Mỗi người một hoàn cảnh, cá tính nhưng Nguyễn Thùy Trang và Nguyễn Thị Thùy Trang, cùng sinh năm 1988, cùng ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) lại gặp nhau tại nhiều điểm giao thú vị của cuộc đời. Ở giảng đường Trường Đại học Sư phạm Huế, mọi người phân biệt hai nữ tiến sĩ trẻ, tài sắc vẹn toàn này bằng tên gọi: Trang Văn và Trang Hóa.
Hai cuộc đời, một ý chí
Cuối năm 2021, Nguyễn Thị Thùy Trang (thường gọi là Trang Hóa) được vinh danh là giảng viên trẻ tiêu biểu của Đại học Huế với những gạch đầu dòng ấn tượng: Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước 35 tuổi; công bố 6 bài báo trên các hội thảo, tạp chí chuyên ngành quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học; biên soạn 3 cuốn sách, 1 giáo trình… Để có kết quả ấy và rất nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ khác, Trang Hóa đã phải trải qua một chặng đường dài đầy chông gai. Ngay những bước đi đầu đời, cô đã phải vất vả vừa làm chị, vừa làm mẹ.
Trước khi ước mơ trở thành một “kỹ sư tâm hồn”, Trang Hóa từng mong muốn trở thành bác sĩ. Ước mơ ấy bắt nguồn từ tình thương dành cho người cha khuyết tật. Năm Trang Hóa lên lớp 9, mẹ cô qua đời trong tiếng kêu cứu tuyệt vọng của đàn con thơ. Từ hôm ấy, Trang Hóa trở thành “mẹ” của bốn đứa em nheo nhóc. Đến giờ, thỉnh thoảng trong tâm trí cô vẫn dội lại tiếng khóc ngằn ngặt của cậu em út mới 9 tháng tuổi vì thiếu sữa và hơi ấm của mẹ.
Sau khi mẹ mất, từ phụ việc, Trang Hóa trở thành thợ may chính. Vào mỗi mùa tựu trường, ngồi may đồng phục học sinh, cô khóc thầm bởi biết mình và các em khó có nổi bộ áo quần mới. Phút chạnh lòng ấy chẳng thấm thía vào đâu so với nỗi buồn của một nữ sinh yêu trang sách nhưng không có thời gian để học. Trong tháng ngày khắc khoải nhìn kết quả học tập xuống dốc, các giáo viên tâm huyết ở Trường THCS Khe Sanh và THPT Hướng Hóa đã xuất hiện như những thiên sứ của cuộc đời cô. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của thầy cô mà nữ sinh hiếu học này đã vượt khó vươn lên, nhen nhóm ước mơ trở thành “kỹ sư tâm hồn”.
Năm lớp 9, Trang Hóa bất ngờ nhận thông báo tham dự kỳ thi học sinh giỏi nghề. Thấy đúng tên, đúng lớp, mà bản thân cũng là… thợ may nên cô sắp xếp đi thi. Đến sát giờ, Trang Hóa mới biết hội đồng thi có sự nhầm lẫn. Người góp mặt trong kỳ thi nghề năm ấy là Nguyễn Thùy Trang (sau này mọi người thường gọi là Trang Văn). So với Trang Hóa, tuổi thơ của Trang Văn yên ả hơn. Từ nhỏ, cô đã mong muốn tiếp bước mẹ, trở thành giáo viên dạy văn. Ước mơ ấy được chắp thêm đôi cánh bởi những cuốn sách văn học mà mẹ Trang Văn thường mượn về từ thư viện trường. Ngày ngày đọc sách, cô nữ sinh vùng cao này như bước vào một thế giới mới, tươi đẹp và diệu kỳ.
