Người Vân Kiều, Pa Kô góp sức xây dựng quê hương

Nguyễn Minh Đức |

Dấu ấn người Vân Kiều, Pa Kô để lại trên dãy Trường Sơn hùng vĩ khá đậm nét. Từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người Vân Kiều, Pa Kô một lòng đi theo cách mạng, sẵn sàng hy sinh tất cả để góp phần vào qúa trình đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Nay trong thời bình, những người con mang họ Bác Hồ tiếp tục bảo vệ thành quả cách mạng, quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần cùng với các dân tộc anh em khác xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Vẹn một tấm lòng son sắt

Có dịp đặt chân lên những bản làng nơi có người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô sinh sống vào những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của những vùng đất này. Câu chuyện về người Vân Kiều, Pa Kô vinh dự mang họ Bác Hồ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với biết bao niềm tự hào.

Già làng Hồ Sỹ Đa, ở thôn Đồng Dôn, xã Linh Trường, huyện Gio Linh cho hay, ngày trước, người Vân Kiều, Pa Kô luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình kháng chiến kiến quốc, đánh đuổi thực dân Pháp, lật đổ chế độ phong kiến, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Những thành tích và sự đóng góp to lớn của người Vân Kiều, Pa Kô được Đảng, Bác Hồ đánh giá cao.

Ngày 26/6/1946, dưới sự tổ chức của Mặt trận Liên Việt, các già làng đã tự nguyện tụ họp dưới chân núi Cóc Tăng tổ chức lễ đâm trâu, cắt máu ăn thề rằng: “Người Vân Kiều, Pa Kô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ”. Các già làng đều thống nhất quyết định lấy họ Hồ làm họ chung cho cả hai dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Khi nghe tin Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh vào ngày 16/6/1957, Ban chỉ đạo miền núi Quảng Trị đã cử đoàn công tác ra Quảng Bình để xin cho đồng bào Vân Kiều, Pa Kô được mang họ Hồ của Bác. Khi được Bác Hồ đồng ý, mỗi người đều vui mừng khôn xiết.

Bộ mặt xã Linh Trường đổi thay từng ngày -Ảnh: M.Đ
Bộ mặt xã Linh Trường đổi thay từng ngày -Ảnh: M.Đ

Trong hai cuộc kháng chiến, người Vân Kiều, Pa Kô đã kiên cường, dũng cảm, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Tổ quốc đã ghi nhận, vinh danh đối với những người con Vân Kiều, Pa Kô ưu tú đã cống hiến cho đất nước, cho Nhân dân; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các chính sách cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách và công tác dân tộc để tạo điều kiện cho bà con xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Ông Hồ Lô, người uy tín ở thôn A Rồng Dưới, xã A Ngo, huyện Đakrông, cho hay: “Từ nhỏ, tôi đã theo gia đình tham gia cách mạng. Tôi rất tự hào về truyền thống cách mạng của người Pa Kô, Vân Kiều cũng như trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước hôm nay. Người Pa Kô, Vân Kiều chúng tôi luôn giữ vẹn nguyên một tình yêu son sắt, thủy chung với Đảng, với Bác Hồ”.

Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Lê Minh Tuấn cho biết: Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cả nước biết đến Hướng Hóa với chiến thắng Đường 9-Khe Sanh, Làng Vây, Tà Cơn, Động Tri; được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Phát huy truyền thống đó, người Vân Kiều, Pa Kô cùng với người Kinh trên địa bàn đang hướng tới một huyện kiểu mẫu của miền núi như lời Tổng Bí thư Lê Duẩn căn dặn.

Góp sức xây dựng quê hương

Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Lê Minh Tuấn cho biết thêm, thông qua các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015-2020, huyện đã tập trung ưu tiên nguồn vốn với tổng mức đầu tư 208 tỉ đồng để xây dựng, hoàn hiện kết cấu hạ tầng giao thông, điện lưới, trường học, trạm y tế; triển khai chương trình làm nhà ở cho hộ nghèo, xóa nhà tạm; đầu tư các công trình nước sinh hoạt, thủy lợi, hỗ trợ khai hoang đất sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, giải ngân các nguồn vốn ưu đãi, nhằm giúp đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng bộ mặt nông thôn, làng bản khởi sắc.

Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả cao. Cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 19,76%, không có hộ đói. Mặt bằng dân trí được nâng lên, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trường học cao tầng, kiên cố. 100% xã vùng bản có trạm y tế, việc khám chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa được quan tâm. Hệ thống chính trị các xã vùng bản được coi trọng, củng cố và tăng cường. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh biên giới được giữ vững.

