Hành lang kinh tế Đông- Tây, cơ hội để Quảng Trị hội nhập và phát triển

Huy Nam |

Nằm ở vị trí quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), những năm qua tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chủ trương, giải pháp đầu tư, khai thác hành lang kinh tế này để hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, để EWEC đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cần phải tháo gỡ vướng mắc và có quyết sách phù hợp, hiệu quả hơn. Phóng viên báo Quảng Trị đã phỏng vấn đồng chí NGUYỄN ĐĂNG QUANG, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về những nội dung liên quan.

- Thưa đồng chí! Quảng Trị là tỉnh có nhiều lợi thế để khai thác hiệu quả EWEC. Vì vậy, tỉnh đã có những chủ trương, giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông?

- EWEC là một trong những dự án hợp tác phát triển trụ cột do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Nhật Bản khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị lần thứ 8 Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) tổ chức tại Manila (Philippines) tháng 10/1998. EWEC kết nối qua 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam-Lào-Thái Lan-Myanmar trải dài trên tuyến giao thông dài 1.450 km bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine của Myanmar đi qua 7 tỉnh Đông Bắc Thái Lan đến Savannakhet-Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lao BảoQuảng Trị và kết thúc tại cảng Tiên SaĐà Nẵng.

 

EWEC có vị trí quan trọng về hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông cũng như khu vực Đông Nam Á; là cơ hội cho các quốc gia, địa phương liên kết chặt chẽ với nhau, cùng tiếp cận có hiệu quả các nguồn lực để phục vụ tốt hơn việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; thu hút đầu tư; tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển cho các đô thị dọc hành lang…Do đó, việc xây dựng EWEC là một trong những nội dung hợp tác khu vực quan trọng được các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia trong khu vực quan tâm. Sau quá trình triển khai, dự án được chính thức thông tuyến vào ngày 20/12/2006.

Với vị trí, vai trò là tỉnh đầu cầu của Việt Nam, ngay từ năm 1998, Tỉnh ủy Quảng Trị đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động tham gia chương trình hợp tác phát triển EWEC, đồng thời đã ban hành các chủ trương, giải pháp để thực hiện. Trọng tâm là Tỉnh ủy khóa XIV ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 12/12/2006 về đẩy mạnh đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế EWEC và được cụ thể hóa trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020; các quy hoạch về phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu dịch vụ du lịch và đô thị; đề án về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA; kế hoạch khai thác tiềm năng, lợi thế EWEC đến 2020…

Trên cơ sở này, trong định hướng phát triển của tỉnh, EWEC gắn liền với Quốc lộ 9 được xác định làm trục chính để phát triển các khu vực trọng điểm kinh tế trên hành lang gồm Khu KTTMĐB Lao Bảo; thành phố Đông Hà; Tam giác du lịch, dịch vụ Cửa Việt-Cửa Tùng-đảo Cồn Cỏ; Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Bên cạnh việc xác định các vùng kinh tế trọng điểm nói trên, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng đầu tư hạ tầng Cửa khẩu quốc tế La Lay, các dự án giao thông trọng điểm đã và đang được gấp rút đầu tư để hình thành hành lang đường bộ từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy kết nối với Lào-Thái Lan. Điều này mở ra triển vọng đưa Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển quan trọng trên EWEC. Cùng với đó, Quảng Trị huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, hình thành các đô thị vệ tinh và các trung tâm, đầu mối kinh tế…

Nhiều hàng hóa thiết yếu của các địa phương trên EWEC được vận chuyển qua cảng Cửa Việt -Ảnh: H.N
Nhiều hàng hóa thiết yếu của các địa phương trên EWEC được vận chuyển qua cảng Cửa Việt -Ảnh: H.N

Có thể thấy rằng, những nỗ lực của tỉnh cùng với sự đầu tư của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của nhiều địa phương trên EWEC đã có bước phát triển; hoạt động kết nối giao thương kinh tế diễn ra thông thoáng, sôi động hơn.

- Cần phải nhìn nhận một cách khách quan, EWEC vẫn chưa thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tỉnh Quảng Trị phát triển. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa đồng chí?

- EWEC kết nối qua 13 tỉnh của 4 nước nên muốn khai thác hiệu quả phải có sự liên kết chặt chẽ trên nhiều mặt, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực, đầu tư hạ tầng, thể chế, thống nhất về chính sách thuế quan, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, với xuất phát điểm là những địa phương còn nhiều khó khăn về hạ tầng, kinh tế-xã hội của các quốc gia nên chưa thể tạo ra những đổi thay nhanh chóng. Mặt khác, do chưa có sự thống nhất trong các thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo hướng một cửa, một điểm dừng trên toàn tuyến, hệ thống quá cảnh hải quan, việc áp dụng các quy định dọc hành lang còn chưa thống nhất…đã tạo ra nhiều rào cản đối với việc kết nối, vận chuyển hàng hoá và hành khách. Một ví dụ điển hình là mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Densavanh được thực hiện theo Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước Việt Nam-Lào ký ngày 23/3/2005.

