Tuy có nhiều khác biệt nhưng các bạn trẻ này gặp nhau ở điểm chung là đang thầm lặng góp sức trẻ phòng, chống COVID-19. Dù ở vị trí nào, đối diện với bao nhiêu khó khăn, thử thách, họ vẫn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ.
Xem F0 như người thân
Thời gian qua, tình hình COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp. Số trường hợp dương tính với SARSCoV-2 (F0) được đưa vào cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tăng. Thực tế ấy khiến công việc của các bác sĩ, nhân viên y tế vốn đã khó khăn, áp lực nay càng vất vả hơn. Thế nhưng, thử thách đó không làm vơi giảm nhiệt huyết trong bác sĩ Trương Thị Hằng, sinh năm 1990, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị.
Gắn bó với bệnh nhân lao và bệnh phổi ngót nghét 6 năm, chị Trương Thị Hằng đã quá quen với những đêm trắng cấp cứu cho bệnh nhân; vừa làm bác sĩ chuyên khoa vừa làm “chuyên gia tâm lý”; chịu sự kỳ thị từ một số người chưa hiểu công việc của mình… Từ khi COVID-19 phát sinh, thử thách đến với bác sĩ Hằng và đồng nghiệp nhiều thêm. Gần như mọi việc gia đình, con cái của họ đều phải nhờ sự hỗ trợ của người thân.
Bác sĩ Trương Thị Hằng và đồng nghiệp biết rằng nếu không xem F0 như người thân thì khó làm tốt nhiệm vụ. Sau khi nhập viện, các F0 cần được theo dõi, chăm sóc, điều trị thường xuyên vì bệnh có thể trở nặng nhanh. Vì vậy, các y, bác sĩ phải túc trực suốt ngày đêm. Dưới lớp đồ bảo hộ, sức lực của họ như bị hút cạn. “Ban đầu, ai cũng có chút lo lắng về nguy cơ lây nhiễm và nhiều thứ khác. Song, khi đã vào guồng quay công việc, tất cả nỗi lo đều tan biến. Điều đọng lại duy nhất trong tâm trí chúng tôi là làm thế nào giúp F0 khỏi bệnh”.
Hầu hết F0 nhập viện với tâm trạng hoang mang, lo sợ, thậm chí hoảng loạn. Vì vậy, bác sĩ Trương Thị Hằng và đồng nghiệp không đơn thuần điều trị theo phác đồ mà còn phải tiếp “liều thuốc” tinh thần. Công việc ấy có khi kéo dài cả tuần lễ. Cũng từ đây, bác sĩ Hằng và đồng nghiệp biết nhiều F0 có hoàn cảnh rất khó khăn, rồi lặng thầm tìm cách giúp đỡ.
Nói về công việc đang làm, bác sĩ Trương Thị Hằng chia sẻ, đến giờ, đã quen với khó khăn, thử thách, áp lực trong công việc. Ở tuyến đầu chống dịch, giây phút hạnh phúc nhất của chị là nhìn thấy các F0 khỏi bệnh về đoàn tụ với gia đình.
Hết lòng “vì dân phục vụ”
Đến giờ, Đại úy Cao Tất Linh, sinh năm 1990, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Trị cùng đoàn viên, thanh niên không thể nhớ hết số hoạt động, phong trào mình đã tổ chức, tham gia để chung tay phòng, chống COVID-19. Luôn nêu cao tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, họ không cho phép mình đứng ngoài “cuộc chiến” với đại dịch.
Cách đây tầm 2 năm, khi COVID-19 phát sinh, cùng với các thủ lĩnh đoàn Công an tỉnh, Đại úy Cao Tất Linh đã tham mưu thành lập tổ cán bộ, chiến sĩ trẻ xung kích phòng, chống dịch. Điều khiến Đại úy Linh rất vui là chủ trương ấy đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao, 100% đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh tình nguyện góp sức. Từ điểm mốc này, dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ trẻ trong giúp dân phòng, chống COVID-19 đậm nét hơn. Mới đây, 50 đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh đã đăng ký vào Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ, sẵn sàng lên đường khi có sự điều động của Bộ Công an.
Là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Đại úy Cao Tất Linh hiếm khi vắng mặt trong hoạt động phong trào. Cùng các thủ lĩnh đoàn, anh Linh từng lặn lội lên các chốt phòng, chống COVID-19 ở khu vực biên giới để thăm hỏi, động viên, tặng quà cho lực lượng chức năng. Anh và đoàn viên, thanh niên cũng thường xuyên đến hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên trực chốt cách ly tập trung, cách ly y tế, phong tỏa tạm thời. Từ sự nỗ lực của Đại úy Linh và đồng đội, nhiều người dân gặp khó khăn do COVID-19 đã được “tiếp sức”.
Trong tháng ngày miệt mài góp sức chống dịch, kỷ niệm đáng nhớ của Đại úy Cao Tất Linh là lần dẫn đoàn đưa hàng vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ lực lượng chức năng và người dân. Trước đó, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã huy động hơn 5 tấn gạo, 1 tấn đường, 3 tạ bột ngọt, 5 tạ cá khô, 400 chai dầu ăn… với tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng. Với tinh thần xung kích, Đại úy Linh cùng một số đoàn viên đã lên 3 chiếc xe chở nặng hàng hóa nghĩa tình đi vào “tâm dịch”. “Chuyến đi mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi dặn lòng phải cống hiến nhiều hơn cho “cuộc chiến” với COVID-19 và nỗ lực khơi thêm nhiệt huyết trong tuổi trẻ Công an tỉnh”, Đại úy Linh chia sẻ.
Miệt mài làm “việc không công”
Hơn 1 năm trước, tôi gặp Hoàng Bùi Yến Nhi, sinh năm 1991, Bí thư Chi đoàn Khu phố 9, Phường 1, thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Bấy giờ, Nhi là một trong những shipper mẫn cán phục vụ khu cách ly tập trung tại trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo cũ. Bất kể đêm ngày, mưa nắng, hễ người dân ở khu cách ly tập trung nhờ mua nhu yếu phẩm, hàng hóa, cô lại lên đường. “Nhiều người hỏi em có mệt không khi làm “việc không công”. Em bảo, mệt nhưng vui. Được góp sức trẻ để phòng, chống COVID-19 là em vui rồi”, Yến Nhi chia sẻ.
Sau lần gặp gỡ ấy, tôi lại hạnh ngộ Hoàng Bùi Yến Nhi trong nhiều hoạt động, phong trào của tuổi trẻ thành phố Đông Hà như: Tuyên truyền phòng, chống COVID-19; phát khẩu trang miễn phí cho người dân; hướng dẫn bà con cài đặt bluezone, khai báo y tế, dán mã QR-Code… Các hoạt động tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch ít khi vắng bóng Nhi. Điều đặc biệt là dù ở đâu, làm gì, Nhi cũng luôn nở nụ cười thân thiện.
Gần đây, Hoàng Bùi Yến Nhi thường xuyên đứng bếp nấu những món ăn ngon tặng cho các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Để làm tròn nhiệm vụ, Nhi cùng các đoàn viên, thanh niên khác phải bỏ khá nhiều thời gian, công sức. Chăm chút cho từng món ăn, Nhi và các bạn rất vui khi mang niềm vui đến với các bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng chức năng.
Như nhiều người, Hoàng Bùi Yến Nhi cũng gặp nhiều khó khăn do COVID-19. Tuy nhiên, điều đó không ngăn Nhi đến với các hoạt động chung tay phòng, chống COVID-19 của tuổi trẻ. Từ lâu, cô đã quen thức khuya, dậy sớm làm những “việc không công” vì cộng đồng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)