Những ngày tháng 2 này 41 năm về trước, khi tiếng súng ở biên giới Tây Nam tạm yên thì vào rạng sáng ngày 17/2/1979 lại bùng nổ trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Tổ quốc. Sau nhiều lần gây ra các vụ khiêu khích quân sự quy mô nhỏ, từ ngày 17/2/1979, phía Trung Quốc đã huy động hơn 60 vạn quân, trên 500 xe tăng, xe bọc thép; hàng ngàn khẩu pháo các loại... mở cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh). Đặc biệt, ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến này, mảnh đất Vị Xuyên, Hà Tuyên (nay là Hà Giang) đã trở thành chiến trường khốc liệt bởi các trận pháo kích và các cuộc tiến công của quân Trung Quốc, kéo dài dai dẳng cho tới gần 10 năm sau đó…
Thật tình cờ khi tôi được gặp mặt gần như đông đủ Ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 312 mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên 1984-1988 tỉnh Quảng Trị tại nhà riêng của ông Hoàng Kim Đương, nguyên Trưởng Ban Liên lạc ở Khu phố 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà. Chắp nối những câu chuyện, những hồi ức của các cựu chiến binh lâu lâu mới có dịp gặp nhau, hàn huyên không dứt, tôi phần nào hình dung ra một giai đoạn lên đường giữ yên bờ cõi hào hùng và bước chân thần tốc của những tân binh trẻ Quảng Trị trong đội hình tỉnh Bình Trị Thiên hướng về trận tuyến phía Bắc, chặn giặc xâm lăng từ mùa xuân năm 1979 và nhiều năm sau đó. Trong miên man câu chuyện đời thường, phiên hiệu Sư đoàn 312 anh hùng luôn được các cựu chiến binh nhắc nhớ với tất cả sự trân trọng, tự hào.
Trong ký ức cựu chiến binh Sư đoàn 312 tỉnh Quảng Trị, những địa danh ở chiến trường Vị Xuyên như điểm cao 1509, 1250, 1030, đồi Đài, đồi Cô Ích, Bình độ 1.100…với những trận đánh quả cảm, giằng co, quyết liệt, những hy sinh mất mát to lớn, những tình cảm đồng đội, đồng hương sâu nặng, nghĩa tình vẫn luôn sống động tìm về khi gặp lại nhau.
Đại đoàn 312 trước đây, Sư đoàn bộ binh 312 ngày nay là sư đoàn chủ lực, cơ động, “quả đấm thép” của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vào cuối tháng 12/1950. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sư đoàn đã lập nhiều chiến công hiển hách. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, sư đoàn cũng đã đảm nhận những địa bàn chiến đấu trọng yếu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gây cho giặc phương Bắc những tổn thất vô cùng nặng nề.
Thực tế trên chiến trường lúc bấy giờ cho thấy, sau hơn 10 ngày thực hiện ý đồ “đánh nhanh, chiếm nhanh các mục tiêu” theo kế hoạch ban đầu, quân Trung Quốc dựa vào ưu thế quân đông, vũ khí trang bị nhiều và khá hiện đại đã tiến sâu vào nội địa Việt Nam trên một số hướng, có chỗ vào sâu hàng chục kilômét. Trong những ngày đầu chiến tranh, quân và dân ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương, sử dụng lực lượng tại chỗ của Quân khu 1, Quân khu 2 là chính, có sự bổ sung một bộ phận lực lượng từ tuyến sau lên tăng cường. Trải qua 10 ngày chiến đấu, các lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc đã chiến đấu rất anh dũng, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm chậm ý định “đánh nhanh, chiếm nhanh” của quân Trung Quốc, buộc đối phương phải tung lực lượng dự bị chiến lược vào tham chiến.
Trước tình hình cấp bách đó, Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định sử dụng các binh đoàn chủ lực mạnh, sẵn sàng mở những chiến dịch phản công quy mô lớn của binh chủng hợp thành. Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, ngày 4/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký Lệnh Tổng động viên lực lượng bảo vệ Tổ quốc. Kế hoạch tác chiến chiến lược được bổ sung thảo luận thông qua. Vào thời gian này, do bị thiệt hại nặng nề mà chưa đạt được mục tiêu cơ bản đề ra, lại bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ, tối ngày 5/3/1979, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, trên hướng Vị Xuyên, chiến sự diễn ra trong thế giằng co, dai dẳng và quyết liệt. Sau khi quân Trung Quốc rút quân, từ ngày 18/3/1979 trở đi cho đến gần chục năm nữa, Vị Xuyên vẫn là trận địa nóng bỏng, chưa bao giờ ngớt tiếng pháo, đạn cối từ bên kia biên giới bắn sang, trở thành một mặt trận trọng điểm trong chính sách “gặm nhấm”, gây xung đột biên giới của quân Trung Quốc thời điểm đó. Vị Xuyên trở thành nơi “đi trước, về sau” trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược để bảo vệ biên giới phía Bắc. Trực tiếp chiến đấu, tham gia phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trong 3 đợt (1979 - 1984-1988), tỉnh Quảng Trị có gần 2.000 chiến sĩ, rất nhiều người trong số đó đã mãi mãi nằm lại chiến trường.