Sau hơn 15 năm thực hiện mô hình đã mang lại nhiều kết quả tích cực như thủ tục qua lại cửa khẩu được tập trung, đơn giản hóa, tiến hành rõ ràng, minh bạch hơn cho các đối tượng tham gia; rút ngắn được thời gian thông quan cho người, hàng hóa và phương tiện…Tuy nhiên, đây là một mô hình mới, lần đầu tiên được thí điểm áp dụng tại cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào nên khi vận hành đã bộc lộ những bất cập như chưa có thỏa thuận chung của cấp chính phủ về thống nhất quy trình, thủ tục thực hiện mô hình kiểm tra chung, các thỏa thuận đã ký kết giữa các bộ chủ quản chỉ là thỏa thuận cấp ngành, hiệu lực pháp lý không cao, không vượt qua được các quy định hiện hành của mỗi nước, từ đó chưa tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các lực lượng chức năng của hai nước trong phối hợp triển khai thực hiện. Cùng với đó, công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hàng hóa, phương tiện xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu còn bất cập, chồng chéo; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng của hai bên. Từ những khó khăn, bất cập này và tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ hai nước đã thống nhất tạm dừng thực hiện mô hình “Một cửa, một lần dừng”…

Khu KTTMĐB Lao Bảo nhìn từ trên cao - Ảnh: Trần Tuyền
Khu KTTMĐB Lao Bảo nhìn từ trên cao - Ảnh: Trần Tuyền

- Thưa đồng chí! Để khai thác hiệu quả lợi thế của EWEC, tỉnh Quảng Trị có định hướng phát triển như thế nào và đề xuất, kiến nghị trung ương xem xét giải quyết những vấn đề gì?

- EWEC là cơ hội cho các quốc gia thành viên liên kết chặt chẽ với nhau cùng tiếp cận có hiệu quả các nguồn lực, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển cho các địa phương dọc hành lang. Nhằm tạo lối mở ra Biển Đông, rút ngắn EWEC, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ đặt ra mục tiêu xây dựng khu kinh tế này phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược phát triển biển Việt Nam; trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững; là trung tâm thu hút về đầu tư và trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng và khu vực... Xác định xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là công việc hệ trọng, lâu dài, góp phần xây dựng Quảng Trị sớm trở thành một trong những trung tâm giao lưu, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước và với các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, là một trong những cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước và vùng lãnh thổ trên EWEC, đòi hỏi quyết tâm và sự nỗ lực rất lớn, nên ngay từ thời điểm khu kinh tế được thành lập đến nay, lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều công việc quan trọng, cấp bách, nhất là công tác quy hoạch; giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư; huy động các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông, kỹ thuật, khu công nghiệp; các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án kinh tế động lực.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào khai thác các công trình hạ tầng trọng điểm, có tính kết nối cao như Dự án Quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng biển Mỹ Thủy, đồng thời kết nối với tuyến đường chiến lược Quốc lộ 15B của nước bạn Lào, hệ thống đường bộ của Thái Lan và Myanmar, kết nối Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN; các dự án cảng biển Mỹ Thủy, cảng Cửa Việt bờ Nam; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1 về cảng Cửa Việt; mở rộng Quốc lộ 9 đoạn tránh phía Nam Đông Hà; dự án Cảng hàng không sân bay Quảng Trị; một số công trình hạ tầng thiết yếu tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay; dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP 8). Từng bước phát triển hạ tầng đô thị hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; kêu gọi đầu tư xây dựng các đô thị ven biển. Tăng cường kết nối với các địa phương trên tuyến EWEC để nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng các nguồn vốn đầu tư. Chú trọng kết nối về thể chế, chính sách, tạo sự tương thích để nâng cao hiệu quả hợp tác, tạo thuận lợi trong quan hệ thương mại, vận tải, logistics…

Cửa khẩu quốc tế La Lay - Ảnh: H.N
Cửa khẩu quốc tế La Lay - Ảnh: H.N

Để thúc đẩy sự phát triển của EWEC trong thời gian tới, cần có sự hợp tác chặt chẽ và thường xuyên hơn giữa các địa phương nằm trên và xung quanh EWEC, cả ở cấp liên quốc gia, quốc gia lẫn cấp tỉnh…để sớm có được một khung pháp lý và chính sách thống nhất, phù hợp cho toàn tuyến cũng như trong việc thực thi chính sách, trong quy hoạch phát triển và khai thác, vận hành EWEC. Cần đảm bảo sự vận hành trên toàn tuyến và xung quanh EWEC đáp ứng được tiêu chí “đơn giản, thống nhất, nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả”. Tiếp tục kêu gọi sự hợp tác và tài trợ của các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có tiềm lực, kinh nghiệm trong tư vấn về quy hoạch, chính sách và tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực. Một yếu tố quan trọng nữa là cần có sự phân quyền cho các cấp địa phương trong một số lĩnh vực hoạt động và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lực lượng chức năng nhằm tạo thuận lợi, thông thoáng cho giao lưu hàng hóa và hành khách trên toàn tuyến, nhất là ở các cửa khẩu. Có như vậy mới tạo được cơ hội hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia thành viên trên EWEC.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Liên kết phát triển du lịch trên EWEC

Trần Tuyền |

Là địa phương nằm đầu cầu EWEC về phía Việt Nam, từ năm 1998 Quảng Trị đã tham gia các chương trình hợp tác phát triển EWEC, đây là lợi thế để phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng với các tỉnh trong khu vực miền Trung và với các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

“Cơ hội vàng” sẽ đến nếu dồn sức khai thông EWEC

Quang Hiệp |

Sự hình thành, phát triển của Hành lang Kinh tế Đông- Tây (EWEC) trong những năm qua có sự đóng góp thầm lặng nhưng đầy tâm huyết, trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị LÊ HỮU THĂNG, một trong những người đã góp sức khai thông hành lang kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.

Hơn 2 ngàn tỷ đồng đầu tư dự án Đường ven biển kết nối EWEC

Lê Minh |

Ngày 29/6/2021, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp trực tuyến với đơn vị tư vấn TEDI để nghe báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) giai đoạn I và ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương. 

Quảng Trị: Gần 3.000 tỷ đồng xây dựng đường ven biển kết nối EWEC

Hà Trang |

Ngày 2/12/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị làm việc với Sở Giao thông vận tải về Dự án đường ven biển kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) tỉnh Quảng Trị. Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng; Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng và các phó chủ tịch UBND tỉnh tham dự.