Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh đã có thâm niên hàng chục năm hành nghề sửa thuyền lưu động cho bà con ngư dân khắp vùng biển bãi ngang trong tỉnh. Anh là Phan Thanh Hiền, thợ đóng và sửa chữa thuyền lành nghề ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).
Tình cờ nhiều lần nghe những thợ đóng thuyền lớn tuổi ở vùng biển bãi ngang xã Hải An nhắc tên nhưng tôi vẫn không ngờ rằng người thợ sửa thuyền lưu động Phan Thanh Hiền chỉ mới vừa bước vào tuổi 43. Gặp anh ở khu nhà ở, cũng là xưởng đóng thuyền có diện tích khá nhỏ nằm ngay trung tâm thôn Mỹ Thủy, anh cho biết mình hành nghề đóng, sửa chữa thuyền đến nay đã 28 năm.
Anh kể, gia đình anh có truyền thống làm nghề đóng thuyền từ đời ông nội, cha rồi đến anh bây giờ. Ngoài ra, hai cha con người anh ruột của anh Hiền cũng là những thợ đóng thuyền cự phách và nổi tiếng ở vùng biển này.
“Lên 16-17 tuổi, khi sức vóc đã khá, tôi theo ông nội và cha đi rong ruổi đóng thuyền và sửa thuyền cho bà con ngư dân khắp trong vùng. Nhờ chịu khó học hỏi nên tôi đã dần lĩnh hội được những bí quyết, kinh nghiệm, ngón nghề của ông và cha truyền lại. Sau vài năm thì tôi có thể tự mình đóng được thuyền và hành nghề sửa chữa thuyền cho bà con ngư dân. Sau này lập gia đình thì tôi ra làm riêng để kiếm tiền nuôi vợ con”, anh Hiền cho hay.
Dù nghề đóng thuyền rất nặng nhọc và đòi hỏi kỹ thuật khá cao nhưng điều đặc biệt là anh Hiền chỉ hành nghề “độc hành”. Khách hàng của anh chủ yếu là ở xã Hải Khê và thỉnh thoảng anh đi sửa thuyền lưu động cho ngư dân rải rác ở vùng biển bãi ngang huyện Triệu Phong và Phong Điền (Thừa Thiên Huế).
“Mỗi năm tôi sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu được khoảng 100 chiếc thuyền cho ngư dân. Giá mỗi lần sửa chữa từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, tùy vào tình trạng hoặc các thứ cần thay, sửa chữa của mỗi chiếc thuyền. Vào mùa ngư dân đánh bắt chính vụ, hầu như hôm nào tôi cũng có khách quen gọi đi sửa chữa thuyền. Việc luôn tay tuy vất vả nhưng bù lại có thu nhập khá nên cũng ráng làm nuôi vợ con”, anh Hiền bộc bạch.
Theo anh, thuyền dù mới đóng hay đã sử dụng qua nhiều mùa đánh bắt thì hàng năm đều phải có sửa chữa nhỏ hoặc lớn. Do tiếp xúc với nước biển liên tục nên thuyền thường dễ tróc lớp nhựa đường bề mặt, ngấm nước, nẹp bị lỏng, nan giãn nở… “Có chiếc sửa vài ngày, có chiếc sửa trong một buổi. Hầu hết các thuyền đều sửa chữa các việc như vào dầu mở ốc vít, sơn phết, phủ nhựa đường lại tấm nan, gia cố nẹp thuyền, gia cố trụ lắp mái chèo, thay thế khung gỗ trong thân thuyền, căn chỉnh chân vịt… Dù nắng hay mưa mình đều làm xong kiểu cuốn chiếu cho mỗi chủ thuyền, nhiều bữa mình vừa làm, vừa ăn uống ngay tại bãi biển cho xong việc luôn”, anh Hiền cho biết.
Dù chạy như con thoi để sửa thuyền lưu động khi ngư dân cần nhưng mỗi năm anh Hiền vẫn tranh thủ thời gian đóng được khá nhiều thuyền mới cho khách hàng. Trong khu đất khá nhỏ của gia đình, lúc tôi đến, anh đang cặm cụi đóng mới một chiếc thuyền cho khách hàng trong thôn. Anh cho biết, để thuyền đằm, cưỡi sóng tốt, có độ bền cao thì phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó khâu chọn nguyên liệu ban đầu là quan trọng, kế đến là kỹ thuật, kinh nghiệm của người đóng.
“Mũi thuyền thường chọn gỗ mù u, nẹp thì tốt nhất là gỗ kiền, tấm nan phải là tre già vót lấy phần vỏ cứng cáp. Khi ép lên khung thuyền phải đảm bảo sao cho mạn có độ cong phù hợp, thân chắc chắn vừa chịu được sóng gió, vừa đúng chuẩn thẩm mỹ. Một chiếc thuyền thường phải mất bình quân 15 ngày mới làm xong. Thuyền tôi đóng có chiều dài phổ biến 5-6-10m, lắp máy có công suất từ 10 CV đến 24 CV, thuyền chủ yếu đánh bắt ở vùng biển bãi ngang”, anh Hiền chia sẻ.
Mỗi năm anh Hiền đóng được từ 15-20 chiếc thuyền, tùy kích thước, vật liệu mà mỗi chiếc hoàn thành có giá dao động từ 20-40 triệu đồng. Anh Hiền khiêm tốn cho biết thu nhập từ nghề sửa chữa, đóng thuyền của mình bình quân được khoảng 10 triệu đồng/ tháng, cơ bản đủ trang trải cuộc sống và phụ giúp vợ nuôi các con đang tuổi ăn tuổi học. Lúc chia tay anh Hiền cho biết, tâm niệm của anh là sẽ quyết tâm duy trì, gìn giữ nghề đóng thuyền truyền thống của cha ông và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ sau này.
Anh Hiền tâm sự: “Khi nào ngư dân vùng bãi ngang còn hành nghề đánh bắt, còn cần đến mình thì tôi còn theo nghề. Nghề đóng thuyền không chỉ là thu nhập, là sinh kế mà còn là niềm tự hào đã ăn sâu vào máu thịt, lưu trong tâm khảm của mỗi người, mỗi gia đình theo nghề truyền thống này từ xa xưa rồi”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)