“Cơ hội vàng” sẽ đến nếu dồn sức khai thông EWEC

Quang Hiệp |

Sự hình thành, phát triển của Hành lang Kinh tế Đông- Tây (EWEC) trong những năm qua có sự đóng góp thầm lặng nhưng đầy tâm huyết, trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị LÊ HỮU THĂNG, một trong những người đã góp sức khai thông hành lang kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.


Dồn sức khai thông EWEC

- Thưa ông! Đóng góp nhiều tâm sức cho việc hình thành, phát triển của EWEC tại đầu cầu Quảng Trị, cảm xúc của ông như thế nào khi thấy sự khởi sắc trên hành lang kinh tế đặc biệt này?

- Khoảng 2 năm gần đây, do diễn biến phức tạp của COVID-19, tôi không có cơ hội vượt những cung đường trên EWEC. Trước đó, sau ngày nghỉ hưu, tôi vẫn thường xuyên có những chuyến “một ngày ăn cơm 3 nước”. Phải nói rằng nhờ sự ra đời của EWEC mà các tỉnh trên EWEC có sự phát triển rõ nét. Đơn cử như ở Lào, Đặc Khu kinh tế Savan Seno có quy mô lớn được xây dựng ngay đầu cầu Hữu nghị 2 bắc qua sông Mê Kông, thị xã Kaysone Phomvihane khởi sắc từng ngày. Trên EWEC, tỉnh Mukdahan cũng chuyển mình thay da, đổi thịt.
 
  Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Thăng trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Trị - Ảnh: Q.H

Về phía đầu cầu Việt Nam, chúng ta có thành phố Đông Hà, thị trấn vùng cao Lao Bảo, Khe Sanh đang vươn lên mạnh mẽ. Hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành giúp con đường từ các nước bạn đến cảng Đà Nẵng được rút ngắn, thuận lợi. Sự thay đổi thấy rõ về hạ tầng của EWEC cũng chính là “đòn bẩy” giúp nền kinh tế các địa phương dọc tuyến tăng trưởng. Từ đây, cuộc sống người dân ấm no hơn.

- Ngược dòng thời gian, ông bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu sâu và chung tay khai thông EWEC như thế nào?

- Ý tưởng về EWEC hình thành từ việc người ta nhìn thấy cơ hội từ việc khai mở, kết nối tuyến giao thông đường bộ dài 1.450 km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước gồm: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar. Sáng kiến EWEC được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mê Kông tại Manila, Philipines vào năm 1998.

Bấy giờ, rất nhiều người, trong đó có tôi chú ý đến sáng kiến này. Tuy nhiên, sau khi về nhận nhiệm vụ tại UBND tỉnh và được giao trọng trách khai thông EWEC, tôi mới bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu một cách chuyên sâu. Từ đây, tôi sớm nhận thấy rằng, EWEC có thể mang lại “cơ hội vàng” cho Quảng Trị phát triển. Vì thế, quyết tâm cùng lãnh đạo tỉnh, người dân khai thông EWEC dậy lên trong tôi.

- Thời điểm ấy, việc khai thông EWEC gặp những khó khăn, thử thách gì? Ông và các lãnh đạo cùng thời đã vào cuộc ra sao?

- Khó khăn đầu tiên là một số người chưa nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của EWEC. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của chúng ta thời điểm ấy còn kém. Trong giai đoạn EWEC sôi động, nóng hổi, mọi người háo hức nhất thì ta vẫn còn “đi sau” nên mất cơ hội đầu tư, giao thương. Ngoài ra, nhiều rào cản khác hình thành do nền kinh tế chúng ta “mở nhưng chưa thực sự mở”. Vì vậy, thời gian đầu, việc khai thác EWEC của tỉnh còn rất hạn chế.

Để khai thông EWEC, tôi và các lãnh đạo tỉnh cùng thời đã dồn sức vào cuộc. Chúng tôi đã có nhiều chuyến công tác, làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sang nước bạn để tìm hiểu, khảo sát. Trong nỗ lực chung là khai thông EWEC, nhiều sự kiện lớn, quan trọng đã được tỉnh tổ chức như: Lễ hội “Nhịp cầu Xuyên Á” (năm 2004), Diễn đàn Quốc tế về EWEC (năm 2010)… Một dấu mốc quan trọng là năm 2006, Tỉnh ủy ra nghị quyết về đẩy mạnh đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế EWEC.

