“Lối về” của Lê Quốc Phong

Quốc Nam |

Rời quê hương Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh) từ năm 7 tuổi, hành trình gầy dựng cơ nghiệp sau đó không cho phép ông Lê Quốc Phong, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền có nhiều thời gian về lại quê hương. Tuy nhiên, ông lại chọn cho mình cách “về quê” khác, đó là giúp quê, nghĩ cho quê, lo cho những thế hệ tương lai ở quê nhà. Người ta có thể ít nhìn thấy bước chân ông trên đất Quảng Trị, nhưng người Quảng Trị thì luôn ghi nhớ những việc ông làm cho quê hương mỗi ngày.


Đi để “về”

Thật khó để hình dung hành trình gần 60 năm mà ông Lê Quốc Phong vừa trải qua ở nơi đất khách quê người. Ngay chính ông cũng nói rằng đó là một hành trình đầy thăng trầm không thể lường hết. Duy chỉ có một điều ông có thể chắc chắn và chưa bao giờ đổi thay, đó là hình bóng quê hương ông giấu trong sâu thẳm lòng mình.

Ông rời quê theo cha vào Quảng Ngãi hoạt động cách mạng từ 1963 khi chiến tranh còn ác liệt và ông khi đó chỉ mới là một cậu nhóc. Lớn lên nơi đất khách cho đến khi biên giới Tây Nam bị giặc Pôn Pốt xâm lược, ông đã tự nguyện viết đơn xin vào chiến trường dù bản thân không thuộc diện phải nhập ngũ. Đó là những bước chân đầu tiên trong hành trình xa quê của ông.

Tỉnh Quảng Trị đã tặng bằng khen ghi nhận những đóng góp của ông Lê Quốc Phong (ở giữa) cùng những người trong CLB Nghĩa tình Quảng Trị - Ảnh: Q.NAM
Tỉnh Quảng Trị đã tặng bằng khen ghi nhận những đóng góp của ông Lê Quốc Phong (ở giữa) cùng những người trong CLB Nghĩa tình Quảng Trị - Ảnh: Q.NAM


Ông bắt đầu bén duyên với ngành phân bón từ 1983 tại Công ty Phân bón Miền Nam, là tiền thân của Công ty Phân bón Bình Điền sau này. Bước ngoặt đến từ những năm cuối thập niên này khi thành phố có chủ trương thu hồi lại những đơn vị làm ăn không hiệu quả. Công ty Bình Điền nơi ông đang phụ trách phòng tổ chức thời điểm đó rơi vào danh sách này, nhưng ông mạnh dạn đề nghị lên thành phố cho mình được thử sức trong 2 năm với cương vị giám đốc, sau 2 năm nếu không hiệu quả sẽ trả lại theo chủ trương.
Rời chiến trường Campuchia trở về, ông đã quyết định bám trụ lại Thành phố Hồ Chí Minh chứ không khăn gói về quê. Bố mẹ cùng các anh chị trong gia đình ông thời điểm đó cũng đã bỏ lại mọi thứ gầy dựng được ở Quảng Ngãi sau hơn 10 năm để về lại Mai Xá nơi chôn nhau cắt rốn. Đó là lúc ông bắt đầu nghĩ về “lối về” của đời mình. “Về quê thời điểm đó quá nhiều cái khó cho cả trước mắt và lâu dài. Về mà không làm được chi thì có khi lại thành gánh nặng. Ở lại mà thành công thì sẽ có nhiều cơ hội để giúp quê hương hơn”, ông nghĩ rồi tự gật đầu.

Bất ngờ đến khi ông lên nắm quyền điều hành, Công ty Phân bón Bình Điền như được thổi luồng sinh khí mới. Tình hình sản xuất có nhiều tiến bộ vượt bậc. Vị thế của cả công ty lẫn của bản thân ông đều đã vượt xa khỏi phạm vi nội thành. Thời điểm đó, chính quyền tỉnh Quảng Trị cũng đã biết đến Bình Điền và biết ông là người con quê hương nên đã liên lạc đề nghị ông mở một công ty phân bón ngay tại Quảng Trị. Biết đã đến lúc mình “trở về” nên ông gật đầu cái rụp. Khoảng giữa thập niên 90, Công ty Phân bón Bình Điền Quảng Trị được hình thành mang theo niềm hy vọng cải thiện đời sống cho người dân và thay đổi vị thế cho tỉnh nghèo Quảng Trị.

Cũng từ điểm gốc ở công ty này, ông bắt đầu thực hiện bước tiếp theo trong hành trình “trở về” của đời mình. Ông bắt đầu hỗ trợ cho học sinh nghèo trên địa bàn. Thậm chí ông lập thành một quỹ riêng trích từ lợi nhuận của công ty để lo cho học sinh nghèo Quảng Trị.

Nghĩa tình Quảng Trị

Tính ông cương trực từ nhỏ. Sau gần 60 năm xa quê ông vẫn giữ được nét chất phác gần gũi cả trên khuôn mặt và cả trong tính cách. Điều đặc biệt, ông vẫn giữ giọng trọ trẹ quê mình dù ở ngay giữa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh mấy chục năm trời. Hỏi ông lý do, ông chỉ cười: “Mình người Quảng Trị thì giữ được nét quê cũng là cách yêu quê. Chỉ cần người ta nghe và hiểu là được. Người ta quý và sống với nhau bằng chữ tình”.

