Nghề đan tấm nan thuyền ở thôn Mỹ Thủy

Hiếu Giang |

Khoảng 10 năm trở lại đây, một số hộ dân ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã gắn bó với nghề đan tấm nan tre để cung cấp cho các cơ sở đóng thuyền trên địa bàn xã. Nghề này không chỉ là một công đoạn quan trọng hỗ trợ đắc lực cho nghề đóng thuyền mà còn tạo thêm việc làm và thu nhập cho các hộ dân theo nghề.

Tại xã Hải An, đóng thuyền nan từ lâu được xem là nghề truyền thống độc đáo của địa phương. Tại đây đến nay có 4 cơ sở đóng thuyền lớn, mỗi năm đóng mới và nâng cấp hàng trăm thuyền nan gắn máy với công suất phổ biến từ 12 đến 24 CV cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nếu như trước đây, để làm ra một con thuyền hoàn chỉnh, người thợ đóng thuyền phải thực hiện mọi công đoạn một cách thủ công, từ việc đan tấm nan, làm khung thuyền, nẹp thuyền, ráp thuyền, sơn quét thuyền… và phải mất gần cả tháng trời để hoàn thiện một con thuyền, thì nay mọi công đoạn đã đơn giản hơn, thời gian được rút ngắn hơn nhờ có sự hỗ trợ tối đa của các loại máy móc.

Nghề đan tấm nan để đóng thuyền tại thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.V
Nghề đan tấm nan để đóng thuyền tại thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.V

Phần tấm nan cũng đã được các chủ cơ sở đóng thuyền đặt riêng cho một số hộ gia đình chuyên làm nghề đan nan tre ở thôn Mỹ Thủy làm. Ông Phan Thanh Ngọc, một thợ đan nan tre lành nghề ở thôn Mỹ Thủy cho hay, ông biết nghề đan nan tre từ hồi còn trẻ nhưng không chuyên nghề như hiện nay. Gần cả cuộc đời ông gắn bó với nghề đi biển để mưu sinh, nuôi gia đình. Đến nay khi đã ngấp nghé tuổi 70, sức khỏe không còn dẻo dai nữa nên ông quyết định nghỉ hẳn nghề đi biển để chuyên tâm gắn bó với nghề đan nan thuyền.

“Nghề đan nan chủ yếu làm nhiều nhất vào mùa khô. Mỗi năm bình quân gia đình tôi làm được khoảng từ 15 - 20 tấm nan theo đặt hàng của các chủ cơ sở đóng thuyền tại địa phương. Tùy vào kích thước mà mỗi bộ nan thuyền làm hoàn thiện trong khoảng từ 5 - 7 ngày, giá tùy kích cỡ cũng giao động từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng. Nghề này tương đối phù hợp với những người lớn tuổi và cũng cho thu nhập thêm tương đối ổn định để giúp trang trải cuộc sống gia đình”, ông Ngọc bộc bạch.

Ông Ngọc cho biết, để làm ra một tấm nan thuyền trải qua nhiều bước cơ bản. Trước hết, theo yêu cầu đặt hàng cụ thể của chủ cơ sở đóng thuyền mà ông sẽ đi tìm mua tre ở các địa phương còn có nhiều tre trong huyện như: Hải Phong, Hải Ba, Hải Dương, Hải Quế, Hải Hưng, Hải Định… Mỗi cây tre đẹp có giá trung bình từ 30.000 - 50.000 đồng. “Tre để đan nan thuyền phải là loại tre tự nhiên đặc ruột, cây thẳng đều, đốt to dài, đọt tre phải ngả màu vàng, thân không bị sâu mới đạt chuẩn. Tre sau khi được rã ra, sẽ chọn lại những thanh thẳng đẹp, cứng cáp để vót nan đan tấm. Để hoàn thành mỗi tấm nan thuyền cần bình quân từ 25 - 30 cây tre”, ông Ngọc cho biết thêm.

