Nick Út và câu chuyện về Quảng Trị

Lê Trường |

“Tôi tên thật là Huỳnh Công Út. Khi vào làm việc cho Hãng tin Associated Press (AP) thì người Mỹ không gọi được chữ “Huỳnh” nên từ đó, người ta gọi tôi là Nick Út”. Lời chia sẻ chân tình này mở đầu cho cuộc trò chuyện giữa tôi và Nick Út - cựu phóng viên người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với bức ảnh “Em bé Napalm”. Tôi rất may mắn khi được ông chia sẻ về chuyện nghề, cũng như cái duyên với mảnh đất Quảng Trị.


Ấn tượng ban đầu của tôi về Nick Út là ông trẻ hơn so với tuổi 72 của mình, tác phong nhanh nhẹn, nụ cười thân thiện và cách trò chuyện rất gần gũi. Qua lời giới thiệu ngắn gọn, tôi bắt đầu ngay cuộc trò chuyện với ông.

Nói về chuyện nghề của mình, Nick Út - cựu phóng viên của Hãng tin AP - chia sẻ, ông sinh ra ở tỉnh Long An, nhưng những năm chiến tranh thì sống chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu làm việc tại Hãng tin AP từ năm 1966. Trong suốt sự nghiệp hơn 52 năm cầm máy, Nick Út đã chụp hàng ngàn bức ảnh về chiến tranh, thế giới người nổi tiếng ở Hollywood và mọi lĩnh vực của cuộc sống. Bởi vậy, hơn ai hết, ông thấu hiểu sự tàn khốc của chiến tranh cũng như nỗi đau mà người dân Việt Nam phải hứng chịu.

Nick Út (bên phải) và bạn đến thăm Nhà trưng bày di tích Địa đạo Vịnh Mốc - ẢNh: L.T
Nick Út (bên phải) và bạn đến thăm Nhà trưng bày di tích Địa đạo Vịnh Mốc - ẢNh: L.T

Nhớ lại thời gian tác nghiệp tại chiến trường Quảng Trị, Nick Út kể: “Ngày trước Quảng Trị là chiến trường ác liệt, với những ngày hết sức nóng bỏng của “mùa hè đỏ lửa” 1972. Lúc đó, tôi là phóng viên ảnh nên thường xuyên đến những nơi 2 bên giao tranh để tác nghiệp, như: Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh qua địa bàn các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa hay thị xã Quảng Trị với 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ… Thời điểm đó, tôi tác nghiệp hầu khắp chiến trường ở Quảng Trị và trong ký ức, nơi đây thật hoang tàn, đổ nát với những cảnh tượng đau thương”.

Hồi ức đưa Nick Út trở lại với quá khứ. Giọng ông chậm lại, ánh mắt nhìn về phía xa. Ông nhớ đến trận chiến 81 ngày đêm tại Thành Cổ Quảng Trị, nơi ông được gặp người “bạn hiền” bên kia chiến tuyến là Đoàn Công Tính.

Ông kể: “Năm 1972, tôi và Đoàn Công Tính cùng có mặt tại Thành Cổ. Tôi là phóng viên Hãng tin AP của Mỹ, còn Tính là phóng viên chiến trường của Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chúng tôi tuy cùng có một công việc, ở cùng một nơi và thời điểm, nhưng hướng máy thì lại đối diện nhau. Tính ở bên trong Thành Cổ lăn lộn cùng đồng chí để lưu lại những bức hình tái hiện chân thật về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm tại “chảo lửa” này. Còn tôi chỉ nhìn họ qua lăng kính máy ảnh chiếu lên những bức tường dài nham nhở vết đạn”.

Nick Út đến thăm di tích Sân bay Tà Cơn ở huyện Hướng Hóa - Ảnh: NVCC
Nick Út đến thăm di tích Sân bay Tà Cơn ở huyện Hướng Hóa - Ảnh: NVCC

Trở lại Quảng Trị lần này, tâm niệm của Nick Út là muốn thăm hết những địa danh đã lưu dấu chân mình trong những năm tháng chiến tranh ác liệt như: Thành Cổ Quảng Trị, di tích Trường Bồ Đề, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc… Ông tìm về đây để ôn lại những kỷ niệm của một thời làm phóng viên chiến trường. Đi cùng ông còn có những người bạn quốc tế. Họ chỉ biết đến Việt Nam, biết đến Quảng Trị qua lời kể và lăng kính chân thực của Nick Út. Chuyến đi sẽ giúp họ hiểu hơn về mảnh đất một thời đạn bom này.

“Đây là lần thứ 4 tôi trở lại Quảng Trị. Hôm nay, tôi cảm nhận một Quảng Trị rất khác. Tôi vui mừng vì mảnh đất này đã thực sự hồi sinh. Dấu tích đau thương, đổ nát của chiến tranh nay chỉ là dĩ vãng, nơi đây bây giờ đã phủ một màu xanh trù phú. Lần này, tôi đi cùng những người bạn, họ muốn làm gì điều đó cho Quảng Trị”, cựu phóng viên Hãng tin AP bộc bạch.

