Người “săn” nước ngầm trong mùa hạn

Trần Tuyền |

Chỉ với 2 thanh kim loại hình chữ “L” và giàn máy khoan cũ, anh Trương Văn Hậu (sinh năm 1987) ở thôn Tân Sơn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã giúp nhiều gia đình tìm được nguồn nước ngầm dồi dào vốn khan hiếm trong mùa nắng hạn. Bà con làng xóm quanh vùng gọi anh là người “săn” mạch nước ngầm.


Săn mạch nước ngầm bằng đũa cảm xạ

Mặc dù mới giữa buổi sáng của một ngày đầu tháng Bảy nhưng nhiệt độ ngoài trời đã lên cao, từng tia nắng chói chang mang theo hơi nóng hầm hập trút thẳng xuống vùng gò đồi thôn Bến Hải, xã Trung Sơn. Nhà của ông Nguyễn Quang Trung (sinh năm 1961) nằm gần chân cầu Hói Cụ. Mấy chục năm nay, gia đình ông Trung dùng nguồn nước ít ỏi từ cái giếng đào cạn trên mặt đất để phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Những năm trước, nguồn nước vẫn đủ để cả gia đình dùng trong mùa hè nhưng năm nay trời hạn nặng, nước trong giếng cạn trơ đáy. Không còn cách nào khác, ông Trung hỏi tìm người khoan giếng để tìm mạch nước ngầm, mong có nguồn nước ổn định sử dụng. Nhiều người mách ông tìm đến gặp anh Trương Văn Hậu ở thôn Tân Sơn.
Nhờ siêng năng, cần cù nên anh Hậu được nhiều người tin tưởng, yêu mến - Ảnh: TRẦN TUYỀN​
Nhờ siêng năng, cần cù nên anh Hậu được nhiều người tin tưởng, yêu mến - Ảnh: TRẦN TUYỀN​

Dưới tán cây lộc vừng trong vườn nhà ông Trung, anh Hậu kiên trì gõ gõ, đục đục quanh giàn máy khoan. Chốc chốc, anh Hậu lại kiểm tra ống khoan, nước mồi. Tranh thủ lúc ngơi tay, anh Hậu kể về cơ duyên đến với nghề khoan giếng của mình.

Năm 2005, một người đàn ông tên Trương Văn Hùng ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh rủ anh Hậu đi phụ giúp khoan giếng cho người dân ở trong và ngoài tỉnh. “Ông Hùng là người lành nghề, có uy tín nên lượng khách tìm tới rất đông, việc làm không ngớt. Tôi đi theo ông Hùng vừa phụ việc, vừa học hỏi kinh nghiệm khoan giếng từ ông. Nghe ông Hùng kể thì ông học nghề dò tìm nguồn nước bằng đũa cảm xạ và khoan giếng ở bên Lào”, anh Hậu nói.

Tháng 6/2019, anh Hậu tách ra làm riêng. Với số tiền vay mượn được khoảng 10 triệu đồng, anh mua một giàn máy khoan cũ ở xã Gio Quang, sau đó trở về quê hành nghề. Mua được máy về, anh Hậu sửa chữa, tân trang lại rồi nhận hợp đồng khoan giếng cho gia đình đầu tiên ở cùng thôn. Trước khi tiến hành lắp ráp máy khoan giếng, anh Hậu phải dò tìm mạch nước ngầm ở sâu dưới nhiều tầng đất đá bằng đũa cảm xạ (2 thanh inox hình chữ “L”, mỗi thanh dài khoảng 20 cm). Theo anh Hậu thì đũa cảm xạ có chiều dài tuỳ thuộc vào từng người sử dụng. “Để tìm mạch nước ngầm, tôi sẽ cầm 2 thanh đũa cảm xạ song song trước mặt, cao ngang ngực rồi đi chậm rãi xung quanh. Nếu gặp mạch nước ngầm, 2 đầu đũa sẽ kéo lại gần rồi chập vào nhau. Lúc cầm, 2 tay tôi hoàn toàn thả lỏng. Khi nào có mạch nước ngầm thì sẽ xuất hiện dòng khí điện từ trường và 2 đầu đũa tự chập vào nhau thôi”, anh Hậu lý giải.

Khi đã tìm được vị trí có mạch nước ngầm, anh Hậu đánh dấu lại và đặt giàn máy khoan. Việc dò tìm bằng phương pháp thủ công này không biết chính xác được chiều sâu của nguồn nước mà chỉ biết rằng, phía dưới có mạch nước ngầm. Vì vậy, thời gian khoan được nguồn nước ngầm tuỳ thuộc vào độ sâu của mạch nước và kết cấu tầng địa chất của đất.

Giàn máy khoan của anh Hậu có 3 mô tơ, gồm 1 mô tơ tời, 1 mô tơ khoan và 1 mô tơ bơm nước mồi. Phần quan trọng của giàn khoan là ống khoan và mũi khoan được làm bằng thép có mạ kim cương để có thể xuyên thủng được lớp đá cứng dưới tầng đất sâu. Mỗi ống khoan dài 2 mét, các ống được nối khớp với nhau theo chiều dài của giếng và phía trên được gắn chặt vào mô tơ khoan. Khi hoạt động, mô tơ khoan sẽ tụt dần xuống theo mũi khoan cho đến khi khoan trúng mạch nước ngầm thì nước mồi trên mặt đất sẽ tụt xuống mạch nước. Đang mặn chuyện, bất giác anh Hậu bật dậy chạy ngay tới máy khoan. Sau một hồi tháo ống, gõ ống, anh Hậu lắc mạnh rồi đổ ra từ trong các ống vô số đá xanh. “Nhiều khi đá quá cứng nên kẹt cả ống. Tôi phải kiểm tra, theo dõi để lấy đá khỏi ống sau đó mới khoan tiếp được”, anh Hậu nói.