Ông Phan Thanh Hội ở thôn Mỹ Thủy cũng đã theo nghề đan nan đóng thuyền từ hơn 26 năm nay. Theo ông Hội, để đảm bảo bộ nan thuyền được tốt thì cần chọn lựa kỹ những nan tre. Đó phải là nan tre cật được vót mỏng đều, sau đó phơi 3 - 4 nắng cho đảm bảo rồi mới tiến hành đan. Cùng với đó, theo ông đan tấm nan là công việc đòi hỏi người thợ phải lành nghề, khéo tay và cần sự kiên trì. “Khi tre được lựa chọn kỹ và quá trình đan đúng kỹ thuật thì tấm đan sẽ không bị co giãn nên khi đóng thuyền sẽ không bị vênh, hở. Đặc biệt, quan trọng nhất khi đan tấm nan là phải dồn từng thanh nan sao cho thật chặt, khít.

Sau khi đan xong, tấm nan được phơi thêm một lần nữa và tiếp tục dùng dụng cụ dồn nan cho thật chặt trước khi đưa đi đóng thuyền. Tuổi thọ của nan thuyền bình quân từ 6 -7 năm, nếu được bảo dưỡng tốt có khi được 10 năm”, ông Hội giải thích. Hiện nay bình quân mỗi năm gia đình ông Hội làm được từ 40-50 bộ nan thuyền cung cấp cho các cơ sở đóng thuyền tại địa phương. Ngoài ra, tại thôn Mỹ Thủy hiện còn có gia đình ông Võ Xuân Thiện cũng làm nghề đan tấm nan đóng thuyền từ hơn 10 năm nay, mỗi năm cung cấp cho các cơ sở đóng thuyền khoảng trên dưới 20 bộ tấm nan.

Anh Đặng Quang Minh, cán bộ khuyến nông xã Hải An cho biết, nghề đan tấm nan đóng thuyền là công việc đòi hỏi sự chịu khó, kiên trì, chăm chút tỉ mỉ, cần nhiều kinh nghiệm nên thực sự chỉ phù hợp với một số ít người lớn tuổi tại địa phương. Cũng chính vì vậy mà hiện nay số hộ theo nghề tại thôn Mỹ Thủy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Nghề này cũng giải quyết việc làm, tạo thu nhập thêm cho nhiều ngư dân lớn tuổi đã chuyển từ nghề đi biển sang nghề đan lát và một số lao động nhàn rỗi tại địa phương. Ngoài ra, nghề cũng tạo sự đa dạng loại hình nghề tại địa phương, đồng thời góp phần giữ gìn, phát triển nghề đóng thuyền truyền thống của xã Hải An”, anh Minh đánh giá.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nghề kéo xăm

Trần Tuyền |

Dọc vùng biển bãi ngang huyện Gio Linh (Quảng Trị) có nghề kéo xăm đánh bắt thủy sản gần bờ. Nghề này không dùng máy móc, trang thiết bị hiện đại mà chỉ cần 1 chiếc ghe lớn, 1 tấm lưới xăm rộng và sức của nhiều người cộng lại. Mặc dù là nghề thời vụ, mỗi năm chỉ kéo dài từ tháng 6 - 8 âm lịch nhưng nghề này mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân bãi ngang.

Tạo việc làm cho nhiều lao động từ nghề gia công tóc giả

Bảo Bình |

Khởi nghiệp với nghề còn mới mẻ trên địa bàn tỉnh là làm tóc giả, đến nay, cơ sở gia công tóc giả do chị Nguyễn Thị Tuyên (sinh năm 1997), ở thôn Xuân Viên, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) làm chủ đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập hằng tháng tương đối tốt.

Độc đáo nghề câu cá không cần mồi

Trần Tuyền |

Nghề câu kiều (hay còn gọi là câu vương) được du nhập vào Thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) từ năm 1990. Đây là nghề có một không hai bởi câu được cá nhưng không cần mồi. Đặc biệt, dọc dài vùng biển của tỉnh Quảng Trị chỉ có ngư dân Thôn 5 là hành nghề này.

Gìn giữ những nét đẹp truyền thống "làng cổ, nghề xưa" ở Cự Đà

PV |

Cùng với Đường Lâm, Cự Đà là một trong hai ngôi làng cổ còn lại của thủ đô và là điểm đến thú vị đối với những người muốn tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.