kray Sức biểu diễn đàn Ta Lư - Ảnh: Đ.V

Trong ngôi nhà thoáng rộng của mình ở thôn A Liêng, vào những dịp lễ hoặc chuẩn bị tham gia các hội thi, hội diễn, nghệ nhân ưu tú Kray Sức cùng nhiều bạn trẻ người Pa Kô lại quây quần giữa căn phòng với đầy đủ các loại dụng cụ biểu diễn, nhạc cụ truyền thống như khèn bè, thanh la, trống, cồng chiêng, đàn Ta Lư… để luyện tập.

“Tập đánh trống, đàn, hát dân ca cho các cháu cần có sự nhẫn nại và đi dần từ dễ đến khó. Tôi cảm thấy rất vui vì qua những buổi truyền dạy thế này có nhiều bạn trẻ dần đam mê, biết tiếp thu những làn điệu, học chơi nhạc cụ, có những bạn còn chịu khó học hỏi và biết chế tác một số loại nhạc cụ dân tộc mình”, Kray Sức tâm sự.

Trong số những thành viên đam mê văn hóa dân tộc mình có anh Hồ Văn Ngư (26 tuổi). Anh cho biết: “Từ nhỏ mình đã học đánh cồng chiêng từ cha và cũng được nghe những làn điệu dân ca từ bà và mẹ. Đam mê lớn dần lên khi mình được tham gia lớp truyền dạy của nghệ nhân Kray Sức, được học đàn, hát, chế tác nhạc cụ, phát âm lời cổ... Qua tìm hiểu, học hỏi, mình càng trân quý vốn văn hóa của cha ông và quyết tâm tiếp thu, gìn giữ cho thế hệ con cháu của mình”.

Không chỉ tỉ mẩn truyền dạy từng động tác, ngón nghề đàn, hát cho thế hệ trẻ, nghệ nhân ưu tú Kray Sức còn tích cực gặp gỡ các nghệ nhân lớn tuổi, trong đó có nghệ nhân Mai Hoa Sen để bổ sung, hoàn thành tài liệu tìm hiểu về các lễ hội cổ truyền của người Pa Kô như: Puh Boh (Lễ giữ rẫy), Aya (Hội mùa), Ariêu Ping (Lễ bốc mả), Kăl năng Mương (Hoàn ân thổ thần)... Bằng sự tâm huyết và niềm đam mê, nghệ nhân ưu tú Kray Sức vẫn tiếp nối “truyền lửa” để những giá trị văn hóa của người Pa Kô luôn tỏa sáng.

Hiện nay nhiều người lớn tuổi ở xã A Bung vẫn còn lưu giữ, bảo tồn được những giá trị văn hóa vật thể quý giá. Đó là ông Côn Pơ Ruôi (87 tuổi), một bậc cao niên ở thôn Cu Tài 1, xã A Bung, hiện còn lưu giữ nhiều loại nhạc cụ như bộ chiêng bằng đồng đủ kích cỡ, chum vại, nồi đồng… từ hàng chục năm qua. Ông cho biết, đã nhiều lần có người trả số tiền cao hoặc đổi bằng dê, bò nhưng ông vẫn không đồng ý. Lý do của ông là: “Tiền rồi cũng tiêu hết nhưng để có được những bộ chiêng quý như thế này là rất khó.

Bố giữ gìn cho con cháu để chúng biểu diễn trong các dịp lễ hội truyền thống, để mạch nguồn văn hóa Pa Kô chảy mãi về sau…”, ông Ruôi quả quyết. Ở xã A Bung, Tà Rụt và một số địa phương giữa đại ngàn Trường Sơn hiện có rất nhiều gia đình, nhất là những người lớn tuổi như ông Ruôi vẫn còn lưu giữ nhiều dụng cụ, nhạc cụ, những đồ vật gắn với sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều, Tà Ôi. Tuy vậy, không phải ai cũng có điều kiện để bảo quản, gìn giữ lâu dài những văn hóa vật thể ấy nếu không có những sự hỗ trợ “tiếp sức” cho người dân…

Ở xã Tà Rụt hiện có rất nhiều nghệ nhân dù chưa được Nhà nước công nhận chính thức nhưng được cộng đồng thừa nhận bởi sự tâm huyết và những đóng góp không ngừng trong việc lưu giữ, phục hồi các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Pa Kô. Đó là nghệ nhân Hồ Văn Phiêng (Côn Hưm), Mai Hoa Sen - là những người am hiểu các nghi thức trong lễ hội và làn điệu hát dân ca của đồng bào Pa Kô; chế tác được các công cụ, nhạc cụ như trống, Ty Rel, A Bel, Sar, Ta Ngac, đàn Ta Lư, khèn bè…

Các ông từng dẫn dắt đội văn nghệ của xã tham gia lưu diễn khắp nơi trong huyện, tỉnh. Nghệ nhân Kray Sức là người am hiểu các nghi thức xây dựng kịch bản lễ hội và hát dân ca, cũng là người tâm huyết bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Pa Kô. Nghệ nhân Hồ Văn Phia (Côn Thang) - chế tác đàn Ta Lư, am hiểu các nghi thức trong lễ hội và hát, sử dụng thành thạo các làn điệu dân ca của đồng bào Pa Kô. Ông là người bảo tồn, lưu giữ và không ngừng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ trong thôn vốn hiểu biết của mình về văn hóa phi vật thể của đồng bào.

