Tháng 5 năm 1968, Kan Lịch được Quân khu Trị Thiên đưa ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người tặng cho một chiếc radio cùng một cây bút.
Hồ Kan Lịch sinh năm 1943, tên thật là Kăn Lịch, người dân tộc Pa Cô. Bà là một trong những nữ dân tộc Pa Cô đầu tiên tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là người đầu tiên bắn rơi chiếc máy bay Đa-ko-ta (Douglas C-47) trên chiến trường miền Tây Thừa Thiên - Huế.
Hồ Kan Lịch sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà có chú cậu ruột là Hồ Đức Vai và em trai là Hồ A Nun đều những người hoạt động cách mạng và có công lớn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Bà đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, xung phong vào chiến trường dù tuổi đời còn rất nhỏ.
Năm 14 tuổi, Kan Lịch đã bắt đầu tham gia cách mạng. Bà theo ông Hồ Đức Vai làm nhiệm vụ giao liên cho cơ sở cách mạng ở xã Thượng Ninh, vận chuyển hàng hóa cho bộ đội gồm giấy, bút mực, pin cối, nylon, thực phẩm cùng một số thư từ, công văn quan trọng từ đồng bằng lên vùng núi A Lưới.
Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, Kan Lịch bị địch bắt và giam ở Thừa Thiên Huế suốt ba tháng. Dù bị địch tra tấn dã man nhưng bà nhất quyết không khai. Bất lực trước bà, chúng đành phải thả Kan Lịch ra. Bà trở về với A Lưới tiếp tục hoạt động.
Năm 1961, Kan Lịch làm Đội trưởng đội du kích Hồng Bắc. Lúc đầu đội du kích được phân công làm nhiệm vụ canh gác và phục vụ cơm nước cho đồng đội. Kan Lịch đã tranh thủ thời gian luyện tập quân sự và vận động chị em làm chông, bẫy, tham gia chiến đấu.
Đầu năm 1963, Kan Lịch phụ trách một nhóm du kích 7 người bí mật đánh đồn A Lưới. Đội du kích đã lọt vào đồn rồi thì địch vẫn đang ngủ say. Mọi người bàn với nhau, sau khi tước hết vũ khí của địch thì Kan Lịch sẽ hô to đánh thức địch dậy để anh em tiêu diệt. Đúng kế hoạch, sau khi tịch thu hết vũ khí, đến lượt Kan Lịch hành động, bà hô to “dậy đi các đồng chí ơi”. Địch giật mình vùng dậy nhưng không còn vũ khí trong tay, tất cả nhanh chóng bị tiêu diệt.
Hai ngày sau khi địch càn lên khu căn cứ, Kan Lịch cùng đồng đội bí mật xâm nhập vào nơi địch đóng quân để cắm chông, gài lựu đạn, khiến chúng bị thương vong một số, diệt tại chỗ 2 tên và tiếp tục đánh lui các đợt tiến công của địch.
Năm 1964, trước khí thế lớn của các phong trào các mạng, nhiều cánh quân của Mỹ được huy động đổ lên A Lưới để tổ chức các trận càn quét vào các điểm căn cứ. Kan Lịch được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy 6 chị em du kích tập kích máy bay ở sân bay A Lưới. Ngày hôm ấy, lúc 9 giờ 30 sáng, có một máy bay từ Huế lên A Lưới. Trong tay Kan Lịch cùng đồng đội chỉ có một khẩu súng trường thu được của quân Pháp. Sau 2 ngày tập trung theo dõi giữa đồi tranh nắng nóng, máy bay Mỹ đã lọt vào vị trí phục kích. Khi chiếc máy bay hạ cánh, Kan Lịch ra lệnh cho đồng đội không được bắn. Khi máy bay vừa cất cánh, Kan Lịch ngắm bắn đúng vào vị trí bình xăng. Chiếc máy bay bốc cháy các nơi xuất phát khoảng 1km, 60 tên lính và 1 đại tá Mỹ tử trận. Trước chiến công vang dội đó, bà trở thành một điển hình trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Tây Trường Sơn.