Trăn trở với EWEC

- Mong ông chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong tháng ngày miệt mài góp sức giúp Quảng Trị trở thành đầu cầu trên EWEC?

- Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in không khí rộn ràng, vui tươi, đậm chất hữu nghị tại lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh. Thực ra, việc xây dựng EWEC được đưa ra từ lâu nhưng hoạt động chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì thế, lãnh đạo tỉnh xác định phải giúp người dân trên tuyến có sự giao lưu, kết nối văn hóa.

Đó là lý do thôi thúc chúng tôi tổ chức lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á”. Ngay lần đầu tiên tổ chức, lễ hội đã thu hút sự tham gia của đông đảo quan khách trong và ngoài nước. Như kỳ vọng, lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” đã bắc một nhịp cầu để giúp mọi người đến gần nhau, kết nối và hợp tác.

Ngoài việc khai thông EWEC, lãnh đạo tỉnh xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Khu KTTMĐB Lao Bảo. Để một trung tâm thương mại lớn xuất hiện ở vùng đất bạt ngàn lau lách chỉ sau 3 năm, rất nhiều người đã đổ mồ hôi công sức, trí tuệ. Hạnh phúc lớn nhất với chúng tôi thời ấy là thấy Khu KTTMĐB Lao Bảo đi vào hoạt động, sớm có thương hiệu.

- Vậy, điều gì liên quan đến EWEC còn khiến ông trăn trở sau ngày nghỉ hưu?

- Mục đích hỗ trợ xây dựng EWEC của ADB và Nhật Bản là “mở đường” đưa hàng từ cảng Mawlamyine (Myanmar) bên bờ biển Ấn Độ Dương qua Thái Lan, Lào, rồi về đến cảng Đà Nẵng (Việt Nam) thuộc bờ biển Thái Bình Dương. Tiếc là do tình hình chính trị ở Myanmar bất ổn nên không thể khai thông hết EWEC. Vì thế, hàng hóa từ Ấn Độ Dương muốn đi về các nước Đông Bắc Á, Trung Quốc và Nga nói chung, Đông Nam Á nói riêng phải đi vòng qua eo biển Alaska rất xa xôi.

Một thực tế khác khiến tôi suy nghĩ là gần như tất cả hàng hóa từ Đông Bắc Thái Lan và Lào đều đổ dồn về cảng Leam Chabang. Được sản xuất tại huyện Sepon, tỉnh Savannakhet, giáp với biên giới Việt Nam vẫn phải đưa lên cảng Leam Chabang sau đó mới chuyển đi bán ở tỉnh Đông Nam Bộ của nước ta. Nếu doanh nghiệp chọn vận tải qua cảng Đà Nẵng, thay vì cảng Leam Chaban thì họ sẽ rút ngắn hàng trăm cây số.

Thế nhưng, vì sao họ vẫn chọn cảng Leam Chabang trong khi năng lực của cảng Đà Nẵng có thừa? Nghịch lý ấy có nguyên nhân của nó. Lý do là vì chi phí chính thức và không chính thức của chúng ta quá cao; có quá nhiều trạm thu phí, nhiều lực lượng kiểm tra kiểm soát làm mất thời gian vận chuyển; việc cấp giấy phép liên vận cho xe tay lái nghịch còn vướng mắc… ADB và Nhật Bản đổ tiền giúp ta khai thông tuyến vận tải. Thế nhưng, chúng ta chỉ mới tập trung khai thác hạ tầng chứ chưa thực sự khai thông EWEC. Đó là điều đáng trăn trở.

Cơ hội vẫn còn và sẽ đến

- Trăn trở là vậy nhưng kỳ vọng về EWEC trong ông có đổi thay?

- Như tôi vừa chia sẻ, do tình hình chính trị ở Myanmar phức tạp nên việc khai thông hoàn toàn EWEC chưa thể thực hiện được như kỳ vọng. Tuyến hành lang có ý nghĩa đặc biệt này chỉ mới phát huy phần nào hiệu quả ở đầu cầu Việt Nam, Lào, Thái Lan. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là EWEC có nhiều tiềm năng.

