Nghị lực của người phụ nữ khuyết tật

Trúc Phương |

Trở thành người khuyết tật, đi lại khó khăn sau một vụ tai nạn lao động, thế nhưng chị Hoàng Thị Hoa (sinh năm 1969), ở thôn Hải Chữ, xã Trung Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) vẫn luôn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để vươn lên. 

Nhiều năm qua, tận dụng diện tích mặt nước của con sông Cánh Hòm, đoạn chảy qua địa phận xã Trung Hải, chị đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá lồng. Mô hình này không chỉ góp phần ổn định thu nhập của gia đình mà giúp chị đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi “Đề xuất ý tưởng dự án khởi nghiệp năm 2022” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức.

Chúng tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi lồng cá của chị Hoa vào những ngày đầu xuân. Thời điểm này, chị đang bận rộn thu hoạch toàn bộ số cá còn lại trong lồng để chuẩn bị thả lứa cá mới.

Thấy chúng tôi, chị vui vẻ nói: “Hôm qua biết tin tôi vớt cá, nhiều người điện đặt hàng nên tôi tranh thủ làm để bán cho người ta. Dọn sạch lồng cá này, tôi dự tính sẽ thả thêm khoảng vài trăm con giống nữa”. Mấy năm nay, nhờ nuôi cá lồng, cuộc sống của mẹ con chị Hoa đã ổn định hơn rất nhiều.

Chị Hoa từng có quá khứ đầy nước mắt bởi khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người thì bị tai nạn lao động, đôi chân chị bị khuyết tật. Không lâu sau, chồng mất, để lại chị cùng hai cô con gái nhỏ, khó khăn vì thế cứ chồng chất.

Chị buộc phải “gồng” mình làm việc để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học. Trước đây ngoài làm ruộng, chị Hoa chủ yếu thả lừ, đánh bắt tôm, cá trên sông.
Chị Hoa thu hoạch cá cho kịp đơn đặt hàng của khách - Ảnh: T.P
Chị Hoa thu hoạch cá cho kịp đơn đặt hàng của khách - Ảnh: T.P
Tuy nhiên, công việc này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dòng chảy của nước nên thu nhập rất bấp bênh. Có hôm chỉ bắt được vài ba con tép; cũng có hôm bán được tận vài trăm nghìn đồng tiền cá, tôm. Đặc biệt, từ những lần “trúng mánh” đó, chị nhận thấy lượng cá, tôm nhỏ dư ra sẽ là nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng trong chăn nuôi.

Thế là tận dụng diện tích mặt nước của con sông Cánh Hòm, đoạn chảy qua địa phận xã Trung Hải, chị tự mày mò, học hỏi cách nuôi cá lồng. Ban đầu, do không có vốn nên chị Hoa làm lồng nhỏ với kích thước 1,5 m x 2 m để nuôi 200 con cá trê.

Nói về lý do chọn giống cá này, chị cho biết: “Cá trê rất dễ chăm sóc, lại không đòi hỏi vốn quá nhiều. Thức ăn cho cá có sẵn trong tự nhiên như rau, cỏ và số cá, tôm nhỏ kiếm được từ công việc thả lừ mỗi ngày nên tôi cũng đỡ vất vả”.

Chỉ sau 3 tháng nuôi thử nghiệm, đàn cá của chị Hoa phát triển rất nhanh. Nhờ nuôi cá theo phương pháp an toàn nên chất lượng thịt cá ngọt, săn chắc, được thị trường đón nhận.

Từ thành công trong lứa cá thử nghiệm, chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh của hội phụ nữ, làm 2 lồng cá với kích thước 3,5 m x 4,5 m, nuôi 1.200 con. Khoảng từ 3 - 4 tháng, cá sẽ được xuất bán một lần. “Nuôi cá lồng có nhiều thuận lợi, đặc biệt là với những người khuyết tật như tôi. Lúc thả cá cỡ 2-3 con/kg, sau khi xuất bán, nhiều con đạt trọng lượng từ 1 - 2,5 kg.

Nếu bảo đảm được nguồn nước sạch, chăm sóc đúng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế nuôi cá lồng trên sông mang lại gấp nhiều lần so với cách nuôi cá truyền thống”, chị Hoa nói. Chia sẻ thêm với chúng tôi, chị cho hay, từ mô hình của bản thân, chị đã nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình nuôi cá lồng cho người khuyết tật, giúp cho những người yếu thế có thu nhập ổn định hơn.

Nhờ đó mà ý tưởng của chị đã đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi “Đề xuất ý tưởng dự án khởi nghiệp năm 2022” do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Được biết, ngoài nuôi cá lồng, dù đi lại khó khăn nhưng chị vẫn duy trì công việc kéo rớ, thả lừ của mình và làm thêm 6 - 7 sào ruộng.

Tổng hợp các mô hình sản xuất, mỗi năm gia đình chị thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Nhờ đó, chị xây dựng được nhà cửa kiên cố, nuôi 2 cô con gái ăn học. “Nếu không có sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, đặc biệt là hội LHPN các cấp, mẹ con tôi sẽ không được như bây giờ”, chị Hoa cho hay.

Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Hải Nguyễn Thị Hường cho biết: “Chị em trong xã rất ngưỡng mộ nghị lực của chị Hoa, chị luôn biết vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống. Nhiều năm qua, dù đi lại khó khăn nhưng chị vẫn biết cách học hỏi để phát triển kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học. Đặc biệt, dù bận rộn với công việc, sức khỏe không tốt nhưng trong các hoạt động, phong trào do hội, địa phương tổ chức, chị luôn năng nổ, nhiệt tình tham gia”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống ở Gio Linh

Hoài Diễm Chi |

Những ngày đầu xuân Quý Mão 2023, nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức khắp nơi, tạo nên bức tranh đặc sắc, ấn tượng trên địa bàn huyện Gio Linh (Quảng Trị).

Gio Linh: 24 gian hàng tham gia Hội chợ Xuân Quý Mão 2023

Thanh Lê |

Ngày 11/1, UBND huyện Gio Linh (Quảng Trị) phối hợp với Hội LHPN huyện tổ chức Hội chợ Xuân Quý Mão 2023 và phát động phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Gio Linh thời đại mới.

295 người nghèo ở huyện Gio Linh nhận quà tết của Báo Quảng Trị - Tập đoàn Vingroup

Q.H |

Ngày 27/12, Báo Quảng Trị tổ chức trao tặng quà tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở các xã thuộc huyện Gio Linh gồm: Gio Mỹ, Gio Mai và Trung Hải.

Gio Linh: Ra mắt mô hình “Phụ nữ Phật giáo sống tốt đời, đẹp đạo”

Lệ Như |

Ngày 13/10, tại xã Gio Việt, Hội LHPN huyện Gio Linh (Quảng Trị) phối hợp với xã Gio Việt tổ chức ra mắt mô hình “Phụ nữ Phật giáo sống tốt đời, đẹp đạo” xã Gio Việt.