Người sống hết mình vì nghĩa tình đồng đội

Trần Tú Linh |

Nghỉ hưu từ năm 2003, nhưng trời phú cho ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị luôn có sức khỏe dồi dào để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Nhiều năm nay ông luôn miệt mài, tâm huyết với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, nổi bật là vận động quyên góp xây dựng lăng bia cho liệt sĩ; góp phần chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sĩ; chia sẻ khó khăn đối với các gia đình có công cách mạng ở Quảng Trị và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước...

Dựng lăng bia ghi danh liệt sĩ

May mắn được trở về lành lặn sau chiến tranh, nhưng những ký ức đau thương về đồng đội khiến ông Nguyễn Minh Kỳ không thể nào quên. Sâu đậm nhất trong ông là trận đánh của bộ đội địa phương Cam Lộ do ông chỉ huy phối hợp với Đại đội 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 27 diễn ra tại đồi Hồ Khê ở xã Cam Tuyền, Cam Lộ vào ngày 28/2/1969. Sau 8 giờ giao tranh, địch bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 120 tên và một xe tăng M148 bị bắn cháy.
Ông Nguyễn Minh Kỳ (thứ tư, hàng bên trái) và bạn bè, đồng đội thăm Khu lăng bia Hồ Khê ở xã Cam Tuyền, Cam Lộ - Ảnh: T.T.L
Ông Nguyễn Minh Kỳ (thứ tư, hàng bên trái) và bạn bè, đồng đội thăm Khu lăng bia Hồ Khê ở xã Cam Tuyền, Cam Lộ - Ảnh: T.T.L
 

Thất bại thảm hại, địch đã gọi không quân, pháo binh chi viện phản kích. Tất cả 13 chiến sĩ đang ở vị trí chiến đấu của Trung đoàn 27 anh dũng hy sinh. Địch tập trung 13 thi thể của các anh vào chung một hố pháo rồi dùng bộc phá đánh tung. Sáng hôm sau, ông Kỳ cùng du kích và người dân địa phương quay lại trận địa, gom từng bộ phận thi thể của các liệt sĩ đưa về mai táng thành ngôi mộ tập thể giữa rừng.

Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, thống nhất, ông Kỳ nhiều lần trở lại đồi Hồ Khê tìm nơi chôn cất 13 liệt sĩ, nhưng địa hình đã có nhiều thay đổi nên công việc tìm kiếm chưa có kết quả khiến ông luôn canh cánh bên lòng như chưa hoàn thành nhiệm vụ với đồng đội. Năm 2004, người dân xã Hải Thái, huyện Gio Linh trong lúc tìm kiếm phế liệu chiến tranh ở khu vực đồi Hồ Khê đã tình cờ phát hiện ngôi mộ tập thể nên báo với chính quyền xã Cam Tuyền. Nhận được tin từ xã Cam Tuyền báo về, ông Kỳ phối hợp với cơ quan chức năng, người dân địa phương cất bốc, đưa hài cốt 13 liệt sĩ về truy điệu, an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Hành trình đi tìm 13 hài cốt liệt sĩ ở Hồ Khê kết thúc khiến ông Kỳ vơi bớt trăn trở trong lòng.

Sau khi an táng 13 hài cốt liệt sĩ hoàn thành, ông Kỳ đã phát nguyện xây dựng Khu lăng bia Hồ Khê tại đồi Hồ Khê nhằm tri ân các liệt sĩ Trung đoàn 27 đã hy sinh nơi đây. Lăng bia nằm trên khu đất rộng 1 ha được trồng nhiều loại cây, nhiều nhất là gần 4.000 gốc sim. Nhà bia trung tâm đặt ở giữa ghi đầy đủ tên tuổi, quê quán, đơn vị, chức danh, năm sinh, ngày hy sinh của 13 liệt sĩ. Công trình tri ân tưởng niệm này có giá trị 320 triệu đồng được gia đình ông Kỳ đóng góp hoàn toàn bằng khoản tiền tiết kiệm. Từ đó Khu lăng bia Hồ Khê đã trở thành điểm đến dâng hương của nhiều người dân trong vùng. Từ việc làm này của gia đình ông, huyện Cam Lộ và các cựu chiến binh Trung đoàn 27 đã hỗ trợ gần 100 triệu đồng để tôn tạo thêm Khu lăng bia Hồ Khê bề thế hơn.

Khu lăng bia Hồ Khê ngày càng được nhiều cựu chiến binh, du khách trên cả nước đến dâng hương mỗi khi có dịp trở về thăm chiến trường xưa Quảng Trị. Vào năm 2012, khu lăng bia được chọn làm điểm đến của chương trình “Đêm ấm rừng đồng đội” do ông Kỳ và Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 27 phối hợp tổ chức tri ân các liệt sĩ cũng như thân nhân của họ. Ông Kỳ cho biết, giữa cánh rừng Hồ Khê không chỉ có 13 chiến sĩ của Trung đoàn 27 anh dũng hy sinh, mà còn nhiều đồng đội của các đơn vị khác đang nằm lại mãi mãi.

