Những “bóng hồng” tham gia điều trị bệnh nhân COVID - 19

Bảo Bình |

Không có khái niệm thời gian đằng sau cánh cổng Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị - nơi đang thực hiện nhiệm vụ chữa trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 khi hằng ngày vẫn còn ca nhiễm mới. Mỗi phiên trực của các y, bác sĩ trong giai đoạn này ấn định khoảng 21 ngày, nhưng thường là kéo dài hơn thế. Gác lại sau lưng gia đình riêng, các nữ y, bác sĩ của bệnh viện đã và đang nỗ lực từng ngày tham gia chăm sóc, chữa trị cho những bệnh nhân COVID-19 sớm chiến thắng bệnh tật.

Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Linh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh được điều chuyển vào công tác tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh từ năm 2017. Cùng với đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện trải qua nhiều tháng trời tích cực chữa trị, chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID -19, Linh ấn tượng mãi với lần đón bệnh nhân ngày 15/9/2021, thời điểm phát sinh nhiều ca bệnh từ cộng đồng. Từ đầu giờ chiều, bệnh viện được yêu cầu chuẩn bị đón bệnh nhân vào điều trị và dự báo số lượng bệnh nhân đông, chủ yếu là ca bệnh từ cộng đồng. Liên tục từ 16 giờ, các y, bác sĩ được huy động khẩn trương tổ chức làm thủ tục đón, thăm khám, phân loại, sắp xếp buồng bệnh cho 9 bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Thị Liên hỏi thăm sức khỏe sản phụ mắc COVID -19 đã vượt cạn thành công tại bệnh viện - Ảnh: NVCC
Bác sĩ Nguyễn Thị Liên hỏi thăm sức khỏe sản phụ mắc COVID -19 đã vượt cạn thành công tại bệnh viện - Ảnh: NVCC

“Khi được giao nhiệm vụ, chúng tôi sẵn sàng để đón bệnh mới, dù mới nghe thông tin có ca bệnh cộng đồng cũng không khỏi bất an. Sau hơn ba tiếng đồng hồ tiếp nhận bệnh nhân, tưởng công việc đã tạm ổn, chúng tôi thay đồ bảo hộ y tế để chuyển qua làm hồ sơ, bệnh án. Mỗi lần thay đồ bảo hộ phải rất cẩn trọng để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm và phát tán mầm bệnh, đặc biệt các thao tác đòi hỏi phải làm chậm, đúng quy trình nên mất nhiều thời gian hơn. Tôi nhớ đêm hôm đó, chúng tôi vừa thay đồ bảo hộ xong, chưa kịp nghỉ thì đã có lệnh đón thêm bệnh nhân mới. Vậy là tiếp tục mặc bộ đồ bảo hộ mới để làm nhiệm vụ. Đến 1 giờ sáng hôm sau, các công việc mới tạm ổn, đó là một đêm cả bệnh viện gần như thức trắng để đón 10 ca bệnh cộng đồng nhập viện, nhiều nhất cho đến thời điểm này”, bác sĩ Linh nhớ lại.

Bác sĩ Nguyễn Thị Liên có một kỷ niệm đáng nhớ khi chính chị trở thành “bác sĩ sản” bất đắc dĩ, đỡ đẻ thành công cho một bệnh nhân COVID-19. Vào đầu tháng 9/2021, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh từ miền Nam trở về, trong đó có một sản phụ có thai 38 tuần tuổi. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, đơn vị đã dự trù các phương án, báo cáo trường hợp này với Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cùng phối hợp trong trường hợp bệnh nhân chuyển dạ.

Sáng 3/9/2021, bác sĩ Liên đi thăm khám bệnh nhân như thường lệ, hỏi han tình hình sức khỏe của thai phụ này thì chị vẫn bình thường, ăn uống tốt. Đến 14 giờ chiều, y tá báo sản phụ có biểu hiện đau bụng, dù chưa đến ngày dự sinh, bác sĩ Liên vội vàng đến kiểm tra thì thấy bệnh nhân đã có dấu hiệu chuyển dạ. Tình thế lúc này rất cấp bách, không kịp làm thủ tục để chuyển bệnh nhân sang Khoa Sản - Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh như kế hoạch.

“Tôi chỉ kịp báo cáo lãnh đạo bệnh viện, đồng thời các đồng nghiệp khẩn trương chuẩn bị phòng sinh, các dụng cụ cần thiết để chuyển bệnh nhân vào. Không còn cách nào khác, tôi đã trực tiếp thực hiện việc đỡ đẻ cho bệnh nhân, đây cũng là lần đầu tiên tôi làm công việc không phải là chuyên môn của mình, dù trong thời gian đi học cũng đã từng được thực tập. Cảm giác lúc ấy cũng có chút căng thẳng, tuy nhiên được sự hỗ trợ tích cực của đồng nghiệp, cộng với trách nhiệm của bác sĩ, tôi đã nỗ lực để đỡ đẻ mẹ tròn con vuông”, bác sĩ Liên kể lại.

