Những người con Quảng Trị đón Tết xa quê

Lê Quang Hồi |

Tết là dịp đoàn tụ gia đình. Ai cũng muốn được đón Tết bên người thân, bạn bè và đặc biệt là trên chính quê hương của mình. Vào những dịp ấy, người xa quê từ khắp nơi tìm về quê hương để có một cái Tết ấm cúng, thân mật nhất. Nhưng không phải ai cũng có được may mắn đó. Rất nhiều người Quảng Trị đã phải đón Tết ở một miền đất khác với nỗi nhớ gia đình, quê hương tha thiết.


Ở Quảng Trị, khi Tết đến, tiết trời thường có mưa phùn, gió bấc và khá lạnh. Nhưng ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng lại là mùa khô, ngày trời hanh hao nắng nóng, đêm về lại lạnh. Phố núi Pleiku nơi tôi sinh sống trong thời gian gần đây, đường quanh co, uốn lượn lên xuống, hai bên vỉa hè rộng, những cây thông trăm năm tuổi đầy thơ mộng tỏa bóng mát dịu. Những ngày cuối năm âm lịch, bà con người Quảng Trị ở đây dù tất bật chuẩn bị mọi thứ, nhưng cũng dành riêng một khoảng thời gian để gặp nhau “ăn tất niên”, hàn huyên, tổng kết… Tết vẫn đến trong hoài niệm của những người con xa xứ, với đầy đủ nét văn hóa, ẩm thực truyền thống rất riêng của quê nhà.

Sông quê - Ảnh: L.N
Sông quê - Ảnh: L.N 

Dù có đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì thì những người con quê hương Quảng Trị vẫn cố tìm một chút bóng dáng quê nhà qua hương vị tết. Và tết Nguyên đán năm nay sẽ là cái Tết rất đặc biệt với người dân Quảng Trị xa quê, bởi dịch bệnh ngăn cách, nhiều gia đình phân tán, nên cái Tết đoàn viên chỉ là mơ ước của nhiều người con xa xứ.

Hướng về quê hương, gia đình, đặc biệt là để giữ gìn nét văn hóa, truyền thống, ẩm thực đặc sắc và rất riêng của mình, những người con Quảng Trị xa quê ở Gia Lai đã thành lập Hội đồng hương Quảng Trị, rồi Hội đồng hương Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh… Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về và những ngày lễ lớn của dân tộc, của đất nước, ngày giải phóng quê hương… bà con đều gặp gỡ, hàn huyên, cùng nhau ôn lại truyền thống của quê hương và những tình cảm, kỷ niệm khó phai mờ theo năm tháng. Hội đồng hương cũng là cầu nối để mọi người chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, dạy dỗ con cháu; tự nguyện đóng góp quỹ để hỗ trợ người dân ở quê nhà những lúc thiên tai; thăm chúc tết các cụ cao tuổi, giúp các hộ gia đình khó khăn vươn lên, ổn định cuộc sống và động viên các cháu học giỏi, có thành tích cao trong học tập, rèn luyện.

Từ phố núi Pleiku đến vùng đất thủ phủ cà phê Ia Sao, huyện Ia Grai (Gia Lai) khoảng chừng 30 km, hai bên đường những vườn cà phê bạt ngàn, sai trái chín đang vào mùa thu hoạch, những khóm hoa cúc quỳ vàng rực khoe mình trong gió, nắng ở Tây Nguyên. Như một sự tình cờ không hẹn mà gặp, tại nhà anh Lê Trang, ngoài gia chủ còn có vợ chồng anh Lê Huy Tịnh, Lê Uýnh, Lê Bá Chiến Tích... tất cả họ đều là những người con Quảng Trị vào Gia Lai lập nghiệp. Khỏi phải nói niềm vui khi anh em đồng hương gặp nhau. Không biết bao nhiêu câu chuyện về quê hương, gia đình, bạn bè, đặc biệt là ký ức những ngày đón Tết, vui xuân… họ giành nhau kể. Hình ảnh bà con, quê hương cứ tái hiện theo độ dài của thời gian, như những thước phim chiếu chậm, miên man trong tiềm thức, thực sự gây xúc động.

Tôi thấy bên khóe mắt của anh Lê Trang ngân ngấn. Cũng như bạn bè, những ký ức của anh ở làng quê ùa về. Nhấp ngụm chè xanh đậm chất Quảng Trị, anh chia sẻ: “Từ xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong) gia đình tôi vào Gia Lai lập nghiệp đã hơn 40 năm. Cứ ba, bốn năm là tôi sắp xếp về quê đón Tết một lần. Vùng đất nơi tôi sinh sống có khá nhiều người dân Quảng Trị, nên hằng năm cứ đến mùa thu hoạch cà phê là bà con gặp nhau bàn chuyện chuẩn bị tết Nguyên đán.

Điều đặc biệt, đa số các món ăn ngày Tết đều mang nét văn hóa ẩm thực Quảng Trị và tự các gia đình làm lấy. Riêng gói và nấu bánh đòn (bánh tét) thì thường ba bốn nhà làm chung. Năm nay, không khí đón Tết sẽ khác hẳn. Hiện Gia Lai đang là địa phương chịu ảnh hưởng lớn của COVID-19, có nhiều khó khăn. Việc đón Tết sẽ tiết kiệm hơn, tuy nhiên bà con vẫn cố gắng để chuẩn bị mâm cỗ truyền thống tươm tất nhất để thắp hương nhớ về ông bà tổ tiên, vẫn có các món truyền thống".