Tốt nghiệp THCS, sợ ba mẹ không muốn cho cô con gái đi học xa nên Trang Văn liều đi nhờ ô tô người quen về Đông Hà, rồi mượn chiếc xe cũ của ông ngoại đạp đến Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn để làm hồ sơ dự tuyển. Ngoài khoản tiền nhỏ tích cóp được sau những buổi hái cà phê, hành trang cô mang theo là quyết tâm rời xa vòng tay yêu thương của ba mẹ để trưởng thành hơn. Trên cả mong đợi, Trang Văn đỗ vào lớp chuyên văn với điểm số cao và được ba mẹ cho về xuôi học tập. Xa gia đình và gặp không ít thử thách ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng cô chưa bao giờ hối tiếc với quyết định của mình. Tại ngôi trường mơ ước này, Trang Văn xuất sắc đoạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Cùng kết quả học tập ấn tượng, thành tích này đã giúp cô được tuyển thẳng vào đại học.
Hạnh ngộ ở giảng đường
Tháng 7/2010, Trang Văn đến trường làm lễ kết nạp đảng viên. Bất chợt, cô nhìn thấy thông báo tuyển dụng của lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Huế. Thấy chỉ còn ít ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ, Trang Văn tức tốc chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để đăng ký thi tuyển. Lúc đến nộp hồ sơ, Trang Văn và Trang Hóa bất ngờ gặp nhau, rồi cùng cười reo vì sự trùng hợp ngẫu nhiên này.
4 năm trước thời điểm ấy, việc đến với giảng đường Trường Đại học Sư phạm Huế của Trang Văn là sự lựa chọn hàng đầu của cô. Với thành tích học tập xuất sắc ở bậc THPT, cánh cửa nhiều ngôi trường đại học mở ra đối với cô. Chính ước mơ thời thơ bé đã thôi thúc Trang Văn lựa chọn Trường Đại học Sư phạm Huế. Tự chọn hướng đi đúng với đam mê và ước mơ nên Trang Văn không quá khó khăn để luôn đứng ở tốp đầu về thành tích học tập. Dẫu vậy, chưa bao giờ cô cho phép bản thân ngừng nỗ lực. Từ sâu thẳm, Trang Văn hiểu, sự học như con thuyền ngược nước, nếu không tiến ắt sẽ lùi. Vì thế, cô tìm niềm vui trong trang sách và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào. Từ đây, hình ảnh cô gái Quảng Trị tài sắc vẹn toàn để lại dấu ấn đẹp trong lòng rất nhiều người.
Khác với Trang Văn, Trang Hóa khá chật vật trong những ngày đầu ở giảng đường Trường Đại học Sư phạm Huế. Lo sợ sau khi tốt nghiệp sẽ không xin được việc làm để lo cho ba và các em, cô đặt mục tiêu đứng đầu lớp. Để làm được điều đó, Trang Hóa phải nhiều lần thay đổi “chiến lược” học tập. Chỉ một năm sau đó, cô gây ngạc nhiên khi vượt qua vòng tuyển chọn, trở thành 1 trong 5 đại diện của khoa tham gia hội thi Olympic hóa học sinh viên toàn quốc. Bất ngờ hơn, Trang Hóa đoạt giải Ba. Sau dấu mốc ấy, những niềm vui lớn khác trong học tập, thi cử liên tục đến với cô. Trang Hóa thường xuyên dẫn đầu lớp về kết quả học tập và nhận được học bổng.
Trong tháng ngày trên ghế giảng đường, Trang Văn và Trang Hóa có nhiều cơ hội gặp gỡ, chuyện trò với nhau. Không biết từ bao giờ, hai cô gái cùng đến từ huyện miền núi Hướng Hóa trở thành những người bạn tâm giao. Những hôm rảnh rỗi, cả hai tản bộ dọc bờ sông Hương, hàn huyên đủ chuyện. Đối với Trang Văn, Trang Hóa là một tấm gương đầy nghị lực, luôn lạc quan, mạnh mẽ. Vì thế, mỗi lần gặp vướng mắc trong cuộc sống, Trang Văn lại nghĩ ngay đến Trang Hóa. Về phần mình, trong mắt Trang Hóa, Trang Văn là một cô gái đẹp người, đẹp nết, lại rất giỏi giang. “Bạn ấy đến đâu cũng khiến mọi người trầm trồ, ngước nhìn và khen ngợi. Ngay cả mình còn mê vẻ đẹp của bạn ấy”, Trang Hóa chia sẻ.
