Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng người dân biên giới trên hành trình giảm nghèo

Lâm Phương - Văn Tiến |

Nằm ở địa bàn sát biên giới Việt-Lào, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay (Quảng Trị) phụ trách quản lý hơn 14 km giáp biên giới, với 5 mốc quốc giới và 2 cọc dấu; phụ trách địa bàn 02 xã A Ngo, A Bung với tổng số 1.400 hộ/5812 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều làm ăn và sinh sống, trong đó hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 40%.

 Được giao trọng trách bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh vùng biên giới, lực lượng Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay đã tích cực bám địa bàn, bám dân để vận động, tuyên truyền người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế.

 
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân canh tác cây lúa nước 

Một tháng đôi ba lần, các cán bộ chiến sĩ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay lại tranh thủ thời gian đến thăm bà con nhân dân, hướng dẫn đồng bào cách trồng cây chuối sai quả, cách chăn bón cây ngô trĩu hạt. Gia đình anh Hồ Văn Thia, thôn Ty Nê xã A Bung, trước đây thuộc diện khó khăn gần nhất xã. Mặc dù đất đai nhiều nhưng quanh năm gia đình anh chỉ trồng ngô và lúa rẫy. Không biết cách chăm sóc, nên thường xuyên mất mùa, chuột bọ phá hết, gia đình vẫn luẩn quẩn trong nghèo đói. Năm 2012, sau khi được các cán bộ chiến sĩ biên phòng tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý thức tự vươn lên trong làm ăn kinh tế, anh đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách để đầu tư nuôi lợn, chuyển đổi đất trồng lúa rẩy kém hiệu quả  sang trồng rừng, chăn nuôi bò, dê. Nhờ đó, năm 2019 gia đình anh Thia đã thoát khỏi hộ nghèo. Anh Thia chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi dù làm lụng vất vả nhưng vẫn luẩn quẩn trong nghèo đói, nhờ các cán bộ chiến sĩ thường xuyên động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tôi đã chuyển từ chăn nuôi lợn thả rong sang nuôi dê, bò và lợn nhốt chuồng, trồng rừng tràm thay vì trồng lúa rẩy hiệu quả thấp. Giờ đây, cuộc sống gia đình tôi đã đỡ hơn rất nhiều. Để có cuộc sống như hôm nay, chúng tôi rất biết ơn các cán bộ chiến sĩ biên phòng"

Trước đây gia đình ông Hồ Văn Thắng thôn Cu Tài2 , xã A Bung huyện Đakrông có cuộc sống rất nghèo khó. Ông Thắng cũng như bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở A Bung chăn nuôi chủ yếu là thả rông, không biết cách phòng bệnh nên nuôi 10 con dê thì cuối cùng còn được vài con. Nhờ các chiến sĩ biên phòng bày cho cách làm chuồng, phòng dịch bệnh mà đàn dê của gia đình ông mau lớn và sinh sôi. Ông Thắng chia sẻ: “ Bà con ở đây biết ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm. Riêng tôi, tôi coi bộ đội biên phòng như con cháu trong nhà, mỗi lần các chiến sĩ đến thăm, tôi rất vui. Các chiến sĩ vừa thăm hỏi, động viên vừa bày cho cách làm kinh tế, bày cách nuôi con dê mau lớn và không bị bệnh”.

Là đơn vị đứng chân trên địa bàn 2 xã khó khăn: A Bung và A Ngo, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay xác định nhiệm vụ tham mưu và đồng hành cùng với chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, XĐGN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của đơn vị, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, “Đền ơn đáp nghĩa”, tình cảm trách nhiệm và sự tri ân của các cán bộ chiến sỹ đối với bà con nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn, góp phần giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững. Các chiến sĩ coi đó vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm vừa thể hiện tình cảm đối với bà con nhân dân nơi đơn vị đóng quân. Thượng úy Nguyễn Thanh Sơn, Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Của khẩu Quốc tế La Lay tâm sự: “Được tham gia cùng bà con trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bản thân chúng tôi công tác ở địa bàn biên giới cảm thấy rất vui và ý nghĩa vì đã góp một phần công sức nhỏ bé cùng với bà con nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi là những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, ngoài ra còn góp sức cùng với bà con vùng biên trong công tác xóa đói giảm nghèo, từ đó bà con cung cấp cho chúng tôi những thông tin quan trọng phục vụ công tác đấu tranh nghiệp vụ cũng như xây dựng nền biên phòng toàn dân, thắt chặt mối đoàn kết quân dân nơi biên giới”

