Bây giờ là ước mơ, ước mơ thôi nhưng biết đâu trong tương lai gần nó sẽ trở thành hiện thực lộng lẫy. Khi có ai đó nhìn ra tiềm năng du lịch của vùng đất này để đầu tư vào. Du lịch cũng là ngành kinh tế sạch, nếu làm tốt nó mang lại hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn.
Ít nhất, trong chặng đời lính tráng, tôi có hai mươi năm sống trên mảnh đất này. Hai mươi năm nếm trải nắng gió, mưa bão ở vùng quê muôn vàn khắc bạc Quảng Trị. Cũng khoảng thời gian ấy, tôi kịp bén duyên ở đây một người quê gốc vùng Cùa là cô giáo tiểu học, có ba đứa con đủ nếp đủ tẻ và những bạn bè làm báo, viết văn ngang ngửa mấy lứa bên trời. Mỗi lần nhắc tới vùng đất này tâm hồn tôi lại ngân rung bao kỷ niệm, thổn thức nhớ tiếc người đã khuất xa, miên man thương quý người còn gặp gỡ như chẳng bao giờ dứt rời ra được những dư ba dĩ vãng. Sống ở đây là khộ (khổ). Khộ vì nắng, vì mưa, vì gió. Ở đâu đủ bốn mùa xuân hạ thu đông, đất này chỉ có hai khúc thời gian, mưa và nắng. Mùa nắng, nóng rát thịt da và gió... Gió, cứ tạm để đó đã, tôi sẽ nói sau vì nó có liên quan đến dàn chong chóng khổng lồ đang thong thả quay ở miền Tây Quảng Trị. Mùa mưa, thì mưa thúi đất thúi đai như mấy mạ hay kêu chứ sao nữa. Cái hình tượng mưa thúi đất thúi đai tôi nghĩ nó sinh ra nơi đây, từ cái chỗ ân tình đẻ ra câu ca dao bìu ríu nhất nhì thiên hạ: Rồi mùa toóc rạ rơm khô / Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm. Rứa đó trời ạ, cái con người chịu khộ giỏi cũng là con người thương lắm, thương nhiều. Dẫu không sinh ra ở đây nhưng mà chữ thương, thương lắm thương nhiều đã gắn kết tôi với miền gió nóng này như một cam kết lâu bền.
Có người gọi nơi đây là cửa gió. Cái thứ gió thổi ào ạt như bão khan trong sáu tháng mùa nắng chói chang. Gió mang trong nó cái nóng hừng hực, bức bối như vừa được thoát ra từ lò lửa vô hình, tên khoa học là gió phơn, dân ta gọi nôm na gió Lào. Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Nghệ An cùng chung quyền “sở hữu” loại gió này. Nhưng, gió Lào ở Quảng Trị là mạnh nhất. Có lẽ đúng thế. Không mấy ai tự hào, vinh hạnh về cái sự khổ của quê hương mình cả. Viết ra cái khổ quê nhà mà lòng đau như cắt. Tôi nghĩ Chế Lan Viên khi viết ra những câu thơ này ông đã ứa nước mắt: Con chim bỏ trời quê ta đi xứ khác / Đất chẳng nuôi người, người không nuôi nổi đất... và đây nữa, thê thống xót xa làm sao: Ôi gió Lào ơi! Ngươi đừng thổi nữa / Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ / Những đồi sim không đủ quả nuôi người... Chao ôi, sim mua vẫn thường mọc trên đất đồi cỗi cằn khô khát thế mà ở đây, Quảng Trị này nó lại như thế. Khộ. Khộ biết chừng mô mà nói. Hèn chi, tôi đã từng được nghe một câu ru bay ra từ liếp nhà tranh thế này: Cây khô xuống nác cũng khô / Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo. Lại nhớ cái đận tôi ngược gió Lào đường Chín gò lưng đạp xe về với vợ con cuối tuần mà hơi bị hãi. Xe bị gió chặn bạt chỉ nhích lên từng gang một, có khi gió thổi mạnh quá không làm sao đạp nổi phải xuống dắt bộ. May mà thời ấy còn trẻ, rượu sắn uống dăm ly chưa say, thơ đọc suốt đêm với bạn bè không mệt nên cũng chẳng thèm càu nhàu cãi cọ với gió làm gì lại còn mơ ước cái ngày gió sẽ biến thành ánh sáng, năng lượng. Mơ màng vậy thôi chứ chưa biết khi nảo khi nào gió mới được con người sử dụng thành năng lượng sạch có ích cho cuộc sống. Thời tôi mơ màng với gió đó, bữa ăn của rất nhiều gia đình ở Quảng Trị còn sắn cõng cơm và đám cỗ nào cũng không thiếu món nộm ruột chuối.
