Cần chú trọng đào tạo nghề cho ngư dân

Lê An |

Nghề biển từ trước đến nay vẫn được xem là nghề “cha truyền con nối”. Thế nhưng, khi ngư trường ngày càng rộng mở, tàu thuyền được đầu tư hiện đại và điều kiện khai thác trên biển nhiều bất trắc thì nếu ngư dân chỉ có kinh nghiệm sẽ không thể tự tin trong mỗi chuyến vươn khơi.

Nói cách khác, đã đến lúc ngư dân, người lao động buộc phải được đào tạo nghề, được cấp chứng chỉ để không còn phải lúng túng khi tiếp cận công nghệ, trang thiết bị đánh bắt hiện đại.

Trong những năm qua, với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Nghị định 67, Quyết định 48, Nghị định 17… nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đã đóng mới, cải hoán, nâng cấp đội tàu công suất lớn để vươn khơi, đánh bắt đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, để ngư dân có thể làm chủ các con tàu công suất lớn, các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại thì một vấn đề khá cấp bách được đặt ra là cần có giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ cho ngư dân.
 
 Hầu hết ngư dân làm việc trên tàu cá chưa được đào tạo nghề - Ảnh: L.A​

Trao đổi với chúng tôi khi vừa trở về sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, ngư dân Hồ Văn Hoàn, thuyền trưởng tàu cá QT 90129TS cho biết, mặc dù đã có kinh nghiệm nhiều năm làm thuyền trưởng nhưng khi tiếp nhận tàu cá vỏ thép công suất lớn với nhiều thiết bị hiện đại, ông vẫn không khỏi bỡ ngỡ. Phải mất nhiều tháng tự tìm hiểu, mày mò theo sổ hướng dẫn sử dụng tàu, ông mới cơ bản thành thạo việc vận hành con tàu vỏ thép dài hơn 24 m, công suất gần 1.000 CV và các trang thiết bị hiện đại trên tàu. Theo ông Hoàn, so với tàu vỏ gỗ trước đây thì tàu vỏ thép có kích thước lớn hơn, máy móc trên tàu cũng hiện đại hơn như máy dò đứng, máy dò ngang, ra đa hàng hải… nên nếu không nắm rõ cách thức hoạt động thì sẽ không phát huy hết công năng, hiệu quả của các thiết bị đó.

Còn ngư dân Bùi Đình Thủy, chủ tàu cá QT 90709TS thì băn khoăn việc xử lý những sự cố máy móc, tàu thuyền khi đang hoạt động trên biển. Theo ông Thủy, mặc dù đã được đào tạo và cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng song ông chỉ có thể khắc phục được những hư hỏng nhỏ về máy chính, máy điện trên tàu. Nhưng nếu rủi ro gặp trường hợp máy móc bị hư hỏng nặng, phức tạp thì ngư dân như ông đành “bó tay”. Bên cạnh đó, việc sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ cho việc khai thác thủy sản trên biển như máy giám sát hành trình tàu cá, máy thông tin liên lạc tầm xa (ICOM), máy dò cá… đều do phía đơn vị cung cấp hướng dẫn trong thời gian ngắn. “Các lớp đào tạo chủ yếu là trang bị cho ngư dân những kiến thức cơ bản về kỹ năng lái tàu, tìm hiểu ngư trường khai thác; các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác trên biển; cách điều khiển tàu chạy tránh bão; cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố… Do vậy, để sử dụng thành thạo, tôi phải tự mày mò, đọc thêm tài liệu hướng dẫn và học hỏi từ những ngư dân khác”, ông Thủy cho hay.

Cùng với nỗi lo về kỹ thuật, hầu hết thuyền viên trên tàu cá đều làm việc theo kiểu người này hướng dẫn cho người kia, chưa được đào tạo nghiệp vụ thuyền viên. Ngư dân Nguyễn Thanh Thủy, chủ tàu cá QT 91036TS cho biết, lâu nay ông chỉ tuyển bạn thuyền để đi biển. Lên tàu thì người đi trước hướng dẫn cho người đi sau; làm nhiều rồi thành thạo công việc chứ hoàn toàn không để ý đến việc bạn thuyền phải được học nghề khai thác trên biển. “Nghề biển chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm nhưng hiện nay tàu cá có nhiều thiết bị hiện đại, không còn dùng hoàn toàn bằng sức người như trước nữa nên tôi nghĩ nếu được đào tạo bài bản thì hiệu quả sẽ cao hơn, không phải mất thời gian để học việc”, ông Thủy thừa nhận.

