Những chia sẻ từ bệnh nhân chiến thắng ung thư vú

Lưu Hường |

Không may mắc căn bệnh ung thư vú, chị Vũ Thị Lan Hương đã vượt qua một chặng đường dài gian nan để chiến thắng bệnh tật và rút ra được những kinh nghiệm từ bản thân.

Chuẩn bị tâm thế tốt nhất ngay từ đầu

Thiếu tá Vũ Thị Lan Hương - cán bộ công an thành phố Hà Nội phát hiện mắc ung thư vú (UTV) khi còn khá trẻ. Hương kể, năm 2011, đang trong thời gian cho con bú, chị khám sức khỏe định kỳ ở cơ quan thì phát hiện đầu ti phải có cái xơ rất nhỏ nhưng vẫn cho con bú tiếp. Một thời gian sau, chị thấy khối xơ ấy to lên rất nhanh, đi khám nhiều nơi đều kết luận tắc tuyến sữa. Lo sợ khi một bên vú ngày một to hơn mặc dù không thấy đau, Lan Hương quyết cai sữa cho con và đi khám, sinh thiết nhiều nơi thì phát hiện thêm một tổ chức xơ vôi kích thước 4x4cm ở cạnh vú, phải mổ ngay. Chị Hương kể: Lên bàn mổ, các bác sĩ bảo sẽ cố gắng bảo tồn tuyến vú nếu lành tính, nhưng ác tính thì phải cắt ngay 1 bên vú. “Khi ấy tôi mới 27 tuổi, con được gần 15 tháng, chưa biết nói, không có kinh tế, kiến thức về ung thư rất ít. Lúc ấy tôi chỉ biết khóc. Có lẽ, các bác sĩ thấy tôi là bệnh nhân (BN) trẻ nhất của khoa nên “ưu ái” - cho sử dụng phác đồ tiên tiến nhất”, Lan Hương chia sẻ.

Da tay của Lan Hương bị cháy như người bỏng nặng vì không hợp hóa chất.
Da tay của Lan Hương bị cháy như người bỏng nặng vì không hợp hóa chất.

Sau khi phẫu thuật, Lan Hương được truyền hóa chất ngay, rồi tiếp tục điều trị đích. Dù còn trẻ, nhưng khi hóa chất vào người, chị thấy toàn thân đau đớn, kiệt sức. “Có khi chỉ bị một nốt nhiệt rất nhỏ ở miệng, nhưng nó nhiễm khuẩn cả vùng miệng, ăn uống khó khăn; hoặc có khi chỉ là táo bón 1 lần, nhưng sẽ bị đau mãi ở vùng hậu môn”, Lan Hương nhớ lại.

Ngoài những nỗi đau về thể xác, BN còn đối diện với tác dụng phụ sau khi uống thuốc nội tiết, tiêm bất hoạt buồng trứng hoặc cắt buồng trứng như các triệu trứng: bốc hỏa nóng lạnh vài chục lần/ngày, các khớp đau nhức mỏi, vùng kín viêm nhiễm hoặc sinh hoạt vợ chồng khó khăn... Giai đoạn này tôi thấy tinh thần khủng hoảng nhất.

Lan Hương phải trải qua 6 tháng điều trị hóa chất với chu kỳ 3 tuần/lần thì ngay tuần đầu tiên, Lan Hương thấy cơ thể rất suy kiệt, rất mệt mỏi. Và cứ đến tuần thứ 2 là chị phải đi cấp cứu, sang tuần thứ 3 mới được về nhà. Lan Hương nhận ra rằng, khi hóa chất vào người, hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm, cảm giác các bộ phận trong cơ thể không còn khả năng chống chọi lại với các virus, vi khuẩn. “Mỗi lần đau đớn, suy kiệt tôi chỉ biết tâm niệm “không ai cứu mình bằng tự mình” và coi đó như câu châm ngôn của mình vậy. Và dinh dưỡng rất quan trọng. Lúc này BN không được ăn uống theo cảm giác mà phải ăn theo lý trí để chống chọi với bệnh tật. Có người lầm tưởng rằng, dinh dưỡng là không được ăn thịt đỏ, chỉ ăn muối vừng gạo lức… Nhưng đấy là nguyên nhân làm cho mình bị suy kiệt. Người bệnh cần ăn uống tốt, cả rau xanh và trái cây, đạm, hải sản… như một người khỏe mạnh bình thường, để tái tạo hồng cầu, hồi phục sức khỏe nhanh chóng để chuẩn bị cho lần truyền tiếp theo”, Lan Hương lý giải.

Lan Hương (áo trắng) tại một buổi từ thiện ở Bệnh viện K.
Lan Hương (áo trắng) tại một buổi từ thiện ở Bệnh viện K.

Cần chia sẻ có chắt lọc và nâng cao thể trạng

Ngoài việc nâng cao thể trạng và tinh thần, luyện tập thể thao, tuân thủ điều trị và uống thuốc nội tiết… theo phác đồ của bác sĩ Bệnh viện K, nhưng chỉ 2 năm sau (2014), Lan Hương bị tái phát hạch thượng đòn. “Các bác sĩ đánh giá tôi ở thể nội tiết dương tính nên khả năng tái phát rất cao, phải cắt buồng trứng, phải truyền hóa chất. Tôi lại khóc hết nước mắt”, Lan Hương vừa nói vừa cho tôi xem những bức ảnh chụp ngày chị truyền hoá chất đợt 2, khiến da tay và chân bị cháy như người bỏng nặng vì không hợp. “Sau khi truyền hóa chất, toàn cơ thể tôi đau đớn. Các móng tay, móng chân đen như móng giò thui. Đến lúc ăn da non, tôi phải ngồi cắt từng mẩu da. May mắn, sau đó bác sĩ đổi hóa chất và tôi hợp thuốc rồi được truyền thuốc điều trị ung thư trúng đích đến tận bây giờ”, Lan Hương cho hay.

