Cầu thủ Văn Học, ngày trở về…

Nguyễn Minh Đức |

Năm 2019, cầu thủ Trần Văn Học (sinh năm 1987), trú tại Khu phố 6, Phường 2, TP. Đông Hà, Quảng Trị nói lời chia tay bóng đá chuyên nghiệp.

Sau 18 năm gặt hái nhiều thành tích ấn tượng trong màu áo Đội tuyển trẻ, Đội tuyển quốc gia Việt Nam và các CLB: SHB Đà Nẵng, Xi măng Vicem Hải Phòng, Quảng Nam…, anh quyết định trở về Quảng Trị để mở Trung tâm Bóng đá cộng đồng Văn Học truyền “lửa” đam mê bóng đá, tuyển chọn, đào tạo và chắp cánh ước mơ cho các tài năng bóng đá đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp…

 
Danh thủ Văn Học, nguồn cảm hứng cho nhiều cầu thủ Quảng Trị trên hành trình thực hiện giấc mơ bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: MĐ 

Niềm tự hào của bóng đá Quảng Trị

Nhắc đến danh thủ Văn Học là nhắc đến một tấm gương điển hình về tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng với bóng đá, đặc biệt là những thành tích ấn tượng trong 18 năm “kết duyên” với bóng đá chuyên nghiệp. Con đường làm nên tên tuổi của anh hôm nay cũng được xem như một câu chuyện cổ tích về hành trình của một cậu bé nghèo thực hiện ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trên sân cỏ Việt Nam.

Văn Học yêu bóng đá từ nhỏ và sớm thể hiện được tài năng khi học tiểu học. Niềm vui đến với Văn Học khi được gọi vào Đội tuyển U11 Quảng Trị tham dự Giải U11 Nhi đồng toàn quốc. Qua giải này, cầu thủ nhí Văn Học định hình rõ hơn cho tương lai của mình khi muốn theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, anh biết để hiện thực hóa điều đó là không hề dễ dàng. Năm 2003, Văn Học quyết định vào TP.Đà Nẵng để thực hiện ước mơ của mình. “Những ngày đầu ở TP. Đà Nẵng, việc quan trọng nhất của Văn Học đó là kiếm một nghề để có miếng ăn qua ngày, sau đó mới tính đến việc theo đuổi ước mơ. Những lần đi bán hàng rong, nhìn các cầu thủ tập luyện trong sân vận động, Học không khỏi ước ao. Sau đó, Học mạnh dạn xin vào thử việc tại đội trẻ Đà Nẵng. Sau 2 tuần thử việc, Văn Học đã chinh phục được các huấn luyện viên, chính thức trở thành thành viên đội trẻ Đà Nẵng”, Văn Học vui vẻ nói.

Năm 2004, Văn Học được gọi vào Đội U18 TP.Đà Nẵng tham dự Giải U18 Quốc gia. Trong lần đầu tiên ra sân chơi lớn, Văn Học thi đấu khá ấn tượng, góp công vào thành tích giành giải ba. Tiếp đó, Văn Học có cơ hội chứng minh tài năng khi cùng với đồng đội giành tiếp HCV môn bóng đá nam tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Với thành tích đó, Văn Học được triệu tập vào Đội tuyển U20 Việt Nam tham dự Vòng chung kết U20 châu Á. Sự nghiệp của anh tiếp tục thăng tiến khi cùng với Đội U21 TP. Đà Nẵng đoạt Cup vô địch Giải Bóng đá U21- Báo Thanh Niên năm 2007. Từ thành công này, Văn Học được HLV Lê Huỳnh Đức đưa lên đội hình 1 SHB Đà Nẵng, trở thành cầu thủ Quảng Trị đầu tiên thi đấu ở V-League.

Kết thúc lượt đi V-League 2007, Văn Học được SHB Đà Nẵng cho CLB Quân Khu 5, CLB Hà Nội T&T mượn để có cơ hội thi đấu thường xuyên hơn, bởi lúc này, ở SHB Đà Nẵng, Văn Học không thể cạnh tranh được với nhiều tuyển thủ quốc gia Việt Nam. Đầu năm 2009, hậu vệ cánh trái Văn Học trở lại SHB Đà Nẵng và được HLV Lê Huỳnh Đức trọng dụng. Sau khi chiếm được vị trí chính thức trong đội hình SHB Đà Nẵng, anh tiếp tục HLV Calisto gọi vào Đội tuyển Quốc gia Việt Nam, góp công vào thành tích đoạt HCĐ tại Giải Bóng đá TP.Hồ Chí Minh. Kết thúc năm 2009, Văn Học cùng với SHB Đà Nẵng giành chức vô địch V-League 2009 và Cúp Quốc gia 2009; Văn Học được chọn vào đội hình tiêu biểu của V-League 2009.

