Những “kỹ sư chân đất”

Nhơn Bốn |

Chưa từng học qua một trường lớp đào tạo cơ bản nào về cơ khí, chế tạo máy nhưng bằng trí thông minh và thực tiễn lao động, lão nông Phùng Thế Oanh ở huyện Vĩnh Linh, anh Trương Văn Hoàng, ở huyện Triệu Phong, anh Đào Văn Huy, ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã sáng tạo ra nhiều thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh. 

Nhiều sáng chế trong số đó đã được các cấp, ngành công nhận và đang được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực ...

Lão nông cải tiến máy cày

Xuất thân trong một gia đình nông dân, vì thế ông Phùng Thế Oanh (sinh năm 1958), ở thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh hiểu rõ nỗi vất vả, mong muốn, khát khao của người làm nông. Quá trình lao động nông nghiệp, ông Oanh nhận ra rằng việc làm nông theo cách truyền thống thiên về lao động thủ công, tay chân quá vất vả mà năng suất lại thấp.

Từ đó, ông Oanh đã mua chiếc máy cày hơn 60 triệu đồng để giải phóng sức người, sức kéo của trâu, bò. Nhưng rồi, chiếc máy cày chỉ làm tốt mỗi việc cày đất còn các công đoạn như làm tơi đất, bừa, rạch luống thì phải thuê các loại máy khác.

Ông Phùng Thế Oanh vận hành chiếc máy làm đất đa năng phục vụ người dân - Ảnh: N.B
Ông Phùng Thế Oanh vận hành chiếc máy làm đất đa năng phục vụ người dân - Ảnh: N.B

Nghĩ đến việc làm nông mà cái gì cũng phải thuê, phải mua sắm trong khi nhà có chiếc máy cày để không khi xong việc cày đất nên ông Oanh đã ấp ủ kế hoạch cải tiến chiếc máy cày thành máy làm đất đa năng. Đầu năm 2014, ông Oanh mua máy hàn, dụng cụ cơ khí, sắt, thép bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình.

Thấy ông Oanh bày biện la liệt các bộ phận máy móc, vật liệu ở một góc nhà và cưa, hàn suốt ngày rồi lại phá bỏ nên nhiều người thân cũng nghi ngờ đến hiệu quả mang lại. Thậm chí khi ông tháo rời các bộ phận của chiếc máy cày để nghiên cứu, vợ và các con đã hoảng hốt can ngăn bởi giá trị của nó khá lớn.

Sau một vài lần thất bại, tốn kém tiền của, công sức, cả gia đình ai cũng nghĩ ông Oanh sẽ chấm dứt việc làm “hoang đường” của mình. Thế nhưng ông Oanh không bỏ cuộc mà trái lại càng đam mê hơn, quyết tâm cải tiến máy cày thành máy làm đất đa năng.

Rút kinh nghiệm từ những lần trước, ông tìm hiểu kỹ lưỡng hơn qua internet, các video trên youtube và đã cải tiến, chế tạo thành công bộ phay làm nhỏ đất, chiếc bừa lấy mặt phẳng, bộ lưỡi cày 7 chiếc chuyên rạch luống.

Từ đó, ông đã biến chiếc máy cày đơn chức năng thành máy cày đất đa năng có thể cày, bừa, làm tơi đất, rạch luống. “Thông thường máy rạch luống gieo hạt như ngô, lạc, đậu xanh chỉ có 1 lưỡi duy nhất nhưng tôi đã sáng tạo ra trục xoay tua được 7 lưỡi. Ưu điểm của việc rạch luống 7 lưỡi đó là đảm bảo độ thẩm mỹ cao, hoàn thành công việc nhanh gấp 15 lần so với việc dùng sức kéo trâu, bò và gấp 5 - 6 lần so với máy chuyên dụng”, ông Oanh chia sẻ.

Nhận thấy lợi ích thiết thực của chiếc máy làm đất đa năng, nhiều người dân trong xã Vĩnh Giang đã hợp đồng với gia đình ông Oanh trọn gói các khâu làm đất sản xuất nông nghiệp với giá hợp lý. Để đáp ứng nhu cầu thuê làm đất ngày càng cao của người dân, tháng 9/2022, ông Oanh mua thêm một chiếc máy cày cũ có công suất lớn với trị giá 160 triệu đồng và tiếp tục nâng cấp, cải tiến thành máy làm đất đa năng.

Hiện nay tuổi đã cao nhưng ông Oanh vẫn đam mê cải tiến máy cày theo đơn đặt hàng của người dân trong vùng.

Sáng tạo để vượt lên số phận

Năm lên 6 tuổi, anh Trương Văn Hoàng (sinh năm 1969), ở thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong bị máy cày nghiền nát cánh tay phải. Thế nhưng với nghị lực, sự luyện tập thường xuyên, anh đã viết được chữ, làm thành thạo nhiều việc bằng tay trái. Từ bé, anh Hoàng đã chứng tỏ được mình là cậu bé thông minh, lanh lợi và hòa nhã.

