Giúp người đồng cảnh

Tây Long |

Không có đôi mắt sáng, Trần Thị Quỳnh Ly và Huỳnh Công Khoa hiểu sâu sắc nỗi đau cũng như sự khó khăn mà người khiếm thị phải đối diện. Với trái tim đồng cảm, yêu thương, họ đã đến với nhau, xây hạnh phúc và tìm cách mở đường cho người đồng cảnh.

Qua lại trên tuyến đường Lê Lợi, TP. Đông Hà, nhiều người ấn tượng khi thấy một cơ sở mát xa khiếm thị khang trang, sạch đẹp mới mở. Khác với nhiều địa điểm chăm sóc sức khỏe khác, cơ sở được đầu tư khá đồng bộ, bài bản ngay từ đầu. Hỏi mới biết, chủ cơ sở này là hai gương mặt khá “nổi” ở Hội Người mù Quảng Trị: Trần Thị Quỳnh Ly (sinh năm 1997), trú ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh và Hoàng Công Khoa (sinh năm 1993), trú tại xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng.

Quỳnh Ly đón tiếp khách với nụ cười trên môi. Cô cho biết, gần đây, mình rất bận vì vừa lo việc cưới hỏi, mở cơ sở, vừa lo việc hội… Thế nhưng, tất cả sự mỏi mệt đều sớm nhường chỗ cho niềm vui. Trước đây, một thời, Quỳnh Ly luôn nghĩ mọi thứ xung quanh đều là màu đen và mọi người cũng giống như mình. Sau này, biết thực tế không phải như vậy, Ly rơi vào sự mặc cảm, tự ti. Nhờ Hội Người mù tỉnh quan tâm, giúp đỡ, Quỳnh Ly mới vượt ra giới hạn của bản thân. Cô đến trường, tốt nghiệp đại học, rồi trở thành Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Gio Linh. “Theo từng ngày trưởng thành, em thấy cuộc sống không còn tối đen nữa, mà tươi vui, nhiều màu sắc hơn. Em đã tìm thấy ánh sáng của đời mình”, Ly chia sẻ.

Quỳnh Ly và nhân viên chuẩn bị đón tiếp khách hàng - Ảnh: T.L
Quỳnh Ly và nhân viên chuẩn bị đón tiếp khách hàng - Ảnh: T.L
Khác với Quỳnh Ly, Hoàng Công Khoa có thời gian tương đối dài nhìn thấy những sắc màu tươi vui của cuộc sống. Vì thế, việc bỗng nhiên không còn thấy thứ gì nữa khiến Khoa vô cùng sốc. Cú sốc ấy càng nặng nề hơn khi diễn ra đúng vào thời điểm gia đình Công Khoa gặp nhiều biến cố, mất mát. Vì hoàn cảnh xô đẩy, chàng sinh viên phải rời ghế giảng đường. Sau khi bình tâm trở lại, Khoa mới đến với hoạt động hội và mở ra cơ hội việc làm cho mình. Ở Hội Người mù tỉnh, Công Khoa được đánh giá cao ở khả năng tin học và tay nghề xoa bóp, bấm huyệt. Khoa từng làm việc tại nhiều thành phố lớn trong nước. Công Khoa bộc bạch: “Có thời gian, em nghĩ mình sẽ là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Thế nhưng, suy nghĩ ấy giờ không còn. Em hoàn toàn có thể tự nuôi sống mình, làm ra những đồng tiền chân chính”.

Năm 2020, tham gia hội thi tin học dành cho người khiếm thị do Hội Người mù tỉnh tổ chức, Quỳnh Ly và Công Khoa gặp nhau. Ở hội thi ấy, Khoa vừa đoạt giải Nhất, vừa thành công với việc “ghi điểm” trong lòng cô hội viên khiếm thị thông minh, nhanh nhẹn. Kể từ đó, hai người thường xuyên nhắn tin, chuyện trò. Sau những lời hỏi han vu vơ, dần dần, Ly và Khoa phải lòng nhau. Sau 3 năm với phần lớn thời gian yêu xa, Khoa quyết định rời thành phố, trở về quê để khởi nghiệp và cưới người con gái mình thương.

Trở về quê với một số vốn tích cóp được, Hoàng Công Khoa xác định mở một cơ sở mát xa khiếm thị. Với kinh nghiệm, kỹ năng sẵn có, Khoa tự tin, tay nghề của mình sẽ đủ sức giúp “nuôi sống” cơ sở. Ý tưởng của Công Khoa nhận được sự đồng thuận cao từ Quỳnh Ly. Cô cán bộ hội trẻ quyết định góp vốn để cùng người mình thương mở cơ sở. Ngay từ đầu, cả hai đều xác định làm đến nơi, đến chốn.