Ông đang muốn nói đến Dự án Childrens Library International (Thư viện cho em) do nhiều tổ chức phi Chính phủ ở Mỹ phối hợp thực hiện, trong đó có sự chung tay của Nick Út. Dự án với mục đích xây dựng các thư viện trong trường học ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Quảng Trị, hiện tại dự án đã và đang hỗ trợ các trường học khó khăn ở 8 huyện, thị xã, thành phố xây dựng thư viện cho học sinh.

Trong câu chuyện của mình, Nick Út không quên nhắc đến bức ảnh để đời trong sự nghiệp phóng viên của mình với tôi. “Em bé Napalm”, bức ảnh ông chụp em Phan Thị Kim Phúc lúc đó chỉ mới 9 tuổi và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, trần trụi tháo chạy trong hoảng loạn.

Bức ảnh có sức lay động lòng người này được đăng trên trang nhất của nhiều tờ báo lớn ở Mỹ. Dưới ống kính của ông, cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo của Mỹ và đồng minh ở Việt Nam hiện lên thật tàn khốc. Bức ảnh tố cáo mạnh mẽ sự công phá của bom đạn Mỹ đã hủy diệt sinh mệnh của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Điều này càng khiến dư luận thế giới lên tiếng vì phẫn nộ. Chính vì vậy, bức ảnh “Em bé Napalm” đã mang về cho Nick Út nhiều giải thưởng báo chí cao quý của thế giới, trong đó có giải thưởng World Press Photo và Pulitzer năm 1973; xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.

Nick Út trong lần tác nghiệp tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) vào năm 1972 - Ảnh: NVCC
Nick Út trong lần tác nghiệp tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) vào năm 1972 - Ảnh: NVCC

Những lần tác nghiệp ở chiến trường Quảng Trị cũng để lại cho Nick Út nhiều bức ảnh có giá trị. Góc nhìn của Nick Út tại chiến trường Quảng Trị đã được trưng bày tại Triển lãm ảnh “Quảng Trị - Bản hùng ca vang mãi” do UBND tỉnh phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào tháng 4/2022 trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ.

“Những bức ảnh đó tôi may mắn ghi lại được. Và hôm nay, trở lại đây, tôi muốn đến tận từng nơi, chứng kiến sự chuyển mình ở những vùng đất này. Có thể, những trải nghiệm hôm nay tại Quảng Trị và ký ức của “Mùa hè đỏ lửa 1972” sẽ là chất liệu để tôi “đối chiếu” trong nội dung của Dự án sách ảnh mang tên “Sau chiến tranh Việt Nam” tới đây của mình”, Nick Út bộc bạch.

Cuộc trò chuyện của 2 thế hệ làm báo ở 2 thời điểm khác nhau cứ thế say sưa. Gác lại ký ức, Nick Út cho tôi biết về những dự định, kế hoạch trong quãng thời gian nghỉ hưu của mình. Chia tay Nick Út bằng cái bắt tay hẹn ngày trở lại Quảng Trị, cảm nhận của tôi về ông là sự ấm áp, gần gũi và giản dị dù ông là một phóng viên, nhiếp ảnh gia nổi tiếng mà ai cũng biết. Đặc biệt, sự lăn xả với nghề để có được những tác phẩm để đời của Nick Út là tấm gương mà thế hệ phóng viên trẻ như chúng tôi phải học hỏi.

Đến nay, tình yêu và sự nhiệt huyết với nghề vẫn chưa hề vơi trong con người Nick Út. Sức khỏe không còn như xưa nhưng ông vẫn miệt mài đi đến nhiều nơi để thu vào ống kính của mình những hình ảnh chân thực của cuộc sống. Ông hứa sẽ quay lại Quảng Trị, tìm kiếm những điều mới mẻ hơn để lưu giữ trong những bức hình của mình. Quảng Trị sẽ chuyển mình, sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai. Lúc đó, qua ống kính của Nick Út, có thể những khoảnh khắc bình dị sẽ trở nên giá trị.

Nick Út tác nghiệp tại Địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh) - Ảnh: L.T
Nick Út tác nghiệp tại Địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh) - Ảnh: L.T

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hành trình trở thành Tiến sĩ của cô gái người Chăm

Diệu Hương |

TS. Lộ Nữ Hoàng Tiên là một trong những niềm tự hào cho cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận. Cô được khắc Bảng vàng lưu danh tại Hàn Quốc.

Những người con Quảng Trị một thời ở biên giới phía Bắc

Đỗ Phấn Đấu |

Như đã thành nền nếp, những ngày tháng hai hằng năm, các Cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 337 lại hội tụ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm hào hùng về những ngày tháng hai năm 1979 - chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Người cắt tóc miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân nghèo Quảng Trị

PV |

Ngoài tổ chức cắt tóc miễn phí hàng tuần tại Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Phong, anh Giáp thường xuyên cắt tóc miễn phí cho trẻ em nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Trị.

Thanh niên miền núi làm giàu với mô hình kinh tế tổng hợp

Bích Liên |

Những năm qua, phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, đầu tư những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.