Tấm lòng của cư sĩ Lê Văn Diêu

Hằng Nga |

Cư sĩ Lê Văn Diêu (79 tuổi), Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Quảng Trị; Giám đốc Trung tâm Dạy nghề miễn phí Phùng Xuân luôn tâm niệm lời đức Phật dạy để sống tốt đời, đẹp đạo, cống hiến những việc làm có ích cho xã hội.

Ông Diêu có cơ duyên với Phật pháp từ sớm, năm 13 tuổi ông quy y với Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên và được ban cho pháp danh Tâm Ích. Với mong muốn có một cơ sở dạy nghề miễn phí cho nông dân, phụ nữ, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, ông đã cùng Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh đi vận động, quyên góp các tổ chức, cá nhân hảo tâm khắp nơi để có tiền mua đất, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp với tổng diện tích 668 m2, trong đó bao gồm 2 phòng học lý thuyết, 2 phòng thực hành, 3 phòng nội trú, hội trường, phòng ăn, nhà bếp, sân chơi, khu vệ sinh và một số trang thiết bị dạy học. Ông đứng ra làm hồ sơ gửi các cấp, ngành và Giáo hội Phật giáo để thành lập Trung tâm Dạy nghề miễn phí Phùng Xuân.

Cư sĩ Lê Văn Diêu hỗ trợ nguyên liệu học nghề miễn phí cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn -Ảnh: H.N
Cư sĩ Lê Văn Diêu hỗ trợ nguyên liệu học nghề miễn phí cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn -Ảnh: H.N

Ngày 12/5/1997, trung tâm khai giảng khóa đầu tiên dạy về may dân dụng, sau đó mở rộng các nghề khác như may công nghiệp, điện tổng hợp, sửa chữa máy nổ, trồng nấm các loại, làm ván ghép thanh, chằm nón lá, chăn nuôi, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm...

Trung tâm không thu học phí, còn hỗ trợ nơi ăn chốn ở cho học viên, do đó không những thu hút sự tham gia của giới tăng ni, phật tử mà còn mở rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trải qua 25 năm, Trung tâm Dạy nghề Phùng Xuân đã đào tạo được 67 khóa, có khóa lên tới 100 học viên. Số lượng học viên ra trường được cấp chứng chỉ nghề là 2.138, trong đó có 448 học viên người dân tộc thiểu số,17 học viên khuyết tật và 7 học viên ngoại tỉnh xin theo học.

Đào tạo nghề đã khó, tìm việc làm cho học viên sau học nghề càng khó khăn hơn do đối tượng theo học đa phần là nông dân, phụ nữ, con em nhà nghèo, người dân tộc thiểu số nên trình độ hạn chế, thiếu vốn, thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội...

Vì thế, ông tìm cách liên hệ với nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhà máy để hợp đồng tìm việc cho học viên, nhờ vậy trên 80% học viên ra trường có việc làm ổn định, có thu nhập để trang trải cuộc sống. Hiện nay, bên cạnh việc duy trì các lớp dạy nghề miễn phí, trung tâm còn cho Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh mượn cơ sở vật chất để giảng dạy, hỗ trợ trẻ chậm nói, khuyết tật, tự kỷ trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, giúp phụ huynh có con em khuyết tật đỡ phải đưa con ra TP. Đông Hà học như trước đây.

Với vai trò là Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Quảng Trị, ông rất quan tâm đến việc học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong những ngày lễ hội Phật giáo, những khóa học cho giới phật tử, ông lồng ghép tuyên truyền, vận động phật tử góp sức cùng địa phương thực hiện tốt phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tiết kiệm trong lễ tang, lễ cưới, tiết kiệm trong chi tiêu để chăm lo gia đình và tham gia công tác từ thiện xã hội nhân đạo.

Cùng với việc vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, đời sống kinh tế, ông Diêu cùng Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo tỉnh chủ trì nhiều chương trình từ thiện như hỗ trợ thường xuyên cho các cụ già neo đơn khó khăn, những người tàn tật, trẻ em khuyết tật trên địa bàn; trợ cấp cho các gia đình bị ảnh hưởng do lũ lụt; phối hợp với các cơ sở y tế khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho các thương, bệnh binh, người già; trợ cấp chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em một số trường mầm non.

Trợ cấp học bổng sinh viên mồ côi hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây dựng phòng học, nhà bếp, mái che, tường rào, sân chơi cho một số trường mầm non khó khăn; vận động xây dựng nhà tình thương…với tổng số tiền khoảng 37 tỉ đồng. Đặc biệt trong hơn 2 năm ảnh hưởng COVID-19, ông cùng với Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo tỉnh vận động, hỗ trợ công tác phòng chống dịch với số tiền trên 400 triệu đồng, tặng 5.000 khẩu trang y tế và một số vật dụng khác cho các đơn vị, địa phương trong tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tấm lòng của vị chủ tịch kháng chiến

Tú Linh |

Ông Trương Quang Phiên, người làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị), từng có thời gian dài giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Trị (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ông là người có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước và sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời ông là một câu chuyện đầy tình người.

Ni sư có tấm lòng nhân ái

Hiếu Giang |

Với phương châm sống “Tốt đời đẹp đạo”, ngoài thực hiện tốt vai trò của một tu sĩ luôn rèn luyện, trau dồi đạo hạnh, ni sư Thích Nữ Minh Huy, trụ trì chùa Kiều Đàm (Phường 4, TP. Đông Hà, Quảng Trị) còn phát tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần mang niềm vui, hạnh phúc đến những mảnh đời bất hạnh. Với những đóng góp của mình, năm 2022, ni sư Minh Huy vinh dự là 1 trong 10 công dân tiêu biểu được thành phố tuyên dương.

Tấm lòng nhân ái của Sư cô Nguyệt Liên

Lê Trường |

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi nhưng Ni sư Thích Nữ Nguyệt Liên (tên thường gọi là Sư cô Nguyệt Liên), trụ trì Tịnh xá Ngọc Lộ đã gắn bó với huyện Cam Lộ (Quảng Trị) như quê hương thứ hai của mình. Ở đây bà được mọi người cảm phục, trân quý vì có nhiều hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ trẻ em bị khuyết tật, những hoàn cảnh gặp khó khăn, bất hạnh trong xã hội.

Tấm lòng vàng của cụ ông Hồ Văn Xiêng

Phan Ngân |

Đất đai rất quý đối với mỗi người dân, trong đó có đồng bào Vân Kiều. Khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, đất đai không chỉ giúp họ “no cái bụng” mà còn là của để dành chăm lo cho con cái ăn học và cuộc sống khi về già…