Vì vậy, chương trình “Đêm ấm rừng đồng đội” chọn Hồ Khê để tổ chức như là một địa chỉ “mời các anh về đây gặp mặt, chung vui”. Hôm ấy, 630 cựu chiến binh, 54 thân nhân liệt sĩ của Trung đoàn 27 và gần 300 người dân địa phương đã giăng võng ngủ giữa rừng với các liệt sĩ, mang hơi ấm của mình sưởi ấm cho đồng đội, người thân đang yên nghỉ tại nơi này. Giữa rừng, họ đã hát, kể cho các liệt sĩ nghe về đất nước hôm nay cũng như Tổ quốc luôn ghi ơn các anh đã anh dũng hy sinh để đất nước được hòa bình, độc lập.
Chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà là một trong những thú vui của ông Nguyễn Minh Kỳ lúc rảnh rỗi - Ảnh: T.T.L
Chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà là một trong những thú vui của ông Nguyễn Minh Kỳ lúc rảnh rỗi - Ảnh: T.T.L
 

Tại đây, ông Kỳ phối hợp với ban tổ chức trao quà cho các thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho con em các thân nhân liệt sĩ vươn lên học giỏi. Các năm sau đó, nhiều cuộc hành hương đã được tổ chức ấm áp nghĩa tình tại Hồ Khê. Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Lan tỏa nghĩa tình

Ngôi nhà của vợ chồng ông Kỳ ở đường Tôn Thất Thuyết, Phường 5, TP. Đông Hà luôn là địa chỉ tìm đến của nhiều gia đình ở các tỉnh, thành phía Bắc. Họ vào thăm lại chiến trường xưa cũng như nhờ ông hướng dẫn, đưa đi tìm thân nhân của mình là liệt sĩ đang yên nghỉ ở Quảng Trị. Những lúc đó vợ chồng ông luôn rộng lòng đón khách ở lại với gia đình mình. Mặc dù ở Quảng Trị có nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ nhưng các gia đình luôn muốn được ở tại nhà vợ chồng ông Kỳ để nghe ông chia sẻ từng câu chuyện từ thực tế chiến trường của người trong cuộc.

Những lần đưa thân nhân liệt sĩ đi tìm đồng đội là những lần ông rất nặng lòng, trăn trở. Vì trong hàng trăm cuộc tìm kiếm mỗi năm thì may mắn lắm cũng chỉ có một vài người toại nguyện. Nhiều đồng đội vẫn đang nằm lại giữa những cánh rừng do các cuộc tìm kiếm ngày càng khó khăn vì hiện trạng đã bị thay đổi quá nhiều so với lúc các anh hy sinh. Khó khăn, gian khổ với những lần đi tìm liệt sĩ, nhưng với tâm nguyện “sống thay và làm thay đồng đội”, ông Kỳ không bao giờ nản lòng, sẵn sàng giúp các thân nhân liệt sĩ, xem công việc khó khăn này như trách nhiệm của mình.

Ông Nguyễn Minh Kỳ sinh ra và lớn lên ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. 18 tuổi ông đã ra vùng giải phóng để tham gia cách mạng. Lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, bố và bác ruột là liệt sĩ, mẹ công tác ở Văn phòng Huyện ủy Cam Lộ, tư chất lãnh đạo sớm bộc lộ và trưởng thành trong con người ông. Từ ngày tham gia cách mạng đến khi quê hương giải phóng, ông đã tham gia chỉ đạo và trực tiếp chiến đấu gần 500 trận lớn nhỏ dọc Đường 9. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Minh Kỳ có biệt danh “Hùm xám Đường 9”. Ông đã có thành tích 13 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”; được tặng thưởng 12 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì; 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất...; 1 Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước CHDCND Lào trao tặng và nhiều huy chương, bằng khen khác…

Tuổi già, sống với lương hưu, ông Kỳ hằng tháng luôn chắt chiu, dành dụm một khoản tiền để góp vào công việc đi tìm hài cốt liệt sĩ, xây bia mộ cho liệt sĩ và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Hôm gặp chúng tôi, ông Kỳ cho biết, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và thân nhân, ông vừa hoàn thành việc thay mới bia và mộ đá hoa cương cho anh hùng liệt sĩ Nguyễn Quang Cải đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh với trị giá 17 triệu đồng. Đây là bia, mộ đá thứ 3 được ông Kỳ thay mới cho đồng đội thời gian gần đây.