Sự đóng góp của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở các địa phương trong tỉnh được thể hiện trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; bảo vệ an ninh trật tự, giữ vững biên cương; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc…

Anh Nguyễn Văn Thao, quyền Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, cho biết: “Cùng với các dân tộc anh em ở Quảng Trị, người Vân Kiều ở xã Vĩnh Hà luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, có nhiều đóng góp trong kháng chiến lẫn thời bình. Hôm nay, dấu ấn đó càng rõ nét trong xây dựng nông thôn mới, đạt 15/19 tiêu chí và phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2021. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, với thu nhập bình quân đầu người đạt 37,1 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo còn 4,73%; có 98% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 5/5 thôn bản đạt danh hiệu đơn vị văn hóa. Đây là đòn bẩy vững chắc để Vĩnh Hà xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh và nâng cao đời sống người dân trên mọi phương diện”.

Ở miền Tây Quảng Trị, người Vân Kiều, Pa Kô cũng có những nỗ lực trong phát triển kinh tế, từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều vùng chuyên canh trồng cà phê, cao su, sắn, chuối…, góp phần giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, phong trào hiến đất xây dựng trường học, đường giao thông; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc… cũng được người dân hưởng ứng.

Anh Hồ Văn Cuông (ở giữa) hiến đất xây dựng điểm trường Húc Pa Lu -Ảnh: M.Đ
Anh Hồ Văn Cuông (ở giữa) hiến đất xây dựng điểm trường Húc Pa Lu -Ảnh: M.Đ

Anh Hồ Văn Cuông, thôn A Xóc Lìa, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, vui vẻ nói: “Vài năm trước, gia đình tôi đã tự nguyện hiến khoảng 3.000 m2 để xây dựng điểm trường Húc Pa Lu thuộc Trường Mầm non xã A Túc. Điểm trường này đã tạo điều kiện cho con em trong thôn có môi trường học tập tốt”.

Còn nghệ nhân Hồ Văn In, thôn Kỳ Nơi, xã Lìa, cho hay: “Ý thức việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa là quan trọng, tôi và nhiều nghệ nhân khác đã không ngừng giữ gìn những nhạc cụ dân tộc như khèn bè, cồng chiêng… và các làn điệu dân ca bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả. Từ đó, bản sắc văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô được tôn trọng, giữ gìn và phát huy, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người đồng bào dân tộc thiểu số”.

Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đakrông Hồ Thị Kim Cúc, cho hay: “Người Pa Kô, Vân Kiều trên địa bàn huyện có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi diện mạo bản làng; thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; khai thác tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền văn hóa, con người Đakrông tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nơi đâu cũng vậy, những con người Vân Kiều, Pa Kô hồn hậu, chân chất đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần làm thay đổi bộ mặt bản làng, xứng đáng với những gì mà Bác Hồ mong muốn, gửi gắm…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của người Bru-Vân Kiều và Pa Kô

Minh Thảo |

Phân hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh vừa xuất bản đầu sách “Những giá trị văn hóa đặc sắc của người Bru - Vân Kiều và Pa Kô” tập 1*.

Bảo tàng bằng chữ của người Vân Kiều và Pa Kô

Hoàng Hải Lâm |

Sau tất cả, con người buộc trở về cội nguồn văn hóa. Với những giá trị của nó để phát triển. Và để chứng thực cho sự tồn tại của dân tộc mình không gì hơn văn hóa.

Niềm đam mê bóng đá của các em nhỏ người Vân Kiều

Trường Sơn |

Mặc cho sân chơi không được êm cùng quả bóng đá không hơi, các em nhỏ nơi miền núi Quảng Trị với đôi chân trần đã thỏa sức thể hiện, biểu diễn các trận bóng đá làng với đầy đam mê.

Hướng Hoá: Tích cực thực hiện chương trình phát thanh tiếng Bru - Vân Kiều

Kim Huệ - Ta Tép |

Là một huyện miền núi với gần 50% đồng bào dân tộc thiểu số, để phát huy vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của việc tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, thời gian gần đây, Trung tâm Văn hóa Thông tin – Thể dục Thể thao huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tích cực thực hiện chương trình phát thanh tiếng Bru - Vân Kiều. Qua đó, đã góp phần quan trọng phục vụ nhu cầu thông tin cho bà con đồng bào, mang lại nhiều lợi ích, tác động tích cực đến quá trình xây dựng nông thôn mới vùng sâu vùng xa.

Bác Hồ trong lòng người Vân Kiều, Pa Cô

Lê Minh Hà |

Hơn 70 năm qua, người Vân Kiều, Pa Cô vẫn một lòng khắc ghi ơn nghĩa Bác Hồ - “Người đã đem đến cho dân miềng cái rẫy tự do, chăm chỉ làm và miềng có ăn”.