 
 Cầu thủ Văn Học chắp cánh ước mơ cho các tài năng bóng đá Quảng Trị. Ảnh: MĐ

Khi phong độ lên cao, Văn Học bị tai nạn nghiêm trọng trong dịp về quê nghỉ Tết Nguyên đán 2011. Cuối năm 2011, trở lại sau chấn thương, không còn có vị trí chính thức trong đội hình SHB Đà Nẵng, anh quyết định chuyển sang thi đấu cho CLB Khatoco Khánh Hòa, rồi đến Xi măng Vicem Hải Phòng. Tại Hải Phòng, Văn Học đã tìm lại chính mình trên sân cỏ, cũng như đóng góp công sức cho Xi măng Vicem Hải Phòng giành Cup quốc gia 2014. Đến mùa giải V-League 2017, Văn Học chuyển sang thi đấu cho CLB Quảng Nam. Tại đội bóng mới, Văn Học tiếp tục duy trì phong độ ấn tượng trong thi đấu để cùng với các thành viên CLB Quảng Nam giành Cup vô địch V-League 2017, Siêu Cúp quốc gia 2017 và Á quân Cup quốc gia 2019.

Sau 18 năm chơi bóng chuyên nghiệp, Văn Học quyết định giã từ sự nghiệp cầu thủ, dù phong độ vẫn ổn định và còn 1 năm hợp đồng với CLB Quảng Nam cũng như có nhiều CLB bóng đá khác mời anh về thi đấu. Anh nói lời chia tay sân cỏ chính là muốn trở về Quảng Trị để mở trung tâm đào tạo bóng đá và chắp cánh ước mơ cho các cầu thủ bóng đá trẻ Quảng Trị trở thành hiện thực trên con đường chuyên nghiệp.

Truyền cảm hứng cho các cầu thủ trẻ

5 năm trước, khi bước vào đỉnh cao sự nghiệp, Văn Học từng nói với tôi, tâm nguyện của mình là trở về Quảng Trị tiếp sức cho bóng đá quê nhà phát triển, đem giấc mơ của các tài năng bóng đá đi tới con đường chuyên nghiệp. Nay đứng trên sân bóng đá Trường Trưng Vương, TP.Đông Hà, danh thủ Văn Học đang bắt tay thực hiện điều đó.

“Nhìn những cầu thủ nhí vui tươi, háo hức đến Trung tâm Bóng đá cộng đồng Văn Học, mình lại nhớ lại hình ảnh của ngày xưa. Học muốn đem tất cả những kinh nghiệm, trải nghiệm trong đời cầu thủ cùng tâm huyết, tinh thần trách nhiệm với bóng đá quê hương để đào tạo và phát hiện nhiều tài năng bóng đá cho Quảng Trị”, Văn Học chia sẻ. Trung tâm Bóng đá cộng đồng Văn Học chính thức đi vào hoạt động từ ngày 7/3/2020, có gần 40 học viên từ 6-15 tuổi tham gia, do danh thủ Văn Học trực tiếp dạy và có sự hỗ trợ tích cực từ các HLV, cầu thủ bóng đá phủi, phong trào Quảng Trị. Lớp học diễn ra chính thức vào các buổi chiều thứ 7, chủ nhật hằng tuần và bố trí thêm 1 ngày giữa tuần để dạy nâng cao cho các học viên. Mục tiêu là truyền niềm đam mê, yêu thích bóng đá cho các học viên; giúp các em rèn luyện sức khỏe, đạo đức và tạo môi trường lành mạnh, sân chơi bổ ích để tránh xa các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; chắp cánh ước mơ cho các em có tài năng bóng đá đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp...

Trong quá trình dạy học, trung tâm luôn theo sát các em, tìm hiểu tâm tư, ước mơ, khát vọng của các em để có những định hướng trong đào tạo. Trung tâm cũng có nhiều sự ưu tiên đặc biệt đối với các em gặp hoàn cảnh khó khăn. Lý giải về điều này, Văn Học nói, xuất phát điểm của anh cũng từ khó khăn mà lên nên thấu hiểu, cảm thông trước niềm đam mê của các em. Vì thế, chỉ cần các em có đam mê theo đuổi với môn bóng đá, trung tâm sẽ tạo cho các em sự tự tin và khát vọng vươn lên. Khi ổn định công tác đào tạo ở TP. Đông Hà, Văn Học dự định sẽ mở thêm nhiều trung tâm bóng đá cộng đồng ở các địa phương khác trong tỉnh; tổ chức giao lưu bóng đá với các trung tâm lớn trong cả nước; tổ chức các trận đấu giao hữu với học sinh nghèo miền núi, trao tặng quà cho các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn…

Trung tâm Bóng đá cộng đồng Văn Học dù mới thành lập và đi vào hoạt động nhưng tin rằng sẽ thành công vì được dẫn dắt bởi một cầu thủ có kinh nghiệm trong công tác đào tạo bóng đá trẻ. Hơn 2 năm qua, danh thủ Văn Học và nhiều cầu thủ nổi tiếng ở Quảng Nam, Đà Nẵng đã mở Trung tâm bóng đá cộng đồng TSN’s Dream tại TP.Đà Nẵng cho hơn 100 học viên, trong đó có gần 10 cầu thủ tài năng được tuyển chọn vào Trung tâm đào tạo bóng đá SHB Đà Nẵng.

