Độc đáo nghề câu cá không cần mồi

Trần Tuyền |

Nghề câu kiều (hay còn gọi là câu vương) được du nhập vào Thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) từ năm 1990. Đây là nghề có một không hai bởi câu được cá nhưng không cần mồi. Đặc biệt, dọc dài vùng biển của tỉnh Quảng Trị chỉ có ngư dân Thôn 5 là hành nghề này.

Nghề “độc nhất vô nhị”

Hơn 10 giờ sáng, lão ngư Nguyễn Đại Minh (sinh năm 1973) ở Thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh đã xong cơm nước để chuẩn bị ngư cụ cho chuyến câu cá đuối. Tính đến nay, ông Minh đã có hơn 30 năm kinh nghiệm ra khơi vào lộng để bủa lưới, thả câu. “Muốn thả được câu kiều thì thời tiết phải thuận lợi, gió nhẹ, biển êm. Biển động là không làm nghề này được. Mấy hôm nay trời đẹp nên tôi neo thuyền ngoài mép biển, giờ chỉ cần mang theo vàng câu và thức ăn cho bữa tối hôm nay thôi”, ông Minh nói. Đoạn, ông Minh cùng người bạn thuyền tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ nghề đi về phía biển.

Lưỡi câu kiều khi không sử dụng sẽ được kẹp vào nẹp tre để đảm bảo an toàn - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Lưỡi câu kiều khi không sử dụng sẽ được kẹp vào nẹp tre để đảm bảo an toàn - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Những ngày đầu hạ, trời nắng gắt kèm theo gió Lào thổi mạnh nên không khí càng trở nên khô hanh, nhưng khi đến gần bờ biển thì cảm giác mát lạnh dễ chịu. Chiếc thuyền nan có công suất máy 10 CV của ông Minh neo đậu cách bờ khoảng hơn 10 mét. Muốn lên được thuyền chỉ có cách lội nước. Sắp đặt xong ngư cụ và thực phẩm gọn gàng lên thuyền, ông Minh nổ máy, đưa con thuyền nhỏ tròng trành xa dần bờ, hướng về phía đảo Cồn Cỏ. Tiếng máy nổ phành phạch nhả làn khói đen vào thinh không. 2 giờ sau, khi thuyền đến khu vực câu cách bờ khoảng 5 - 6 hải lý, ông Minh tắt máy và nhanh chóng cùng bạn thuyền thả câu. “Mỗi lần đi câu, tôi thả 1 vàng câu. Mỗi vàng câu gồm có 60 kẹp, một kẹp buộc 200 lưỡi câu. Như vậy, 1 vàng có khoảng 12 ngàn lưỡi câu. Vì lưỡi câu nhiều, sắc bén và thả sát đáy nên khi cá đuối ngoi lên khỏi lớp cát để đi kiếm ăn sẽ bị vướng vào lưỡi câu. Vì vậy nghề này còn được gọi là câu vương”, ông Minh giải thích. Khoảng 17 giờ, ông Minh và bạn thuyền thả xong vàng câu kiều dài khoảng 2 hải lý (tương đương 3,6km). Sau quãng thời gian dài làm việc cật lực, bây giờ ông mới có thời gian để nghỉ ngơi và chuẩn bị bữa tối.

Ông Minh kể: “Nghề câu kiều du nhập về Thôn 5 từ năm 1990. Lúc bấy giờ, trong thôn có vài người đi biển trở về từ miền Nam. Qua học hỏi kinh nghiệm trong quá trình đánh bắt, những người này cải tiến thêm để phù hợp với nghề câu cá đuối ở địa phương. Từ đó, nghề câu kiều dần phát triển tại Thôn 5. Nghề này chủ yếu đánh bắt cá đuối - loài cá có giá trị kinh tế cao. Thấy nghề câu kiều mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ngư dân ở các thôn lân cận đã từng đến tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nhưng đều không làm được. Cho đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị chỉ có Thôn 5 là hành nghề câu kiều”.