Tháng 3 năm 1965, sau một đêm vào điều tra trong sân bay A Lưới, khi trở ra, tổ du kích bị giặc phục kích bất ngờ, một tổ viên bị bắt. Kan Lịch đã bình tĩnh tổ chức chiến đấu, giết chết 3 tên địch, cứu thoát đồng đội từ tay giặc, đưa cả tổ trở về căn cứ an toàn.Từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1965, Kan Lịch chỉ huy cụm du kích các xã Hồng Bắc, Hồng Nam, Hồng Trung và 1 trung đội bộ đội địa phương bao vây đồn A Lưới. Kan Lịch đã chỉ huy anh chị em khắc phục mọi khó khăn, gian khổ giữa mùa mưa, liên tục vây hãm địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại, khiến chúng hoảng sợ không dám ra khỏi chỗ đóng quân.
Trong trận đánh lô cốt Tà Rê, Kan Lịch chỉ huy tổ du kích nhanh chóng tiêu diệt tên gác và đồng loạt nổ súng tiến công đúng lúc chúng đang tập trung giữa sân ăn cơm chiều, diệt gọn 1 trung đội địch, trong đó có 2 lính Mỹ.
Bị thua đau, địch xây lại lô cốt kiên cố và canh gác nghiêm ngặt hơn. Sau khi đã điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình địch, Kan Lịch lại dẫn tổ du kích đi đánh tiếp trận nữa, diệt thêm hàng chục tên, buộc địch phai bỏ chạy khỏi lô cốt Tà Rê. Kan Lịch còn nhiều lần dẫn các tổ nam, nữ du kích còn ít kinh nghiệm chiến đấu đi đánh bọn địch tuần tiễu, hoặc bí mật lọt vào lô cốt của chúng để rải truyền đơn, cắt dây điện thoại... lần nào cũng thu được thắng lợi, khiến anh chị em rất phấn khởi, tin tưởng, trưởng thành mau chóng.
Bên cạnh tham gia chiến đấu, Kan Lịch còn tích cực sản xuất như trồng ngô, sắn và thường xuyên vận động nhân dân tham gia cách mạng. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Kan Lịch đã chỉ huy Đội nữ du kích Hồng Bắc đánh 49 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 150 lính Mỹ, thu giữ nhiều phương tiện, vũ khí.
Với những thành tích đã đạt được, tháng 7 năm 1967, Kan Lịch được đi dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua các lực lượng giải phóng miền Nam lần thứ 2 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân. Bà là nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang đầu tiên của dân tộc Pa Cô.
Tháng 5 năm 1968, Kan Lịch được Quân khu Trị Thiên đưa ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người tặng cho một chiếc radio cùng một cây bút. Khi trở về Thừa Thiên, Kan Lịch nhớ như in lời dặn của Bác Hồ: “ Làm anh hùng đã khó nhưng giữ được danh hiệu anh hùng càng khó. Cháu luôn phải phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu đó và làm gương cho bà con noi theo. Cháu nên học tập để viết đọc biết viết, để sau này còn giúp đỡ bà con...”. Kan Lịch vinh dự được gặp Bác Hồ 7 lần trong đó có 4 lần được ăn cơm với Người tại Phủ Chủ tịch. Để nhớ ơn đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Kan Lịch lấy họ Hồ để làm họ của mình.
au ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Kan Lịch trở về A Lưới tham gia Ban chỉ huy quân sự của huyện, dù ở cương vị nào bà cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, Kan Lịch vẫn xứng đáng là con người tiêu biểu của núi rừng Trường Sơn. Hằng ngày Kan Lịch tích cực vận động bà con lên nương làm rẫy, tăng gia sản xuất, đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu. Kan Lịch không chỉ là một con người gan dạ, dũng cảm khi ở chiến trường mà còn là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó, đảm đang tháo vát khi là một người mẹ, người bà. Tấm gương của bà luôn soi sáng cho thế hệ trẻ ngày hôm nay gìn giữ và phát triển quê hương đất nước.