Anh Nguyễn Ngọc Thảo, HLV môn bóng đá, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cho biết: “Ngày trước, tôi rất vui khi tuyển chọn Văn Học vào đội U11 Quảng Trị. Nhìn cậu học trò trưởng thành và gặt hái nhiều thành công, tôi rất vui và càng hãnh diện hơn khi Học luôn có tấm lòng hướng về quê hương. Không có gì hạnh phúc hơn khi tôi được đồng hành và hỗ trợ cho Văn Học trong việc đào tạo bóng đá trẻ Quảng Trị. Dẫu mới đi vào hoạt động, nhưng tôi tin Văn Học sẽ thành công. Bởi Văn Học đã đề ra tôn chỉ, mục tiêu hoạt động đúng với thực tế và khát vọng, đam mê bóng đá của học sinh; thiết lập được mối quan hệ liên kết với các trung tâm bóng đá lớn ở Việt Nam để các tài năng bóng đá trẻ Quảng Trị có cơ hội rõ ràng trên con đường đi lên chuyên nghiệp”.

Nhìn Văn Học hướng dẫn tận tâm, tận tình cho các học viên, càng thấy rõ, anh đang muốn truyền lửa, truyền cảm hứng bóng đá cho các em. Cầu thủ Hoàng Đức Tài, lớp 4, Trường Tiểu học Vĩnh Giang (Vĩnh Linh) vui vẻ nói: “Em biết tài năng và thành công của thầy Văn Học trong sự nghiệp bóng đá. Khi biết Trung tâm Bóng đá cộng đồng Văn Học mở lớp đào tạo bóng đá, em xin ba mẹ đăng ký theo học. Em rất vui khi được thầy trực tiếp dạy nhiều điều hay, lẽ phải. Em sẽ cố gắng thật nhiều để thực hiện ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp như thầy Văn Học”.

Ngày trở về của danh thủ Văn Học đã mang đến nhiều niềm vui, hy vọng cho những người yêu bóng đá, đặc biệt là các cầu thủ nhí có cơ hội đi trên con đường bóng đá chuyên nghiệp, đạt được thành công như các cầu thủ: Văn Học, Thái Quý, Minh Dĩ, Anh Tài..., mang về niềm tự hào cho quê hương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nhịp cầu kết nối yêu thương

Hà Trang |

Được thành lập từ năm 2016, sau 4 năm đi vào hoạt động, Tổ Công tác xã hội (CTXH), trực thuộc Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đóng vai trò là cầu nối giữa bệnh nhân, nhân viên y tế với cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ, đón tiếp, cung cấp thông tin, hỗ trợ khẩn cấp cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. 

Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng người dân biên giới trên hành trình giảm nghèo

Lâm Phương - Văn Tiến |

Nằm ở địa bàn sát biên giới Việt-Lào, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay (Quảng Trị) phụ trách quản lý hơn 14 km giáp biên giới, với 5 mốc quốc giới và 2 cọc dấu; phụ trách địa bàn 02 xã A Ngo, A Bung với tổng số 1.400 hộ/5812 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều làm ăn và sinh sống, trong đó hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 40%.

Người phụ nữ “rứa khi mô anh về” làm nước sát khuẩn tặng người dân

Hưng Thơ |

Từng nổi tiếng là người truyền cảm hứng cho những bệnh nhân cùng mắc căn bệnh ung thư vượt lên nỗi đau, nay thấy tình trạng khan hiếm các mặt hàng phòng dịch virus Corona, chị Hương lại tìm tòi học cách làm nước rửa tay sát khuẩn để tặng và bày cho mọi người làm theo.

Nghĩa tình từ những phòng khám quân dân y ở vùng cao, biên giới

Trúc Phương |

Phòng khám quân dân y là hình thức kết hợp giữa lực lượng quân y của Bộ đội Biên phòng và bác sĩ tại trạm y tế các xã miền núi tỉnh Quảng Trị trong việc tổ chức khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân. Những năm qua, nhờ hoạt động của phòng khám quân dân y, sức khỏe của đồng bào vùng cao luôn được đảm bảo, nghĩa tình quân dân khăng khít hơn.