Lan tỏa thông điệp “cho đi là còn mãi”

Tây Long |

Những năm gần đây, hành động tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng cứu người gắn với thông điệp “cho đi là còn mãi” đã và đang lan tỏa trong cộng đồng. Đằng sau hành động đẹp này là tấm lòng thiện nguyện, sự nỗ lực vượt qua những rào cản quan niệm và tinh thần sẻ chia đáng trân trọng.

Hạnh phúc là “cho đi”

Cách đây 4 năm, anh Lê Minh Thành (SN 1979), hiện làm việc tại Công ty Điện lực Quảng Trị nhận được tấm thẻ từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia ghi nhận đã đăng ký hiến mô, tạng. Một lần, tham gia chương trình hiến máu tình nguyện do công ty tổ chức, anh Thành vô tình đọc bài viết về những người tình nguyện hiến mô, tạng.

Một suy nghĩ nảy nở trong anh: “Tại sao mình không nối bước?”. Sau đó không lâu, anh Thành hay tin một người bạn mắc bệnh hiểm nghèo đã đăng ký hiến tạng cho y học. Thế là, suy nghĩ anh từng ấp ủ đã chuyển hóa thành hành động.

“Ngày nhận tấm thẻ xác nhận việc đăng ký hiến tặng mô, tạng, nhiều cảm xúc chen lấn trong tôi. Tuy nhiên, cái mạnh mẽ nhất vẫn là niềm vui. Tôi biết, sau này, khi nhắm mắt, xuôi tay, mình vẫn có thể giúp ích cho người khác”, anh Thành kể.

Cũng giống như anh Lê Minh Thành, cô Nguyễn Quỳnh Anh, giáo viên Trường Mầm non Hướng Dương, TP. Đông Hà cũng suy nghĩ rất nhiều trước khi ký vào đơn đăng ký hiến mô, tạng. Chính tâm thiện đã giúp cô chiến thắng những nỗi lo sợ mơ hồ và sự phản đối của nhiều người xung quanh.

Quỳnh Anh kể, hôm biết tin cô tình nguyện hiến mô, tạng, một số người đã điện thoại hỏi thăm sức khỏe. Ai cũng cho rằng Quỳnh Anh mắc bệnh hiểm nghèo hoặc gặp biến cố gì đó mới đi đến quyết định này. Mãi về sau, khi thấy cô vẫn hằng ngày đến lớp, miệt mài đi làm thiện nguyện, rồi được vinh danh là “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”, suy nghĩ của mọi người mới thay đổi.

Anh Lê Minh Thành và cô giáo Nguyễn Quỳnh Anh đã tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng - Ảnh: T.L
Anh Lê Minh Thành và cô giáo Nguyễn Quỳnh Anh đã tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng - Ảnh: T.L
“Tham gia một số hoạt động thiện nguyện tại bệnh viện, tôi từng gặp các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi biết những món quà thông thường không thể cứu sống các em. Vì vậy, tôi muốn làm điều gì đó lớn lao hơn”, cô Quỳnh Anh trải lòng.

Câu chuyện của anh Thành, cô Quỳnh Anh có nhiều điểm tương đồng với những người tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng khác đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 22 người đăng ký hiến mô, tạng qua kênh của hội. Phần lớn những người này từng tham gia hiến máu tình nguyện. Sau khi được tuyên truyền, vận động, họ đã đi đến quyết định cao cả.

Ngoài ra, thông qua đăng ký online, nhiều người dân cũng đã đăng ký, nhận được thẻ hiến tặng mô, tạng từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. “Mặc dù số lượng những người đăng ký hiến mô, tạng trên địa bàn không lớn như các tỉnh, thành phố khác nhưng kết quả ban đầu này cho phép chúng ta tin tưởng vào những tín hiệu vui trong tương lai”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nguyễn Văn Chiến khẳng định.

Theo ghi nhận, phần lớn những người đăng ký hiến mô, tạng trên địa bàn đều có công việc ổn định và cuộc sống hạnh phúc. Họ là những nhân tố tích cực trong các hoạt động thiện nguyện, hiến máu nhân đạo... Trước khi quyết định đăng ký hiến mô, tạng, ai cũng trăn trở, suy nghĩ nhiều và cuối cùng hành động theo sự mách bảo của trái tim. Họ mong muốn làm một điều gì đó tốt đẹp cho đời và người khác.

Cần vượt qua rào cản

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục ghi dấu trên bản đồ y học thế giới về thành tựu trong việc ghép các bộ phận cơ thể người, đặc biệt là thận, tim, chi… Đây là những kỹ thuật khó mà không phải bác sĩ ở quốc gia nào cũng thực hiện được. Điều đáng trăn trở là sau khi rào cản tay nghề y khoa được gỡ bỏ, việc cứu người cần ghép tạng… ở nước ta vẫn gặp khó.

Nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguồn mô, tạng hiến. Theo số liệu thống kê, hiện nước ta có hơn 10 nghìn người bị suy gan, thận cần ghép tạng thay thế; hàng trăm ngàn người mắc bệnh lý giác mạc; hàng ngàn người bị suy tim... Hiện nay, nhiều bệnh nhân vẫn đang phải vật lộn để duy trì sự sống, từng ngày, từng phút chờ đợi cơ hội được ghép tạng.

Với tấm lòng nhân ái, sẻ chia, thời gian qua, một số người dân trong tỉnh đã quyết định hiến mô, tạng. Tuy nhiên, không phải ai cũng mạnh dạn và thuận lợi để đi đến quyết định ấy. Một số trường hợp tính đến chuyện hiến mô, tạng đã phải thụt lùi vì vấp phải sự phản đối, ngăn cấm từ người thân, gia đình. Ngay những người đã đăng ký hiến mô, tạng cũng đang mang nỗi lo lắng.

Anh Lê Minh Thành kể: “Tôi có tham gia một diễn đàn dành cho những người tình nguyện hiến mô, tạng, nhiều thành viên chia sẻ, họ đã vấp phải sự phản đối rất quyết liệt từ gia đình. Một số trường hợp lo ngại, người thân sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chuyên môn thực hiện tâm nguyện của mình lúc còn sống”.

Ngoài vấn đề quan niệm, tâm lý và một số điểm chưa hoàn thiện về chính sách, nguyên nhân khiến người dân quay lưng với việc đăng ký hiến mô, tạng là do hiệu quả của công tác tuyên truyền chưa cao. Hiện nay, hiến mô, tạng vẫn là khái niệm mới đối với không ít người dân. Vì thế, những quan niệm cũ, suy nghĩ lạc hậu trong họ tồn tại lâu dài thêm, khó dỡ bỏ.

Trong khi đó, vì thiếu thông tin nên một số trường hợp muốn đăng ký hiến mô, tạng nhưng không biết hỏi hồ sơ, thủ tục ở đâu. Hầu hết họ phải tìm kiếm thông tin trên mạng hoặc qua những người từng đăng ký hiến mô, tạng tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Cũng như hiến mô, tạng, nhiều năm về trước, việc hiến máu tình nguyện chưa được nhiều người dân trong tỉnh chấp thuận, ủng hộ. Thế nhưng, sau khi những quan niệm cũ, rào cản được dỡ bỏ, hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào phát triển trên địa bàn.

Hiện nay, Quảng Trị là một trong những điểm sáng trong cả nước với phong trào hiến máu tình nguyện. Đối chiếu thực tế ấy, có thể thấy rằng, việc hiến mô, tạng sau khi qua đời, trao tặng cho người khác món quà quý giá của sự sống đã bắt đầu “đâm chồi, nảy lộc” trong một bộ phận người dân Quảng Trị. Vì vậy, việc cần thiết là tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, lan tỏa tinh thần “Cho đi là còn mãi”.

Cùng với đó, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cũng cần biểu dương, khen thưởng những người tình nguyện hiến mô, tạng. Những sự quan tâm dù là nhỏ chắc chắn cũng sẽ mang lại ý nghĩa lớn lao, góp phần giúp sự sống được tái sinh từ cái chết, để có thêm nhiều đôi mắt sáng trở lại, thêm nhiều trái tim tiếp tục đập những nhịp yêu thương…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

350 đơn vị máu thu được trong Ngày hội hiến máu tình nguyện “Chủ nhật đỏ” lần thứ XV

Trúc Phương |

Sáng nay 25/2, tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh và Báo Tiền phong tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện “Chủ nhật đỏ” lần thứ XV năm 2023 với thông điệp “Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi”.

Vợ chồng cùng hiến máu cứu người

Bích Liên |

Với suy nghĩ “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, mỗi lần huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phát động hiến máu tình nguyện (HMTN), vợ chồng anh Võ Công Khánh, chị Đoàn Thị Thu, ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân lại tích cực cùng nhau tham gia.

Hướng Hóa: Tôn vinh 39 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện

Nguyễn Đình Phục |

Ngày 2/2, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tổ chức hội nghị tổng kết, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, gia đình và cá nhân có nhiều đóng góp trong phong trào hiến máu tình nguyện và địa chỉ nhân đạo năm 2022.

Bệnh viện Chợ Rẫy: Một bệnh nhân hiến tạng cứu được 6 người bệnh nặng

PV |

Tâm nguyện cuối cùng của bệnh nhân chết não là hiến tạng đã được gia đình và bệnh viện thực hiện, hồi sinh được 6 người bệnh nặng đang trong giai đoạn khó khăn nhất của tình trạng bệnh.