Tạo việc làm cho nhiều lao động từ nghề gia công tóc giả

Bảo Bình |

Khởi nghiệp với nghề còn mới mẻ trên địa bàn tỉnh là làm tóc giả, đến nay, cơ sở gia công tóc giả do chị Nguyễn Thị Tuyên (sinh năm 1997), ở thôn Xuân Viên, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) làm chủ đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập hằng tháng tương đối tốt.

Tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh năm 2019, chị Tuyên có hơn 1 năm làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh hưởng của COVID - 19 khiến công việc không thuận lợi, chị về quê lập nghiệp. Tuy vậy, với ngành học này, cơ hội tìm việc ở quê khá khó khăn. Nhờ sự tư vấn, giới thiệu của Hội LHPN xã Hải Dương, chị ra Hà Nội học nghề làm tóc giả 3 tháng. Khi đã thành thạo nghề, nhờ kết nối được với Công ty TNHH Công nghiệp Star Hair (Công ty Star Hair) chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm tóc giả xuất khẩu, năm 2021, chị về quê mở xưởng làm hàng gia công tóc giả cho công ty. “Ban đầu mở xưởng tôi cũng rất lúng túng vì nguồn vốn ít, chưa có kinh nghiệm. Hội LHPN xã đã hỗ trợ cho tôi được vay vốn ưu đãi với số tiền 50 triệu đồng, ngoài ra Công ty Star Hair hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị nên tôi có đủ điều kiện để mở xưởng”, chị Tuyên cho biết.

Chị Nguyễn Thị Tuyên (người đứng) hướng dẫn các công đoạn làm tóc giả - Ảnh: B.B
Chị Nguyễn Thị Tuyên (người đứng) hướng dẫn các công đoạn làm tóc giả - Ảnh: B.B

Trước đây, khách hàng sử dụng tóc giả thường là người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật hay người có khuyết điểm về tóc, nhưng hiện nay tóc giả được xem như một mặt hàng thời trang với nguồn khách khá đa dạng, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Kéo theo đó, nghề làm tóc giả cũng khá phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động, nhất là ở vùng nông thôn. Chị Tuyên cho biết, làm tóc giả trải qua rất nhiều công đoạn như lựa chọn nguyên liệu, đo kích thước và tạo mẫu tóc giả, làm mũ tóc giả, tạo kiểu… và phần quan trọng nhất là đan những sợi tóc thành một bộ tóc giả. Đây chính là công việc mà xưởng chị đang đảm nhận. Theo chị, công việc này không vất vả nhưng đòi hỏi người làm phải chịu khó, tỉ mẩn, kiên trì vì phải may từng sợi tóc vào mũ theo phương pháp “thắt nút” để tạo thành một bộ tóc giả...như thật để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thời gian làm xong một bộ tóc giả tùy theo độ thạo việc của người làm, trung bình khoảng 40 giờ/bộ. Hiện tại, xưởng của chị Tuyên có 40 lao động vừa học vừa làm, bình quân thu nhập khoảng hơn 3 triệu đồng/người/tháng, những thợ khéo tay, nhanh nhẹn có thể đạt mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Mỗi tháng, xưởng gia công của chị cung ứng cho công ty hơn 200 bộ tóc giả, giá một sản phẩm từ 600.000 - 700.000 đồng, mang lại doanh thu gần 150 triệu đồng.

Nghề gia công tóc giả rất phù hợp với phụ nữ bởi công việc nhẹ nhàng, linh động thời gian, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa có thể tranh thủ thời gian chăm lo cho gia đình. Chị Trần Thị Liễu, ở thôn Xuân Viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe yếu, mình chị nuôi hai con nhỏ. Nhờ được tạo điều kiện học và làm nghề tại xưởng, chị đã bớt đi nỗi lo về kinh tế. Chị Liễu chia sẻ: “Bản thân tôi sức khỏe không tốt nên không làm được các công việc đồng áng nặng nhọc. Từ khi được nhận vào xưởng gia công tóc giả, với tiền công mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng, tôi có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình. Với phụ nữ ở nông thôn như chúng tôi có công việc ổn định, mức thu nhập như vậy là rất vui”.

Chị Trần Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Dương cho biết, mô hình gia công tóc giả của chị Nguyễn Thị Tuyên là một ngành nghề mới mẻ tại địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ. Hiện nay nhu cầu thu mua sản phẩm của các công ty kinh doanh tóc giả còn nhiều, do vậy Hội LHPN xã luôn khuyến khích hội viên tham gia học nghề, làm nghề để có nguồn thu nhập ổn định.

Chia sẻ thêm về dự định trong tương lai, chị Tuyên cho biết, hiện tại cơ sở gia công tóc giả của chị đang ký hợp đồng với công ty theo từng giai đoạn. Do đó, thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh ổn định, chị sẽ thương lượng để được ký hợp đồng gia công sản phẩm lâu dài với phía công ty, từ đó sẽ mở rộng quy mô của xưởng, mua sắm thêm máy móc, thiết bị làm nghề. Với nhiệt huyết và lòng đam mê, chị tin rằng nghề mới này sẽ mở ra cơ hội để tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ trong xã với mức thu nhập cao hơn hiện tại.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cô gái trẻ ở Lao Bảo khởi nghiệp thành công giữa mùa dịch

Ngọc Trang |

Mặc dù tốt nghiệp đại học báo chí nhưng Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1998), ở khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) lại lựa chọn xây dựng tiệm hoa tươi và bánh kem để khởi nghiệp. Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, với sự nỗ lực của Thủy, cửa tiệm đã đi vào hoạt động khá thuận lợi, tạo điều kiện cho cô gái trẻ có động lực duy trì và phát triển kinh doanh.

Khởi nghiệp, làm từ thiện từ niềm yêu thích hoa và cây cảnh

Yên Chi |

Chị Trần Thị Thu, chủ vườn "Linh Hoàng Anh Garden" (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), cho biết, hồi đó, ai nghe chị bỏ việc về quê trồng hoa cũng cho rằng chị nghĩ cạn. Làm việc trong điều hòa mát không chịu, lại muốn phơi sương, phơi nắng ngoài trời.

Khởi nghiệp từ món quà quê

PV |

Từ món quà của quê hương, nhiều chị em phụ nữ xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã mạnh dạn khởi nghiệp, cải thiện kinh tế và đưa đặc sản bánh gạo đi khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Vốn vay ưu đãi tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp

Thu Hạ |

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã lập nghiệp, khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh và thành công ngay trên chính mảnh đất quê hương.