Phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi và trồng trọt đã và đang là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế đối với đời sống hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở Đakrông (Quảng Trị).
Thông qua mô hình trên, nhiều hội viên đã tự mình vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Chị Hồ Thị Nhoang, khóm A Rồng thị trấn Krông Klang(Đakrông, Quảng Trị) là một trong những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi.
Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình chị Hồ Thị Nhoang, thôn A Rồng thị trấn Krông Klang. Trước đây, với diện tích 5 ha đất này, gia đình chị Nhoang trồng lúa rẫy, tuy nhiên không mang lại hiệu quả. Năm 2014, được sự hỗ trợ của Hội phụ nữ thị trấn thông qua nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, chị Nhoang đã xây dựng mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp và trồng rừng. Hiện tại, mô hình của chị đã mang lại hiệu quả, giúp cải thiện đời sống và góp phần vào hành trình giảm nghèo của chính quyền địa phương.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Đakrông nên chị Hồ Thị Nhoang luôn thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn. Chị Nhoang lập gia đình và bắt đầu lập nghiệp trên vùng đất khó A Rồng. Lúc đầu chị khai hoang đất trồng lúa rẫy nhưng không hiệu quả, chuột bọ phá hết. Năm 2014, Chị được Hội phụ nữ thị trấn tạo điều kiện vay 7 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, vợ chồng chị mua 2 con bò, và chuyển sang trồng sắn. Tích lũy được ít vốn, năm 2018, chị vay thêm vốn ngân hàng, chuyển 5 ha đất sắn sang trồng rừng tràm và sắn xen kẻ, đào ao nuôi cá, mua thêm dê và lợn bản… Chị Nhoang tâm sự: “Trước đây gia đình chị khó khăn lắm, làm lụng vất vả mà vẫn luẩn quẩn trong nghèo đói. Sau đó chị được vay vốn Ngân hàng để làm mô hình này. Năm 2016, từ 2 con bò, chị chăm thật tốt sinh sản thành 6 con. Mừng chưa được bao lâu thì sau một trận mưa giông, sét đã đánh chết hết cả bầy bò của gia đình. Không nản chí, với số vốn dành dụm ít ỏi và vay thêm ngân hàng, tôi đã chị không đầu hàng số phận”
Với bản tính chịu thương, chịu khó, học hỏi, rút kinh nghiệm từ những người xung quanh, chị cùng chồng đã đồng tâm hiệp lực, vun vén đất rẫy khô cằn để trồng rừng và chăn nuôi. Nhờ biết phát huy tiềm năng lợi thế của quê hương và sự quyết tâm chịu khó tự tìm hướng đi thích hợp trên chính mảnh vườn của mình. Đến nay, chị đã có trong tay 6 con trâu bò, 20 con dê, 10 con lợn, 5 ha rừng tràm, ao cá, ruộng nước. Chị Nhoang trở thành một trong những mô hình kinh tế điển hình để Hội phụ nữ thị trấn nhân rộng trên địa bàn. Chị Phan Thị Chung, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Krông Klang huyện Đakrông cho biết thêm: “Gia đình chị Nhoang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong những năm qua với nhiệm vụ trọng tâm của hội là hỗ trợ phụ nữ xây dựng mô hình kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hội đã tăng cường công tác tuyên truyền bên cạnh đó còn hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách. Đối với gia đình chị Nhoang cũng đã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đó dể đầu tư xây dựng mô hình, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, mô hình của gia đình chị trở thành mô hình tiêu biểu, hội viên phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Với nguồn vốn và thu nhập đó, chị Nhoang đã đầu tư cho con cái học hành. Và hiện tại những đứa con của chị đều đươc đến trường. Thời gian tới, Hội LHPN thị trấn cũng tập trung làm tốt hơn công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”
Biết phát huy tiềm năng lợi thế của quê hương và sự quyết tâm, chịu khó tự tìm hướng đi thích hợp trên chính mảnh đất quê hương mình, chị Nhoang đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ đảm đang với vai trò là một người vợ, một người mẹ, chị Nhoang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình khi luôn hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới./.
(Nguồn: QRTV)