Năm nào anh cũng đạt kết quả học tập giỏi, xếp hạng nhất, nhì lớp, thế nhưng anh Hoàng chỉ học đến lớp 10 rồi nghỉ bởi mẹ già lâm trọng bệnh, kinh tế gia đình khó khăn. Mẹ mất, anh Hoàng phải cùng bố làm lụng đủ nghề để chăm sóc cho các em ăn học.

Anh Trương Văn Hoàng đã nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cải tiến thành công máy ấp trứng - Ảnh: N.B
Anh Trương Văn Hoàng đã nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cải tiến thành công máy ấp trứng - Ảnh: N.B

Năm 20 tuổi, anh quyết định mở trang trại nuôi vịt giữa cánh đồng hoang ở cuối thôn. Ngày ấy, ai cũng hoài nghi về hiệu quả nhưng rồi chưa đầy 3 tháng sau mô hình chăn nuôi vịt thả đồng của anh đã thành công hơn mong đợi. Sự thành công đó đã tiếp thêm động lực và niềm tin cho anh Hoàng trên con đường lập nghiệp. Anh tiếp tục vay mượn bà con, anh em trong gia đình để mở rộng thêm quy mô đàn vịt.

Khi đã có trong tay một cơ ngơi khá khang trang và trang trại chăn nuôi vịt bề thế nhất thôn, anh Hoàng lại tiếp tục mở rộng sang hướng kinh doanh cung cấp con giống. Anh mạnh dạn bỏ tiền ra mua máy ấp trứng và cải tiến, sáng chế thêm hệ thống quạt, giàn phun sương để cho trứng nở ngay trong lò thay vì phải ấp thủ công bên ngoài một nửa quy trình.

“Quy trình từ khi đưa trứng vào ấp đến khi nở ra vịt con là 28 ngày, nhiệt độ luôn đảm bảo từ 37,2 – 37,5 độ. Trước đây máy ấp trứng thường chỉ đáp ứng được 1/2 công đoạn của quá trình ấp nên phải ấp thủ công bên ngoài vất vả, kém hiệu quả. Có máy này, tỉ lệ nở rất cao, chất lượng vịt giống đồng đều hơn”, anh Hoàng chia sẻ.

Để phục vụ công việc chăn nuôi, anh Hoàng cải tiến chiếc máy cày thành xe “đầu kéo” để chở nước, thức ăn, rơm khô chăn nuôi vịt. Nhiều người còn khâm phục anh Hoàng ở hướng đi và kỹ thuật nuôi vịt đẻ trên cạn. “Không ít người vẫn cứ nghĩ rằng nuôi vịt phải có nước quanh năm, đặc biệt là vịt đẻ. Thế nhưng thực tế nuôi vịt đẻ trên cạn vẫn thành công nếu biết sáng tạo.

Mỗi ngày, tôi chỉ cho vịt tắm đúng 1 lần trong hồ nước nhân tạo khoảng 45 phút, việc tắm ít giúp vịt giữ được lông khô ráo, sạch sẽ, chuồng trại không bị bẩn. Quan trọng là phải cho vịt ăn và uống đủ nước, nếu chăm sóc tốt mỗi năm một con vịt mái có thể đẻ trên 230 trứng. Và mỗi năm, tôi cho vịt xả lông, nghỉ đẻ tầm 75 ngày trước khi vào vụ sinh sản tiếp, đa số trứng thu hoạch được tôi đều đem ấp để bán con giống”, anh Hoàng cho biết.

Anh Hoàng cho rằng ở các huyện miền núi, vùng bán sơn địa trên địa bàn tỉnh vẫn có thể nuôi vịt đẻ thành công kết hợp lò ấp trứng nhằm đáp ứng nhu cầu con giống người dân. “Tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật nuôi vịt đẻ trên cạn cho mọi người và nếu ở miền núi có nhiều mô hình này thì chắc chắn sẽ góp phần giúp người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập kinh tế ổn định, khấm khá hơn”, anh Hoàng vui vẻ nói.

“Kỹ sư” chế tạo máy

Sinh ra trong gia đình có 9 anh em nên học đến lớp 11, anh Đào Văn Huy (sinh năm 1973), ở thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng phải nghỉ học giữa chừng vì gia cảnh khó khăn. Nhà làm gần 3 mẫu ruộng và hoa màu nhưng sức người thì có hạn nên anh Huy luôn nung nấu ý tưởng sáng tạo ra các dụng cụ, máy móc để việc làm nông đỡ vất vả hơn.

