Năm thập niên qua đi, những cái nắm tay tuổi già đã không còn háo hức và nồng nhiệt như thuở đôi mươi, thay vào đó là sự ấm nồng, chia sẻ của nghĩa vợ chồng.
Từ những rung cảm tâm hồn
Tôi đến thăm vợ chồng NSND Kim Quý và NSND Xuân Đàm vào một chiều đầu thu. Năm nay ông bước qua tuổi 90, còn bà kém ông gần 20 tuổi. Họ là đôi vợ chồng NSND duy nhất của Quảng Trị, sống tại phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà.
Những năm 80 của thế kỷ trước, tên tuổi Xuân Đàm và Kim Quý được khán giả yêu kịch cả nước biết đến. Nếu như Xuân Đàm đi vào lòng khán giả với vai trò là một đạo diễn sân khấu tài ba, thì Kim Quý để lại dấu ấn cho người xem thông qua những vai diễn trong Bão tố ngoài khơi, Tiếng hát tuyệt vời, Chuyện đời thường vớ vẩn, Độc thoại đêm, Ám ảnh…
Khi ánh nắng ngoài trời chiếu chênh chếch vào căn phòng nhỏ, Xuân Đàm như hòa làm một vào bức tường loang lổ và cũ kỹ, yếu ớt và già nua. Còn Kim Quý, bà như cành cây nhỏ nhắn, nhưng vẫn giữ được nét đẹp tươi xanh, dịu dàng nâng đỡ bức tường cũ, để chồng dựa vào mình, nương theo mình, mặc cho thời gian chầm chậm trôi đi…
Xuất phát điểm là một cô gái xinh xắn, yêu ca hát nhưng còn nhiều vụng về, Kim Quý mang tâm thế của một người học trò luôn muốn tìm tòi và bồi dưỡng kiến thức và lòng say mê nghề diễn. Nhớ có lần, để rèn giọng cho Kim Quý khi nhập vai nhân vật Thu trong Bão tố ngoài khơi, Xuân Đàm đã thuê thuyền bè, đạo cụ, giong buồm ra biển. Giữa tiếng sóng, tiếng gió ầm ào, Xuân Đàm bắt Kim Quý phải độc thoại hàng giờ đồng hồ để xác định đúng ngữ điệu, tiết tấu, âm vực của giọng nói. Năm 1982, vai diễn Thu trong Bão tố ngoài khơi đã mang về cho Kim Quý huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp.
Kim Quý chia sẻ: “Ngoài giọng nói thì đôi mắt chính là vật báu của một nghệ sĩ. Bởi khuôn mặt có thể chỉ là một kẻ vô danh nếu lúc nào cũng được trau chuốt sạch sẽ, không dấu vết cuộc đời, nhưng đôi mắt thì không. Đôi mắt có thể bộc bạch niềm vui, thổ lộ sự đau khổ. Đôi mắt và trái tim người nghệ sĩ chính là “đầu vào” và “đầu ra”, quyết định thành bại cho một vở kịch. Cả hai đều liên quan đến sự rung cảm. Nghệ sĩ không thể nhập vai nhân vật khi trái tim và ánh mắt khô cằn, khi họ hoàn toàn ở vị trí người ngoài cuộc”.
Không riêng gì Kim Quý, “sự rung cảm của tâm hồn” cũng chính là kim chỉ nam trên con đường hoạt động nghệ thuật của đạo diễn Xuân Đàm. Ông từng là cậu học trò xuất sắc trong những khóa đào tạo đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp ở Moskva (Liên Xô cũ, từ năm 1962-1970).
Không gian sân khấu của những vở kịch do ông dàn dựng luôn có sự hòa quyện giữa màu sắc truyền thống và mảng miếng hiện đại, nhuần nhuyễn giữa tính ước lệ sâu xa và những suy tư phóng khoáng, đa chiều. Sau 40 năm lăn lộn, say mê như một con tằm rút ruột nhả tơ, từ cánh gà sân khấu, Xuân Đàm đã đóng góp cho nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam trên 50 vở diễn. Trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như Gia đình má Bẩy, Con gà chân chì, Tín hiệu trái tim, Tiếng hát, Bão tố ngoài khơi, Tình ca, Độc thoại đêm, Trần Thủ Độ…
Năm 1997, Xuân Đàm được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, còn Kim Quý nhận danh hiệu này vào 2016. Đối với họ, những vàng son của cuộc đời và sự nghiệp chính là thời thanh xuân tươi đẹp, nơi mà lòng say mê nghề nghiệp đến cháy bỏng đã giúp nhen nhóm, khởi phát và sau cùng là hòa quyện với những rung cảm lứa đôi.