Ca đỡ đẻ thành công tại bệnh viện điều trị COVID - 19 này khá hy hữu, khi các y bác sĩ lần đầu tiên làm việc này trong điều kiện cấp bách và hoàn cảnh đặc biệt, khả năng lây nhiễm bệnh từ người bệnh cho bác sĩ là rất lớn. Tuy vậy, như các chị chia sẻ, lúc đó họ không nghĩ gì nhiều, chỉ cố gắng làm thật tốt để sản phụ an toàn vượt cạn và đón em bé chào đời.

Điều dưỡng trẻ Nguyễn Thị Diệu Hằng là một trong những người xung phong tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ngay từ những ngày đầu đơn vị nhận nhiệm vụ này. Đặc thù của bệnh nhân điều trị COVID-19 là không có người nhà theo chăm sóc, do đó mọi việc cá nhân từ ăn uống, vệ sinh đối với người bệnh nặng đều phải trông chờ vào điều dưỡng. Vì vậy khối lượng công việc của điều dưỡng bận bịu từ sáng sớm đến đêm theo người bệnh. Một buồng bệnh cần 2 điều dưỡng chăm sóc, ngoài việc phụ giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân, ăn uống, điều dưỡng phải thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân phải cố gắng tập thở, việc tưởng chừng đơn giản nhưng rất cam go.

Bởi đối với người mắc COVID-19, việc tự thở rất khó nhọc, họ gần như muốn phụ thuộc vào máy thở thường xuyên. Tuy nhiên, với người bệnh đã tiến triển tốt thì việc tự tập thở rất quan trọng để có thể cai máy thở, sớm bình phục. “Hằng ngày, chúng tôi liên tục động viên, nhắc nhở bệnh nhân tập thở, nhiều người tích cực hợp tác, nhưng cũng có nhiều bệnh nhân vì mệt nên không chịu cố gắng, thậm chí gắt gỏng điều dưỡng. Dù rất áp lực nhưng chúng tôi cũng hiểu được cảm giác của người bệnh nên không lấy đó làm phiền lòng. Khi họ khỏi bệnh ra viện, cảm ơn y bác sĩ đã chăm sóc, chúng tôi cũng thấy ấm lòng”, chị Hằng chia sẻ.

Có rất nhiều câu chuyện, nhiều kỷ niệm trong suốt thời gian các y, bác sĩ tham gia chữa trị cho bệnh nhân COVID-19. Áp lực công việc, sự vất vả, cả những hy sinh thầm lặng không nói hết bởi phải xa gia đình, xa người thân, con cái là những điều mà đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi đã và đang trải qua để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Như bác sĩ Linh, vừa lập gia đình chưa được ít lâu thì đã phải xa chồng để làm tròn nhiệm vụ. Bác sĩ Liên có chồng là bộ đội, hai con nhỏ phải gửi ông bà nội ngoại trông. Hay như điều dưỡng Hằng, tuy chưa lập gia đình nhưng em cũng có nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ khi hàng tháng trời xa nhà. Dù vậy, họ vẫn lạc quan và tâm huyết với nhiệm vụ chuyên môn, với mong muốn đóng góp công sức để cùng với lực lượng tuyến đầu chữa trị cho bệnh nhân sớm khỏe mạnh, trở về với gia đình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hơn 28 tỉ đồng hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá tham gia khai thác trên các vùng biển xa

Thục Quyên |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quyết định phê duyệt danh sách và bố trí kinh phí hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa (đợt 1 và 2  năm 2021).

Những 'bóng hồng' quân đội Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ quốc tế

NGÔ BÌNH |

Trong số 63 nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc có 13 cán bộ chiến sĩ nữ.

Những “bóng hồng” nơi biên cương Tổ quốc

Nguyễn Thành Phú |

Đường lên với những chốt dã chiến kiểm soát xuất, nhập cảnh trái phép phòng, chống COVID-19 của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị tuy không quá xa như những nơi khác nhưng cũng đủ cho lưng áo mọi người thấm ướt mồ hôi. Trên cung đường này, ngày ngày Trung tá Lê Thị Vân, nhân viên kiểm thể, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay vượt dốc, lội suối tiếp tế thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ trực chốt... Trung tá Lê Thị Vân là một trong nhiều “bóng hồng’’ của lực lượng biên phòng đang thực hiện nhiệm vụ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi biên cương Tổ quốc.

Những “bóng hồng” dọc đường ray

Võ Khánh Linh |

Trời trở rét, mưa bay lất phất, những con tàu len lỏi vào trong thành phố vẫn bình an lăn bánh khắp mọi miền đất nước. Để có được những chuyến tàu bình yên ấy, không thể thiếu sự đóng góp thầm lặng của những người phụ nữ ngày đêm gác chắn đường ngang - một công việc tưởng chừng chỉ có đàn ông mới đảm đương nổi. Không quản ngày hay đêm, những người phụ nữ mà tôi gặp vẫn luôn “canh giữ” gác chắn tàu để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tàu qua.