Trời mưa trời gió
Đem đó ra đơm...
Câu đồng dao ấy, tôi từng bắt chước bạn bè cùng xóm hát nghêu ngao mỗi chiều khi ngồi vắt vẻo, trên lưng con trâu đang bước những bước chậm rải về chuồng. Hoặc:
Tháng giêng tháng hai
Tháng ba tháng bốn
Tháng khốn tháng nạn...
Khi lớn khôn, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của những câu có vần có điệu nói lên cảnh nghèo khó của quê hương:
Trời mưa trời gió
Đem đó ra đơm
Chạy vô ăn cơm
Chạy ra mất đó
Đó ơi hỡi đó...
Bi đát làm sao, nhà còn mỗi cái đó, những mong kiếm được con cá sống qua ngày trong ngày mưa lụt; vừa quay lưng đi thì cái cần câu cơm ấy bi kẻ xấu lấy mất luôn. Cũng quẫn bách như cảnh nghèo toan tính chuyện chăn nuôi:
Tháng giêng tháng hai
Tháng ba tháng bốn
Tháng khôn tháng nạn
Đi vay đi dạm
Tạm một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diêm
Mua con gà ấp
Đẻ ra mười trứng
Một trứng ung
Hai trứng ung
Ba trứng ung
Bốn trứng ung
Năm trứng ung
Sáu trứng ung
Bảy trứng ung
Còn ba trứng
Nở được ba con
Con diều tha
Con quạ bắt
Con mặt cắt xơi...
Số đen đến thế là cùng.cữ giáp hạt vào tháng giêng, hạt gạo củ khoai đều cạn. Cả nhà trong mong vào mỗi con gà mang công mắc nợ, đợi đến ngày mùa, thế mà thời tiết đến chim chóc cùng xúm vào làm hại. Một chục trứng, nở mỗi ba con gà, chưa kịp lớn đã bị diều tha quạ bắt mặt cắt xơi, còn cảnh nào khốn khó hơn !
Ấy thế mà hai câu tiếp ngay sau đó, khá bất ngờ, nói lên rất rõ tính lạc quan:
Chớ tham phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nở bông.
Lạc quan đi liền dí dỏm. Người Quảng Trị gốc chẳng mấy ai chưa từng nghe đôi câu vè nói ngược:
Ve vẻ vè ve nghe vè nói ngược
Chim đẻ dưới nước
Cá đậu trên cây
Thằng chết dắt trâu đi cày
Thằng sống nằm ngay dưới lỗ...
Nói ngược vậy, để đi đến kì vọng:
Mấy đời cho cám ăn heo
Cho chuột ăn mèo, cỏ lá ăn trâu...
Cái ngày ước vọng ấy đã đến. Cách mạng đổi đời. Nghịch cảnh vẫn con và còn đó, những cảnh nghoè khổ đang giảmvà sẽ mất dần.
Sự dí dỏm nhiều khi đầy trí tuệ của người Quảng Trị không chỉ thể hiện tập trung ở các câu chuyện trạng Vĩnh hoàng nơi cả làng nói trạng; Mà hầu như huyện nào xã nào cũng có những người được tiếng ...nói trạng. Ngay cả khi ca ngợi sản vật địa phương, thoạt nghe tưởng là một sự kiện kế đơn giản, thực ra hàm chứa đầy ẩn dụ. Và rồi câu kết sẽ lại mở ra, thú vị:
Nem chợ Sãi
Vải La Vang
Khoai Quán Ngang
Dầu tràm Đại Nại...
Sau khi kể lể những những món đặc sản nỗi tiếng ngon, có lẽ không vật phẩm nơi nào sánh bằng:
....Khoai từ Trà bát
Cá bống Bích La
Gà tơ Trà Lộc
Môn động An Đôn
Tôm đồng Mai Lĩnh
Bánh ít Đạo Đầu
Trầu nguồn Khe gió
Cổ trung Đơn
Thơm Bồ Bản
Nghệ vàng An Lộng
Xôi thống Hải Thành...
Thứ đặc sản như vậy, song ai ở đâu đâu được thưởng thức, còn mình thì vẫn:
Bữa tối ăn khoai
Bữa mai ăn sáng
Đội nắng Đông Hà
Nghèo khổ mà vẫn lạc quan. Đến câu cuối lại tạo sự bất ngờ:
Đội nắng Đông Hà
Đàn bà Hội Yên.
