Biến rác thải nhựa thành chậu hoa

Trần Tuyền |

Bằng sự sáng tạo và đôi tay khéo léo, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1967) và anh Bùi Quang Miêng (sinh năm 1966) ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh  (Quảng Trị) đã biến những thứ bỏ đi như mũ, áo, khăn, găng tay, túi xách cũ hay rác thải nhựa trôi dạt dọc bãi biển… thành chậu hoa cây cảnh xinh xắn. 

Không chỉ giúp gia đình có thêm thu nhập, vợ chồng chị Hường còn lan tỏa phong trào tái chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.

Chị Hường quét sơn lên chậu hoa được tái chế từ phao nhựa trôi dạt vào bãi biển. Ảnh: Trần Tuyền
Chị Hường quét sơn lên chậu hoa được tái chế từ phao nhựa trôi dạt vào bãi biển. Ảnh: Trần Tuyền

Vợ gom rác nhựa, chồng làm chậu hoa

Ngôi nhà nhỏ xinh của chị Hường và anh Miêng nổi bật hẳn so với các ngôi nhà khác bởi có cây hoa giấy sắc hồng tỏa rợp bóng mát trước ngõ. Bước qua cánh cổng, tôi thật sự choáng ngợp trước vô vàn chậu hoa, cây cảnh đa dạng chủng loại, sắc màu. Không chỉ ấn tượng bởi sắc hoa thế cây mà còn bởi hình thù kỳ lạ, độc đáo của những chậu hoa được đặt trật tự, ngăn nắp. Sau khi được chị Hường giới thiệu, tôi mới tỏ tường gốc tích từng chậu hoa cây cảnh. Có chậu được làm từ khăn tắm, áo len, mũ rộng vành của phụ nữ. Có loại nguyên sơ là phao nhựa, sứ cách điện… Cố nhiên, những thứ ấy đều được anh chị thu gom, lượm lặt về từ các bãi rác, bờ biển hoặc đi xin người khác.

“Vợ chồng tôi bắt đầu sử dụng rác thải nhựa làm thành chậu hoa từ tháng 10/2017. Sở thích trồng hoa của 2 vợ chồng có từ lâu lắm rồi nhưng vì gia đình không mấy khá giả nên khó có thể chi ra số tiền lớn để mua chậu về trồng. Sau nhiều lần tìm tòi, vợ chồng tôi xem trên mạng xã hội YouTube, thấy người ta hướng dẫn cách làm chậu hoa, chậu cây cảnh từ các vật dụng trong gia đình. Sau khi xem xong, chồng tôi làm thử vài chậu, thấy đẹp nên nghĩ mình sẽ làm được”, chị Hường vui vẻ kể.

Bắt tay thực hiện ý tưởng, chị Hường thu gom một số khăn tắm, khăn mặt, áo phong, áo len cũ của gia đình. Còn anh Miêng nhúng các thứ đó vào vữa xi măng. Tiếp đó, anh Miêng úp các vật liệu đã nhúng vữa lên thùng sơn nhiều kích cỡ khác nhau được lật ngược để tạo hình cho chậu.

Một “bước tiến” đưa việc làm chậu trồng hoa vì sở thích thành một nghề mang lại thu nhập hẳn hoi cho gia đình chị Hường là vào tháng 12/2017. Lúc này, chị Hường tập tễnh chơi mạng xã hội Facebook. Mỗi khi 2 vợ chồng làm được một chậu hoa, chị Hường chụp ảnh đăng lên trang cá nhân và nhận được nhiều lời động viên, tán thưởng, thậm chí nhiều người ngõ ý đặt hàng. Trong tháng đó, anh chị bán được 6 chậu hoa do khách đặt hàng trước gồm 2 chậu bán đi tỉnh Bình Thuận, 4 chậu bán cho khách ở huyện Gio Linh. Giá cả mỗi chậu giao động từ 50-70 ngàn đồng tùy theo kích thước.

Khách hàng biết đến sản phẩm chậu hoa từ vật liệu tái chế của anh chị ngày càng nhiều, lượng tương tác trên Facebook ngày càng tăng. Người quen tìm đến tận nhà hỏi mua, khách lạ thì đặt hàng qua mẫu có sẵn trên Facebook. Từ đó, anh chị có thu nhập bằng nghề phụ làm chậu hoa.