Tôi nói những điều trên với hai người bạn đồng hành trên đường vào Hướng Linh (Hướng Hoá), Trần Hoài và Hoàng Hải Lâm. Trần Hoài gọi tôi bằng chú tuy đang là Thượng tá, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Quân đội nhân dân Bắc miền Trung. Trần Hoài vừa viết báo vừa làm văn, thời rất trẻ vốn là sĩ quan công binh chuyên chỉ huy bộ đội rà phá bom mìn. Anh có mấy bút ký viết về Cồn Cỏ và Hà Nội đọc rất được bởi nhiều chất liệu đời sống, vốn văn hoá lịch sử và giàu cảm xúc. Bố Trần Hoài là Trần Biên, tác giả bút ký Đi tìm đồng đội nổi tiếng một thời. Nhà văn Trần Biên chơi với tôi, thời còn ở Quảng Trị hai anh em hay gặp nhau nói chuyện đời, chuyện thơ khá tâm đầu ý hợp. Trần Hoài gọi tôi bằng chú vì cái lẽ đó. Gọi gì mà chẳng được miễn vui vẻ, tin cậy nhau là Ok thôi. Hoàng Hải Lâm đang làm việc tại Ban Dân tộc miền núi tỉnh, một cây bút văn xuôi sáng giá của Quảng Trị, có những truyện ngắn ấn tượng in ở Văn nghệ, Văn nghệ quân đội và đương nhiên cả Cửa Việt nữa. Lâm ít tuổi hơn Hoài nhưng lại gọi tôi bằng anh, thế mới vui. Cả hai hôm nay có nhiệm vụ “tháp tùng” Đại tá Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (theo cách nói vui của Hoàng Hải Lâm) vào Hang Gió bắt con bút ký về nộp cho nàng Thùy Liên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Thượng tá Trần Hoài còn đảm nhiệm thêm nhiệm vụ lái xe và chụp ảnh.
Con đường vào Hướng Linh quanh co nhưng cảnh quan khá đẹp. Những triền lau qua mùa trổ hoa đung đưa trong nắng sớm. Hồ thuỷ điện Rào Quán nằm dưới lũng sâu in bóng mây trời. Những bản thôn của người Vân Kiều hiền hoà lần lượt hiện ra. Trần Hoài hạ cửa kính. Gió. Chao ơi, gió! Lồng lộng. Ào ào. Rào rạt. Trên nhấp nhô núi đồi. Tôi nói: “Gió nhiều ghê!”. Hoàng Hải Lâm cười: “Cửa gió mà anh!”. Bất giác nhớ tới tiểu thuyết Cửa gió của nhà văn Xuân Đức, một tác phẩm xuất sắc viết về chiến tranh. Xuân Đức là một người tài của miền đất Quảng Trị nắng gió. “Đúng rồi, cửa gió là phải. Không phải tự nhiên mà người ta chọn vùng đất này để làm nhà máy điện gió”, Trần Hoài góp chuyện.
Còn sớm, gió chưa nóng lắm nhưng vẫn phóng khoáng phi nước đại như bầy ngựa chiến. Gió tràn xuống từ Trường Sơn, chuyên cần và mạnh mẽ. Ùa vào xe chúng tôi là những cơn gió núi thổi từ Tây sang Đông. Tuy nhiên, nếu chỉ có gió vẫn thổi như ngàn năm vẫn thổi thì chắc chúng tôi không hào hứng lắm với cuộc đi này. Cái mời gọi tôi và hai bạn viết đến đây không gì khác là Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 được hoàn thành từ tháng 5 năm 2017. Quảng Trị đã đúng, hoàn toàn đúng khi chọn gió, một thứ năng lượng sạch làm quay những tua bin phát ra điện. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia nói chung và các vùng miền nói riêng vấn đề môi trường luôn phải được quan tâm. Sự tăng trưởng kinh tế hợp lý, văn hoá xã hội lành mạnh và môi trường sạch đẹp là những mục tiêu hướng tới của một quốc gia phát triển bền vững. Môi trường ô nhiễm là mối nguy hại không lường hết của cuộc sống. Chọn điện gió là để gìn giữ môi trường; lợi ích không chỉ cho hôm nay, bây giờ mà mãi tới mai sau. Con cháu sẽ biết ơn cha anh mình vô hạn khi họ được sống trong một đất nước yên bình, giàu tình thương và có môi trường trong sạch. Thiên nhiên trong sạch. Xã hội trong sạch. Phấn đấu được như thế, đất nước là nơi đáng sống của mọi người, hạnh phúc nhân dân là đấy chứ còn đâu nữa.