Từ sản vật chuyển sang con người. đột ngột nhưng không dứt đoạn. Vẫn liền một mạch ngợi ca.
Phải là dân Quảng Trị, nhất là dân gốc Triệu Hải, mới rõ phụ nữ làng Hội Yên (chứ không phải phố cổ Hội An nổi tiếng xứ Quảng) xinh đẹp, quyến rũ như thế nào.
Mấy câu trích vui trên gợi tôi nhớ một kỉ niệm, một chuyến có thực. Xin được thuật lại để minh họa mấy câu phương ngữ (mà riêng tôi vẫn muốn gọi là đồng dao).
Đầu năm 1947, mặt trận chống Pháp ở Thừa Thiên và biên giới lào Việt vỡ. Kháng chiến lan rộng. Hồi ấy tôi đang phụ trách ban bình dân học vụ huyện Hải Lăng. Chúng tôi dời cơ quan lên vùng chiến khu Nà Tiên, Bợơc Lỡ... Được một thời gian ngắn thì có chủ trương cấp trên cho quay trở lại đồng bằng bám dân, hoạt động. Chúng tôi về dọc bờ biển Triệu Phong - Hải Lăng ven đường 68 vốn nỗi tiếng “con đường không vui” đối với quân đội viễn chinh Pháp. Tiếp tục triển khai công tác xoá mù chữ và bổ túc văn hoá trong thôn, xã.
Ban bình dân học vụ huyện gồm bảy tám anh chị em, chia nhau mỗi người một địa bàn. Trong ban có anh bạn cùng quê với tôi, xuất thân hương sư, nghèo kết nỗi tài hoa. Anh làm thơ khá hay, đặc biệt tiếng đàn thiết tha điệu nghệ vọng ra từ cây đàn nguyệt của anh làm mê mẩn bao nhiêu người ở quê cũng như cơ quan sơ tán.
Ban phân công anh về thôn Hội Yên. Cuối tuần, theo lịch công tác, mọi người tập trung về địa điểm để hội ý, bàn giao. Không thấy anh bạn đâu. Tuần đầu vắng mặt. Tuần thứ hai vãn vắng mặt. Lo lắng chúng tôi cử người sang thôn Hội Yên tìm hiểu. Anh bạn tôi cuối cùng trở về, không đi một mình mà dẫn theo một cô gái trẻ xinh, nồng nhiệt cực kì... Hội Yên! Anh bạn tài hoa của tôi không những đã triển khai tốt công tác mà còn thuyết phục được gia đình cô gái cho phép con đi “thoát ly” (tức là làm cán bộ chuyên trách, theo một cách ngày nay). Đó là điều rất quý, bỡi Hội Yên là thôn công giáo toàn tòng, thời gian đầu kháng chiến, ít gia đình cho con thoát ly, đi tham gia chiến đấu hoặc hoạt động xã hội.
Dĩ nhiên đôi nam nữ ấy thành gia thất.
Hai ông bà bạn tôi nay vẫn còn, đều đã qua tuổi xưa nay hiếm. Hơn nửa thế kỉ sống chung với nhau. Con cái đều trưởng thành. Ông vẫn làm thơ. Tờ báo địa phương thỉnh thoảng đăng thơ ông. Hai ông bà đang sống dưỡng già tại một thành phố ven biển trong Nam. Nơi đây quanh năm rực rỡ ánh nắng mặt trời. Song nắng đến đâu cũng chẳng đến mức lầm nổ tre nứa bôm bốp như nắng Đông Hà.
Vừa qua, nhân đi công tác, tôi có dịp ghé thăm đôi già. Tổi hỏi vui: Vẫn nhớ đặc sản quê đấy chứ? Ông cười: “Nhớ lắm. Làm sao quên được ăn cơm bữa diếp. Nhớ cả bữa ăn tối ăn khoai - bữa mai ăn sắn - đội nắng Đông Hà...”
Ông bạn già của tôi dừng lại, không đọc nốt câu cuối. Vì người đàn bà Hội Yên lúc ấy cũng đang có mặt, cùng chồng tiếp bạn đường xa. Tôi thoáng trông hình như bà tủm tỉm cười.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)