Nghề câu kiều diễn ra từ tháng 1 đến tháng 8 âm lịch hằng năm. Hầu hết, các chủ thuyền như ông Minh đều tự làm lưỡi câu và vàng câu phù hợp, đúng theo ý mình mong muốn để đạt hiệu quả cao nhất khi thả câu. Đây là nghề lắm công phu và yêu cầu người câu phải rất nhẫn nại. Để có ngư cụ đi câu, ông Minh phải đặt mua dây cước bền chắc và thép inox không gỉ loại 1,2 mm. Bước đầu tiên, ông cắt ngắn cuộn thép thành từng đoạn dài 10 cm và đập dẹt 2 đầu. Tiếp đến, dùng ve chặt đứt đoạn thép ấy thành 2 đoạn ngắn hơn có mũi nhọn. Kế đó là uốn cong đoạn thép thành hình lưỡi câu và mài lưỡi câu thật sắc bén bằng máy mài. Bước cuối cùng, ông Minh buộc dây cước vào lưỡi câu. Trên đoạn cước dài, cứ cách khoảng 20 cm, ông Minh mắc 1 lưỡi câu, đoạn dây buộc lưỡi cũng có độ dài khoảng 20-30 cm, cách khoảng 2 m gắn 1 cái phao nhỏ, sao cho khi thả xuống biển giàn câu sẽ nổi cách đáy biển từ 20-30 cm. Cách khoảng 100 m thì có 1 cột cờ đánh dấu đường câu đi qua và báo hiệu cho các phương tiện khác biết. Lưỡi câu kiều có độ nhạy vướng mắc cao. Câu kiều không cần mồi nhưng các loại cá lớn, đặc biệt là cá đuối vẫn dính vì dưới đáy biển nước chảy nhẹ, có thể cuộn xoáy đảo chiều, giàn lưỡi câu đung đưa theo chiều nước và khi các loại cá ăn chìm bơi đi tìm mồi, gặp chướng ngại vật thì quay đầu hoặc quẫy đuôi, lúc này cá đã bị lưỡi câu mắc vào. Cá càng cố thoát thì càng bị các lưỡi câu găm vào mình, vì vậy cá to quẫy mạnh thì lưỡi càng mắc sâu và chắc.

Ông Nguyễn Đại Minh chuẩn bị ngư cụ trước khi đi câu - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Ông Nguyễn Đại Minh chuẩn bị ngư cụ trước khi đi câu - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Đêm. Trên mặt biển mịt mùng, ông Minh bật công tắc 2 đèn pin nhỏ để chiếu sáng trên thuyền. Xa xa, dập dềnh trên mặt nước le lói vài ánh sáng yếu ớt phát ra từ những con thuyền khác. Nghề này mặc dù mang lại nguồn thu nhập khá, cũng là nguồn thu nhập chính của ngư dân Thôn 5 nhưng để đạt hiệu quả thì đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm và quan trọng nhất là chịu khó, bởi nghề này lắm gian nan vất vả. Đi thả câu cần ít nhất 2 người, một người chuyên lái thuyền, một người thả câu. Việc thả câu luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro. Khi thả câu nhất thiết bên mình phải mang theo dao, lưỡi câu không may mắc vào tay thì lập tức cắt bỏ lưỡi đó, nếu không các lưỡi khác có thể đồng loạt móc vào tay và như vậy rất nguy hiểm. “Buổi đêm, chúng tôi phải thức để bảo vệ vàng câu. Trên biển có rất nhiều tàu, thuyền qua lại, nếu ngủ quên thì rất dễ bị tàu khác đâm phải hoặc kéo mất vàng câu. Khi kéo câu lên thuyền, chúng tôi cũng phải chú ý tránh gai độc ở phía đuôi của con cá đuối. Nếu chẳng may bị cá đuối quẫy đuôi trúng, nhẹ đau nhức dữ dội, nhiễm độc nặng có thể gây sốt, nặng thì dẫn đến hôn mê, sốc nhiễm độc…”, ông Minh cho hay.

Nổi danh xứ biển

Khoảng 23 giờ đến 0 giờ sáng ngày hôm sau, ông Minh cùng bạn thuyền kéo câu. Cũng như lúc thả, phải mất 3 giờ đồng hồ thì 2 người đàn ông vạm vỡ mới kéo xong vàng câu lên thuyền. Ngư dân nơi đây thường rất kỵ khoe khoang hay “quở” về số lượng thủy sản mình đánh bắt được nên trong quá trình kéo câu, dù cá nhiều hay ít thì họ cũng im lặng và thản nhiên làm công việc của mình.