Trong một lần tổ chức trò chơi cho chị em phụ nữ tại bãi biển thôn Nam Sơn nhân dịp mùng 8/3, chị Hường thấy trên bãi biển cơ man là rác thải với các phao nhựa, phao xốp nằm ngổn ngang. Trong đầu chị lóe lên ý nghĩ: “Nhiều rác thải nhựa như vậy, tại sao mình không thu gom lại để tái chế thành chậu hoa. Vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa có thêm thu nhập cho gia đình?”. Thế là chị Hường cùng chồng đi dọc bãi biển xã Trung Giang để thu gom rác thải nhựa mang về nhà. “Phao nhựa có nhiều dạng, cái thì hình cầu, cái thì hình bầu dục. Tùy theo mỗi loại mà tôi làm thành những chậu hoa khác nhau. Còn đối với phao xốp thì tôi tạo hình thành những hòn non bộ đặt trong chậu hoặc bể lớn. Sau khi tạo hình cho phao xốp, tôi nhúng vào vữa xi măng để rồi sau đó quét thêm một lớp nước xi nữa nên rất bền bỉ và cứng cáp như đá vậy. Mô hình hòn non bộ từ phao xốp này được nhiều khách hàng thích thú đặt mua với giá khoảng 500 ngàn đồng mỗi cái”, anh Miêng cho hay.

Từ những thứ bỏ đi được xem là rác, anh Miêng đã “biến hóa” thành nhiều chậu hoa đẹp-độc-lạ. Ảnh: Trần Tuyền
Từ những thứ bỏ đi được xem là rác, anh Miêng đã “biến hóa” thành nhiều chậu hoa đẹp-độc-lạ. Ảnh: Trần Tuyền

Khoảng cuối năm 2018, ngành điện lực thay thế sứ cách điện trên các trụ điện ở xã Trung Giang. Chị Hường thấy dưới các trụ điện có nhiều sứ cách điện bị bỏ lại nên nhặt đem về nhà. Bằng đầu óc sáng tạo và đôi tay khéo léo, anh Miêng đã “hô biến” đống sứ cách điện thành những chậu hoa, cây cảnh xinh xắn đến nỗi nhân viên điện lực nhìn thấy cũng thốt lên thích thú vì ngạc nhiên. Bấy giờ, nhiều người trong thôn mới thấy được giá trị của những chiếc sứ nằm lăn lóc ngoài đồng bãi. Học theo anh Miêng, họ cũng nhặt về để làm chậu trồng hoa, cây cảnh.

Hiện nay, trong vườn nhà của vợ chồng chị Hường có rất nhiều loại cây cảnh và hoa từ dân dã tới quý phái như: Thạch thảo, mắt nai, dừa cạn, phát tài, hoa giấy, các loại phong lan, hoa hồng leo, hoa trang Nhật Bản, cây đa Ấn Độ, hoa sứ, cây si… các loại cây này được được trồng trong những chiếc chậu đẹp-độc-lạ do chính anh chị làm ra. “Mặc dù chỉ là nghề phụ nhưng các loại chậu hoa và cây cảnh của vợ chồng tôi đã đến được với khách hàng từ Nam đến Bắc. Chúng tôi chỉ tranh thủ làm vào 2 ngày cuối tuần. Mỗi tháng cũng thu về được vài triệu đồng để trang trải cuộc sống”, chị Hường chia sẻ.

Lan tỏa phong trào tái chế rác thải nhựa

Xuất phát từ niềm đam mê với thú chơi hoa, cây cảnh rồi làm ra những chậu hoa bền đẹp từ rác thải nhựa, anh Miêng và Chị Hường không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, cải thiện cuộc sống mà còn góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, tái chế rác thải nhựa, thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của người xung quanh.

