Xuất thân trong một gia đình làm nông, từng trải qua nhiều khó khăn mới có cuộc sống khá giả như ngày hôm nay nên chị Phạm Thị Loan ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) luôn đồng cảm với những hoàn cảnh còn thiếu may mắn, nhất là người dân vùng dân tộc thiểu số. Vì lẽ đó, chị luôn trăn trở tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhiều năm về trước, chị Loan làm nghề thu mua nông sản nhỏ lẻ nên khá vất vả. Hằng ngày chị phải dậy thật sớm, chạy xe máy hàng chục cây số vào tận các bản làng để xem người dân nơi đây có những sản phẩm gì tươi ngon thì mua lại, chất đầy xe máy và chở ra chợ Tân Liên hoặc chợ Khe Sanh nhập cho các đầu mối. Mỗi lần về vùng khó thu mua hàng hóa, chị thường xuyên tiếp xúc và hiểu được cuộc sống vô cùng khó khăn của người dân nơi đây. Dù kinh tế của gia đình mình lúc đó còn ở mức trung bình nhưng chị thường trích thu nhập để mua bánh kẹo cho trẻ nhỏ và lương thực, thực phẩm hỗ trợ những hộ dân đặc biệt khó khăn. Hơn 5 năm nay, chị vừa thu mua nông sản vừa trồng hoa lan thương phẩm, kinh tế của gia đình khấm khá hơn nên chị quyết định tìm cách để cùng sát cánh, giúp đỡ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.Riêng trong năm 2020, COVID – 19 diễn biến phức tạp và lụt bão kéo dài gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chị Loan gác lại công việc kinh doanh của gia đình để trực tiếp đi đến tận nơi, thăm hỏi động viên cũng như nắm bắt những khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ cụ thể của từng thôn, xã. Bằng uy tín của mình trong kinh doanh, chị kết nối, vận động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong giới kinh doanh hoa lan khắp cả nước để xây dựng quỹ hỗ trợ người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, chị vận động Hội yêu hoa lan huyện Hướng Hóa chung tay xây dựng quỹ bằng cách tặng giống hoa lan quý, tổ chức các sàn đấu giá hoa lan quý. Kết quả, chị đã vận động được nguồn kinh phí trên 1,5 tỉ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống COVID-19 tại Hướng Hóa, trọng tâm là hướng đến vùng dân tộc thiểu số.
Khi dịch bệnh tạm lắng xuống thì thiên tai lại diễn ra khốc liệt, huyện Hướng Hóa thiệt hại hết sức nặng nề. Chị Loan lại tiếp tục cuộc hành trình thiện nguyện đến với người dân vùng lụt bão. Để có kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, chị cùng hội yêu lan địa phương đứng ra kêu gọi, vận động được trên 2 tỉ đồng. Ngôi nhà của chị trở thành nơi tập kết hàng hóa, mỗi tối các thành viên trong gia đình chị và hội viên Hội yêu hoa lan huyện Hướng Hóa phân loại, đóng gói cẩn thận để trao cho người dân ở các bản làng. Xe ô tô gia đình chị cũng được sử dụng phục vụ cho những chuyến đi trao tặng quà ở vùng khó. Không quản ngại khó khăn và nguy hiểm, chị đến tận các bản làng xa, đường sá cách trở để hỗ trợ cho người dân nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, mì ăn liền, nước uống, áo quần. Nhà nào bị tốc mái, hư hại thì chị hỗ trợ tiền làm mới và sửa chữa, hộ nào có người tử vong thì hỗ trợ mai táng, hộ nào bị thiệt hại ruộng vườn thì hỗ trợ con giống… Không chỉ hỗ trợ tại địa bàn huyện, chị Loan còn kết nối chia sẻ khó khăn với các vùng thiệt hại khác ở huyện Đakrông, Vĩnh Linh. Ông Hồ Văn Tiến ở bản Cuôi, xã Hướng Lập cho biết: “Đợt mưa bão vừa qua đã làm nhà của tôi bị hư hỏng nặng. Chị Loan đã đứng ra vận động được trên 100 triệu đồng hỗ trợ gia đình tôi làm nhà mới. Tôi rất vui mừng, cảm ơn chị Loan và các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã giúp đỡ chúng tôi có nơi ở an toàn kịp thời trong mùa mưa bão”.
Bất cứ việc gì giúp được người dân vùng khó chị Loan luôn cố gắng thực hiện cho bằng được. Chị Loan cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu học hỏi cách dùng điện thoại quay video để xây dựng các clip phản ánh về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, sau đó đăng tải lên kênh Youtube để mọi người khắp nơi được biết đến cuộc sống thường ngày cũng như văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua kênh này, tôi sẽ kêu gọi xây dựng quỹ giúp đỡ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, với tâm nguyện sẽ xây dựng và duy trì được nguồn quỹ thiện nguyện lâu dài, tôi tiếp tục phối hợp với anh chị em trong Hội yêu hoa lan huyện Hướng Hóa tìm các phương án gây dựng quỹ nhiều hơn, có hướng hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc thiểu số phù hợp và hiệu quả”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)