Khi trên bầu trời nhiều mây trắng in hình những tháp điện gió với ba cánh quạt thong thả quay hiện ra chúng tôi vẫn chưa biết nhà máy nằm ở đâu. Có không ít ngã ba, ngã tư làm chúng tôi loay hoay tìm hỏi. Trong hình dung của tôi, nhà máy chắc cũng phải hoành tráng, đồ sộ. Thế mà, nhìn ra bốn phía chỉ thấy nhấp nhô đồi núi và những chiếc chong chóng màu trắng quay trong gió bên những nếp nhà sàn của người Vân Kiều hay nhà trệt của người Kinh. Một không gian pha trộn cái hiện đại với truyền thống, làm cho tôi có cảm giác người ta đem một góc châu Âu về đặt ở Hướng Linh vậy. Cuối cùng, xe chúng tôi cũng dừng bánh trước Nhà máy điện gió Hướng Linh 2. Ngôi nhà điều hành một tầng sơn màu vàng có những cánh cửa kính trong suốt khiêm nhường nằm bên Trạm nâng là toàn bộ hình ảnh của nhà máy. Chẳng có gì đồ sộ to lớn cả. Sự đồ sộ to lớn của công trình nằm hết ở những tháp tua bin rồi chăng. Thêm một dẫn chứng về công nghiệp của thời hiện đại, không phải là những công trình dọc ngang hoành tráng với những ống khỏi sừng sững chọc trời. Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 nằm trên thôn Hoong hiền hoà, yên ắng như một khu du lịch nghỉ dưỡng vậy. Người Bru - Vân Kiều gọi đây là Hoong Kazan tức Hang Gió. Khi xây dựng nhà máy điện gió người ta phải khảo sát rất kỹ tốc độ gió. Các chuyên gia Đan Mạch và Việt Nam đã khảo sát và chọn Hướng Linh để xây dựng Nhà máy điện gió. Và Quảng Trị đã chọn Tổng công ty Tân Hoàn Cầu để giao đầu tư dự án Nhà máy điện gió này.
Người tiếp chúng tôi tại Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 là một chàng trai còn rất trẻ, Châu Khánh Lộc sinh năm 1989. Anh là nhân viên Ban Tài chính - Hành chính. Hôm nay, các sếp của Lộc do công việc đều đi vắng cả. Lộc rót mấy ly nước chè xanh mời chúng tôi uống rồi vui vẻ tiếp chuyện. Qua câu chuyện của chàng trai chúng tôi biết Tổng công ty Tân Hoàn Cầu được thành lập vào đầu năm 2005, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng và xây dựng các công trình điện đến 500kV trên phạm vi toàn quốc. Với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên có kinh nghiệm, trình độ và nhiệt huyết cao, Tân Hoàn Cầu từng bước phát triển tập trung đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh và đang trở thành doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong những năm qua, Tổng công ty đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện, điện gió trên cả nước. Hiện nay Tổng công ty đang đầu tư trên 20 dự án năng lượng điện gió và thủy điện. Riêng tại địa bàn Quảng trị, Tổng công ty đã đầu tư 4 nhà máy thủy điện Đakrông 3, Khe Giông, Khe Nghi và Hướng Phùng với tổng công suất trên 40 MW với tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Về điện gió, năm 2017, Tổng công ty đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy điện gió Hướng Linh 2, công suất 30 MW, tổng vốn đầu tư trên 1.420 tỷ đồng; năm 2018, triển khai xây dựng Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 công suất 30 MW, tổng vốn đầu tư 1.554 tỷ đồng dự kiến quý 2 năm 2019 sẽ chính thức đưa vào hoạt động. Thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục đầu tư tại đây các dự án điện gió Hướng Linh 3, 4, 5; Hướng Hiệp 2, 3 nâng tổng công suất các nhà máy điện gió tại Quảng Trị lên 240 MW. Phấn đấu đến tháng 12 năm 2020 sẽ hoàn thành hòa lưới điện quốc gia tất cả các nhà máy trên. Tổng sản lượng điện của các nhà máy đến năm 2020 là 1,2 tỷ KW/h với doanh thu trên 2.000 tỷ đồng/năm. Với sự đầu tư này sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Riêng Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 khởi công từ tháng 5 năm 2015 đã chính thức đóng điện vào trạm 110 KV hòa vào lưới điện quốc gia vào ngày 19/5/2017. