Hơn chục năm về trước, mỗi khi đến mùa vụ, nông dân tại các miền quê trên địa bàn tỉnh tập trung sức người để gặt, tuốt lúa. Việc sản xuất nông nghiệp thủ công vừa tốn kém chi phí, thời gian nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn mua sắm máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất. Nghề gặt lúa thuê cũng ra đời và phát triển từ đó đến nay.
“Lợi đơn lợi kép”
Một buổi sáng trung tuần tháng 5, trên khoảnh ruộng của ông Trần Ngọc Ánh ở Thôn 6, xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) lao xao tiếng nói cười, nhưng không át được tiếng máy nổ gầm vang phát ra từ chiếc máy gặt đập liên hợp đang hì hụi tiến lùi để gặt những cây lúa trĩu hạt vàng ươm. Với diện tích ruộng gần 4.000 m2 , ông Ánh trồng các giống lúa Khang Dân, Thiên Ưu... Năm nay, thời tiết thất thường nên năng suất đạt thấp. “Trước đây, nhà tôi cũng như nhiều hộ khác trong vùng, mỗi khi đến mùa vụ phải gặt và tuốt lúa bằng sức người. Nhà nào neo người thì phải đi nhờ, thuê người về gặt. Có khi tìm không ra người phụ giúp. Nay, chúng tôi chỉ cần gọi điện thoại là có người đưa máy gặt tới tận ruộng. Gặt xong có xe chở lúa về tận sân nhà. Khỏe hơn trước rất nhiều”, ông Ánh vui vẻ nói.
Không chỉ gia đình ông Ánh mà nhiều hộ dân ở Thôn 6 đều thuê máy gặt đập liên hợp về gặt. Đây là năm thứ 2, người dân Thôn 6 giải phóng sức lao động cho mình. Chủ chiếc máy gặt được người dân nơi đây thuê là anh Võ Đình Phú (sinh năm 1981) ở thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Ngót một buổi sáng làm việc quần quật, anh Phú mới có thời gian rảnh để trò chuyện với tôi.
“Tôi bắt đầu làm nghề gặt lúa thuê từ năm 2012. Ban đầu, tôi mua một máy để phục vụ bà con. Sau đó, trước nhu cầu tăng cao của người dân, tôi mua thêm 2 máy nữa. Mỗi máy trị giá khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, sau này không tìm ra nhân công làm cùng nên tôi bán bớt 2 máy, chỉ giữ lại 1 máy để hành nghề”, anh Phú mở đầu câu chuyện với tôi.
Trước đây, anh Phú từng đi xuất khẩu lao động 5 năm tại Hàn Quốc. Tháng 2/2012, anh trở về quê. “Lúc đó, trong tay anh đã có vài trăm triệu đồng. Tại sao anh không đầu tư vào lĩnh vực khác mà lại quyết định mua máy gặt đập liên hợp để mưu sinh?”, tôi hỏi. Anh Phú cười rồi nói: “Trước đó, tôi cùng người anh rể từng hùn vốn để mua một máy tuốt lúa phục vụ người dân trong thôn. Sau này đi làm xa, tôi để lại chiếc máy tuốt lúa cho anh sử dụng. Trở về quê, tôi trăn trở khá nhiều để tìm một nghề nghiệp phù hợp có thể nuôi sống gia đình, vợ con. Nhận thấy máy gặt trong vùng có rất ít, nhưng nhu cầu của thị trường lại cao nên tôi quyết định mua máy gặt đập liên hợp để hành nghề và bám trụ tới giờ”.
Thôn Lâm Xuân có khoảng 250 ha lúa. Nhằm giải phóng sức người, nâng cao hiệu quả, năng suất trong sản xuất, nhiều người đã mua sắm máy gặt đập liên hợp. Theo lãnh đạo xã Gio Mai, toàn xã hiện có 6 máy gặt đập liên hợp. Riêng thôn Lâm Xuân có 5 máy. Anh Phú là 1 trong 2 người có máy gặt đầu tiên trong xã.
Khi tôi ngỏ ý theo đoàn gặt lúa để “mục sở thị” một ngày làm việc của “đội quân” gặt lúa thuê, ông Mai Văn Phong (sinh năm 1975) ở thôn An Mỹ, xã Gio Mỹ - chủ một máy gặt đập liên hợp liền đồng ý. Ông Phong là người đầu tiên trong thôn sắm máy gặt từ năm 2013. “Ngày 14/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo quyết định này, tôi được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba. Có vốn trong tay, tôi mua máy gặt đập liên hợp hiệu Kubota. Sau khi mua máy, tôi được đào tạo 1 tuần về kỹ năng điều khiển máy”, ông Phong kể.
Nguyên do khiến ông Phong mua máy gặt đập liên hợp là bởi gia đình ông có 11 ha lúa, mỗi năm canh tác 2 vụ. Trung bình mỗi vụ, ông thu hoạch được 50 tấn lúa, sau khi trừ các chi phí, thu lãi ròng khoảng 165 triệu đồng. Gặt xong ruộng nhà, nhiều người liên hệ thuê ông đến gặt. Nghề gặt lúa thuê theo ông từ đó đến nay.
