Tuyển chọn hơn 7.300 giảng viên để đào tạo trình độ tiến sĩ

Thanh Mai |

Từ nay đến năm 2030, sẽ có khoảng 7.300 giảng viên được cấp học bổng đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài.

Theo Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) giai đoạn 2019-2030 (gọi tắt là Đề án 89) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2030, khoảng 10% giảng viên ĐH được đào tạo trình độ tiến sĩ. Trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường ĐH Việt Nam với các trường ĐH nước ngoài.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngoài ra có khoảng 80% giảng viên các trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao đạt trình độ thạc sĩ trở lên. Các giảng viên này được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và trong nước đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới, cơ cấu hợp lý.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu thu hút được ít nhất 1.500 nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc trong nước, ngoài các cơ sở giáo dục ĐH đến làm việc tại các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% cán bộ quản lý và giảng viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực, trong đó chú trọng các năng lực của giảng viên về phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Đối tượng của đề án là những người đã trúng tuyển hoặc đang theo học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước, nước ngoài hoặc liên kết trong nước và nước ngoài (nhưng không thuộc đối tượng của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH và cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020), cam kết trở thành giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam. Đối với mục tiêu thu hút được ít nhất 1.500 nhà khoa học, đối tượng được hướng đến là các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong nước, đủ tiêu chuẩn giảng viên và cam kết đến làm việc tại các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết cả nước có trên 73.000 giảng viên ĐH, trong đó số giảng viên đạt trình độ tiến sĩ là 28,8%.

Trong 10 năm tới, cần đào tạo khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao có trình độ thạc sĩ. Để thực hiện nhiệm vụ này, các trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cả quy trình tuyển chọn, gửi giảng viên đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo giảng viên cho tới việc sử dụng giảng viên sau đào tạo và bồi hoàn kinh phí đào tạo.

GS-TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm làm rõ quy trình đăng ký ngay trong năm nay, cần áp dụng một quy trình tuyển chọn để bảo đảm công bằng.

Bà Hoa cũng nhấn mạnh Bộ GD-ĐT cần có lưu ý về yếu tố ngành nghề, vùng miền... để bảo đảm lựa chọn phù hợp. Bộ cần làm rõ chỉ tiêu cho từng năm đối với từng trường chứ không theo cả giai đoạn, hình thức quản lý vấn đề bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo với tính ràng buộc, cam kết cao hơn đối với học viên, tránh khó khăn cho các trường về sau.

Theo PGS-TS Nguyễn Đắc Trung, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện các trường vẫn giao nhiệm vụ giảng dạy cho người được cử đi học và áp dụng theo định mức 600 giờ/năm. 

Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn đến các cơ sở giáo dục ĐH để sớm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các trường cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết và báo cáo Bộ GD-ĐT để trên cơ sở đó xây dựng phương án tốt nhất để triển khai.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Mong muốn hỗ trợ, đào tạo cho người dân địa phương cùng chung tay xây dựng một “cộng đồng du lịch”

Quang Hiệp |

Đến giờ, cái tên “Năm mùa Bungalows” được rất nhiều người biết đến. Đằng sau địa điểm du lịch hút khách này là câu chuyện thú vị của một người đàn ông nặng lòng với Quảng Trị. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với anh TRẦN HỮU HOÀNG THÔNG, người sáng lập, điều hành “Năm mùa Bungalows”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh thăm, khảo sát điều kiện cơ sở vật chất tại huyện Hướng Hóa

Nhơn Bốn |

Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn vừa đến thăm, khảo sát điều kiện cơ sở vật chất và tặng quà cho học sinh, giáo viên của 10 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tham gia cùng với đoàn công tác có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam. 

Kiểm tra việc thực hiện chủ đề năm học 2020 - 2021.

Văn Minh |

Ngày 9 tháng 3 năm 2021, tại Trường Tiểu học Tân Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) Đoàn Công tác khảo sát thực tế việc thực hiện Chủ đề năm học 2020- 2021 theo Quyết định số 31/QĐ-SGDĐT ngày 08 tháng 01 năm 2021 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra.

Cần chú trọng đào tạo nghề cho ngư dân

Lê An |

Nghề biển từ trước đến nay vẫn được xem là nghề “cha truyền con nối”. Thế nhưng, khi ngư trường ngày càng rộng mở, tàu thuyền được đầu tư hiện đại và điều kiện khai thác trên biển nhiều bất trắc thì nếu ngư dân chỉ có kinh nghiệm sẽ không thể tự tin trong mỗi chuyến vươn khơi.