Cựu chiến binh Hoàng Dũng ở phường Đông Giang, thành phố Đông Hà cho biết, tháng 9/1982, ông nhập ngũ và biên chế vào đơn vị C25, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 khi vừa tròn 23 tuổi. Ngày 4/5/1984, Sư đoàn 312 nhận mệnh lệnh cơ động chiến đấu giành lại địa bàn Thanh Thủy, Vị Xuyên, tiến đánh cao điểm Xi Cà Lá, đây là một trong những cao điểm quan trọng và ác liệt nhất trên chiến trường biên giới phía Bắc. Đơn vị của ông đảm trách vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men lên cao điểm, tải thương về căn cứ. Trận đánh cao điểm Xi Cà Lá diễn ra cam go, ác liệt, ta và địch giành giật nhau từng mỏm đá, tấc đất. Đặc biệt là trận đánh ngày 12/7/1984, dù ta bị nhiều tổn thất nhưng cuối cùng cũng đã chiếm lại được điểm cao 1030 Xi Cà Lá. Trong đội hình Sư đoàn 312 tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên những năm tháng đó, có rất nhiều con em Quảng Trị sát cánh cùng đồng đội mọi miền đất nước giữ vững từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Vượt qua rất nhiều gian khổ, hy sinh nơi tuyến đầu biên giới, đơn vị của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được lệnh rút quân vào tháng 4/1988.
Năm 1982, ông Hoàng Kim Đương tạm biệt quê nhà Cam An, Cam Lộ (nay là phường Đông Giang, thành phố Đông Hà) lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện ở Sóc Sơn (Hà Nội), năm 1984, ông Đương trong đội hình Đại đội 25, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 cùng đồng đội đưa lương thực, vũ khí lên mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên, tải thương binh từ chiến trường về hậu phương. Khó có thể nói hết tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ, hiểm nguy và hy sinh mà quân và dân Vị Xuyên gặp phải trong khoảng thời gian này. Bộ đội phải chịu đựng khổ cực, thiếu thốn; mỗi ngày, một chiến sĩ được phát 3 nắm cơm với cá khô và muối rang; 3 người được cấp một can nước 5 lít dùng cho mọi sinh hoạt. Đời sống thiếu thốn cực khổ như vậy nhưng lực lượng giữ chốt vẫn vượt lên tất cả, kiên cường bám trụ đánh địch, giữ vững trận địa. Vượt qua mưa đạn ác liệt và điều kiện chiến trường cực kỳ gian khổ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một người lính nơi tuyến đầu, ông Đương trở về quê ở Khu phố 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, quay trở lại làm một người thợ mộc giỏi giang và vun vén, chăm chút cuộc sống gia đình. Ông Đương cũng là một khu phố trưởng tận tâm với thời gian đảm nhiệm chức vụ này từ năm 1999 đến nay. Mới đây, ông vừa bàn giao chức vụ Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 312 mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên 1984-1988 tỉnh Quảng Trị cho người đồng đội mình là ông Lê Văn Hội, ở xã Hải Ba, Hải Lăng.
Ngày 12/7/2017, Ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 312 Mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên 1984-1988 tỉnh Quảng Trị đã được thành lập với tổng số hội viên 127 người, Ban liên lạc gồm 13 người. Về với cuộc sống đời thường, mặc dù luôn bận rộn toan lo cuộc sống, nhưng những lần gặp gỡ nhau, những cựu chiến binh từng trấn giữ biên cương phía Bắc lại rưng rưng ôn lại những câu chuyện chiến trường xúc động. Lấp lánh trong từng câu chuyên vẫn là niềm tự hào bình dị, bởi họ là những đã người góp sức viết lên khúc tráng ca Vị Xuyên bất tử trong cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)