Muốn đạt hiệu quả cao, người câu phải tự làm lưỡi câu kiều theo ý muốn của mình - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Muốn đạt hiệu quả cao, người câu phải tự làm lưỡi câu kiều theo ý muốn của mình - Ảnh: TRẦN TUYỀN

5 giờ sáng, thuyền ông Minh cập bờ. Trên bãi biển, rộn rã tiếng nói cười. Những năm gần đây, trong thôn có đường bê tông nối dài ra tận động dương nên tôm cá đánh bắt về được các tiểu thương thu mua ngay tại bến. Theo ông Minh, trung bình mỗi ngày, 1 thuyền câu được khoảng vài chục kilogam cá đuối. Vào những lúc được mùa, thuyền nhiều nhất câu được khoảng 2 tạ cá đuối. Cá đuối có 2 loại là cá đuối đỏ và cá đuối trắng. Cá đuối trắng được bán với giá khoảng 90 ngàn đồng/kg. Cá đuối đỏ có giá cao hơn, khoảng 100 ngàn đồng/kg. “Bình quân mỗi chuyến câu, tôi thu được vài triệu đồng là bình thường. Có hôm đánh bắt được nhiều thì khoảng 10 triệu đồng mỗi chuyến. Trong thôn từng có thuyền thu được trên 20 triệu đồng chỉ trong 1 chuyến câu cá đuối”, ông Minh kể.

Trưởng thôn 5 Trần Xuân Tùng cũng là người dạn dày kinh nghiệm trong nghề câu kiều. Ông Tùng cho hay, hiện nay, toàn thôn có 42 chiếc thuyền nan công suất nhỏ đánh bắt thủy sản gần bờ; trong đó, có 30 chiếc hành nghề câu kiều, mỗi thuyền có 2-3 lao động. Trung bình 1 năm, mỗi thuyền có thể thu nhập được từ 200-250 triệu đồng/năm, có thuyền cao hơn thì 300-350 triệu đồng. Ngoài nghề câu kiều, ngư dân trong thôn còn hành nghề đánh bắt cá cháo, cá trích, giã ruốc... Nhờ nghề câu kiều mà ngư dân Thôn 5 có đời sống khấm khá hơn, nhiều gia đình xây nhà, mua xe, nuôi con cháu ăn học đàng hoàng. Thôn 5 cũng nổi danh xứ biển bãi ngang bởi nghề câu kiều và đặc biệt là có rất nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm ăn khấm khá từ nghề này.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Gìn giữ những nét đẹp truyền thống "làng cổ, nghề xưa" ở Cự Đà

PV |

Cùng với Đường Lâm, Cự Đà là một trong hai ngôi làng cổ còn lại của thủ đô và là điểm đến thú vị đối với những người muốn tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề trong thời đại công nghệ số

Hà Phương |

Xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, thành thạo công nghệ là một trong những mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp khi chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh từ phương thức truyền thống sang sử dụng công nghệ. Để đáp ứng những yêu cầu mới trong công việc, đòi hỏi người lao động cần phải có những kiến thức cơ bản về công nghệ, tay nghề chuyên môn vững vàng để bắt kịp và hòa nhập với xu thế phát triển chuyển đổi công nghệ số.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị được cấp chứng nhận đào tạo 42 ngành/nghề

Tú Linh |

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị Lê Thiên Vinh cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) vừa cấp chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho trường với 42 ngành/nghề. Trong đó có 8 ngành/nghề trình độ cao đẳng, 13 ngành/nghề trình độ trung cấp, còn lại sơ cấp. 

Giữ nghề đan thủ công truyền thống của dân tộc Vân Kiều

Nguyễn Thành Phú |

 Tuy mới thành lập và ra mắt vào đầu tháng 4-2021, song, mô hình 'Tổ đan lát thủ công' của cộng đồng người dân tộc thiểu số Vân Kiều ở khóm Khe Đá và Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang dần khẳng định một hướng đi đúng trong việc giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc mình.