Bác sĩ Trương Huyền Trường, người thầy thuốc tận tâm

Trúc Phương |

Giỏi chuyên môn, yêu nghề, tận tâm là đánh giá của nhiều bệnh nhân và đồng nghiệp khi nhắc đến bác sĩ chuyên khoa I Trương Huyền Trường, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị.

 
Bác sĩ Trương Huyền Trường không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn rất quan tâm đến sức khỏe, đời sống của bệnh nhân. Ảnh: Trúc Phương 

Bác sĩ Trường sinh ra và lớn lên ở xã Gio Mai, Gio Linh. Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Huế, ông trở về phục vụ quê hương. Từ những ngày đầu mới về nhận công tác tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, ông được phân công phụ trách chương trình phòng chống lao, chuyên tổ chức mạng lưới phòng chống lao từ tuyến tỉnh về tận thôn, bản.

“Chương trình phòng chống lao là chương trình hết sức khó khăn, nguy hiểm. Đặc biệt, bệnh nhân của tôi khi ấy đa số là người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Vì điều kiện đi lại khó khăn, lại không có kiến thức về điều trị bệnh lao khiến thời gian mắc bệnh kéo dài, mức độ lây lan nhanh, việc điều trị cũng vì thế mà vất vả hơn”, bác sĩ Trường cho biết.

Để nâng cao ý thức cho người dân và cán bộ y tế tại địa bàn, ông đã xây dựng những chương trình tuyên truyền, tập huấn cách phát hiện và điều trị bệnh về tận các bản làng xa xôi. Ngoài ra còn xây dựng chương trình phòng chống lao chi tiết cho toàn tỉnh và chuyển về cho các tuyến.

Ông Trường chia sẻ thêm: “Vất vả nhất vẫn là việc kiểm tra, giám sát tại các tuyến huyện, xã, phải theo sát bệnh nhân trong quá trình điều trị, bởi bệnh nhân thường xuyên kháng thuốc. Chúng tôi không ngại đi lại vất vả, chỉ sợ bệnh nhân kháng thuốc. Bệnh lao một khi kháng thuốc thì việc điều trị sẽ rất khó khăn”.

Trước đây, quá trình điều trị lao kéo dài suốt 9 tháng, điều kiện của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh lại không đủ sức tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân mỗi ngày, thế nên ông Trường cùng đồng nghiệp phải mang kính hiển vi, dụng cụ y tế, thuốc men về thăm khám bệnh nhân tại trạm y tế các xã. Đường sá lúc đó còn khó đi, các bác sĩ phải đi xe đạp, xe đò hoặc đi bộ lên những con đường dốc núi hiểm trở ở A Vao, Ba Nang,… Có nhiều khu vực chỉ di chuyển thôi đã phải mất 1 ngày đường thế nhưng các bác sĩ của trung tâm vẫn tích cực đến tận nhà để chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân. Suốt 15 năm gắn bó tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, bác sĩ Trường đã thực hiện thành công nhiều dự án phòng chống lao, chữa trị dứt bệnh cho nhiều bệnh nhân. Kết quả của công sức và sự nỗ lực của ông cùng tập thể trung tâm là 90 - 95% bệnh nhân mắc lao phổi trong toàn tỉnh được điều trị khỏi hoàn toàn.

Năm 2014, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh được thành lập. Bác sĩ Trương Huyền Trường được cử giữ chức quyền giám đốc, sau đó là giám đốc bệnh viện từ năm 2015 đến nay. Những ngày đầu mới thành lập, bệnh viện còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất. Toàn bộ cán bộ, bác sĩ, nhân viên chỉ có 9 người nhưng lại chăm lo sức khỏe của hơn 80 bệnh nhân. Lúc đó, dù bộn bề công việc của một người quản lý, bác sĩ Trường vẫn thường xuyên thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân, trực tiếp tham gia hội chẩn, điều trị các ca nặng.

Hiện tại, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi có 78 cán bộ, bác sĩ, nhân viên. Vượt qua khó khăn, bệnh viện đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, nổi bật nhất là kết quả điều trị bệnh nhân luôn đạt 90 - 95%. Chất lượng bệnh viện trong 2 năm trở lại đây luôn đứng trong tốp 3 các bệnh viện của tỉnh. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật như chẩn đoán bằng phương pháp phân tử của vi trùng, nội soi khí phế quản…luôn được các bác sĩ của bệnh viện triển khai có hiệu quả. Khuôn viên của bệnh viện luôn xanh, sạch, đẹp. Bệnh viện đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, hằng năm luôn được Sở Khoa học và Công nghệ kiểm định.

Bác sĩ Trường cho biết thêm: “Bệnh lao là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp chứ không thể lây qua đường nước và môi trường thức ăn. Với khoảng cách từ bệnh viện đến khu vực dân cư cũng như việc xử lý nước thải theo tiêu chuẩn, chúng tôi đảm bảo cuộc sống của người dân hoàn toàn không bị ảnh hưởng hoặc không có việc bị nhiễm bệnh lao từ bệnh viện”.

Trên cương vị là giám đốc bệnh viện, thời gian qua, bác sĩ Trường luôn là tấm gương để các cán bộ, bác sĩ noi theo. Trong công tác chuyên môn, ông bảo vệ thành công hai công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về phòng chống lao và viêm phổi trẻ em. Ông luôn quan tâm đến đời sống của nhân viên và bệnh nhân. Trong năm 2019, bác sĩ Trường đã kêu gọi được trên 1,2 tỉ đồng từ các tổ chức, cá nhân thiện nguyện hỗ trợ cho bệnh nhân. Với những bệnh nhân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, bệnh viện còn cấp phiếu ăn 3 bữa/ngày, hỗ trợ chi trả viện phí và bảo hiểm…

Tấm lòng cùng những việc làm của bác sĩ Trương Huyền Trường đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho bệnh nhân và đồng nghiệp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đem yêu thương đến với bệnh nhân

Mỹ Hằng |

Có dịp cùng với các Y, Bác sỹ Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đến thăm những bệnh nhân đang điều trị tại đây, điều mà chúng tôi cảm nhận đầu tiên đó chính là sự yêu thương, đồng cảm và thấu hiểu. 

Đưa liệt sĩ Đỗ Văn Triệu về quê, sau 48 năm nằm lại ở chiến trường Khe Sanh

Hưng Thơ |

 

Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 sẽ đưa hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Triệu đến tỉnh Hưng Yên để bàn giao cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên và gia đình làm lễ truy điệu, an táng theo quy định.

Nơi kết nối và lan tỏa tình người của những thầy thuốc trẻ

Mỹ Hằng |

Đó là Câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc trẻ huyện Vĩnh Linh. Được thành lập từ năm 2013, cho đến nay, những thành viên của CLB đã cùng nhau thực hiện nhiều phần việc mang ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, làm lan tỏa tình người trong cộng đồng xã hội

Có một tập thể y bác sỹ hết lòng vì người bệnh

Phước An |

Gần 13 giờ chiều thứ sáu, ngày 14.2.2020 những bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong ca trực ở Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vẫn chưa ăn cơm trưa.