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỉ đồng, gồm 15 tua bin, với tổng công suất lắp đặt là 30 MW; sản lượng điện trung bình là 122,34 triệu kWh/năm. Với công suất từ 15 tua bin điện gió này, chỉ riêng tiền thuế mỗi năm sẽ nộp ngân sách địa phương trên 20 tỉ đồng.Giữa núi đồi bao la và đất trời lồng lộng nhìn các tháp tua bin tôi có cảm giác như đang ngắm một thứ đồ chơi quen thuộc của trẻ thơ. Vâng, những chiếc chong chóng. Chong chóng giấy. Chong chóng lá dứa, chong chóng lá chuối. Quay quay quay, tít mù quay trong gió ngây thơ mặc nắng hè đổ xuống những mái tóc hoe vàng. Chong chóng và chuồn chuồn vẫn thường thấp thoáng trong ký ức tuổi thơ của nhiều người. Tôi vẫn nhớ tôi, một tay cầm chong chóng, một tay rón rén bắt chuồn chuồn đang đậu trên cọng cỏ sau vườn nhà mình. Sắp tóm được con chuồn bầu có cái đầu to như hạt lạc, bóng loáng thì có tiếng con gái cất lên sau lưng: Chuồn chuồn có cánh thì bay / Có thằng con nít giơ tay bắt chuồn. Con chuồn chuồn thấy động vụt bay đi, tôi tiếc rẻ, quay lại mắng cô bạn láng giềng kém mình ba tuổi. Cô bé thút thít khóc, tôi đến bên dỗ dành, hai đứa làm lành với nhau bằng trò chơi “vợ chồng” theo kiểu con nít vô cùng trong trẻo. Giờ hai đứa thành ông, thành bà cả rồi, nhắc lại kỷ niệm xưa, em vẫn cười tít mắt, rứa mà miềng khôông về ở với nhau hè... Cảm ơn quạt điện gió nhé, đã gợi nhắc cho tôi kỷ niệm đẹp. Tháp tua bin và ba cánh quạt thoạt nhìn có phần thanh mảnh trong không gian rộng lớn nhưng kỳ thực nó cũng lớn lắm đấy. Tháp (trụ) tua bin cao 82 mét. Cao như thế nên nó được chia làm ba đốt riêng biệt, sau đó được lắp nối lại với nhau. Mỗi cánh quạt dài 49 mét làm bằng vật liệu bền nhẹ có khả năng đàn hồi cao. Chở các đốt trụ và cánh quạt từ cảng Hòn La của Quảng Bình vào đây phải dùng đến xe siêu trường, siêu trọng đấy. Đơn vị thi công phải mở một con đường riêng bắt đầu từ cây số 32 của quốc lộ 9 vào Hướng Linh để vận chuyển an toàn nó đến công trường.
Có lẽ cũng nên miêu tả sơ bộ để bạn đọc hình dung ra quá trình dựng một tháp tua bin như thế nào. Trước tiên, cũng như mọi công trình khác phải giải phóng mặt bằng. Đụng phải nương rẫy, vườn tược, nhà cửa của dân phải lập dự án đền bù thoả đáng. Có nơi, đây là khâu vướng mắc khó gỡ. May, là khi thi công Nhà máy điện gió ở Hướng Linh việc giải phóng mặt bằng suôn sẻ. Công việc tiếp theo là đào, đổ bêtông hố móng. Sau đó, lần lượt lắp nối ba đốt tháp tua bin ký hiệu S1, S2, S3 lại với nhau. Dựng xong tháp là đến phần lắp. Lắp cục Nacelle (chứa tua bin ở trong) lên đoạn trên cùng của tháp, tiếp đó lắp bộ phận có tên là Hub rồi gắn ba cánh quạt vào đây. Thế là hoàn thành một tua bin điện gió. Nói thì dễ và nhanh nhưng làm thì không nhanh và dễ như nói. Muốn lắp dựng được tháp tua bin và gắn các cánh quạt, đơn vị thi công phải có đủ các máy móc chuyên dụng và thợ giỏi. Công việc hoàn toàn ở ngoài trời, nghĩa là chuyên gia, kỹ sư và thợ phải chịu nắng, gió dữ dằn của vùng đất này. Tôi hỏi: “Thế mùa mưa có thi công không?”. Châu Khánh Lộc cười: “Vẫn làm đấy anh ạ, chỉ trừ khi bão hoặc mưa quá to thôi. Tiến độ công trình luôn luôn là chỉ tiêu phấn đấu của Tổng công ty chúng em”. Được biết, trong quá trình thi công đơn vị cũng đã tạo một số việc làm cho bà con địa phương.
