Một cuộc đời bình dị

Đức Việt |

Trở về từ chiến trường Vị Xuyên - Hà Tuyên năm xưa với thương tật nặng, cựu chiến binh Ngô Văn Minh (56 tuổi) ở thôn Long An, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đã nỗ lực vươn lên từ muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Ông cùng vợ quyết tâm làm ăn, xây đắp cuộc sống gia đình đầm ấm và nuôi con cái ăn học nên người.


Người tiên phong trồng chuối ở Tân Long

Tân Long được mệnh danh là “thủ phủ” chuối của Hướng Hóa. Ở vùng đất này, ông Minh được xem là một trong những người tiên phong trồng giống cây “thoát nghèo” này.

Sau khi từ mặt trận Vị Xuyên về, ông Minh lập gia đình với bà Đỗ Thị Vân - người đã thủy chung chờ đợi và cùng ông vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống. Hai vợ chồng cưới nhau một thời gian thì lần lượt sinh được 3 người con gồm 2 con trai, một con gái. Những đứa con ra đời trong lúc khó khăn khiến cuộc sống hai vợ chồng thêm khốn khó.

“Lúc mới cưới khổ cực đến nổi không có lấy cái nồi để nấu nướng. Tư trang ra quân chỉ có một cái chăn, vài thứ lặt vặt và chiếc áo trấn thủ mặc lúc bị trúng mìn vẫn còn vết máu… mang về giữ làm kỷ niệm. Nhưng lúc đó cực đến mức nhà không có chiếu chăn cho con đủ nằm, đành mang chiếc áo trấn thủ kỷ niệm đó lót cho con nằm đến khi hư hỏng luôn. Trong cảnh khó buộc vợ chồng tôi phải quyết tâm kiếm cái ăn lo cho con…”, ông Minh kể.

Cựu chiến binh Ngô Văn Minh kể về đồng chí, đồng đội trong bức ảnh chụp chung khi dự cuộc gặp mặt kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc được tổ chức tại Hà Nội năm 2019 - Ảnh: Đ.V
Cựu chiến binh Ngô Văn Minh kể về đồng chí, đồng đội trong bức ảnh chụp chung khi dự cuộc gặp mặt kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc được tổ chức tại Hà Nội năm 2019 - Ảnh: Đ.V

Dù sức khỏe của một người thương binh nặng không được tốt nhưng vợ chồng ông vẫn ra sức khai hoang nương rẫy. Thời điểm đó, ngày ngày ông bà quần quật vần đá, khiêng đá đổ xuống suối để lấy đất trồng chuối. Biết bao mồ hôi, công sức của ông bà đổ xuống để có những khoảnh đất bằng phẳng. Những gốc chuối giống mật mốc đầu tiên ông xin được từ quê nhà ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong mang lên trồng đã bén rễ tốt tươi trong khu rẫy khai hoang ở thôn Xi Núc. Từ lứa cây đầu tiên, ông mở rộng được ra cả rẫy chuối rộng lớn.

Cũng trong thời gian ấy, thương lái từ Huế bắt đầu ra thu mua chuối quả với giá thành rất khá, vợ chồng ông đã có nguồn thu nhập cao. “Hồi đó, người dân ở đây chủ yếu trồng lúa rẫy, trồng sắn, ngô, khoai nên khi thấy vợ chồng tôi trồng chuối, ban đầu họ hết sức ngạc nhiên. Họ ví chúng tôi như những người phí sức gánh củi vào rừng. Vậy nhưng chúng tôi cứ cần mẫn trồng trọt, mang theo hy vọng về những mùa quả ngọt. Chỉ mấy năm sau, khi thấy vợ chồng tôi xây được nhà cửa khang trang, khấm khá lên từ cây chuối, dân bản đến học hỏi xin làm theo. Vợ chồng tôi vui vẻ chia sẻ giống cây chuối cho mọi người trong thôn Xi Núc. Một thời gian sau đó, phong trào trồng chuối mật mốc bắt đầu lan ra và phát triển rộng trong toàn xã Tân Long khi thị trường tiêu thụ chuối quả bắt đầu hình thành…”, ông Minh kể.

Đây là niềm vui của vợ chồng ông khi lên lập nghiệp ở vùng đất mới này. Không chỉ mang đến thu nhập cho gia đình, từ phong trào trồng chuối, nhiều hộ dân trong xã có điều kiện để cải thiện khó khăn trong cuộc sống.