Nhà chị Hường có cơ sở sản xuất nước đóng chai của người con trai cả. Qua thời gian, nhiều chai nhựa bị hư hỏng. Ban đầu, anh chị chỉ dùng dao cắt ra rồi trồng hoa vào đấy nhưng chỉ được vài bữa là chậu này lại hư. Sau đó, anh Miêng nghiên cứu rồi tạo hình, tạo khuôn, sử dụng khăn vải và vữa xi măng đúc thành chậu hoa, bình hoa có kích cỡ, hình dáng bắt mắt. Nhiều người trong thôn thấy được lợi ích nên cũng tận dụng những chai, bình đựng nước bằng nhựa để làm chậu hoa.

Chị Hường thường xuyên nhặt nhạnh những thứ có thể tái chế từ thùng rác mang về nhà. Không chỉ thế, chị còn gặp gỡ nhiều thợ xây, phụ hồ, các anh chị lao công để xin họ găng tay, mũ nón cũ để đem về làm chậu hoa, giảm thiểu rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí cả lốp xe máy cũ, chum vại vỡ, mũ bảo hiểm hỏng, túi xách rách… đều được chị Hường gom về. Qua bàn tay khéo léo của anh Miêng, đống rác thải nhựa ấy trở thành những chậu hoa xinh xắn. Chậu nào cũng được anh Miêng làm rất tinh tế, sắc sảo. Rất nhiều người sau khi tham quan vườn của anh Miêng đã “mắt chữ a miệng chữ o” bởi họ không thể tin được vô vàn thứ bỏ đi có thể bắt gặp ngổn ngang nơi thùng rác, xó đường lại được tạo hình thành những chậu hoa đẹp đến thế. Để rồi sau đó, họ học hỏi và làm theo anh Miêng, tận dụng hoặc thu gom rác thải nhựa về nhà để tự mình tái chế thành các vật dụng cần thiết sử dụng trong gia đình và làm thành nhiều chậu hoa đẹp treo nơi góc vườn xanh ngát.

Mới đây, trong buổi lễ biểu dương những tấm gương phụ nữ điển hình trên tất cả các lĩnh vực của Hội LHPN huyện Gio Linh, chị Hường vinh dự được chọn là một trong những người thuyết trình, chia sẻ kinh nghiệm tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng hữu ích. Tại buổi lễ, chị Hường chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết và niềm đam mê tái chế rác thải nhựa thành chậu hoa, cây cảnh. Chị cũng không quên tuyên truyền, vận động toàn thể chị em phụ nữ cùng chung tay bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen sử dụng, tái chế rác thải nhựa để môi trường sống xanh-sạch-đẹp hơn.

Hiện tại, chị Hường là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nam Sơn. Còn anh Miêng là Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Giang. Vợ chồng anh chị đều là đảng viên. Với vai trò là cán bộ, đảng viên, anh chị thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, thay đổi thói quen sử dụng rác thải nhựa và không xả rác bừa bãi ra môi trường. Nhờ vậy mà trong những năm gần đây, môi trường sống ở thôn Nam Sơn và các thôn lân cận được cải thiện đáng kể.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khánh thành công trình “Ánh sáng đường quê”

Phương Nga |

Ngày 19/3/2020, Huyện đoàn Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã tổ chức lễ khánh thành công trình “Ánh sáng đường quê” tại thôn Tân Trại 1 và Tân Trại 2 của xã Vĩnh Giang. Tham dự có đồng chí Nguyễn Khánh Vũ - Bí thư Tỉnh Đoàn.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 - cùng yêu thương và chia sẻ

BTV |

Có thể nói, trong đời sống xã hội, hạnh phúc là đích đến của mỗi người và con người dù ở giai đoạn lịch sử nào cũng luôn đi tìm hạnh phúc, đều ước muốn mình được hạnh phúc. 

Người Phụ nữ Vân Kiều vượt khó làm kinh tế giỏi

Lâm Phương - Văn Tiến |

Phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi và trồng trọt đã và đang là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế đối với đời sống hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở Đakrông (Quảng Trị). 

Tuyên dương đoàn viên có hành động đẹp “Nhặt được của rơi trả lại người đánh mất”

Thúy An |

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Trị vừa tổ chức tuyên dương các đoàn viên có hành động đẹp “Nhặt được của rơi trả lại người đánh mất” tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.