Sau hơn 3 tháng triển khai, Ban tổ chức cuộc thi viết “Người có công tiêu biểu và công tác đền ơn đáp nghĩa” (do Báo Quảng Trị - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Trị tổ chức) đã nhận được hơn 50 bài dự thi của các tác giả, nhóm tác giả ở trong và ngoài tỉnh. Các tác phẩm báo chí tham gia dự thi chất lượng khá đồng đều, một số tác phẩm báo chí có chất lượng cao được tuyển chọn để đăng trên các ấn phẩm: Báo Quảng Trị ra hằng ngày, báo cuối tuần, cuối tháng và báo điện tử.
Qua các tuyến bài dự thi, cho thấy điều đáng mừng là đã thu hút được rất nhiều người làm báo chuyên và không chuyên trong việc tuyên truyền có hiệu quả về những người có công tiêu biểu cũng như công tác đền ơn đáp nghĩa.
Ở đề tài người có công tiêu biểu, các tác phẩm báo chí của các tác giả tham gia dự thi đã làm nổi bật những nhân vật điển hình. Đó là những tấm gương người có công nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn có nhiều đóng góp cho xã hội; Qua những tấm gương bình dị giữa đời thường, đã làm nổi bật lên hình ảnh những thương binh tàn nhưng không phế, là những người có công với cách mạng trong chiến tranh nay vẫn tiếp tục cống hiến sức lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, như câu chuyện cựu chiến binh Hồ Với, ở thôn Cu Tài, xã A Bung, huyện Đakrông trong tác phẩm “Bóng cả giữa đại ngàn” của Nguyễn Thanh Hải.
Từ sau ngày trở về quê hương, cựu chiến binh Hồ Với đã lao động không ngừng nghỉ, trồng được hơn 2 ha cây gỗ huê, gỗ trắc, gỗ lim có trị giá hàng trăm triệu đồng; không chỉ làm giàu cho gia đình ông mà còn mở ra hướng đi giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số sống ở miền núi có thể vươn lên làm giàu từ rừng cây gỗ quý. Hơn thế, thực hiện lời hứa với đồng đội, tính đến nay Hồ Với đã tìm kiếm và quy tập về nghĩa trang 167 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 37 liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào.Bạn đọc cũng được biết câu chuyện cảm động được kể trong tác phẩm “Người sống hết mình vì nghĩa tình đồng đội” của Trần Tú Linh viết về ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Khi còn đương chức cũng như khi về nghỉ hưu, ông luôn tâm huyết với công tác đền ơn đáp nghĩa, nổi bật là vận động quyên góp xây dựng lăng bia cho liệt sĩ, góp phần chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sĩ; chia sẻ khó khăn đối với các gia đình có công cách mạng ở Quảng Trị và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đó là tấm lòng của một nhà báo người Hà Nội trong tác phẩm: “Nhà báo Tạ Việt Anh, người bắc nhịp tri ân” của Lại Bá Hà. Bài báo cho biết, dù đã gần 70 tuổi, nhưng chưa năm nào nhà báo Tạ Việt Anh lại không về Quảng Trị để tham gia các hoạt động “Nghĩa tình tháng Bảy”, một chương trình mà ông là người khởi xướng cách đây hơn chục năm. Trở lại với Quảng Trị, vùng đất chiến trường xưa mà ông luôn xem như là quê hương thứ hai, nỗi niềm về ký ức chiến tranh, về đồng đội, về tình cảm ấm áp của người dân Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh cứ thôi thúc ông phải làm một điều gì đó. Rồi ông cùng đồng nghiệp các báo ở Hà Nội đóng góp vào việc xây nhà tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách còn khó khăn… đều đặn hơn 10 năm nay.
Ở một góc nhìn khác, nhiều tác phẩm báo chí viết về công tác đền ơn đáp nghĩa được xã hội quan tâm, chăm lo, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Tác phẩm “Đi tìm đồng đội - Hành trình tri ân” của nhóm tác giả Phan Hoài Hương - Lâm Thanh là tác phẩm đề cập sâu về công tác quy tập mộ liệt sĩ. Hành trình đi tìm đồng đội của cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ 584 thuộc Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị là những tháng ngày dãi dầu mưa nắng, là những bước chân băng rừng, vượt suối. Bên cạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng tâm nguyện của các gia đình liệt sĩ, với cán bộ, chiến sĩ Đội 584, hành trình này còn giúp các anh thực hiện lời hứa từ chính trái tim mình, đó là đưa bằng được đồng đội đã hy sinh về với gia đình, người thân và Tổ quốc thân yêu.