Nỗ lực ươm mầm
Ở giảng đường Trường Đại học Sư phạm Huế, nhiều đồng nghiệp và sinh viên nhắc đến Trang Văn, Trang Hóa với những lời kính trọng, yêu thương. Tuy còn trẻ về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng Trang Văn và Trang Hóa đã gặt hái những thành quả mà không phải ai cũng có được. Đặc biệt, cả hai đều là những tiến sĩ trẻ, có uy tín ở trường.
Mọi người thường bảo, cuộc đời ưu ái cho Trang Văn bởi từ lúc bước vào tuổi 30, cô đã có gần như mọi thứ mà ai cũng mơ ước. Ít người biết, đằng sau những thành công trong công việc và cuộc sống là rất nhiều nỗ lực của cô. Riêng để có tấm bằng tiến sĩ, Trang Văn đã trải qua bốn năm đầy thử thách. Sau khi bước vào hành trình chinh phục, cô phát hiện mình mang thai người con thứ hai. Gần sát ngày sinh, Trang Văn vẫn phải cố gắng vượt qua những mỏi mệt cuối thai kỳ để hoàn thành việc thi cử và có tấm bằng cử nhân chuyên ngành Ngôn ngữ Anh. Những ngày sau sinh, cô vừa phải viết luận án tiến sĩ, vừa làm “mẹ bỉm sữa” của hai con nhỏ. “Thời điểm ấy, mình hầu như không có khái niệm nghỉ ngơi. Mình thường phải làm việc từ 23 giờ đến rạng sáng hôm sau bởi đó là lúc hai con đã chìm vào giấc ngủ. Đôi lúc, mình thấy stress kinh khủng nhưng rồi khó khăn cũng lùi về phía sau”, Trang Văn nở nụ cười hiền lành chia sẻ.
Cũng như Trang Văn, ngày cầm tấm bằng tiến sĩ ở tuổi 33, Trang Hóa mang rất nhiều cảm xúc. Sau khi lo tròn nhiệm vụ làm chị, làm mẹ, làm vợ, tháng 12/2017, Trang Hóa mới bắt tay vào nghiên cứu sinh. Bấy giờ, cô thuộc khóa học viên đầu tiên thực hiện quy chế đào tạo tiến sĩ mới với yêu cầu đầu vào phải có IELTS và đầu ra phải có bài báo quốc tế. Trong khi nhiều người chùn lòng với thử thách này, Trang Hóa lại không chút do dự khăn gói ra Hà Nội học tập. Đến giờ, cô vẫn thầm cảm ơn sự quyết đoán của mình trong thời điểm ấy. Bởi, trong bốn năm đầy thử thách này, Trang Hóa đã “chín” hơn rất nhiều. Cô tâm sự: “Mình thường nói với sinh viên, thách thức chính là cơ hội. Và quả thật, mình đã trưởng thành hơn rất nhiều sau những khó khăn, thử thách”.
Là những tiến sĩ trẻ trong ngành giáo dục nên cả Trang Văn lẫn Trang Hóa đều xác định rõ vai trò, vị trí và nhiệm vụ của mình. Ngoài giảng dạy, nghiên cứu, cả hai còn thường xuyên đến nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh để tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giáo viên khác. Đặc biệt, từ câu chuyện đời mình, Trang Văn và Trang Hóa đều nỗ lực truyền cảm hứng, nâng bước sinh viên, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn. Dẫu rất bận rộn nhưng cả hai vẫn luôn thu xếp thời gian, công việc, gia đình để đồng hành với sinh viên trong những hoạt động, phong trào của trường, lớp, cộng đồng…
Trong cuộc chuyện trò, Trang Văn và Trang Hóa bật mí, ngay gia đình nhỏ của hai cô cũng có nhiều điểm tương đồng thú vị, như chồng của hai nữ tiến sĩ trẻ đều cùng tên và cả hai người con có cùng năm sinh. Vì nhiều điểm tương đồng nên không ít lần Trang Văn và Trang Hóa được “đặt lên bàn cân” và bao giờ cũng thế, kết quả luôn là: “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)