Mong dịch bệnh được đẩy lùi để về quê thăm mẹ

Lâm Thanh |

Gần 2 tháng nay, ngoài những phút giây lăn lộn cùng tuyến đầu chống dịch, điều mà ba cô gái: Trần Thị Tú Linh, Trần Thị Huyền Trang và Trần Thị Thanh Tuyền luôn mong muốn là khi dịch bệnh được đẩy lùi sẽ về quê thăm mẹ.

Họ là ba chị em ruột đang công tác và học tập trong ngành y – đến từ một gia đình nông dân ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị). Trong cuộc chiến chống COVID-19 đầy gian nan ở TP. Hồ Chí Minh, họ đã tình nguyện xung phong lên tuyến đầu, góp sức trẻ đẩy lùi dịch bệnh.


Nối ước mơ từ bản làng ra phố thị

Quê gốc của gia đình chị em Trần Thị Tú Linh ở vùng biển bãi ngang xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh. Nhà toàn con gái, không thể làm nghề biển nên năm 1998, ba Linh quyết định đưa cả gia đình lên vùng kinh tế mới ở xã Hướng Phùng khai hoang đất đai để làm rẫy cà phê. Tuy nhiên, đến năm 2003, ba lâm bệnh qua đời. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai của mẹ. Một mình mẹ tần tảo nuôi con, không ngại cáng đáng mọi việc nặng nhọc trong gia đình để chị em Linh yên tâm học hành.

Sinh toàn con gái, nên bà chỉ mong muốn các con mình ăn học nên người, có một công việc ổn định để không phải suốt đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” giống như mẹ. Từ niềm say mê với con chữ, chị em Linh đã nối dài ước mơ từ bản làng ra đến phố thị. Ước mơ ấy thấm đẫm những giọt mồ hôi nhọc nhằn của ba, nước mắt cơ cực của mẹ và cả khát khao đổi đời từ con chữ của những cô học trò nghèo. Trong 6 chị em gái thì có 4 người vào Nam học tập, làm việc; 2 người con gái ở quê đều đã lập gia đình.

Ba chị em gái sát cánh cùng nhau trên tuyến đầu chống dịch ở TP.Hồ Chí Minh - Ảnh: NVCC
Ba chị em gái sát cánh cùng nhau trên tuyến đầu chống dịch ở TP.Hồ Chí Minh - Ảnh: NVCC

Sau 4 năm làm việc để tích lũy kinh nghiệm ở một số cơ sở y tế tại TP.Hồ Chí Minh khi vừa tốt nghiệp Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y dược Huế, năm 2018, Tú Linh đã mở được một phòng khám nha khoa ở quận Gò Vấp. Năm 2019, em gái chị là Huyền Trang, tốt nghiệp Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y dược Huế cũng vào đây làm việc. Quyết tâm đi theo con đường của hai chị, em gái út Thanh Tuyền hiện đang là sinh viên năm nhất, Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Văn Lang.

Cuối tháng 7/2021, TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên phòng khám nha khoa của chị em Linh đóng cửa. Ca nhiễm COVID - 19 trong cộng đồng tăng nhanh, thành phố bắt đầu triển khai đợt tiêm chủng vắc xin quy mô lớn nhất từ trước đến nay nên nhân lực phục vụ các điểm tiêm chủng thiếu nghiêm trọng.

“Đều là những người theo học ngành y, được đào tạo bài bản nên chị em mình cảm thấy cần có trách nhiệm hỗ trợ các lực lượng thành phố chống dịch. Vì thế, cả ba chị em quyết định đăng ký tình nguyện đến làm việc tại các điểm tiêm chủng”, Tú Linh chia sẻ.

Tuy vậy, khi điện thoại về nhà hỏi ý kiến thì mẹ không đồng ý. Thuyết phục mãi không được nên ba chị em Linh quyết định giấu mẹ đi làm.

Mẹ sống một mình ở quê, qua các phương tiện truyền thông nên biết được tình hình dịch bệnh ở TP. Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, vì thế rất lo lắng cho sức khỏe của chị em Linh. Ngày nào bà cũng điện thoại hỏi han, chuyện trò.

Một tuần sau thì bà phát hiện chuyện các con giấu mẹ đi chống dịch. Hiểu nỗi lòng của mẹ, chị em Linh nghĩ ra cách mua que test nhanh COVID-19 về kiểm tra thường xuyên và chụp ảnh gửi kết quả qua Zalo cho mẹ xem; tối về cả ba chị em cũng thường xuyên sắp xếp thời gian để gọi điện cho mẹ yên tâm.

May mắn vì có chị, có em

Ban đầu, ba chị em không được đi chung đội vì tình nguyện viên hỗ trợ tiêm chủng quá mỏng, phải phụ thuộc sự điều phối của các tổ. Sau khi nhân lực ổn định hơn, chị em Linh được chuyển về cùng làm việc tại Đội tiêm vắc xin Phường 11, quận Gò Vấp.

