Tấm lòng nhân ái của Sư cô Nguyệt Liên

Lê Trường |

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi nhưng Ni sư Thích Nữ Nguyệt Liên (tên thường gọi là Sư cô Nguyệt Liên), trụ trì Tịnh xá Ngọc Lộ đã gắn bó với huyện Cam Lộ (Quảng Trị) như quê hương thứ hai của mình. Ở đây bà được mọi người cảm phục, trân quý vì có nhiều hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ trẻ em bị khuyết tật, những hoàn cảnh gặp khó khăn, bất hạnh trong xã hội.

Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Phật học tại Trường Đại học Vạn Hạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1993 Sư cô Nguyệt Liên được phân công ra Quảng Trị hỗ trợ các ni sư ở đây tái thiết Tịnh xá Ngọc Lộ. Sau 3 năm, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ, hỗ trợ của tăng ni, phật tử, Tịnh xá Ngọc Lộ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Với vai trò là trụ trì, Sư cô Nguyệt Liên bắt tay vào các hoạt động từ thiện trên địa bàn, đối tượng hướng đến chủ yếu là trẻ em nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, kém may mắn…Sư cô nhớ lại: “Một lần lên thăm vùng chiến khu Cùa, tôi chứng kiến những hoàn cảnh bị khuyết tật do chất độc hóa học không thể đi lại, hay tự chăm sóc bản thân, tôi rất xót xa. Từ đó, trong tôi luôn ấp ủ ý định xây dựng một trung tâm phục hồi chức năng để hỗ trợ các em”.

Sư cô Nguyệt Liên (bên phải) phát cháo dinh dưỡng cho các bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ - Ảnh: L.T
Sư cô Nguyệt Liên (bên phải) phát cháo dinh dưỡng cho các bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ - Ảnh: L.T

Năm 2008, sau khi viết đơn xin chính quyền địa phương cấp đất tại thị trấn Cam Lộ, Sư cô Nguyệt Liên đã tích cực đứng ra kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để xây dựng Trung tâm hỗ trợ, chăm sóc, phục hồi chức năng Tịnh xá Ngọc Lộ (còn gọi là Trung tâm Phục hồi chức năng Tịnh xá Ngọc Lộ) làm nơi tập luyện, phục hồi cho trẻ em bị khuyết tật trên địa bàn huyện. Đến năm 2010, trung tâm chính thức đi vào hoạt động trên diện tích 1.200 m2 , với đầy đủ các phòng chức năng, thiết bị tập luyện, nơi ăn ở và sinh hoạt cho các em.

Tại đây, có đầy đủ các dụng cụ để phục hồi chức năng như: Các loại xe đạp tập cho người bại não, đèn tia la-ze để phục hồi tay chân cong cứng hay phục vụ cho những người bị tổn thương cột sống, bị tai biến... “Lúc mới đưa vào hoạt động, có khoảng gần 200 em bị khuyết tật từ thể nhẹ cho đến bại não đến để phục hồi. Hằng ngày, các em được giáo viên hỗ trợ, chăm sóc và phục hồi bằng các phương pháp y học cổ truyền”, Sư cô Nguyệt Liên chia sẻ.

Hơn 11 năm qua, Trung tâm Phục hồi chức năng Tịnh xá Ngọc Lộ đã trở thành ngôi nhà thứ hai cho hàng trăm trẻ em khuyết tật, trẻ bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin trên địa bàn huyện Cam Lộ và các vùng lân cận. Đến đây để phục hồi chức năng, những em nội trú sẽ được trung tâm hỗ trợ hoàn toàn tiền ăn, sinh hoạt phí, còn những em tập luyện trong ngày sẽ được hỗ trợ cơm trưa và bữa lỡ.

Do tình hình dịch bệnh và một số nguyên nhân khách quan, hiện nay Trung tâm Phục hồi chức năng Tịnh xá Ngọc Lộ tiếp nhận hơn 50 trường hợp đến để tập luyện. “Ảnh hưởng của COVID-19 nên trung tâm phải phân lịch tập cho các em, có thời điểm phải đóng cửa để đảm bảo phòng dịch. Thêm nữa, hiện nay do hết nguồn tài trợ nên việc hợp đồng giáo viên hướng dẫn phải dừng lại, hiện các ni sư trong tịnh xá thay nhau hỗ trợ, chăm sóc và hướng dẫn các em khi đến tập phục hồi. Mong muốn, thời gian tới sẽ có các nhà hảo tâm hỗ trợ để trung tâm có giáo viên hướng dẫn bài bản hơn”, Sư cô Nguyệt Liên bộc bạch.