Châu Khánh Lộc đưa chúng tôi đi xem một vòng. Gọi là nhà máy nhưng rất ít người, chỉ có 15 cán bộ, công nhân làm việc tại đây. Điều tôi chú ý là có những kỹ sư trẻ người Quảng Trị đang làm nhiệm vụ điều hành nhà máy như Phan Đức Lê Hoài sinh năm 1989, quê ở huyện Hải Lăng hay Võ Thanh Long sinh năm 1987, quê ở thị trấn Khe Sanh,... Cuối cùng thì cái việc chúng tôi mong đợi cũng đã đến, được Châu Khánh Lộc dẫn đi thăm công trường thi công và tới một nơi cao nhất để chụp mấy bức ảnh kỷ niệm với những chiếc chong chóng trắng muốt đang quay ở Hang Gió. Trên nền rừng núi xanh thẫm dàn chong chóng hiện lên thật ấn tượng. Đó chính là phông của những bức ảnh chúng tôi chụp trên vùng đất tràn trề nắng gió Hướng Linh. Những bức ảnh này khi tôi đưa lên facebook được không ít bạn bè vào like. Nảy ra trong tôi một ý tưởng, biến nơi này thành điểm du lịch mới của Quảng Trị. Tại sao không? Tôi đem ý tưởng lãng mạn đó trao đổi với Hồ Văn Giang, Chủ tịch xã Hướng Linh. Này nhé, Hướng Linh có Nhà máy điện gió, có thác nước Khe Nghi, có động Voi Mẹp (tương truyền vua Hàm Nghi trong cuộc di giá ra Hà Tĩnh đã dừng ở đây), có đỉnh núi Cu Vơ... và những bản người Bru - Vân Kiều đang cư trú. Bằng nhiều cách hãy kéo du khách về đây để xem ngắm, chụp ảnh kỷ niệm với những chiếc chong chóng màu trắng khổng lồ trên miền đồi núi nhấp nhô, để trải nghiệm cùng cuộc sống và văn hoá của người dân Bru - Vân Kiều, đến động Voi Mẹp hồi tưởng tới Hàm Nghi vị Vua yêu nước từng dựng lên ngọn cờ Cần Vương chống Pháp xâm lược, lên đỉnh Cu Vơ phóng tầm mắt chiêm ngắm một vùng đất trời trùng điệp. Và, sao không nghĩ tới việc phục dựng tục đi sim độc đáo của các chàng trai cô gái Bru - Vân Kiều nhỉ. Thử hình dung xem, trong đêm trăng sáng, ai chẳng bâng khuâng khi nghe các điệu dân ca Cha chấp, Oát Xa nớt vang lên cùng điệu kèn Amam trong những cuộc đi sim trữ tình lãng mạn và cũng rất hồn hậu của các đôi trai gái Bru - Vân Kiều. Ai chẳng xao lòng khi nghe những lời ca này trong đêm trăng trải sáng bàng bạc trên những ngọn đồi lộng gió: Bóng em lấp lánh như sao mới mọc / Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu / Ta đi tìm em, em ơi / Tình em vời vợi như đêm trăng mười bảy / Ta đang lần tìm đến người, người ơi...
Bây giờ là ước mơ, ước mơ thôi nhưng biết đâu trong tương lai gần nó sẽ trở thành hiện thực lộng lẫy. Khi có ai đó nhìn ra tiềm năng du lịch của vùng đất này để đầu tư vào. Du lịch cũng là ngành kinh tế sạch, nếu làm tốt nó mang lại hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn. Cũng như Nhà máy điện gió thôi, vài chục năm trước đây mấy ai nghĩ tới hoặc tin rằng nơi Hang Gió hoang vu có một dàn chong chóng hiện đại đang quay để cho vùng đất này, tỉnh này, đất nước này những dòng điện quý giá. Ánh sáng ấy có lẽ cũng được bắt đầu bằng những ý tưởng lãng mạn của một người đầu tiên; từ không đến có bao giờ chẳng là một hành trình gian nan. Bao giờ cũng vậy, như Quảng Trị này đã đi ra từ khói lửa chiến tranh, vươn lên từ ám ảnh đói nghèo, vượt qua bao bão bùng nắng gió để có sự khởi sắc, mới mẻ hôm nay. Tôi nghĩ tới tương lai tươi sáng của vùng đất chịu thương, chịu khó và không hiếm nhân kiệt này. Lãng mạn cùng một miền đất địa linh như Quảng Trị này chẳng có gì xa xỉ cả.
Hãy nhìn kia, nơi Hang Gió dàn chong chóng đang quay, đang quay!