Về sau, do sức khỏe ông Minh không được tốt cộng với căn bệnh thoái hóa cột sống của bà Vân bắt đầu phát những cơn đau dai dẳng, hai vợ chồng nghỉ trồng chuối sau hơn 10 năm gắn bó. Có nhà ở ngay cạnh Trường Tiểu học xã Tân Long và Trường Mầm non xã Tân Long, ông bà chuyển hướng sang bán hàng tạp hóa, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm và đồ ăn sáng cho học sinh. Cùng với đó, hai vợ chồng còn nhận nấu cơm trưa cho khoảng 40-50 học sinh ở xa học bán trú.

“Học sinh ở đây đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn nên việc buôn bán chủ yếu lấy công làm lãi. Nhưng cũng nhờ vậy mà chúng tôi nuôi con cái ăn học nên người”, bà Vân góp chuyện. Có tấm lòng rộng lượng nên trong việc buôn bán, ông bà cũng thường xuyên “vừa bán vừa cho” đối với những em học sinh có hoàn cảnh nghèo khó, học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số.

“Tặng mấy đứa nhỏ khi cây bút, quyển vở, món đồ chơi, khi tấm bánh… Những món quà nhỏ thôi, nhưng mang đến niềm vui cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Được làm những việc như vậy, vợ chồng tôi cũng cảm thấy có thêm niềm vui”, nhìn vào ngôi trường vắng khi học sinh vẫn đang nghỉ hè, ông Minh nói. Khi căn bệnh thoái hóa cột sống của bà Vân trở nên nặng hơn, cách đây vài năm, ông bà đã nhường lại việc bán đồ ăn sáng cho người hàng xóm là con liệt sĩ, giúp người này có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Vun đắp gia đình êm ấm

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, phía trước làm nơi bán hàng tạp hóa cạnh Trường Tiểu học Tân Long và Trường Mầm non Tân Long, vợ chồng cựu chiến binh Ngô Văn Minh - bà Đỗ Thị Vân niềm nở như đã quen từ trước. Với sự hiếu khách và cởi mở, ông bà vui vẻ chia sẻ về cuộc sống của gia đình mình.

Ông Minh cho biết, vào tháng 3/1987, khi vừa học xong lớp 10 thì cũng là lúc ông lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông được biên chế vào Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 - đây cũng là đơn vị chủ lực tham gia trong sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972. Sau một thời gian huấn luyện, tháng 6/1987, Trung đoàn 48 được Bộ Quốc phòng điều lên thực hiện nhiệm vụ phòng ngự, giữ điểm cao 1100 vừa được quân ta giành lại từ quân xâm lược Trung Quốc - thay cho đơn vị trấn giữ mặt trận MB84 đã hoàn thành nhiệm vụ.

“Lúc này, nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là phòng ngự nên cũng ít thương vong. Tuy vậy, mìn của quân Trung Quốc vẫn còn sót rất nhiều tại khu vực điểm cao chốt giữ”, ông Minh nhớ lại. Trong một lần tham gia đào hầm lấn chốt vào tháng 12/1987, sau tiếng nổ chát chúa của quả mìn vỏ nhựa K58, ông Minh gục xuống. “Tôi bị thương nặng ở vùng đầu, 2 mắt, tay, chân, được đưa về điều trị và an dưỡng tại đơn vị đóng ở Thanh Hóa. Tỉ lệ thương tật của tôi được xác định là 85%, xếp hạng thương binh 1/4”, ông Minh kể.

Ông Minh cho hay, hồi đầu bị thương, một phần gương mặt của ông xám xịt vì những mảnh kim loại của mìn vẫn còn găm lại trong đầu. Tay chân cũng bị nhiều vết sẹo thâm do mảnh mìn găm vào. Trong thời gian điều trị và dưỡng thương ở Thanh Hóa, cô gái trẻ xinh đẹp là bà Vân lúc ấy lặn lội ra thăm và chăm sóc ông rất tận tình, khiến nhiều người cùng điều trị xung quanh rất ngạc nhiên.