Nhìn Lan Hương lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, bởi chị luôn xác định dù bệnh ở giai đoạn đầu nhưng UTV có nhiều thể, mỗi thể có 1 phác đồ điều trị khác nhau và may mắn sẽ đến với ai phù hợp và tiếp nhận được thuốc. “Nhiều khi những BN UTV chúng tôi cứ nói với nhau rằng “cũng là phúc phần của tổ tiên, mình gặp thầy gặp thuốc”. Do vậy BN tuyệt đối tin tưởng vào thầy thuốc, không nghe theo “lang băm” hoặc đứng núi này trông núi nọ để lỡ cơ hội vàng điều trị”, Lan Hương bày tỏ.

Thiếu tá Vũ Thị Lan Hương lúc nào cũng tràn đầy năng lượng.
Thiếu tá Vũ Thị Lan Hương lúc nào cũng tràn đầy năng lượng.

“Trong quá trình truyền hóa chất thì dinh dưỡng rất quan trọng. Cần ăn uống đầy đủ các nhóm dinh dưỡng như một người khỏe mạnh. Nếu không ăn được cần xay nhỏ để húp hoặc nấu lấy nước để uống giúp tái tạo hồng cầu bởi hóa chất có thể tiêu diệt cả tế bào ác và lành”, Vũ Thị Lan Hương.

Khi chuyển sang uống thuốc nội tiết bậc 2, Lan Hương thực sự thấy ảnh hưởng xương khớp và những rắc rối về khô hạn. Chị bảo: “Lúc này trí nhớ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có khi vừa nói xong, hứa xong đã quên luôn. Sáng ngủ dậy từ trên giường bước xuống, cảm giác đầu tiên của tôi là đau nhức hết bàn chân và ống đồng, phải đi rón rén, bàn tay cứng đơ các khớp và khó nắm tay lại. Tôi đã điều chỉnh bằng việc bổ sung vitamin D và canxi, các vi chất khác; Thường xuyên uống nước dừa, nước ép trái cây và lá phan tả diệp để thải độc gan... Nhưng tất nhiên đây không phải là thuốc tiên, mà quan trọng nhất vẫn là ăn uống điều độ, lựa chọn một môn thể dục thể thao phù hợp để rèn luyện thể lực; Hạn chế tối đa để cơ thể viêm nhiễm; nếu viêm chỗ nào tìm cách xử lý ngay chỗ đó; Đừng để cơ thể stress mà không dám uống giảm đau mỗi khi đau đớn; Có vấn đề gì là phải gặp xin ý kiến bác sĩ điều trị ngay”.

Từ những kinh nghiệm bản thân, Lan Hương luôn chia sẻ với các thành viên trong Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường qua những bài viết. Chị tâm niệm: “Khi không may mắc phải căn bệnh UVT, trước tiên phải biết trang bị cho mình kiến thức, biết lựa chọn thông tin, hãy lắng nghe cơ thể để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện hằng ngày; Luôn suy nghĩ tích cực bởi tinh thần đóng vai trò rất quan trọng trong “cuộc chiến” với bệnh tật”.

TAGS

Thủ tướng: Quân đội luôn là trụ cột quốc gia

Đức Tuân |

“Quân đội của chúng ta luôn là trụ cột của quốc gia, đặc biệt khi đất nước lâm nguy, giặc giã, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm thì vai trò chủ đạo, tính chất nòng cốt của quân đội càng được thể hiện rõ hơn và phát huy mạnh mẽ”, Thủ tướng bày tỏ khi làm việc tại Cục Quân y, nơi đầu sóng ngọn gió trong phòng chống đại dịch COVID-19.

Giáo viên Cam Lộ tặng hơn nửa tấn rau quả cho người dân cách ly dịch COVID-19

Nguyễn Tài Tuyến |

Sáng ngày 23/3, các cô giáo Trường mầm non Vành Khuyên, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã đến thăm hỏi, động viên lực lượng làm công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực cách ly Bộ CHQS tỉnh cũ.

Biến rác thải nhựa thành chậu hoa

Trần Tuyền |

Bằng sự sáng tạo và đôi tay khéo léo, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1967) và anh Bùi Quang Miêng (sinh năm 1966) ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh  (Quảng Trị) đã biến những thứ bỏ đi như mũ, áo, khăn, găng tay, túi xách cũ hay rác thải nhựa trôi dạt dọc bãi biển… thành chậu hoa cây cảnh xinh xắn. 

Khánh thành công trình “Ánh sáng đường quê”

Phương Nga |

Ngày 19/3/2020, Huyện đoàn Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã tổ chức lễ khánh thành công trình “Ánh sáng đường quê” tại thôn Tân Trại 1 và Tân Trại 2 của xã Vĩnh Giang. Tham dự có đồng chí Nguyễn Khánh Vũ - Bí thư Tỉnh Đoàn.