Công việc hằng ngày tại điểm tiêm chủng của chị em Linh là luân phiên nhau hỗ trợ các thành viên trong đội để mọi người thực hiện nhiệm vụ một cách đảm bảo nhất. Khi thì họ phân luồng, hướng dẫn người dân đảm bảo khoảng cách, vào sổ, rà soát thông tin cá nhân, đo huyết áp, thân nhiệt, khám sàng lọc hay, khi thì tiêm vắc xin cho người dân. Công việc tất bật, bận rộn cả ngày.

Tú Linh khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm vắc xin - Ảnh: NVCC
Tú Linh khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm vắc xin - Ảnh: NVCC


Riêng Linh là bác sĩ có kinh nghiệm nhất trong ba chị em nên luôn đảm nhận vị trí khám sàng lọc. “Mệt nhất của công việc này là phải thường xuyên trao đổi, nói chuyện với người dân để nắm bắt thông tin về tiền sử bệnh tật. Trong điều kiện nắng nóng, người thì kín bưng từ đầu đến chân vì áo quần bảo hộ, khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay y tế… nên phải nói thật to người dân mới nghe rõ. Mỗi ngày khám sàng lọc khoảng từ 2.000 -3.000 lượt người, có hôm về nhà là mình khản giọng, mất tiếng luôn”, Linh cho hay.

Còn cảm nhận đầu tiên của em út Thanh Tuyền thì sau gần hai tháng tham gia chống dịch, cả ba chị em đã quen với thời gian biểu mới. Buổi sáng, không cần cài báo thức, cả ba vẫn thức dậy theo đồng hồ sinh học của cơ thể. Đi tình nguyện, Tuyền có thêm những người bạn mới và học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các anh chị trong ngành để trưởng thành hơn.

“Ngày đầu tham gia tình nguyện, em mới chỉ tiêm vắc xin mũi một khoảng 4 ngày nên cảm giác rất lo lắng. Thế nhưng, may mắn là luôn có các chị ở bên cạnh hướng dẫn, động viên rất kỹ về quy cách mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, sát khuẩn, khi có thắc mắc gì có thể hỏi ngay… nên mọi việc trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Sát cánh trải nghiệm cùng nhau trên tuyến đầu chống dịch, ba chị em gần gũi, yêu thương nhau nhiều hơn. Có lần nghe người dân đi tiêm vắc xin kể mắc nhiều bệnh nền, mắt kém do lớn tuổi, em thấy sống mũi mình cay cay vì thương. Nhiều người được tiêm xong thì cảm ơn liên tục. Các cô, chú trạc tuổi mẹ em ở quê lại hỏi han rất ân cần nào là có mệt, có đói không… cảm giác lúc đó thực sự rất ấm áp”, Thanh Tuyền kể lại.

Trải qua nỗi lo sợ, bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây ba chị em Linh đều cảm thấy so với những gì bản thân đóng góp và cho đi, họ đã nhận được nhiều điều quý giá hơn. Ngoài những người bạn mới, những trải nghiệm mới thì điều đọng lại trong ba chị em là những lời cảm ơn, động viên và sự cởi mở, thân thiện của người dân.

Gõ cửa… cứu F0 tại nhà

Song song với phục vụ tại các điểm tiêm vắc xin tại quận Gò Vấp, ba chị em Linh còn tham gia Đội cấp cứu F0 tại nhà ở Quận 5. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ phải tập từ việc đơn giản nhất là thao tác đúng và thích nghi với bộ đồ bảo hộ y tế cả ngày để làm việc, đến nay chị em Linh đều tròn vai là những nhân viên y tế cơ động trong Đội cấp cứu F0 tại nhà - một công việc khá vất vả, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

Giữa tháng 8/2021, khi các bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều quá tải, thành phố thực hiện điều trị F0 không triệu chứng, hoặc biểu hiện nhẹ tại nhà. Các đội cấp cứu F0 tại nhà ra đời để khi có bệnh nhân trở nặng thì kịp thời đến hỗ trợ chuyển tuyến.

“Gian nan nhất là khi len lỏi vào những con hẻm sâu, ngoằn ngoèo mà nhỏ xíu lại còn phải vác theo bình oxy và chạy sao cho nhanh nhất để đến với bệnh nhân. Đối mặt với những tình huống khẩn cấp như vậy, các thành viên trong đội đều quên hết mệt nhọc, điều chúng mình quan tâm nhất không gì khác ngoài người bệnh đang nằm chờ… được cứu!”, Linh nhớ lại.