Mang nước sạch đến với người dân

Mỗi năm, anh Hậu khoan được khoảng 10 giếng, trung bình mỗi giếng khoan từ 5-6 ngày. Giếng lâu nhất mà anh Hậu khoan kéo dài hơn 1 tháng mới có nước. Tỉ lệ khoan giếng thành công trong mũi đầu tiên của anh Hậu khoảng 99%. Mỗi giếng khoan thành công, anh Hậu nhận 12 triệu đồng từ khách hàng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp lần khoan đầu tiên không có nước. Không vì thế mà anh Hậu bỏ cuộc. Anh nhẫn nại rút mũi khoan lên và di chuyển giàn khoan đến vị trí khác rồi tiếp tục công việc. “Tôi chỉ lấy tiền khi khoan trúng nguồn nước. Nếu khoan cho khách hàng mà không có nước thì tôi không lấy tiền”, anh Hậu khẳng định.

Anh Hậu chủ yếu nhận hợp đồng trong địa bàn huyện. Riêng tại xã Trung Sơn, anh đã khoan được 12 giếng. Tất cả đều thành công và mang lại nguồn nước ngầm trong vắt, dồi dào cho người dân. “Từ tháng 6/2019 đến nay, tôi đã khoan được 16 giếng. Chưa có nhà nào tôi nhận làm mà bỏ cuộc cả. Khoan không được mũi này thì tôi tiếp tục khoan mũi khác cho đến khi khoan trúng mạch nước ngầm thì thôi”, anh Hậu cho hay.
Giàn máy khoan của anh Hậu giúp nhiều gia đình tìm được nguồn nước sạch - Ảnh: TRẦN TUYỀN​
Giàn máy khoan của anh Hậu giúp nhiều gia đình tìm được nguồn nước sạch - Ảnh: TRẦN TUYỀN​

Nhà đầu tiên mà anh Hậu nhận khoan giếng là gia đình ông Bùi Ngọc Điện ở thôn Bến Hải. Với đặc thù ở vùng gò đồi, dưới tầng đất đỏ là lớp đá dày cứng nên phải mất 1 tháng 3 ngày anh Hậu mới khoan trúng mạch nước ngầm. Giếng nhà ông Điện sâu 42 mét với nguồn nước trong, luôn ổn định. “Trước đó nhà tôi cứ đến mùa hè là giếng nước khô cạn, không có nước sạch để sinh hoạt. Tôi đã thuê 4 đội thợ về khoan nhưng đều không có nước. Năm ngoái tôi liên hệ anh Hậu để khoan giếng. Sau hơn 1 tháng, anh Hậu đã mang nguồn nước sạch đến cho gia đình tôi. Đến nay giếng nước vẫn hoạt động rất tốt. Vì khoan xuyên qua tầng đá cứng xuống mạch nước ngầm nên nước rất trong, mát lạnh vào mùa hè, ấm vào mùa đông”, ông Điện nói.

Khó mà kể hết được niềm vui của các gia đình đã được anh Hậu khoan giếng thành công. Mỗi khi nhận khoan giếng cho khách hàng, anh Hậu luôn làm hết công suất, bắt đầu công việc từ tờ mờ sáng đến lúc mịt tối. Có hôm anh lọ mọ làm đến 9-10 giờ đêm mới nghỉ tay ăn cơm. Cũng nhờ uy tín, tính siêng năng, tâm huyết với nghề mà tiếng tăm của anh Hậu ngày càng lan xa. Nhiều khách hàng trong huyện tìm tới nhờ anh “săn” mạch nước ngầm cho gia đình họ.

Anh Hậu chia sẻ rằng: “Nghề khoan giếng mới thấy tưởng nhẹ nhàng, thong thả lắm nhưng nhiều hôm không kịp ăn, làm xuyên trưa để sớm xong việc cho khách. Ai cũng mong sớm có nước để dùng mà. Mỗi khi thấy khách hàng vui mừng khi có nước sạch là mình cũng thấy phấn khởi lắm”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nghĩa tình của cựu thanh niên xung phong

Tú Linh |

Những năm qua, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Mạnh Hùng (69 tuổi) ở Thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) luôn phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương, vươn lên trong lao động, sản xuất, trở thành điển hình của phong trào cựu TNXP làm kinh tế giỏi của tỉnh.

Ông Đoàn Ngọc Hải, mua đất, xây nhà 4 tầng làm nơi ở cho người vô gia cư

Đông Thịnh |

Sau nhiều tháng tìm kiếm, đến nay ông Đoàn Ngọc Hải đã tìm được nơi phù hợp để xây ngôi nhà 4 tầng làm nơi ở cho người vô gia cư.

Anh thợ xây 43 lần hiến máu tình nguyện

Hiếu Giang |

Bằng tấm lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ giọt máu hồng quý giá của mình để chữa trị cho người bệnh, 14 năm qua anh đã miệt mài tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện. Anh là Nguyễn Đức Hòa (36 tuổi) ở Khu phố 1, phường 3, thành phố Đông Hà (Quảng Trị).

Tỏa sáng từ niềm đam mê ca hát

Tây Long |

Trước khi kết quả cuộc thi “Giọng hát hay Studio” 2020 công bố, nhiều khán giả theo dõi chương trình đã dự đoán người chiến thắng là Hoàng Bảo Trân (sinh năm 1998), trú tại Khu phố 3, phường 5, thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Bằng giọng hát đầy nội lực, cách xử lý tinh tế, sự tự tin, Bảo Trân đã chinh phục cả ban giám khảo lẫn khán giả.