Công việc bán hàng cho các em học sinh mang lại niềm vui trong cuộc sống đời thường của cựu chiến binh Ngô Văn Minh - Ảnh: Đ.V
Công việc bán hàng cho các em học sinh mang lại niềm vui trong cuộc sống đời thường của cựu chiến binh Ngô Văn Minh - Ảnh: Đ.V

“Sau đó họ biết Vân là người yêu tôi ở quê ra, hay tin tôi bị thương nặng ra chăm sóc thì họ rất mến phục. Thật sự, tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc khi có bà nhà “đồng cam cộng khổ” trong những lúc khó khăn nhất cho đến tận bây giờ”, trìu mến nhìn người vợ hiền, ông Minh rạng rỡ chia sẻ. Tháng 11/1989, ông cùng các đồng đội khác được đơn vị đồng loạt giải quyết chế độ ra quân. Ông xuất ngũ trở về quê hương một thời gian thì nên duyên với bà Vân…

Tình yêu đẹp đã giúp ông bà vượt qua sóng gió và những khó khăn trong cuộc sống, từ đó vun đắp gia đình hạnh phúc. Vốn là một người thương yêu vợ con hết mực, lại nấu ăn ngon, nên lâu nay việc bếp núc được ông Minh đảm nhiệm. Ông chia sẻ: “Mình giờ ngồi nhà bán hàng quán, việc cũng không quá bận rộn nên giúp được gì việc nhà cho bà ấy bớt vất vả thì cố gắng thôi”.  Với sự quyết tâm, nỗ lực chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn, đến nay cả 3 người con của ông bà đã trưởng thành, có công việc ổn định. Trong đó người con gái sau khi du học Nhật Bản về hiện đang làm phiên dịch cho một nhà hàng Nhật ở Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, một con trai hiện đang làm việc ở Đồng Nai…

Sống bình dị, gương mẫu và xây đắp gia đình hòa thuận, êm ấm, giờ đây cuộc sống của ông bà đã có thể thảnh thơi. Gia đình ông bà cũng được công nhận gia văn hóa tiêu biểu của huyện. Cựu chiến binh Ngô Văn Minh là một trong 2 đại biểu thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị vinh dự được cử đi tham dự kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc được tổ chức ở Hà Nội năm 2019. “Đợt đó vào thời điểm COVID-19 diễn ra phức tạp nên dự định đi thăm chiến trường xưa ở Vị Xuyên không thành. Điều tôi ước ao nhất là sớm được một lần trở lại nơi tuổi thanh xuân mình từng cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu…”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cựu chiến binh xã Hải Thái thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước

Hoài Diễm Chi |

5 năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hải Thái (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước với nhiều cách làm hay, mới mẻ, sáng tạo và mang lại hiệu quả cao, qua đó, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Cựu thanh niên xung phong “trẻ xông pha, già mẫu mực”

Trúc Phương |

Từng tham gia thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hãn và cũng là cựu chiến binh (CCB) từng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, khi trở về cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Văn Hóa (sinh năm 1961), hiện đang sống tại thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vẫn tiếp tục cống hiến, không chỉ tham gia phát triển kinh tế mà còn thường xuyên giúp đỡ mọi người, trở thành tấm gương sáng trong các phong trào thi đua ở địa phương.

Hai cựu binh một lối về Quảng Trị

Đào Tâm Thanh |

Quảng Trị, mảnh đất thân thương, hiền lành, giản dị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nơi hội tụ của những người con khắp mọi miền Tổ quốc cùng về đây đánh giặc và nhận là quê hương thứ hai của mình. Ngày đất nước ca khúc khải hoàn, họ lại trở về đây tri ân đồng đội, đồng chí mình. Xin được ghi lại câu chuyện về hai cựu chiến binh, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính và Lê Bá Dương, hai người luôn có chung tâm trạng trĩu nặng như câu thơ của một người bạn văn đã viết: “Không biết tôi yêu Quảng Trị từ khi nào/ và đến bao giờ thì hết yêu…”.

Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình đa cây, đa con

Thanh Lê |

Những năm qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức chủ động vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng của nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB). Từ phong trào này, ông Đặng Bá Trá, thôn Thiện Đông, xã Hải Định, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã lựa chọn được mô hình phù hợp ở vùng thấp trũng để phát triển sản xuất, trở thành tấm gương CCB làm kinh tế tiêu biểu ở địa phương.