Nghị lực của đôi vợ chồng khuyết tật

Trúc Phương |

Tuy không có cơ hội nhìn thấy ánh sáng như bao người nhưng vợ chồng ông Lê Cao Bằng, hiện sống tại Khu phố 1, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) vẫn luôn kề vai sát cánh vươn lên từng ngày. Không còn đôi mắt nhưng họ vẫn còn trái tim luôn biết yêu thương và sẻ chia, đặc biệt là nghị lực vượt qua mọi khó khăn, khẳng định bản thân “tàn nhưng không phế”, quyết không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.


Ông Bằng (sinh năm 1957) không may bị tai nạn bom mìn trong quá trình lao động, dẫn đến tàn tật và mù vĩnh viễn khi mới 18 tuổi. Ngoài chịu đựng nỗi đau về thể xác, người thanh niên ấy đã phải mất nhiều năm trời để làm quen với một thế giới chỉ toàn màu đen. Mọi sinh hoạt thường ngày dù đơn giản nhất đều phải có người khác giúp đỡ. Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông Bằng không giấu nổi sự buồn bã: “Vụ tai nạn là một cú sốc quá lớn đối với tôi. Đau đớn nhất chính là thế giới vốn đa màu sắc và rất nhiều hoài bão của tuổi 18 bỗng chốc tan biến, mỗi ngày trôi qua trong bóng tối mênh mông vô định. Quen và chấp nhận cuộc sống không ánh sáng thực sự không dễ dàng gì”.
Nhờ chăn nuôi, trồng trọt mà gia đình ông Bằng dần thoát nghèo - Ảnh: T.P
Nhờ chăn nuôi, trồng trọt mà gia đình ông Bằng dần thoát nghèo - Ảnh: T.P

Ông kể, suốt nhiều năm liền ông vừa tập quen với cuộc sống mù lòa vừa tìm cách để tự nuôi sống bản thân, từ bán kem dạo cho đến câu cá, mò cua bắt ốc, việc gì có thể làm được là ông làm vì không muốn cứ ngồi một chỗ trở thành gánh nặng cho gia đình mãi được. “Mình mù lòa nên cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, nhưng ít nhất tôi thấy vui vì còn làm được việc có ích”, ông Bằng tâm sự. Năm 1997, ông Bằng cùng một số người khiếm thị khác trên địa bàn bắt đầu tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù huyện Vĩnh Linh. Tại đây, họ không chỉ được học chữ nổi; được đào tạo, dạy các nghề thủ công như làm hương, làm tăm, chổi, xoa bóp…; hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế mà còn được sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Sống giữa những người cùng cảnh ngộ, ông Bằng dần mở lòng mình, chia sẻ nhiều hơn về hoàn cảnh, nỗi niềm của bản thân. Cũng nhờ thế mà ông Bằng có cơ hội quen biết chị Lê Thị Hòa (sinh năm 1977), vợ ông sau này. Được biết, do di chứng của chất độc da cam/dioxin nên ngay từ bé, mắt của chị Hòa đã bị mờ nặng. Sự thấu hiểu, đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ khiến chị Hòa và ông Bằng dần nảy sinh tình cảm, để rồi đến năm 2010, hai người chính thức thành vợ chồng, về sống chung một nhà, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

Được mọi người động viên, ngay từ năm 2002, ông Bằng đã vay 2 triệu đồng từ nguồn vốn của Hội Người mù huyện Vĩnh Linh mua 3 con lợn về nuôi. Nhưng việc chăn nuôi vốn không dễ, nhất là với những người khiếm thị như ông. Trải qua vài lần thất bại, ông Bằng không những không nản lòng mà còn rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân, ngày càng làm tốt hơn trước. Số tiền có được sau khi bán lợn, ông hoàn trả tiền vốn cho hội và dành dụm sửa sang lại chuồng trại, đầu tư thêm lứa lợn mới, dần mở rộng việc chăn nuôi của mình. Trong mảnh vườn rộng hơn 2 sào, ngoài nuôi lợn, ông Bằng còn nuôi cá trê, cá rô phi; trồng nhiều cây ăn quả, rau, củ các loại. Đến mùa thu hoạch, người dân trong xóm sẽ giúp ông đưa ra chợ bán.

Ông Bằng tâm sự: “Phát triển chăn nuôi, trồng trọt với người sáng mắt đã khó, với chúng tôi lại khó hơn gấp bội. Nhưng không sao cả, việc làm một buổi không xong thì mình làm cả ngày, lo gì!”. Hôm chúng tôi đến thăm, chị Hòa phấn khởi cho biết: “Vợ chồng tôi mới bán 5 con lợn được 20 triệu đồng. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục đầu tư thêm vào chuồng trại và con giống”. Được biết, ngoài thời gian ở nhà giúp chồng chăn nuôi, trồng trọt, chị Hòa còn tranh thủ đến cơ sở sản xuất tập trung của Hội Người mù huyện Vĩnh Linh để kiếm thêm thu nhập. Mỗi tháng, chị có thêm nguồn thu nhập khoảng 1,5 - 2 triệu đồng từ công việc làm tăm, hương. Trung bình mỗi năm, thu nhập của gia đình ông Bằng đạt từ 50 - 70 triệu đồng, chịu khó tằn tiện cũng đủ sống, quan trọng là không phải làm phiền đến mọi người. Nhờ nỗ lực, chịu khó làm ăn, gia đình ông hiện đã vươn lên thoát nghèo. Không chỉ là một người vợ hiền, luôn kề vai sát cánh cùng chồng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, chị Hòa còn là một vận động viên điền kinh xuất sắc, liên tục đoạt huy chương trong các giải đấu thể thao dành cho người khuyết tật, đồng thời là một tổ trưởng tổ sản xuất được mọi người yêu mến.

Dù cuộc sống của một người khiếm thị gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng vợ chồng ông Bằng - chị Hòa nói riêng và nhiều hội viên khác vẫn đang nỗ lực từng ngày để vượt qua nghịch cảnh với một niềm lạc quan đáng khâm phục. Họ chính là minh chứng sinh động cho tinh thần “tàn nhưng không phế”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị: Xây dựng “Mái ấm Công đoàn” cho người lao động bị khuyết tật

Hưng Thơ |

Từ sự hỗ trợ của LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, LĐLĐ huyện Vĩnh Linh và LĐLĐ huyện Đakrông đã khởi công xây dựng nhà ở “Mái ấm Công đoàn” cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Nghị lực vươn lên của một thanh niên khuyết tật

Anh Vũ |

Không được may mắn như những thanh niên cùng trang lứa, đó là bị mất đi cánh tay trong một vụ tai nạn lao động nhưng anh Phạm Hữu Quang, sinh năm 1983, ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) không chịu khuất phục trước số phận, không để bản thân mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội mà vẫn quyết tâm nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.Với anh, cánh làm giàu không phải từ đôi tay mà từ ý chí, nghị lực và khối óc.

Trao trên 1.000 suất quà tết cho người khuyết tật, nạn nhân da cam và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Thanh Lê |

Nhân dịp tết Nguyên đán Tân Sửu, hôm nay 30/1/2021, Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam (NKT, NNDC), bảo trợ NKT và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ trao quà tết cho NKT, NNDC và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Người phụ nữ khuyết tật tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo

Thu Hạ |

Không muốn là gánh nặng cho xã hội, cũng không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với ý chí, sự quyết tâm, lòng tự trọng, bà Trần Thị Lục (64 tuổi), ở Khu phố 2, Phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vẫn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Càng đáng trân trọng và cảm phục hơn khi bản thân bà Lục là người khuyết tật, sống neo đơn một mình không người nương tựa.