Với Quảng Trị, việc khai thác EWEC là cơ hội để vực dậy Khu KTTMĐB Lao Bảo nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nói chung. Tôi nghĩ, dù chậm, dù muộn nhưng chúng ta vẫn còn cơ hội.

- Vậy, chúng ta cần phải làm gì để nắm bắt cơ hội ấy, thưa ông?

- Việc phát huy vai trò, vị trí của EWEC để phát triển kinh tế, thương mại, logistics và du lịch chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội giúp các nước, các tỉnh trên tuyến đi lên. Theo tôi, việc chúng ta cần tiếp tục làm gì để khai thông EWEC là: Cải cách hành chính, xóa bỏ các rào cản; giảm bớt chi phí chính thức và không chính thức; giải quyết vấn đề tay lái nghịch để đưa hàng hóa thuận lợi về cảng Đà Nẵng; đầu tư mở rộng Quốc lộ 9; không để xảy ra tình trạng gây khó khăn, phiền toái cho xe quá cảnh…
Người dân làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra - Ảnh: Q.H
Người dân làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra - Ảnh: Q.H

Khi các vấn đề trên được giải quyết, chúng ta sẽ kéo được một lượng lớn hàng hóa từ Thái Lan và Lào về cảng Đà Nẵng. Tiếp đó, nếu tỉnh xúc tiến tích cực dự án đường 15D từ Cửa khẩu Quốc tế La Lay đến Quốc lộ 1 để kéo nguồn hàng từ Salavan, Champasak (Lào), Ubon Thani và các tỉnh lân cận của Thái Lan về thì nhà đầu tư ắt sẽ chớp cơ hội đầu tư cho cảng Mỹ Thủy thay vì phải đi vào cảng Đà Nẵng. Và, khi đã có cảng, nhà đầu tư tất yếu sẽ đến với Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Tôi nghĩ những việc này không khó để làm. Điều quan trọng là chúng ta có quyết tâm làm hay không. Nếu có quyết tâm, không ngừng nghỉ khai thông EWEC thì cơ hội vẫn còn và ắt sẽ đến với chúng ta.

- Còn Khu KTTMĐB Lao Bảo, liệu có thể giải quyết tình trạng “nằm yên, lãng phí” không thưa ông?

- Hôm vừa rồi lên miền Tây Quảng Trị, tôi buồn khi thấy Khu KTTMĐB Lao Bảo đìu hiu, doanh nghiệp thì đang vật lộn với khó khăn, thử thách. Tôi nghĩ, nếu Lao Bảo vội “lên” cấp đô thị thì khó khăn sẽ tăng lên gấp đôi đối với doanh nghiệp. Họ sẽ không được hưởng những chính sách của vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Vì thế, trước mắt, chúng ta phải giữ “lợi thế” ấy và lấy những ưu đãi trong chính sách hiện có để kêu gọi đầu tư trong nước cũng như ngoài nước. Về lâu dài, theo tôi, cần xúc tiến xây dựng lại chính sách trên tinh thần thỏa thuận của Bộ Chính trị hai nước Việt - Lào ký ngày 1/7/1997 tại Hà Nội về xây dựng “Khu Thương mại tự do Lao Bảo-Densavanh”.

- Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hơn 2 ngàn tỷ đồng đầu tư dự án Đường ven biển kết nối EWEC

Lê Minh |

Ngày 29/6/2021, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp trực tuyến với đơn vị tư vấn TEDI để nghe báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) giai đoạn I và ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương. 

Hạ tầng giao thông nối vùng biển với Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC)

Nguyên Lý |

Quảng Trị đang tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện những công trình trọng điểm là tuyến đường ven biển và kết nối với Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Quảng Trị: Gần 3.000 tỷ đồng xây dựng đường ven biển kết nối EWEC

Hà Trang |

Ngày 2/12/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị làm việc với Sở Giao thông vận tải về Dự án đường ven biển kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) tỉnh Quảng Trị. Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng; Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng và các phó chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

Hội chợ EWEC Đà Nẵng thu hút 350 gian hàng trong và ngoài nước

Quốc Dũng |

Hội chợ góp phần thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch và đầu tư giữa các địa phương thuộc các nước nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, khu vực ASEAN và quốc tế.