Đến lòng yêu thương tận tụy
Kim Quý và Xuân Đàm kết hôn năm 1967. Lúc này, Kim Quý chỉ mới 19 tuổi. Xuân Đàm vừa là người chồng, người anh, người thầy luôn ở bên dìu dắt, nâng đỡ Kim Quý. Họ theo sát nhau đi diễn khắp nơi. Từ những buổi diễn ngoài trời tại địa phương đến những nhà hát kịch, sân khấu lớn trung ương, ở đâu có Xuân Đàm thì ở đó có Kim Quý. Và, nếu như thế mạnh của Kim Quý là sự đa cảm, dễ dàng ưu tư trước những biến cố của thời cuộc, thì Xuân Đàm lại vững vàng như một thân cây có bộ rễ lớn.
Kim Quý kể: “Nhiều lần ông ấy tâm sự với tôi: “Đã có rất nhiều người yêu nghề, nhưng cũng có rất nhiều người bỏ nghề. Và chúng ta với sứ mệnh và tình yêu vô điều kiện với nghệ thuật, thì không thể vì sợ lá rụng mà ngại trồng cây. Cứ làm thật tốt công việc của mình, hãy diễn cho thật tròn vai”. Ông ấy mê văn học Nga, nên nói câu nào cũng sâu sắc và triết lý”.
Thời gian thường mang đến cho người làm nghề nói chung sự chắt lọc và kinh nghiệm, riêng nghiệp diễn thì không như vậy. Bông hoa đẹp nhất là lúc bông hoa đang độ rực rỡ. Năm 1995, Kim Quý diễn vai diễn cuối cùng của đời mình. Những năm sau đó, hai người cùng về công tác trên những cương vị khác nhau tại các cơ quan văn hóa của tỉnh Quảng Trị.
NSND Xuân Đàm từng vào sinh ra tử bởi nhiều căn bệnh, phải tham gia điều trị mấy năm liên tục ở khắp các bệnh viện từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế. Đỉnh điểm, vào năm 2001, ông bị viêm đại tràng nặng kết hợp nhiều bệnh nền. Sau nhiều lần mổ, từ một người cao lớn cường tráng nặng hơn 80 cân, ông chỉ còn nặng hơn 30 cân, như một đứa bé yếu ớt, nhỏ bé, thở phập phồng trong vòng tay Kim Quý. Bằng lòng son sắt, thủy chung, sự tận tụy hiếm có của một người vợ hiểu biết và yêu chồng, Kim Quý đã đồng hành, vực dậy sự sống cho Xuân Đàm.
Từ đó đến nay, hơn 20 năm ròng rã, họ cùng đồng hành, khuya sớm bên nhau. Có thể nói, nếu cả thanh xuân Kim Quý dựa vào Xuân Đàm như một học trò dựa vào người thầy mẫu mực, như một người con gái dựa vào người cha vững chãi, như một người tình dựa vào một người tình tâm giao, thì bây giờ, Xuân Đàm lại như một bức tường cũ kỹ, nương tựa vào một cành cây nhẫn nại và dịu dàng là Kim Quý. Họ tự hào về nhau thời trai trẻ, biết ơn nhau lúc về già.
Nơi bình minh có mặt
Năm thập niên qua đi, đến bây giờ, những cái nắm tay tuổi già đã không còn háo hức và nồng nhiệt như thuở đôi mươi, thay vào đó là sự ấm nồng, chia sẻ của nghĩa vợ chồng. Hai nghệ sĩ có ba người con: hai trai, một gái và năm đứa cháu. Tất cả đều ở xa. Vậy nên niềm vui mỗi ngày của đôi bạn già là bên cạnh nhau, chăm sóc nhau, cùng nỉ non kể chuyện, ôn lại chuyện đời, chuyện nghề ngày xưa.
“Xuân Đàm cứ thương tôi khổ, sợ tôi buồn nếu một mai ông ấy đi trước, còn tôi thì vì lòng yêu đời yêu người mà gửi tâm sự vào thơ, vào niềm ngóng trông những kỳ sum họp cùng các con các cháu” - Kim Quý nói rồi chìa cho tôi một đoạn thơ:
Hoàng hôn ập xuống
Mưa như ngọn roi
Chiếc lá đau
Hoàng hôn ập xuống
Muốn gối đầu lên bàn tay anh
Nghe bình yên chảy trong mạch máu
Gió ngoài kia cứ vô tư vần vũ
Hoàng hôn ập xuống
Không sao
Vì trước nó, từng là bình minh (*)
Cùng chăm sóc, nương tựa nhau khi cả hai tóc đều ngả bạc không phải là điều dễ dàng và có thể tiếp tục mãi mãi. Nhưng sự ấm nồng và gắn bó của hai con người từng dành trọn cho nhau những khoảnh khắc thăng hoa trong nghề nghiệp, cũng như những bất hạnh trong cuộc đời, chắc chắn sẽ tạo nên “phù sa” màu mỡ, giúp nối tiếp và nuôi dưỡng quả ngọt mai sau.
Tôi tin, cả phía trước và phía sau hoàng hôn đều là bình minh.
(*) Bài thơ Nơi bình minh có mặt - NSND Kim Quý
(Nguồn: Báo Phụ Nữ)