Bên cạnh việc xây dựng và duy trì hoạt động cho Trung tâm Phục hồi chức năng Tịnh xá Ngọc Lộ, Sư cô Nguyệt Liên còn phát tâm Chương trình “Nồi cháo tình thương” hỗ trợ bữa ăn sáng cho các bệnh nhân nghèo đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ. “Nồi cháo tình thương” được triển khai từ năm 2016. Cứ đều đặn sáng sớm Thứ 5 hằng tuần, 130 - 150 suất cháo dinh dưỡng miễn phí cùng bánh mì nóng được Sư cô Nguyệt Liên cùng các phật tử đưa đến để phát cho các bệnh nhân nghèo. “Chương trình này do các tấm lòng hảo tâm đóng góp, mỗi tháng khoảng 2 - 3 đợt, hỗ trợ theo lịch tuần cách tuần, mỗi lần hỗ trợ cháo từ 800 ngàn - 1 triệu đồng”, Sư cô Nguyệt Liên cho biết.

Nói về tấm lòng của Sư cô Nguyệt Liên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ Nguyễn Thị Mỹ Loan chia sẻ, song song với các chương trình thiện nguyện, Sư cô Nguyệt Liên vẫn duy trì chương trình học bổng hỗ trợ các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt trên địa bàn huyện đều đặn từ năm 2000 cho đến nay. Hằng năm, sư cô trao khoảng 22 suất học bổng với tổng giá trị hơn 30 triệu đồng giúp học sinh nghèo trên địa bàn có thêm động lực vươn lên trong học tập.

Ngoài ra, sư cô luôn đi đầu trong các đợt kêu gọi, vận động của Hội Chữ thập đỏ huyện nhằm hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai hay chung tay giúp đỡ các khu cách ly COVID-19 trên địa bàn huyện. Ngoài các chương trình từ thiện trên địa bàn huyện Cam Lộ, Sư cô Nguyệt Liên hiện là Trưởng Ban Từ thiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị, có rất nhiều hoạt động đóng góp và hỗ trợ tích cực cho các hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh.

Gắn bó với mảnh đất Cam Lộ hơn 28 năm, bằng tấm lòng thiện nguyện, Sư cô Nguyệt Liên đã kết nối những tấm lòng yêu thương của quý phật tử, các nhà hảo tâm gần xa hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn tại địa phương. Để từ đó, làm đẹp thêm tấm chân tình của những người con nơi cửa Phật.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tấm lòng vàng của cụ ông Hồ Văn Xiêng

Phan Ngân |

Đất đai rất quý đối với mỗi người dân, trong đó có đồng bào Vân Kiều. Khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, đất đai không chỉ giúp họ “no cái bụng” mà còn là của để dành chăm lo cho con cái ăn học và cuộc sống khi về già…

Kết nối những tấm lòng

Tây Long |

Dẫu bận rộn với công việc, gia đình nhưng thành viên Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện Đất Vĩnh, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vẫn không để bước chân thiện nguyện ngơi nghỉ. Chung một tấm lòng, họ đã và đang mang niềm vui đến với những miền quê, phận người nghèo khó.

Cầu nối giữa tấm lòng thiện nguyện với bệnh nhân nghèo

Nam Phương |

Trong bối cảnh phức tạp của COVID-19, thời gian qua, Tổ công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vẫn luôn phát huy tốt vai trò của mình trong việc xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người bệnh - bệnh viện - cộng đồng và đặc biệt là kết nối với các tổ chức, cá nhân hảo tâm để hỗ trợ kinh phí giúp đỡ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân nghèo đã được hỗ trợ để yên tâm điều trị bệnh.

Nhiều tấm lòng cho một Ba Lòng

Lê Việt Thường |

Với một nơi như Ba Lòng (Đakrông, Quảng Trị) hay ở những vùng miền xa xôi hẻo lánh nói chung, mỗi ân tình trao dâng luôn được nâng niu ghi lòng tạc dạ, niềm vui ấy luôn được nhân lên gấp bội, bởi nó gieo vào lòng người nơi chiến khu xưa niềm tin yêu trìu mến, rằng mình đã không bị lãng quên!