Hãy giữ sự chân thành

Không chỉ giúp những người Quảng Trị ở quê, những năm qua, ông Lê Quốc Phong còn dang tay hỗ trợ những người trẻ đồng hương lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Đức Nhật Thuận, quê xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng những năm qua đã xây dựng thành công thương hiệu Cà Mèn ở đất phương Nam với phương châm “mang Quảng Trị vào phố”. Những món ăn vốn được coi là đặc sản của miền gió Lào cát trắng Quảng Trị như bánh ướt Phương Lang, lòng xào nghệ, cháo bột Hải Lăng đã được Thuận “ghim” vào cuộc sống hàng ngày của người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thuận nói để đạt được thành công này ngoài cố gắng và may mắn thì điều quan trọng nhất là mình đã thực hiện bằng tất cả sự chân thành. Và người đánh thức sự chân thành này với Thuận ngay những ngày đầu tiên khởi nghiệp đó chính là ông Lê Quốc Phong. Thuận nói khởi nghiệp ở xứ người luôn gặp rất nhiều chông gai và thử thách. Nhưng may mắn cho mình là được gặp chú Lê Quốc Phong. Biết khát vọng khởi nghiệp của Thuận, ông Lê Quốc Phong đã luôn đứng sau lưng hỗ trợ nhiều thứ. “Đó là lúc tôi mới bắt đầu. Tôi phải băn khoăn giữa rất nhiều sự lựa chọn. Rồi chú Phong nhắn cho tôi một câu: Dù làm chi thì làm cũng phải giữ được sự chân thành. Tôi đã mang theo lời dặn của chú như là động lực, cảm hứng cho mình trong suốt hành trình trưởng thành của Cà Mèn 6 năm qua. Đó là những ân tình vô giá giúp Cà Mèn đi vào lòng người”, Thuận chia sẻ.

Cũng vì chữ “tình” sâu nặng này mà mấy chục năm qua ông đã bắt đầu một hành trình mới của đời mình - hành trình “Tiếp sức đến trường”. Câu chuyện nghĩa tình của ông bắt đầu từ năm 2003. Ông tình cờ đọc được trên báo Tuổi Trẻ câu chuyện về tân sinh viên Lê Minh Hiếu, quê Quảng Trị. Hiếu bán cà rem nuôi con chữ vẫn học giỏi và đỗ đại học. Tuy nhiên, thùng cà rem không gánh nổi giấc mơ giảng đường. Quá xúc động, ông đã liên lạc với báo Tuổi Trẻ và ông đã quyết định sẽ bỏ tiền túi ra để hỗ trợ cho Hiếu đi học đại học cho đến khi ra trường.

Tại lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Quảng Trị năm 2018, ông Lê Quốc Phong (bên trái) được chọn làm người rước ngọn đuốc nghĩa tình trao cho những thế hệ sinh viên từng nhận học bổng đã trưởng thành với thông điệp hãy tiếp bước lo cho các thế hệ tân sinh viên mai sau - Ảnh: Q.NAM
Tại lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Quảng Trị năm 2018, ông Lê Quốc Phong (bên trái) được chọn làm người rước ngọn đuốc nghĩa tình trao cho những thế hệ sinh viên từng nhận học bổng đã trưởng thành với thông điệp hãy tiếp bước lo cho các thế hệ tân sinh viên mai sau - Ảnh: Q.NAM

Nhưng đất Quảng Trị không chỉ có một “Hiếu cà rem”. Một mình ông khi đó không thể lo hết cho những “Hiếu cà rem” khác. Ông liên lạc với một số doanh nhân gốc Quảng Trị tại Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó một câu lạc bộ (CLB) do chính ông làm chủ nhiệm có tên Doanh nghiệp Quảng Trị tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ra đời. Mục đích của CLB này là để tiếp sức cho những tân sinh viên nghèo Quảng Trị đến với giảng đường.

Sức lan tỏa của CLB đã vượt ra khỏi ranh giới Quảng Trị. Sau một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp khắp cả nước và nước ngoài biết tin cũng xin tham gia hỗ trợ cho quỹ Tiếp sức đến trường. Đến tháng 5/2004, CLB đổi tên thành Nghĩa tình Quảng Trị.

Niềm vui lớn nhất mà ông Phong và những người trong CLB nhận được sau hành trình tiếp sức cho tân sinh viên chính là thấy nhiều bạn sau khi ra trường đã trưởng thành và quay lại hỗ trợ cho những thế hệ sau.

“Gần 20 năm qua, CLB này đã quyên góp được hàng chục tỉ đồng để viết tiếp giấc mơ cho hàng ngàn sinh viên nghèo Quảng Trị. Nhưng giá trị lớn nhất mà tôi và những người trong CLB mang lại chính là những hy vọng mới cho quê hương từ những thế hệ tài năng mà chúng tôi góp sức ươm mầm.

Đó cũng chính là “lối về” của những người xa quê như tôi”, ông Phong nói.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)


Những con số đáng báo động về tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu

Minh Khang |

Biến thể Omicron khiến số ca nhiễm mới tăng vọt tại nhiều quốc gia, theo AFP, tổng số người mắc Covid-19 trên thế giới ngày 7/1 đã vượt mốc 300 triệu.

Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục

T.L |

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện các nhiệm vụ sau:

Vì sao COVID-19 sẽ không biến mất và con người phải sống chung với nó?

Nguyễn Minh |

Rất nhiều người hy vọng rằng coronavirus sẽ biến mất nhanh chóng như cách nó đã từng xuất hiện. Tuy nhiên, với nhiều nhà virus học, họ cho rằng virus này sẽ trở thành một dạng đặc hữu và điều đó có nghĩa lày chúng ta sẽ phải sống chung với nó.

Đi lại nhọc nhằn trên con đường lầy lội

Đức Việt |

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ cộng với lượng xe cơ giới vận chuyển cát, sạn, gỗ tràm qua lại thường xuyên đã làm tuyến đường ĐH 49B đoạn đi qua địa bàn thôn Tân Xuân, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) trở nên lầy lội nghiêm trọng khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn và nguy hiểm.