“Măng non trong bão đạn”, câu chuyện về chiến dịch K8 của những người trong cuộc

Hồ Sĩ Bình |

Để hoàn thành tập bút ký Măng non trong bão đạn, hai tác giả Lê Anh Dũng và Nguyễn Thị Thu Sương đã mất 5 năm “cơm đùm gạo bới”, đi về vùng đất Vĩnh Linh, Quảng Trị, để tìm gặp những nhân chứng sống một thời đạn bom trên vùng đất lửa. Như tác giả Thu Sương “thân gái dặm trường” một mình từ Đà Nẵng ra Vĩnh Linh hơn 10 chuyến đi, từng lặn lội khắp các ngõ xóm của các xã, đến tận từng địa chỉ của những người trong cuộc nhằm chấp bút cho tập bút ký Măng non trong bão đạn.

Hai đồng tác giả, nhà thơ, Đại tá Lê Anh Dũng - vốn là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân quen “dọc dài chinh chiến” tác nghiệp khắp những nơi chốn trải qua chiến tranh ác liệt khắp cả nước để viết bài. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Sương đã xuất bản những tập bút ký về chiến tranh, từng được trao giải thưởng văn học về đề tài này. Cả hai đã có ‘bề dày” sở đắc những kỹ năng của người chuyên viết bút ký chiến tranh.

Trên cơ sở những lời kể, người viết không chỉ ghi chép trung thực mà đã biết cách xử lý bài viết, tìm ra những tình tiết sống động, đặc biệt đối với loại thể ký chiến tranh thiên về hoài niệm ký ức cần dẫn dắt cho người kể tập trung xoáy sâu vào câu chuyện nhằm làm nổi bật chủ đề. Măng non trong bão đạn gồm những bài viết nặng về ghi chép, ngôn ngữ tự sự, nôm na là lời kể của các nhân chứng về cuộc sống chiến đấu vô cùng nghiệt ngã của Nhân dân Vĩnh Linh.

Cuộc chiến đấu đó đã xảy ra một cách khốc liệt đến nỗi như lời của một nhân chứng nói về sự sống, cái chết ngày đó “cho nên nghe nổ là mừng” đơn giản vì “chúng tôi thường nói với nhau nghe bom nổ là mừng? Tai có điếc đặc cũng nên mừng”. Trong một hoàn cảnh thật trớ trêu, khi “cuộc chiến ngày còn khốc liệt… địch theo dõi đánh phá ác liệt”, mặt khác bằng mọi cách phải song hành triển khai “kế hoạch đưa học sinh vùng chiến sự Vĩnh Linh ra miền Bắc học tập được gấp rút và bí mật…”.

 
Một chi tiết khác, hình ảnh không thể nào xúc động hơn với một đôi vợ chồng chia ly cách trở bờ Nam - bờ Bắc: “Những người trắc địa vừa quay máy kinh vĩ sang bờ Nam thì anh Biền, một cán bộ kỹ thuật lạc hẳn giọng nói với đồng nghiệp “vợ tôi đang giặt bên sông”. Những người khảo sát thấy hình như chị nhận ra anh trước vì chị vừa vò mãi chiếc áo, vừa liếc mắt nhìn sang và gạt nước mắt. Anh Biền cứ run bần bật vì nỗi đau chia ly đến tột cùng”.

Trong lời kể không nhắc đến số phận của những đứa con của họ, ở bờ Nam hay Bắc, có được đi học theo diện K8 hay không đã để lại một câu hỏi bỏ lửng (Không thể không đi). Tập sách đã dựng dậy một giai đoạn lịch sử những năm 60 của thế kỷ XX, giai đoạn chiến tranh khốc liệt của vùng đất lửa để làm nổi bật quá trình thực hiện quyết sách K8 của Trung ương Đảng, đưa con em từ 5 - 15 tuổi “các cháu thuộc diện con em cán bộ, bộ đội chiến trường” Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ ra Bắc học tập trung. Chiến dịch K8 nhằm thực hiện một kế sách chuẩn bị cho cuộc chiến tranh dài lâu và đào tạo lực lượng cán bộ khi hòa bình.

Xã Vĩnh Tú “là nơi tập trung các đoàn đi K8, địch càng đánh phá dữ dội. Xe 3 cầu của anh Lịch, anh Bê về chở học sinh bị địch đánh bom xăng cháy xe”. Trên đường đi không ít lần bị địch ném bom, hoặc rocket, nhiều cháu bị thương và chết nhưng không ngại gian khổ, dù “các cháu đi bộ hàng trăm cây số, đi hàng tháng trời” vẫn lên đường đi học để thắp sáng ước mơ.

Khi trở lại Vĩnh Tú, dù không sinh ra trên mảnh đất này nhưng tác giả Nguyễn Thị Thu Sương không giấu nổi cảm xúc cháy lòng, để rồi: “Quê nhà là đây, tôi mới đến lần đầu đã muốn lần nữa…” (Ở nơi yên tĩnh).

Câu chuyện của Trần Kim Hồ, nguyên Ủy viên Thường vụ Khu ủy Vĩnh Linh khi nhìn lại K8, đã không khỏi bồi hồi về một hành trình có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới: “Trong hành trình gian nan, nguy hiểm ấy, biết bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của những người lính, thầy giáo, bảo mẫu… đã đổ xuống để bảo vệ “những hạt giống đỏ”. Vâng, “thế giới này không thể có cuộc trường chinh nào với 3 vạn trẻ từ 7 - 15 tuổi, không cha không mẹ, đi gần nửa ngàn cây số dưới mưa bom bão đạn” để đến trường. Trong một cuộc trao đổi văn hóa giữa Hội Nhà văn Ấn Độ và Việt Nam, sau khi nghe tác giả Nguyễn Thị Thu Sương trình bày về cuộc trường chinh sinh tử này, không khỏi xúc động và ngạc nhiên.