Trong gần 40 năm qua, Đội quy tập 584 đã tìm kiếm được 9.253 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 5.498 hài cốt tại Lào; 3.755 hài cốt ở Quảng Trị. Hàng chục năm nay, những người dân trong nước cũng như ở chiến trường Lào đã phối hợp với Đội 584 trong việc cung cấp thông tin, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Sống trên vùng đất nơi một thời chiến tranh bom cày đạn xới, mỗi tấc đất, ngọn núi, dòng sông đều thấm đẫm máu đào của bao anh hùng liệt sĩ, hơn ai hết các tầng lớp nhân dân Quảng Trị thấm thía ý nghĩa cái giá của độc lập, tự do, của cuộc sống hòa bình. Bởi vậy mà không chỉ những người kinh qua các cuộc kháng chiến của dân tộc, các thế hệ trẻ tiếp nối trên quê hương đều có những hoạt động tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, thân nhân các gia đình chính sách.
Trong tác phẩm “Chàng trai “mắc nợ” các Mẹ Việt Nam anh hùng” của Nguyễn Đặng Hạnh Phúc phản ánh sinh động tấm gương anh Nguyễn Trịnh Điển, Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Triệu Phong 14 năm gắn mình với màu áo xanh tình nguyện, được biết tới là người đã sáng tạo ra rất nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công với cách mạng. Ấn tượng nhất là chương trình “Bữa cơm gia đình, ấm tình lòng mẹ” có sức lan tỏa, từ năm 2019 đến nay, vào dịp 27/7 và tết Nguyên đán, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lại tìm về nhà của các Mẹ Việt Nam anh hùng để lo cơm nước. Chương trình nhận được nhiều lời ngợi khen từ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và được tuổi trẻ nhiều tỉnh, thành trong cả nước làm theo.
Trong tác phẩm “Tấm lòng của người mẹ Hải Lăng” của tác giả Võ Văn Hạ thể hiện tấm lòng của một người dân đối với các anh hùng liệt sĩ. Đó là mẹ Nguyễn Thị Cày ở thôn Tân Trưng, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng trong chiến tranh phát hiện một thi thể bộ đội hy sinh đã tìm cách mai táng ở rừng. Thương nhớ anh bộ đội hy sinh vì đất nước đang nằm lại giữa núi rừng, không được hương khói, mẹ bàn với chồng con lựa thời cơ thuận lợi đưa hài cốt anh bộ đội về gần nơi sinh sống để tiện chăm sóc, hương khói. Cho đến ngày gia đình thân nhân liệt sĩ tìm đến, làm giám định ADN và nhận ra được người thân đã hy sinh. Đây là việc làm giúp gia đình liệt sĩ giải tỏa bao thời gian, công sức đi tìm hài cốt liệt sĩ.
Còn rất nhiều tấm gương tiêu biểu về người có công cũng như bao nghĩa cử của các tập thể, cá nhân đối với công tác đền ơn đáp nghĩa mà khó có thể điểm hết trong một bài báo, chỉ biết rằng từ những trang báo của những người làm báo chuyên và không chuyên tham gia cuộc thi đã lấp lánh những tấm gương điển hình, những việc làm ân nghĩa mà bạn đọc khi soi vào đó luôn thôi thúc mỗi chúng ta phải làm một việc gì đó để tri ân những người nằm xuống cho hôm nay chúng ta được sống hạnh phúc trong hòa bình, độc lập, tự do.
Nhìn chung, mỗi tác phẩm báo chí viết về người có công tiêu biểu và công tác đền ơn đáp nghĩa được chuyển tải trên các ấn phẩm của báo Quảng Trị là một sự lao động sáng tạo báo chí nghiêm túc, thể hiện sự quan sát, tìm tòi cái hay, cái đẹp của người làm báo với thành tâm góp thêm những bông hoa tươi thắm cho miền đất Quảng Trị, nơi một thời mà biết bao anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương đã chiến đấu, hy sinh để giải phóng quê hương, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cũng cần thấy rằng, trong khuôn khổ hơn 3 tháng triển khai, kết quả mà cuộc thi viết về “Người có công tiêu biểu, công tác đền ơn đáp nghĩa” mang lại đã đáp ứng được yêu cầu đề ra. Ban giám khảo cuộc thi đã làm việc nghiêm túc, khách quan, chọn được 13 tác phẩm báo chí của 13 tác giả, nhóm tác giả để Ban tổ chức cuộc thi quyết định trao giải, trong đó có 1 giải A, 3 giải B, 4 giải C, 5 giải Khuyến khích. Đây có thể nói chỉ là kết quả bước đầu, vì chủ đề này vẫn tiếp tục tuyên truyền dài lâu trên Báo Đảng của tỉnh nhà.
Nếu như không kể đến một vài hạn chế, như thời gian phát động cuộc thi ngắn; chưa có nhiều thời gian cho các cây bút tìm kiếm nhân vật điển hình, câu chuyện có sức lay động lòng người; một số tác phẩm dự thi chỉ mới dừng lại ở mức độ tuyên truyền thông thường, chưa chạm được đến trái tim người đọc… thì cuộc thi lần này được xem như là một chiến dịch truyền thông rộng rãi để thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ; góp phần nâng cao chất lượng thông tin trên báo Quảng Trị về đề tài Thương binh - Liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)