Bên cạnh những “cây cao bóng cả”, ngày càng xuất hiện nhiều nghệ nhân trẻ tuổi có tâm huyết bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình mà nghệ nhân trẻ tuổi Hồ Văn Việt là ví dụ. Anh là người chế tác và sử dụng thành thạo đàn Ta Lư, trống, khèn bè và am hiểu các nghi thức trong lễ hội và hát dân ca của đồng bào Pa Kô… Xã A Bung hiện có đội nghệ nhân gồm 13 người (chủ yếu là những người lớn tuổi) thường xuyên tập luyện và tham gia lưu diễn tại các lễ hội, chương trình lớn nhỏ do xã, huyện tổ chức.

Những trăn trở, kiến nghị…

Lo ngại trước nguy cơ các giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số dần mai một, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ A Duân trăn trở: Cấp trên cần sớm quan tâm và chỉ đạo tiếp tục xây dựng các chuyên mục tuyên truyền bảo vệ, phát triển giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Huy động nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước, xã hội hóa để tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa.

Đội văn nghệ thôn A Bung, xã A Bung, huyện Đakrông duy trì hoạt động thường xuyên - Ảnh: Đ.V
Đội văn nghệ thôn A Bung, xã A Bung, huyện Đakrông duy trì hoạt động thường xuyên - Ảnh: Đ.V

Khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí mua sắm, phục chế lại các loại hình văn hóa vật thể, may trang phục dân tộc, mở các lớp tập huấn, lớp đào tạo nghệ nhân về nhạc cụ truyền thống, nghệ nhân cồng chiêng, dân ca, điệu múa… của người Pa Kô cho thế hệ trẻ. Khôi phục, bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống, các loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một.

“Đặc biệt cần sớm đầu tư nguồn kinh phí hoạt động phục dựng lại một số lễ hội truyền thống đặc sắc và giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp, những trò chơi dân gian của mỗi dân tộc. Đồng thời thành lập các đội nghệ nhân cồng chiêng, văn nghệ quần chúng ở cơ sở; thường xuyên tổ chức các lễ hội, hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng trong, ngoài tỉnh để phổ biến, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống Pa Kô về lễ hội A Riêu Ping gắn với liên hoan cồng chiêng và hội thi thể thao truyền thống ở địa phương”, ông Duân kiến nghị.

Nghệ nhân Kray Sức khá tâm tư khi nhắc về việc công nhận nghệ nhân. “Thật ra số nghệ nhân được Nhà nước công nhận hiện nay ở xã Tà Rụt mới chỉ 3-4 người. Số nghệ nhân đã được UBND xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận là 10 người. Ngoài ra, còn có hàng chục người tại Tà Rụt và một số xã khác trên địa bàn có công lao đóng góp cho cộng đồng dân tộc mình nhưng đến nay vẫn chưa thể làm thủ tục hồ sơ đề nghị công nhận.

Nguyên nhân là do có một số tiêu chuẩn vượt quá khả năng của người đề nghị được công nhận như: phải có giấy chứng nhận, có giấy khen từ cấp huyện trở lên về việc truyền dạy… Điều này rất khó vì những người này chỉ hoạt động thầm lặng ở bản làng mình và chỉ được cộng đồng công nhận.

Bởi vậy muốn được huyện khen thì trước hết cấp xã phải khen và đề xuất lên trên công nhận nghệ nhân để thắp lên những ngọn lửa tâm huyết nhằm hồi sinh, gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của người dân tộc thiểu số cho mai sau”, Kray Sức chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Những tác phẩm thơ về mùa thu nổi tiếng nhất trên thi đàn Việt Nam

PV |

Mùa thu đến là cơ hội để chúng ta thể hiện lòng mình bằng những bài thơ về mùa thu hay.

Nặng lòng với tiếng đàn Ta lư

Minh Đức |

Chị Hồ Thị Tâm (sinh năm 1974) ở thôn A Xóc Cha Lỳ, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đã chơi đàn Ta lư hơn 30 năm nay. Chị tự mình chế tác đàn Ta lư và sáng tác những giai điệu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mình. Là người nặng lòng với việc gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc, chị Tâm ước mong được trao truyền vốn kiến thức của mình để thế hệ trẻ tiếp nối, phát huy...

Người đàn ông hiến máu 102 lần trong suốt 26 năm

Thùy Trang |

Năm 2022, anh Ngô Văn Dư (hiện đang là bảo vệ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn) đã vinh dự là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc với 102 lần hiến máu trong suốt 26 năm. Anh Dư cũng là người có số lần hiến máu nhiều nhất trong danh sách được tôn vinh năm nay.

Người tiên phong trồng cây đàn hương trên đất Quảng Trị

Nguyễn Trang |

Ở Quảng Trị, mô hình trồng cây đàn hương đầu tiên, quy mô lớn nhất là hộ anh Nguyễn Văn Tỉnh (sinh năm 1977), ở thôn Thủy Trung, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh. Đây là mô hình có nhiều triển vọng, mở hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp địa phương.