Niềm vui lớn nhất của nữ bác sĩ này là thấy những bệnh nhân mắc COVID-19 đứng trước “lằn ranh sinh tử” được cấp cứu kịp thời qua cơn nguy kịch. Vậy nhưng, thời điểm dịch bùng phát mạnh, ca trực Đội cấp cứu F0 nơi Linh làm nhận được hàng chục cuộc điện thoại yêu cầu hỗ trợ chuyển tuyến mỗi ngày.

Ba chị em theo thứ tự từ phải sang: Linh (thứ nhất), Trang (thứ 3), Tuyền (thứ 4) và mẹ trong lần gặp mặt cách đây hơn 8 tháng ở quê nhà - Ảnh: NVCC
Ba chị em theo thứ tự từ phải sang: Linh (thứ nhất), Trang (thứ 3), Tuyền (thứ 4) và mẹ trong lần gặp mặt cách đây hơn 8 tháng ở quê nhà - Ảnh: NVCC

Dù hoạt động hết công suất, thì mỗi ca trực đội cũng chỉ có thể chuyển được 4-5 bệnh nhân đến bệnh viện. Trung bình mỗi ca bệnh cần 2 tiếng đồng hồ để di chuyển và sơ cứu ban đầu. Tuy nhiên vất vả, áp lực nhất là tìm được bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân, có khi phải lòng vòng 4 - 5 bệnh viện nhưng vẫn không hoàn thành được việc chuyển viện cho ca bệnh vì tất cả đều quá tải.

Ám ảnh nhất của chị em Linh khi tham gia công việc này là thực hiện cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân B.T.Y. ở Quận 5. Khi tiếp cận, chỉ số nồng độ ô xy trong máu của bệnh nhân này chỉ còn 54%. Khó khăn lắm mới chuyển được bệnh nhân ra xe cấp cứu vì cơ thể bệnh nhân quá nặng. Lên xe, các thành viên trong đội thay phiên nhau hỗ trợ cho bệnh nhân thở oxy nhưng thời gian tìm bệnh viện tiếp nhận khá lâu vì đến chỗ nào cũng quá tải. Xe cứ lòng vòng trên đường mãi còn bệnh nhân thì người cứ lạnh dần, tím tái, không bắt được mạch… sau đó thì tử vong trên xe cấp cứu.

Dù công tác trong ngành y nhưng chị em Linh đều thuộc chuyên môn nha khoa, chưa bao giờ rơi vào tình huống bệnh nhân tử vong nên khi gặp trường hợp này thì rất “sốc”. Linh tâm sự: “Cảm giác không cứu được bệnh nhân khiến mình nghẹt thở, lòng chùng xuống. Những ngày đầu ám ảnh đến mức tối về mình không ngủ được… Nhưng rồi dịch bệnh bủa vây, chị em lại tự an ủi nhau quên chuyện buồn để tiếp tục công việc…”.

“Nhưng bây giờ thì đỡ hơn nhiều rồi” - giọng Linh qua điện thoại phấn chấn hẳn. “Qua công việc hằng ngày, mình cảm nhận dịch bệnh ở đây đang dần được kiểm soát. Từ đầu tháng 9 đến nay, các ca F0 đều được đội chuyển viện kịp thời vì không còn cảnh quá tải bệnh viện điều trị COVID-19 như trước, điện thoại yêu cầu hỗ trợ bệnh nhân trở nặng cũng không nhiều. Càng vui hơn khi thấy người dân đến xếp hàng tiêm vắc xin mỗi ngày một đông, điều này cho thấy mọi người đã ý thức được việc tiêm vắc xin bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng. Thành phố cũng bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống dịch… Một ngày không xa, dịch bệnh sẽ được kiểm soát và đẩy lùi, chúng mình sẽ được về quê thăm mẹ”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hậu phương vững chắc của các y, bác sĩ giúp tỉnh bạn chống dịch

Lê Trường |

Trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, đội ngũ y, bác sĩ là lực lượng thường trực nơi tuyến đầu chống dịch chịu nhiều áp lực, vất vả và phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

Góp sức trẻ chống dịch

Quang Đăng |

Tuy có nhiều khác biệt nhưng các bạn trẻ này gặp nhau ở điểm chung là đang thầm lặng góp sức trẻ phòng, chống COVID-19. Dù ở vị trí nào, đối diện với bao nhiêu khó khăn, thử thách, họ vẫn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ.

Tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch

Đình Tiến - Minh Khánh |

Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về công tác quản lý, bảo vệ biên giới và diễn biến của đại dịch Covid-19, trong 03 ngày từ 07 đến 09/9/2021, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị phối hợp với chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền cho nhân dân tại thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá) các nội dung liên quan về công tác quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19.

3 chị em ruột là sinh viên Y, cùng đi chống dịch ở TP.HCM

Huệ Lâm |

Tú Linh, Huyền Trang, Thanh Tuyền (quê Quảng Trị) cảm thấy may mắn khi được góp sức trong cuộc chiến chống dịch của TP.HCM suốt hai tháng qua.