Quyết tâm thực hiện dự định lớn của đời mình, Công Khoa và Quỳnh Ly đã đầu tư một số vốn lớn để sửa sang cơ sở; lựa chọn từng thứ đồ dùng, dụng cụ cần thiết; lên phương án quảng bá… Đích thân Khoa hướng dẫn, đào tạo thêm cho những nhân viên mà mình tuyển dụng để đảm bảo việc chăm sóc khách hàng luôn ở mức tốt nhất. Sự chăm chút ấy đã giúp cơ sở mát xa của Khoa và Ly được rất nhiều người quan tâm, chú ý. Hiện tại, cơ sở chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân như: xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi, xông hơi, cạo gió, đá nóng… Đến với cơ sở, nhiều khách hàng rất hài lòng với tay nghề và thái độ phục vụ của nhân viên.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở TP. Đông Hà và các địa phương lân cận tìm đến với cơ sở mát xa khiếm thị do Khoa và Ly gây dựng. Cơ sở luôn ân cần chào đón khách; thăm hỏi tình hình sức khỏe; cho lời khuyên về phương pháp mát xa phù hợp… Tùy theo thể trạng, sở thích, yêu cầu của khách hàng mà Khoa, Ly và nhân viên có một bài mát xa riêng. Trở về từ cơ sở, nhiều khách hàng đã nhiệt tình giới thiệu cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp…

Tuy vui trước những thành quả ban đầu nhưng cả Công Khoa lẫn Quỳnh Ly chưa lấy đó làm hài lòng. Cả hai vẫn đang miệt mài tìm cách nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường quảng bá hình ảnh cho cơ sở. Hơn ai hết, Khoa và Ly mong muốn tạo việc làm cho thêm nhiều người khiếm thị. Từng trải nhiều sóng gió, cả Khoa lẫn Ly đều đồng cảm, thấu hiểu những người khiếm thị. Họ cũng biết rằng, sức mạnh bên trong mỗi người khiếm thị là rất lớn. Đôi khi, chỉ cần được mở lối, động viên, khuyến khích người khiếm thị có thể làm nên những sự thay đổi ngoài mong đợi.

Trước mắt, bên cạnh tạo việc làm cho những nhân viên, Công Khoa và Quỳnh Ly còn hỗ trợ họ trong việc ăn ở; nâng cao tay nghề; thăm hỏi, động viên mỗi lúc ốm đau... Vì thế, nhân viên của Khoa và Ly xem cơ sở như mái nhà thứ hai của mình. Anh Hồ Văn Sỹ, trú ở xã Tà Long, huyện Đakrông cho biết: “Là người khiếm thị nhưng tôi phải lao động để lo cho ba mẹ già và người con nhỏ của mình. Có khi mệt mỏi quá, tôi đâm ra nghĩ quẩn. Nhờ Ly và Khoa tạo việc làm, động viên, tôi có thêm niềm tin, sức mạnh để sống và vươn lên”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tấm lòng của Hội Tennis “Triệu Phong yêu thương”

Ngọc Trang |

Bên cạnh hoạt động giao lưu thi đấu rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, thắt chặt tình đồng hương, thời gian qua, Hội Tennis “Triệu Phong yêu thương” tại TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm hay, có ý nghĩa thiết thực để hướng về quê nhà. 

Tấm lòng của cư sĩ Lê Văn Diêu

Hằng Nga |

Cư sĩ Lê Văn Diêu (79 tuổi), Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Quảng Trị; Giám đốc Trung tâm Dạy nghề miễn phí Phùng Xuân luôn tâm niệm lời đức Phật dạy để sống tốt đời, đẹp đạo, cống hiến những việc làm có ích cho xã hội.

Tấm lòng của vị chủ tịch kháng chiến

Tú Linh |

Ông Trương Quang Phiên, người làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị), từng có thời gian dài giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Trị (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ông là người có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước và sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời ông là một câu chuyện đầy tình người.

Ni sư có tấm lòng nhân ái

Hiếu Giang |

Với phương châm sống “Tốt đời đẹp đạo”, ngoài thực hiện tốt vai trò của một tu sĩ luôn rèn luyện, trau dồi đạo hạnh, ni sư Thích Nữ Minh Huy, trụ trì chùa Kiều Đàm (Phường 4, TP. Đông Hà, Quảng Trị) còn phát tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần mang niềm vui, hạnh phúc đến những mảnh đời bất hạnh. Với những đóng góp của mình, năm 2022, ni sư Minh Huy vinh dự là 1 trong 10 công dân tiêu biểu được thành phố tuyên dương.