Sau khi về nước họ đã yêu cầu được đọc lại bản dịch bút ký bằng tiếng Anh… (Muốn con yêu quý). Măng non trong bão đạn gồm 20 bài bút ký được nhiều nhân chứng, người trong cuộc kể lại. Họ là thầy giáo Nguyễn Hải Lý, Trường cấp 1 Vĩnh Hiền, thầy Lê Minh Đức, thầy Phùng Thái, nhiếp ảnh gia Sĩ Sô, ông Trần Đức Hạnh, nguyên Ủy ban Thư ký Ủy ban Hành chánh khu vực Vĩnh Linh, Trưởng ban K8, Lâm Tự Cường, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chính Hồ Xá… Còn phải kể đến câu chuyện của những học sinh K8 như Võ Thị Quý, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Quang Thuần, Lê Thị Thúy, Hồ Thanh Tự, Trần Văn Khỏe… Đó là những câu chuyện thật sinh động và gây nhiều ấn tượng.

Nhiều trong số họ sau chiến tranh trở về làm một người dân bình dị sống với ruộng vườn nhưng ai cũng có một ký ức tự hào để mỗi khi nhắc lại, mỗi người đều xốn xao với những kỷ niệm da diết một thời. “Đi qua cửa tử” là câu chuyện của anh Trần Văn Khỏe, một học sinh mới học xong lớp 1 đi học K8, trên chuyến xe khi đến Lệ Thủy thì bị máy bay địch đánh bom tọa độ, “26 đứa thân thể nát nhừ, văng đi mỗi người mỗi mảnh…

Hai chú bộ đội và một thầy giáo chết”. Khỏe là người duy nhất còn sống sót trong số 14 cháu được cấp cứu. Sau khi được băng bó và chữa lành vết thương, 2 năm sau Khỏe bỗng tình cờ gặp lại người anh ruột cũng đi học K8 khóa trước. Trên một vùng đất lạ, người anh chỉ nhận ra em nhờ nghe giọng nói cùng quê. Rõ ràng đó là cuộc gặp ly kỳ, hy hữu trong một hoàn cảnh thật éo le… Cha Khỏe hồi ấy đang làm xã đội trưởng Vĩnh Hiền biết tin Khỏe còn sống vội băng bộ ra Thái Bình tìm gặp con, cha con đã ôm nhau khóc suốt cả thời gian ở lại bên nhau… “Đi qua cửa tử” là câu chuyện kể về những cuộc gặp gỡ trong nghiệt ngã đau đớn của sinh tử, còn mất, để lại ấn tượng rưng rức ngọt ngào trong lòng người đọc.

Về mặt nghệ thuật, bút ký của Lê Anh Dũng và Nguyễn Thị Thu Sương được hình thành bởi cấu trúc văn bản dựa trên nền tảng từ lời kể của những người trong cuộc để xâu kết với lối kể lớp lang linh hoạt. Từ đó, tác phẩm đã dựng nên được một chân dung chiến dịch K8 sinh động, phong phú, đủ đầy các sự kiện xúc động, đầy tính nhân văn, những “hình tượng nhân vật” hào sảng, bi tráng, vừa mang tính chân thật, vừa khái quát giúp người đọc nhận ra được giá trị của cuộc trường chinh K8 trong đau thương gian khổ nhưng thật đáng tự hào về chủ trương lớn, sáng suốt của Đảng trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Hiện tại và quá khứ trong lời kể cứ đan xen nhau tạo nên chuỗi liên tưởng liền lạc nội hàm thông tin của hồi ức thật hấp dẫn và thuyết phục. Hai tác giả đã khai thác đến tận cùng hiệu quả của những ký ức từ các nhân chứng sống, làm nên một Măng non trong bão đạn không chỉ có giá trị văn học mà còn có giá trị lịch sử đặc biệt.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị: Nhiều di tích lịch sử đang xuống cấp nghiêm trọng

PV |

Di tích cầu Hiền Lương lịch sử đã xuống cấp trầm trọng. Ở phía dưới cầu, một thanh sắt liên kết giữa dầm ngang và giàn chủ bị rơi xuống một bên.

Cần sớm tu bổ các hạng mục xuống cấp ở Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Lê Trường |

Trải qua một thời gian khai thác, mặc dù đã được phục dựng, tôn tạo nhưng đến nay, nhiều hạng mục quan trọng của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi thăm di tích lịch sử Thành Tân Sở

Lâm Thanh |

Ngày 2/1, Tiến sĩ Amandine Dabat, quốc tịch Pháp - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi đến thăm di tích lịch sử Thành Tân Sở; dâng hương, dâng hoa tại Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ.

Gio Linh chú trọng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

Hoài An |

Những năm qua, huyện Gio Linh (Quảng Trị) luôn chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đơn vị liên quan và Nhân dân, công tác đầu tư, tôn tạo các di tích được thực hiện hiệu quả, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, trở thành những điểm đến hấp dẫn về du lịch đối với du khách trong nước, quốc tế.