Theo ông Phong, việc gặt lúa thủ công tốn rất nhiều công sức vì phải gập lưng để gặt trong thời gian dài. Gặt xong phải gánh những bó lúa nặng trĩu từ ruộng về nhà nên nhiều người mắc bệnh về xương khớp. Nay, khi máy móc cơ giới được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, sức người được giải phóng đáng kể. “Lúc trước, thu hoạch thủ công bằng sức người thì trung bình 1 ha lúa mất 3-4 ngày để gặt và tuốt. Nay, gặt máy chỉ mất 2 giờ đồng hồ là hoàn tất. Lúa gặt xong được đóng bao ngay tại ruộng và có xe vận chuyển về nhà để phơi nên rất thuận tiện. Tính về chi phí, nếu gặt lúa bằng tay thì 1 ha ruộng mất 7-8 triệu đồng thuê nhân công; trong khi đó, thuê máy gặt chỉ tốn khoảng 3 triệu đồng. Từ khi có máy gặt đập liên hợp, năng suất, hiệu quả trong sản xuất tăng lên gấp 10 lần”, ông Phong tính toán.
Vất vả nhưng vui
Không chỉ gặt lúa cho người dân trong tỉnh, anh Phú và ông Phong còn “đánh máy” đi gặt tại các tỉnh phía Bắc như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang... Những chuyến đi xa như vậy kéo dài cả tháng trời. Vì vậy, những người “thợ gặt” này thường ăn ngủ tại nhà chủ ruộng. “Mỗi chuyến đi xa, tôi phải thuê xe vận chuyển máy đến nơi gặt. Mình tự lo mọi chi phí ăn uống, nhiên liệu. Nếu máy hư thì phải bỏ tiền túi mua phụ tùng sửa chữa, thay thế. Vì vậy, tiền lãi thu được không đáng là bao. Có chuyến bị lỗ vì gặp thời tiết xấu, máy không hoạt động được trong khi chi phí ăn uống cho nhân công vẫn phải chi đều”, anh Phú kể.
Đối với người từng trải trong nghề như anh Phú, những khó khăn, vất vả trong nghề đã thành chuyện thường. Có nhiều hôm đi gặt đồng xa, máy bị hư hỏng. Anh cùng nhân công mang theo chăn gối ngủ lại giữa đồng để trông coi máy, đợi đến khi sửa xong. Những lúc cao điểm mùa gặt, nhiều gia đình hối thúc vì lúa chính đồng loạt, anh Phú phải gặt xuyên đêm cho kịp tiến độ. Có lần, anh gặt liên tục 3 ngày 3 đêm.
Những năm 2013 - 2014, người dân trên cả nước đẩy mạnh thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn và cơ giới hóa sản xuất nên nhu cầu gặt lúa bằng máy của người dân trong và ngoài tỉnh tăng mạnh. Vì vậy, nhiều nông dân đã đầu tư máy gặt đập liên hợp và hoạt động quanh năm. Để vận hành một máy gặt cần phải có 3 người, 1 người lái và 2 người đóng bao. Trung bình mỗi ngày, một máy gặt được khoảng 4 ha nếu làm xuyên đêm.
“Mặc dù nghề này vất vả, thu nhập không cao nhưng với tôi đó là niềm vui, niềm đam mê khó bỏ. Điều động viên tôi tiếp tục gắn bó, hành nghề chính là sự tin tưởng của nhiều người dành cho mình. Mỗi khi đến mùa vụ, rất nhiều người gọi điện thoại nhờ gặt. Mình là nông dân nên hiểu, từ chối không đặng. Mỗi khi gặt xong, nhìn nụ cười trên những khuôn mặt khắc khổ, sạm đen, tôi lại thấy vui trong lòng”, anh Phú tâm sự.
Nghề gặt lúa chỉ mong sao cho thời tiết thuận lợi. Một trong những nỗi ám ảnh đối với cánh “thợ gặt” là gặp thời tiết mưa gió kéo dài và những vùng ruộng sình lầy. Có những nơi ruộng quá sình lầy nên chủ ruộng phải gặt tay.
“Khó khăn nhất hiện nay là nguồn nhân công. Mặc dù tôi trả tiền công 500 nghìn đồng/người/ngày và hỗ trợ thêm tiền cơm ngày 2 bữa nhưng vẫn tìm không ra người. Phần vì những người trẻ có sức khỏe đều đi học, đi làm ăn xa. Những người ở lại trong thôn thì chỉ muốn làm nghề khác, vì nghề gặt rất vất vả”, ông Phú chia sẻ. Khó khăn là vậy, song ông vẫn bền bỉ theo nghề bởi xuất thân từ nghề nông nên không muốn xa ruộng đồng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)