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam khẳng định, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc đóng mới, nâng cấp tàu cá; ứng dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại… thì công tác đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên để nâng cao năng lực khai thác thủy sản cho ngư dân là một việc làm hết sức cần thiết và phải được tiến hành thường xuyên. Theo đó hằng năm, Chi cục Thủy sản đều phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, Trường Đại học Nha Trang tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng nhằm đáp ứng yêu cầu về kỹ năng vận hành tàu cá có công suất lớn của ngư dân.

Thông qua các khóa học đã giúp ngư dân nâng cao kỹ năng, kỹ thuật khai thác; cách thức vận hành tàu cá; từng bước làm chủ các trang thiết bị hiện đại trên tàu như máy giám sát hành trình, máy dò cá, máy thu lưới…; tiết kiệm chi phí tiêu hao nhiên liệu; kỹ năng xử lý các tình huống trong quá trình khai thác, vận hành; bảo quản sản phẩm... Nhờ vậy, đến nay hầu hết các tàu cá xa bờ trên địa bàn tỉnh đều đáp ứng được quy định phải có thuyền trưởng, máy trưởng đã qua đào tạo. Điều này không chỉ giúp các tàu cá có đầy đủ các yếu tố pháp lý khi ra khơi, mà còn giúp nắm vững kiến thức, thao tác nghề tốt hơn. Song ông Nam cũng thừa nhận, số lượng ngư dân được đào tạo nghề và quan tâm học nghề đến nay vẫn còn ít. Chất lượng đào tạo chưa sát với thực tế nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong khai thác đánh bắt hiện đại.

Mặt khác, việc đào tạo nghề cho ngư dân hiện nay gặp khó khăn bởi phụ thuộc mùa vụ đi biển. Thường việc mở lớp đào tạo nghề cho ngư dân phải đợi đến thời điểm có trăng hoặc mùa biển động, tàu cá nghỉ thì mới tổ chức được. Các mùa khác do ngư dân bận đi biển nên dù có mở lớp cũng không có học viên theo học. Do vậy, ngoài đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng thì việc đào tạo nghề cho ngư dân hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.250 tàu thuyền các loại với hơn 7.000 lao động trực tiếp tham gia khai thác thủy sản trên biển. Trong đó có 354 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. Theo quy định, đối với khối tàu này khi xuất bến ra khơi phải có đầy đủ các chứng chỉ thuyển trưởng, máy trưởng, thuyền viên. Do vậy, công tác hướng dẫn, đào tạo kỹ năng vận hành tàu cá công suất lớn; làm chủ được các trang thiết bị hiện đại và tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong đánh bắt thủy sản là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách. Việc này không chỉ giúp cho ngư dân vận hành tàu cá an toàn trong mỗi chuyến đi biển mà còn giúp việc khai thác thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao.

Để làm được điều này, trong thời gian tới, cần nâng cao chất lượng đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, chú trọng công tác đào tạo thuyền viên. Việc đào tạo phải có bài bản, gắn với thực hành và cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ để ngư dân có thể ứng dụng ngay vào sản xuất. Đặc biệt là việc sử dụng các loại máy dò cá, các công nghệ bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác… Đồng thời, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng và các địa phương ven biển về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956; cũng như tích cực tuyên truyền về những lợi ích khi học nghề trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế biển, giúp ngư dân vững tin hơn khi vươn khơi đánh bắt.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khai trương mùa du lịch biển, đảo Quảng Trị vào dịp 30/4 – 1/5

Hải Nam |

Lễ hội "Thống nhất non sông" và khai trương mùa du lịch biển, đảo năm 2021 sẽ được tỉnh Quảng Trị tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.

Làm sạch bãi tắm Nhật Tân trước mùa du lịch biển

Nguyễn Vinh |

Bãi tắm Nhật Tân, xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) có diện tích 5 ha được Nhà nước đầu tư hạ tầng cơ sở như đường giao thông, điện chiếu sáng, mặt bằng với số vốn giai đoạn 1 là 20 tỉ đồng.

Cảnh sát biển vùng I bắt giữ tàu chở 20 ngàn lít dầu không rõ nguồn gốc

Mai Chi |

Cảnh sát biển vùng I đã bắt giữ 20.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc trên vùng biển Hải Phòng.

Khởi sắc ở vùng biển Triệu Lăng

Nguyễn Vinh |

Triệu Lăng là xã vùng biển bãi ngang của huyện Triệu Phong (Quảng Trị), có bờ biển dài gần 7,5 km với diện tích đất tự nhiên 1.206,46 ha. Toàn xã có hơn 1.370 hộ, trong đó lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 75%. Đây cũng là địa phương trong số 17 xã của ba huyện: Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.