Gần 13 giờ chiều thứ sáu, ngày 14.2.2020 những bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong ca trực ở Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vẫn chưa ăn cơm trưa.
Hễ có bệnh nhân nặng vào là các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý lại sẵn sàng thực hiện các biện pháp cấp cứu, hồi sức, theo dõi diễn biến của bệnh nhân để không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Công việc của họ nhiều lúc khẩn trương, hối hả, làm việc cả ngày lẫn đêm chẳng khác nào “cuộc chiến thầm lặng” giành lại mạng sống cho người bệnh trong từng phút, từng giây.
Mà không chỉ một ngày, những ngày thường cứ lặp đi lặp lại, phải sau 12 giờ 30 phút hoặc hơn 13 giờ chiều, các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý mới có được vài chục phút thư thả để ăn trưa ngay tại khoa. Điều đó cho thấy các thầy thuốc ở đây nhiều khi thiếu đi những bữa cơm sum vầy cùng gia đình, họ phải ăn cơm từ căng tin của bệnh viện hay mua từ bên ngoài đưa vào.
Ở phòng bệnh nhân nặng thuộc Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc có hàng chục người đang nằm điều trị san sát nhau. Do bệnh nặng nên nhiều người phải thở bằng máy và được truyền serum, không cử động, di chuyển được. Những bác sĩ, điều dưỡng được phân công trực ở phòng này hầu như không một phút giây lơ là, rèn luyện thói quen chịu đựng áp lực công việc và luôn kề vai, sát cánh bên nhau để cứu chữa người bệnh. Bác sĩ Lê Thảo Sương, (26 tuổi) mới về nhận công tác ở khoa được hơn một năm tâm sự rằng, lúc mới nhận công tác, cô cảm thấy rất lo lắng và áp lực, bởi chưa quen với công việc. Vả lại từ trước đến nay cô chỉ quen tiếp xúc với những người khoẻ mạnh, còn hiện tại hằng ngày bệnh nhân ở đây toàn là những người đau ốm rất nặng, ranh giới sống chết rất mong manh. Qua thời gian được sự chỉ bảo của những bác sĩ đi trước có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn và học tập được cách ứng xử với người nhà bệnh nhân nên bây giờ cô đã quen với công việc.
Nhà của bác sĩ Sương ở khu phố 3, phường Đông Lễ, Đông Hà, chỉ cách Bệnh viện Đa khoa tỉnh vài cây số nhưng mỗi tuần cô về nhà chỉ có vài lần còn hầu hết thời gian dành cho công việc ở bệnh viện. Mà không chỉ cô Sương, những bác sĩ trẻ khác như Đặng Công Hợp, Lê Bảo, Nguyễn Văn Lãm, Võ Văn Phú hầu như gắn bó với công việc ở Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc một cách nhiệt tình, tự nguyện. Họ vừa làm việc vừa tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bác sĩ Sương nói thêm: “Có những đêm trực dài, mệt mỏi nhưng sáng hôm sau bệnh nhân mở mắt, dễ thở là thấy mình như được bù lại bao công sức đã bỏ ra và đó thực sự là niềm hạnh phúc của người thầy thuốc”.
Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc có 38 cán bộ, nhân viên, trong đó có 10 bác sĩ, 26 điều dưỡng, 2 hộ lý. Khoa có 35 giường bệnh nhưng thực tế hằng ngày luôn có trên dưới 50 bệnh nhân nằm điều trị. Với định mức 1,5-1,6 y, bác sĩ trên mỗi giường bệnh thì cần tới 75 người để phục vụ bệnh nhân, trong lúc khoa chỉ có 38 người nên ai cũng phải cố gắng làm việc cật lực. Mỗi ca trực cả ngày lẫn đêm kéo dài 24 giờ, mỗi tháng trung bình mỗi người phải trực tới 10 ngày, 10 đêm, có người trực tới 20 ngày, cho thấy về thời gian, áp lực công việc là rất lớn. Sau mỗi ca trực ở bệnh viện, nhiều người về nhà cũng chưa chắc được nghỉ ngơi trọn vẹn, có việc cần là lãnh đạo khoa gọi vào ngay. Những người thầy thuốc đã phải tạm gác lại khoảng thời gian sum họp gia đình, những phút giây thư giãn trong cuộc sống mới có thể hoàn thành công việc của bệnh viện.
Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng Khoa cho biết, đặc thù công việc ở khoa này là hồi sức tất cả bệnh nhân nặng, rối loạn chức năng sống. Nghĩa là các bệnh nhân nặng nằm bên bờ vực cái chết được đưa đến đây phục hồi làm sao để họ được sống trở lại. Đó là một công việc hết sức khó khăn, gian khổ. Ngoài việc tổ chức dây chuyền cấp cứu, điều trị, chăm sóc tích cực người bệnh tại khoa, còn phải hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống hồi sức cấp cứu tại các khoa trong bệnh viện hoặc tuyến dưới.
Trong những năm qua tập thể khoa đảm trách tốt chức năng của một khoa ở bệnh viện hạng một theo yêu cầu của Bộ Y tế, đã có nhiều nỗ lực để cứu hàng trăm bệnh nhân nặng, nguy cấp đến tính mạng, giảm tối đa tỉ lệ tử vong, không có sai sót về chuyên môn, được lãnh đạo bệnh viện, bệnh nhân và gia đình họ tin tưởng, đánh giá cao.
Để điều trị bệnh nhân hiệu quả, khoa đã đưa vào sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại như: Kỹ thuật ứng dụng tạo nhịp tạm thời tĩnh mạch trong điều trị cấp cứu các rối loạn nhịp tim chậm; can thiệp tim mạch; kỹ thuật lọc máu liên tục; nội soi tiêu hóa; ứng dụng phác đồ điều trị và các kỹ thuật chuyên môn trong điều kiện chưa đầy đủ phương tiện để điều trị thành công nhiều bệnh khó.
Không chỉ chăm lo chuyên môn mà các y, bác sĩ trong khoa còn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, trong đó có các đề tài nổi bật như: Nghiên cứu mối liên quan giữa nồng độ NT-ProBNP với một số đặc điểm lâm sàng ở bệnh nhân suy tim (được công nhận đề tài, sáng kiến, giải pháp cấp tỉnh); nghiên cứu thực trạng nhiễm virus viêm gan B ở cán bộ y tế và hiệu quả một số giải pháp can thiệp tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị; nghiên cứu mối liên quan giữa đặc điểm tổn thương hình ảnh CT. scan so não với lâm sàng và dự hậu ở bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não… Đáng chú ý là đề tài, giải pháp: “Đánh giá kết quả ứng dụng kỹ thuật lọc máu liên tục tĩnh mạch- tĩnh mạch trong điều trị suy đa tạng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh” của nhóm tác giả: Thạc sĩ Lê Văn Lâm, bác sĩ chuyên khoa II Hà Lâm Chi, bác sĩ Lê Phước Đức (Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc) đạt giải Ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ VIII (2018-2019) và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Đề tài này cũng đã được gửi đi dự thi cấp trung ương. Nhiều lần tập thể khoa cũng đã được Sở Y tế và UBND tỉnh tặng giấy khen, bằng khen với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Một số y, bác sĩ được nhận bằng lao động sáng tạo, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng Khoa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen do có thành tích, sáng tạo trong công việc, cứu sống bệnh nhân.
Hiện nay trước những diễn biến phức tạp của Covid-19 gây ra, Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh được giao nhiệm vụ nếu có các bệnh nhân nhiễm Covid-19 xảy ra trên địa bàn thì khoa đảm nhận việc điều trị bệnh nhân nặng. 10/38 cán bộ, nhân viên của khoa nằm trong Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tất cả luôn sẵn sàng vì nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)