Chị Nguyễn Thị Thúy Ái ở thành phố Pleiku tâm sự: "Tôi cảm thấy may mắn và tự hào khi chồng mình là một người con của quê hương Quảng Trị. Được về quê, tắm mình trong cái nắng, cái gió của vùng ven biển cát trắng và trải nghiệm cuộc sống của bà con, tôi mới hiểu hơn sự mộc mạc, chân thành và tình cảm của người dân ở quê. Đã gần 30 mùa xuân được làm dâu, trừ các năm về đón Tết ở quê, còn lại gia đình tôi vẫn giữ phong tục bữa cơm gia đình chiều ngày 30, thức đêm chờ đón giao thừa, cúng ông bà tổ tiên đầu năm mới. Ba đứa con, từ nhỏ đã được vợ chồng tôi thường xuyên giáo dục về văn hóa, truyền thống quê hương và đưa về thăm bà con, làng xóm, nên chúng cũng rất tự hào về miền quê Quảng Trị. Trong giao tiếp gia đình, chúng tôi thường dùng phương ngữ Quảng Trị, trên tinh thần “Cứ xao xuyến những mô, chừ, răng rứa, yêu biết bao dáng mạ, bóng cha côi nương khoai, roọng ló sớm chiều…”. Trong những ngày lễ, Tết, các món ăn như bún thịt vịt, cháo bột cá tràu, bánh bột lọc… thì không thể thiếu. Làng quê Quảng Trị luôn là niềm tự hào trong gia đình chúng tôi”.

Xa quê, nên mỗi người con Quảng Trị đã mang "văn hóa ăn tết" của quê mình, nhà mình đi khắp mọi miền đất nước. Vì thế, nên bà con sinh sống ở Gia Lai vẫn luôn thể hiện bóng dáng quê nhà qua tình cảm, cuộc sống và hương vị tết. Anh Lê Văn Hạnh, quê ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, vào Gia Lai lập nghiệp từ năm 1987, hiện đang là quyền Giám đốc Sở Giao thông vận tải Gia Lai, chia sẻ: “Xa quê đã lâu, nhưng trong tâm trí tôi lúc nào cũng nhớ về quê cha đất tổ, nhất là những ngày Tết đến. Làm sao quên được lúc cả nhà ngồi gói bánh đòn, bánh bột lọc, bánh in… Mạ thì rửa lá, cha chuẩn bị nếp, đậu, thịt. Rồi cả không khí se se lạnh, cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh, nghe ông mệ kể chuyện gia đình, dòng tộc, làng xóm. Nhớ cây mai trước ngõ bông vàng khoe trong nắng xuân, nhớ bữa cơm gia đình ngày đầu năm, nhớ cha mạ lúc nào cũng nói ăn no rồi các con ăn đi... Cảm giác nôn nao đến lạ thường, muốn về thật nhanh để cùng gia đình đón Tết, rồi đi thăm, chúc Tết bà con, bạn bè”.

Cùng tâm trạng xúc động khi nhớ về gia đình, quê hương, anh Trần Văn Hưng quê ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, nay đang cùng vợ mở một trường mẫu giáo ở phố núi Pleiku bộc bạch: “Tết là để về nhà, để được sống trong không khí đoàn viên gia đình. Chỉ tiếc năm nay do dịch bệnh phức tạp nên không về được, nỗi nhớ cứ nhân lên. Những ngày cuối năm, thấy cảnh người dân địa phương tất bật đi mua sắm, những chuyến xe xuôi về quê, tôi như thấy quê hương bên mình”.

Tết đến, xuân về, ước muốn của những người con Quảng Trị xa quê là năm mới bình an cho mọi nhà; quê hương đổi mới, bà con đoàn kết, phát huy nội lực, chung sức xây dựng Quảng Trị ngày càng phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Xứ Cùa, vùng quê khởi sắc

Lê Trường |

Xứ Cùa là tên gọi chung của vùng đất gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Vùng đất ba dan màu mỡ này là xứ sở của những rừng cao su xanh ngát, của tiêu nồng, chè thơm… Nơi đây còn mang đậm dấu ấn lịch sử, được coi là cái nôi của phong trào Cần Vương, là “kinh đô kháng chiến” của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam và là chiến khu cách mạng, nơi nổ ra phong trào đồng khởi đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị vào năm 1964 . Trải qua biết bao mùa xuân kể từ ngày hòa bình lập lại, chiến khu Cùa năm xưa nay đã có nhiều đổi thay.

Chồng không cho vợ về quê ngoại ăn Tết có bị phạt tiền không?

Thanh Mai |

Những ngày gần Tết, chủ đề về quê ăn tết được quan tâm, không ít người vợ than thở vì chồng khó chịu, thậm chí cấm cản không cho vợ về ngoại.

Góp sức trẻ dệt mùa xuân quê hương

Phương Nga |

“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, đó là lời Bác Hồ đã viết cho thanh niên vào mùa xuân năm 1946.

Xuân về trên những vùng quê

Mỹ Hằng |

Một mùa xuân mới nữa lại về trên quê hương Vĩnh Linh (Quảng Trị). Mọi người, mọi nhà hân hoan đón chào xuân mới với rất nhiều kết quả và thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Ở các vùng quê, không khí của mùa xuân lại càng thêm rộn ràng, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng bộ huyện nhà.