Ông Kỳ luôn tâm niệm khi còn sống, các đồng đội đều biết ra trận là đối mặt với đạn bom, hy sinh, nhưng họ vẫn luôn tiến lên phía trước để chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất cho quê hương. Đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh cho chúng ta được sống hạnh phúc hôm nay nên công lao của các liệt sĩ không có gì sánh bằng.

Vì vậy ông luôn hứa với bản thân mình nếu vẫn còn sức khỏe thì hãy có trách nhiệm hơn nữa với thân nhân các liệt sĩ, thương binh, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều gia đình nghèo ở Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ không thể nào quên những phần quà ý nghĩa mà ông đã hỗ trợ họ để có thêm điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống gia đình.

Với cách sống đầy trách nhiệm và thấu hiểu, mỗi khi lễ, tết đến ông luôn tìm về các gia đình cơ sở cách mạng, các thân nhân liệt sĩ trong tỉnh để thăm hỏi, động viên. Ông còn đến nhiều địa phương phía Bắc, tìm các gia đình liệt sĩ ông biết có con em đang nằm lại Quảng Trị để thăm hỏi, động viên và chia sẻ từng món quà ý nghĩa. Lặng lẽ làm những công việc ý nghĩa nhưng ông không muốn phô trương để nhiều người biết, bởi lẽ ông cho rằng đó là trách nhiệm của một người lính Cụ Hồ may mắn bước ra nguyên vẹn từ cuộc chiến đầy khốc liệt. Đó cũng là sự đáp đền trước những hy sinh quên mình của đồng đội.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Hệ thống chính sách về người có công không ngừng được hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh, của đất nước. Tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm, xác minh thông tin để thêm nhiều đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến, hy sinh trong hoạt động cách mạng, trong kháng chiến được ghi nhận, tôn vinh xứng đáng. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” thể hiện trách nhiệm và tinh thần hiếu nghĩa của dân tộc được triển khai sâu rộng.

Tuy nhiên, điều ông Kỳ băn khoăn là cuộc kháng chiến kéo dài, khốc liệt nên đến nay nhiều gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm được nơi yên nghỉ của con em mình, nhiều trường hợp không còn hồ sơ, giấy tờ gốc; người giao nhiệm vụ, biết sự việc phần lớn đã qua đời nên còn một số trường hợp liệt sĩ chưa được xác nhận, nhiều cống hiến chưa được tôn vinh kịp thời. “Việc làm của tôi tuy rất nhỏ so với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ nhưng tôi luôn mong muốn từ đây có thể lan tỏa nhiều hơn nữa những việc làm nghĩa tình đến với mọi người, mọi nhà. Mong rằng người dân Quảng Trị sẽ có nhiều đóng góp, sáng tạo giúp sức cùng Đảng và Nhà nước làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” này”, ông Kỳ chia sẻ.

 (Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đi tìm đồng đội - Hành trình tri ân. Bài 2: Những việc làm thầm lặng nghĩa tình

Phan Hoài Hương - Lâm Thanh |

Nói đến thành tích chung của Đội 584 không thể không nhắc đến sự đóng góp của rất nhiều người dân, mà những người chúng tôi gặp dưới đây chỉ là đại diện.

Đi tìm đồng đội - Hành trình tri ân. Bài 1: Mệnh lệnh từ trái tim

Lâm Thanh - Phan Hoài Hương |

Hành trình đi tìm đồng đội của cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ 584 thuộc Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị là những tháng ngày dãi dầu mưa nắng, là những bước chân băng rừng, vượt suối, là những giọt nước mắt của niềm vui đoàn tụ.

Trao tặng nhà đồng đội và 50 suất quà cho gia đình chính sách

Kăn Sương |

Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 (1890 – 2022), hướng đến 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 (1947-2022), chiều 14/5, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với đoàn công tác Ban chỉ đạo Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ trao tặng kinh phí xây dựng nhà đồng đội trị giá 60 triệu đồng cho gia đình ông Phan Văn Cọi, sinh năm 1954 là thương binh 21% ở thôn 9, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong; trao tặng 50 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các gia đình chính sách ở huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị.

Dưới những mái nhà ấm tình đồng đội

Nguyễn Trang |

Từng kề vai chiến đấu đánh bại kẻ thù trên khắp các chiến trường ác liệt, hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, ngày đất nước thống nhất, trở về quê hương, các thế hệ cựu chiến binh (CCB) huyện Vĩnh Linh vẫn luôn sát cánh cùng nhau tạo dựng cuộc sống ngày càng ổn định. Đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ “nhà nghĩa tình đồng đội” cho CCB gặp khó khăn về nhà ở của Hội CCB huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã tô đậm thêm tình cảm sâu nặng giữa những “người lính Cụ Hồ”.