Để làm tốt công tác đồng hành cùng với người dân trên hành trình giảm nghèo, Chỉ huy đơn vị đã chỉ đạo các các Tổ triển khai các mô hình phát triển kinh tế, hướng dẫn người dân khu vực biên giới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, tiến tới xóa đói, giảm nghèo. Xác định A Bung và A Ngo là những xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao và tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các đồn đã tổ chức họp bàn, tìm giải pháp hỗ trợ các xã xây dựng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn; cử cán bộ về từng bản, cụm dân cư tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, sau đó đề xuất, lựa chọn mô hình cụ thể giúp người dân phát triển kinh tế. Cán bộ chiến sĩ biên phòng luôn bám sát địa bàn, gần gũi nhân dân, đến tận bản, từng hộ dân, thực hiện “4 cùng” – “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; trực tiếp tham gia cùng với bà con lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn trật tự, tình đoàn kết xóm bản. Qua những việc làm ý nghĩa và thiết thực đó, đã được chính quyền địa phương ghi nhận và tri ân sâu sắc. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn xác định nhiệm vụ đồng hành cùng với bà con trong công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đồn. Chúng tôi quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 861của Đảng ủy Bộ đội biên phòng về cử cán bộ tham gia phụ trách các hộ gia đình nghèo, giúp bà con vượt qua khó khăn, khảo sát một số hộ nghèo để vận động nguồn nhân lực giúp bà con phát triển kinh tế chăn nuôi theo mô hình bán chăn thả như dê, bò, gà và chuyển dịch một số loại cây trồng kém hiệu qủa sang trồng rừng, sắn, chuối. Tiếp tục thực hiện các mô hình đã có hiệu qủa trước đây…”

Có thể thấy, với những nội dung, việc làm cụ thể, hiệu quả, đông đảo cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP đã thực sự đồng hành cùng đồng bào các dân tộc vùng biên giới phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Cùng với đó, các mô hình, chương trình hành động của những người lính mang quân hàm xanh còn trực tiếp góp phần củng cố mối đoàn kết quân - dân; tăng cường thế trận biên phòng toàn dân, tạo sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Hồ Kan Lịch, nữ anh hùng người Pa Cô

Trường Giang |

Tháng 5 năm 1968, Kan Lịch được Quân khu Trị Thiên đưa ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người tặng cho một chiếc radio cùng một cây bút.

Nghĩa tình từ những phòng khám quân dân y ở vùng cao, biên giới

Trúc Phương |

Phòng khám quân dân y là hình thức kết hợp giữa lực lượng quân y của Bộ đội Biên phòng và bác sĩ tại trạm y tế các xã miền núi tỉnh Quảng Trị trong việc tổ chức khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân. Những năm qua, nhờ hoạt động của phòng khám quân dân y, sức khỏe của đồng bào vùng cao luôn được đảm bảo, nghĩa tình quân dân khăng khít hơn.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Vũ đạt Giải B, Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Q.H |

Với tác phẩm giao hưởng “Thạch Hãn cổ thành”, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Vũ (sinh năm 1970), Trưởng Khoa Âm nhạc – Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vừa vinh dự nhận giải B tại lễ trao Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014 – 2019 do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và những tiết lộ thú vị tại Hội nghị trực tuyến

PV |

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và những tiết lộ thú vị tại Hội nghị trực tuyến ngày 25.2.2020 với 700 điểm cầu toàn quốc để triển khai công tác năm 2020.