Năm 2004, anh Huy mua sắm máy hàn, sắt phế liệu, máy cắt cỏ đã hư hỏng về chế tạo thành máy cắt lúa cầm tay để sử dụng và bán ra thị trường. Tiếp đà thành công, năm 2006, anh tự mày mò cách hàn hơi, tìm hiểu kỹ thuật, quy trình chế tạo, hoạt động của các loại máy thông dụng và đã sáng tạo ra nhiều máy móc có giá trị.

Nhiều loại máy do anh sáng tạo nên đã không ít lần được Hội đồng giám khảo Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị ghi nhận, trao giải. Dẫu ra đời từ năm 2006 nhưng đến nay sản phẩm máy cắt củ sắn thành lát của anh Huy vẫn được người dân đón nhận, khen ngợi.

Anh Đào Văn Huy bên sản phẩm máy xay đa năng do mình sáng tạo ra - Ảnh: N.B
Anh Đào Văn Huy bên sản phẩm máy xay đa năng do mình sáng tạo ra - Ảnh: N.B

Tuy không học về chế tạo máy nhưng anh Huy là thợ sửa máy xay xát, các loại máy nổ, máy cày, máy gặt đập liên hợp có tiếng trong tỉnh. Mới đây, anh Huy đã chế tạo thành công máy xay đa năng vận hành bằng mô tơ điện. Chiếc máy này vừa cắt, xay và ép nước các loại cây, rau, củ, quả.

Chiếc máy đa năng này đang là kế sinh nhai, giúp chị Nguyễn Thị Cúc vợ anh Huy có thu nhập cao, ổn định mỗi tháng nhờ ép nước từ cây rau ngót phục vụ người làm bánh chưng, bánh tét mặt trăng trong thôn. Chiếc máy này có thể ép 1 - 2 lít nước từ cây rau ngót trong thời gian khoảng 15 phút nên hiệu quả gấp 30 lần so với ép thủ công truyền thống. Sản phẩm máy xay đa năng này đã được anh Huy gửi đi dự thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ IX năm 2021 – 2022.

Hiện nay, anh Huy đang lên kế hoạch chế tạo chiếc máy gieo hạt đa năng để phục vụ việc gieo trồng của gia đình và làm dịch vụ giúp người dân đỡ vất vả, tiết kiệm được thời gian, chi phí so với làm thủ công.

Những sáng tạo của ông Phùng Thế Oanh, anh Trương Văn Hoàng, anh Đào Văn Huy không chỉ làm lợi cho gia đình mà còn giúp ích cho nhiều người nông dân trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất ...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tấm gương sáng ở một trường học miền núi

Ngọc Trang |

Ngay từ khi là học sinh tiểu học rồi đến THCS, THPT, Nguyễn Trí Hoàng Phú học sinh lớp 12A năm học 2021 - 2022, Trường THPT Hướng Hóa (ở Khóm 3B, thị trấn Khe Sanh, Quảng Trị) luôn lập kế hoạch rèn luyện về mọi mặt cho bản thân một cách chu đáo, trong đó em đặt mục tiêu không ngừng trau dồi đạo đức, học tập lên hàng đầu.

Mãi thắp sáng ngọn lửa tri ân trên quê hương Quảng Trị anh hùng

PV |

"Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn tâm niệm phải có trách nhiệm hơn nữa với những anh hùng liệt sĩ là những người con ưu tú của các tỉnh, thành cả nước đang yên nghỉ tại quê hương mình, góp phần làm yên lòng gia đình các thân nhân liệt sĩ...", đó là tình cảm, trách nhiệm của UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng được thể hiện trong bài viết "Mãi thắp sáng ngọn lửa tri ân trên quê hương Quảng Trị anh hùng" nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7 (1947-2022), Báo Quảng Trị Online trân trọng giới thiệu.

Phạm Thế An- Kỹ sư trẻ đam mê sáng tạo

Trúc Phương |

Tuy chỉ mới công tác tại VNPT Quảng Trị 5 năm nhưng kỹ sư Công nghệ thông tin (CNTT) Phạm Thế An (sinh năm 1991) đã có nhiều sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, trong đó có những sáng kiến làm lợi lớn cho doanh nghiệp và xã hội. Vừa qua, anh vinh dự được Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trao tặng giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” năm 2022.

Ông Nguyễn Bá Lợi - Tấm gương sáng trong xây dựng nông thôn mới

Anh Vũ |

Thôn Tân Xuân 1, xã Cam Thành là một trong hai địa phương đầu tiên của huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu mức 1 vào năm 2018 và mức 2 vào năm 2021 nhờ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được nguồn lực để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Đây cũng làm địa phương đi đầu trong chỉnh trang nông thôn, xây dựng các tuyến đường hoa, vườn mẫu, tạo cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp…Thành quả đó có sự đóng góp từ những công việc cụ thể, thiết thực của ông Nguyễn Bá Lợi, năm nay 65 tuổi.